DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Bí mật xác ướp thú vật ở Ai Cập

14/5/2015
BÍ MẬT VỀ XÁC ƯỚP THÚ VẬT CỔ Ở AI CẬP
Trần-Đăng Hồng, PhD
 
Egypt

Tối Thứ Hai 11/5/2015 Đài truyền hình BBC2 ở Anh chiếu chương trình Horizon (Chân trời) “70 million Animal Mummies: Egypt’s Dark Secret” (70 triệu xác ướp thú vật: bí mật Ai Cập) bật mí về xác ướp động vật cổ chứa trong các hầm mộ ở Ai Cập. Người Ai Cập cổ đại không những ướp xác người chết (mummy) mà còn ướp xác động vật.

Ngoài một số ít xác động vật ướp tìm thấy trong kim tự tháp và đền đài cổ, người ta khám phá có trên 30 hầm mộ khổng lồ tàn trữ xác động vật ướp, chứa từ nền cho tới trần hầm, trên triệu xác ướp mỗi hầm. Các nhà khoa học ước tính có khoảng 70 triệu xác động vật ướp (animal mummy) ở Ai Cập trong thời gian từ 3 đến 4 ngàn năm nước. Mỗi hầm mộ tàn trữ xác ướp của một loại động vật, như chó, mèo, nhiều giống chim từ chim sơn ca Ibis tới diều hâu, đại bàng, bò mộng, khỉ, v.v. từ động vật nhỏ xíu như chuột chũi cho tới động vật lớn như cá sấu. Tất cả động vật có mặt ở Ai Cập đều có xác ướp, ngoại trừ heo và hà mã (hippo). Một xác ướp làm kinh ngạc mọi người là một con cá sấu mẹ với 6 cá sấu con cùng ướp chung trong một bọc lớn.
 
Crocodile scan
Xác ướp cá sấu

Tại Bệnh Viện Nhi Đồng Hoàng Gia Manchester (Royal Manchester Children's Hospital) một toán gồm chuyên gia chụp hình quang tuyến X và các nhà nghiên cứu Ai Cập cổ đại dùng các phương tiện tân tiến nhất của ngành y khoa như CT Scanner và máy quang tuyến X để rọi hình ảnh hơn 800 xác ướp thú vật khai quật ở Ai Cập trong thế kỷ 19 và 20. Đây là một công trình khảo sát khoa học quy mô nhất để xem bên trong các bọc xác ướp chứa gì, bởi vì xác ướp có liên quan đến tôn giáo thời cổ đại Ai Cập.

Nhóm nghiên cứu khám phá rằng: một phần ba bọc xác ướp chứa bộ xương thân thể con thú nguyên vẹn cùng với các bộ phận không bị hủy diệt như lông, móng sau hơn 3000 năm; một phần ba bọc xác ướp chỉ chứa một vài bộ phận tượng trưng của con thú như ít xương, lông, vỏ trứng, v.v.; và một phần ba bộ xác ướp thì không chứa dấu vết gì của con thú mà chỉ chứa rơm rạ.

Nhóm chụp hình quang tuyến kinh ngạc về một xác ướp nhìn bên ngoài thấy có hình dạng con mèo còn tai và mũi, nhưng chụp hình quang tuyến X thì chỉ thấy ít mảnh xương mèo được bọc bên trong.

Đó là những khám phá làm kinh ngạc. Phải chăng ở xã hội Ai Cập cách đây trên 3000 năm đã có nhóm ướp xác giã mạo trên quy mô lớn?

Theo các nhà nghiên cứu về tôn giáo cổ đại Ai cập thì dân Ai Cập tin là con người cũng như con thú đều có linh hồn sau khi chết. Con người cũng như con thú đều rất linh thiêng. Hình ảnh con khỉ chó baboon hong nắng lúc mặt trời mọc giống như đang dang tay nâng mặt trời lên cao, tạo ấn tượng linh thiêng tạo sinh ra vũ trụ. Con chim bay qua mặt trời lúc hoàng hôn làm dân Ai Cập nghĩ đến chim Ibis bay về cỏi trời mang theo sứ mạng tường trình. Chim linh Ibis vì vậy được bắt và ướp xác hàng triệu con để tế lễ vì chim có sứ mạng mang theo lời khấn nguyện của mình đến đấng Thoth là vị thần của thông thái và văn học. Chính vì vậy mà giống chim này bị tuyệt chủng ở Ai Cập. Mỗi loài thú đều linh thiêng và làm sứ mạng giao tiếp với thần linh (ngoại trừ heo và hà hà mã). Theo các nhà khảo cứu tôn giáo thì người Ai Cập cổ đại không lo sợ hay buồn vì sự chết, mà buồn vì sự sống hiện tại, chết là được giải thoát đến một thế giới tốt đẹp hơn, và ướp xác là phương cách để linh hồn tồn tại mãi mãi sau khi chết. Các nhà tu giết con thú, ướp xác và đặt trong hầm mồ dưới cái tên của tín đồ theo ước nguyện gởi đến vị thần linh. Con bò mộng là con vật linh thiêng được tôn thờ, và khi chết được ướp xác để thờ như con người.
Nhóm nhiếp ảnh Horizon của BBC2 đi khắp Ai Cập để quay phim các hầm mộ xác ướp thú. Saqqara là một đền cổ cách Cairo một giờ lái xe có một hầm mộ chứa trên 8 triệu xác ướp chó. Dân địa phương vẫn còn tập tục cúng dâng xác chó ướp vào cổ mộ này. Cổ mộ khác chứa trên 2 triệu xác ướp chim thần Ibis. Nhóm Horizon cũng chiếu các nhà khoa học của nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Úc đến làm nghiên cứu DNA, vẽ bản đồ vị trí hầm mộ, thiết kế bên trong hầm mộ, nghiên cứu tôn giáo cổ đại và nhiều nghiên cứu khác, có người trải thời gian tới 20 năm ở đây.
Các nghiên cứu cho thấy là nhu cầu ướp xác thú vì mục đích tôn giáo quá cao so với số thú bắt được, nên có công nghiệp nuôi thú rất phát triển thời đó nhưng vẫn không đủ, con thú chưa trưởng thành đã phải cung cấp cho các nhà tu làm xác ướp, và vì vậy tạo ra giã mạo xác ướp. Đâu có tín đồ nào dám mở bọc bao xác ướp để xem thật hay giả, nhưng ngày nay với các máy rọi quang tuyến X, CT Scan thì thấy rõ bên trong chứa đựng những gì. Tuy nhiên có nhà khoa học cho rằng đây không phải giã mạo, mà là đức tin, chỉ cần vài vật gì có liên quan đến con thú như cái tổ hay võ trứng cũng đủ tượng trưng cho xác ướp được linh thiên.

Mời xem Youtube: 70 million Animal Mummies: Egypt’s Dark Secret
 
 

Reading, 12/5/2015
 
Trần Đăng Hồng, PhD