DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Tại sao đàn bà sống lâu hơn đàn ông

3/12/2015
 

TẠI SAO ĐÀN BÀ SỐNG LÂU HƠN
ĐÀN ÔNG

 

Trần Đăng Hồng, PhD


 



Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2012 là 74,35 tuổi, riêng đàn bà thọ trung bình 76,21 tuổi còn đàn ông chỉ 72,33 tuổi. Cũng trong danh sách này, dân Nhật sống thọ nhất thế giới, trung bình 82,73 tuổi, đàn bà 86,96 còn đàn ông 79,29 tuổi. Một cách tổng quát, tuổi thọ trung bình của đàn bà bao giờ cũng cao hơn đàn ông khoảng 5%, tức từ 3 đến 7 năm, tùy theo quốc gia. Không những chỉ ở người, khuynh hướng giống cái cũng sống thọ hơn giống đực ở động vật. Vậy những nguyên do nào tạo sự cách biệt như vậy. Sau đây là các lý do đã được các nhà khoa học nghiên cứu cho biết.

Khác biệt về hệ di truyền giữa phái nam và phái nữ. Con người có 23 cặp nhiễm thể (chromosomes), trong mỗi cặp một nhiễm thể đến từ cha, một nhiễm thể đến từ mẹ. Các cặp nhiễm thể từ số 1 đến 22, gọi là autosomes, thì không có gì khác biệt giữa phái nam và nữ. Riêng cặp nhiễm thể số 23 chi phối về phái, gọi là nhiễm-thể-giới-tính (gonosomes). Ở phái nữ hai nhiễm-thể-giới-tính giống nhau (XX), còn phái nam có 2 nhiễm-thể-giới-tính khác nhau (XY), nhiễm thể Y ngắn hơn. Nhiễm thể Y mang gen SRY chi phối thành phái nam, làm hòn dái phát triển, tạo hormone nam giới để tạo thành con trai. Nhiễm thể X có khoảng 1000 gen, trong khi nhiễm thể Y ngắn hơn chỉ có 76 gen.

Hình 1. Nhiễm-thể-giới-tínhi ở phái nam (XY) và phái nữ (XX). Các chấm đỏ là gen hoạt động, phần màu xám là khu vực bất-hoạt-động, còn vùng vàng là vùng bán-hoạt-động.

 

Chú ý là nhiễm thể Y của phái nam chỉ chứa ít gen (76 gen), còn nhiễm thể X vị trí tương ứng ở phái nữ (X bên phải) thì chứa nhiều gen nhưng đa số là bất-hoạt-động. Vì vậy, phái nam XY và phái nữ XX hoàn toàn giống nhau về các đặc tính khác, vì chính nhiễm thể X (X bên trái) của hai phái giống hệt nhau chi phối.

Phái nữ có hai X chứa trên 2000 gen, trong khi phái nam chỉ có một X và Y chứa không tới 1100 gen, vì vậy theo thời gian nếu có gen nào bị hư hại thì phái nữ còn gen tương ứng thay thế để sửa chửa, còn phái nam không có gen để sửa chửa, nên dễ có khuynh hướng nguy cơ bịnh tật.

Phái nữ có hệ thống miễn nhiễm tốt hơn phái nam. Các nghiên cứu ở Đại Học Y Khoa Imperial College School of Medicine ở London cho biết đàn bà được sinh ra có hệ thống miễn nhiễm rất mạnh bảo vệ cơ thể chống bệnh tật ở tuổi xế chiều. Các nhà khoa học ở đại học này nghiên cứu T-tế-bào trong bạch huyết cầu (T-cell, T-lymphocytes) ở 46 đàn ông và đàn bà khỏe mạnh trong lứa tuổi 20 đến 62. T-tế-bào bảo vệ cơ thể chống cự lại các mầm bệnh chết người như vi trùng, virus và nấm.

Ở cả hai phái, tuyến thymus sản xuất T-tế-bào, nhưng càng lớn tuổi thì sản xuất ít hơn. Tuy nhiên ở đàn bà T-tế-bào nhiều hơn ở đàn ông có cùng số tuổi.

Nghiên cứu thống kê cũng ở đại học này cho thấy số người chết vì bệnh sưng phổi và cúm trong thời gian 1993 và 1998 thì đàn ông chết nhiều hơn đàn bà, do sự khác biệt hoạt động của tuyến thymus giữa hai phái.

Khác biệt về nhịp tim đập. Ở người đàn bà, trong thời gian kinh nguyệt hàng tháng, tim đập mạnh và nhiều hơn, có lợi ích cho sức khỏe tương đương với tập thể dục. Như vậy, đàn bà ít có nguy cơ đau tim hơn đàn ông.

Kích thước thân thể. Đàn ông thường to cao hơn đàn bà, chứa nhiều tế bào hơn, như vậy có nhiều cơ hội bị đột biến (mutation) nguy hại ở tế bào; ngoài ra cơ thể to lớn thì tiêu thụ nhiều năng lượng nên tế bào dễ bị hao mòn hư hại hơn, tóm lại đàn ông có nhiều nguy cơ bị bệnh tật nguy hại hơn.

Kích thích tố testosterone làm giảm thọ. Một thống kê dựa vào lịch sử ở triều đình Triều Tiên vào thế kỷ 19 cho thấy 81 thái giám bị hoạn trước tuổi 15 đều có tuổi thọ trung bình trên 70, trong khi các quan khác trong triều đình chỉ thọ trung bình 50, còn nhà vua thì thấp hơn nữa. Động vật bị hoạn cũng sống lâu hơn. Các thống kê ở trong nhà tù hay nhà thương thời trước cho biết tù nhân hay bệnh nhân bị thiến (để chửa một số bịnh) sống lâu hơn, nhất là thiến lúc tuổi trước 15. Kích thích tố testosterone sản xuất bởi hòn dái làm đàn ông khác đàn bà ở giọng nói, mọc râu và lông ngực, đầu sói khi già. Testosterone làm cơ thể mạnh hơn trong đoản kỳ, nhưng trong trường kỳ làm đàn ông dễ bị đau tim, nhiễm trùng, ung thư nhất là tiền tuyến liệt (prostate cancer) về sau. Testosterone cũng làm tế bào mau già nua.

Kích thích tố phái nữ oestrogen là một chất “chống oxit hóa” (antioxidant). Oestrogen tẩy sạch các độc tố trong tế bào. Thí nghiệm ở động vật, giải phẫu cắt bỏ bộ trứng, không còn sản xuất oestrogen, con vật chết sớm hơn, lý do là tế bào không sửa chửa được các hư hại phân tử.

Đàn ông làm việc nặng nhọc hơn với nhiều hiểm nguy tai nạn nghề nghiệp cũng là một yếu tố đàn ông chết sớm hơn đàn bà.

Lối sống không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu, ăn nhiều quá thức ăn độc hại sức khỏe, thiếu vận động thể dục làm giảm tuổi thọ chung cho hai giới, theo một nghiên cứu mới đây ở Hoa Kỳ, tuy nhiên đàn ông thường sống bừa bãi hơn đàn bà. Đàn ông Nga chết trước đàn bà 13 năm vì uống quá nhiều rượu và hút thuốc như ống khói phun.

Tóm lại, đàn bà được thiên nhiên ưu đãi để sống lâu hơn, làm tròn nhiệm vụ sinh đẻ nặng nhọc và nuôi dưỡng con cái cho mục tiêu sinh tồn nòi giống. Đàn ông khi xong nhiệm vụ thì “vắt chanh bỏ vỏ”.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Jenny Hope (30/11/2015).Why women live longer than men. http://www.dailymail.co.uk/health/article-72255/Why-women-live-longer-men.html

David Robson (2/10/2015). Why women live longer than men. http://www.bbc.com/future/story/20151001-why-women-live-longer-than-men

Deevybee (11/5/2011). The X and Y of sex differences. http://deevybee.blogspot.co.uk/2011/05/x-and-y-of-sex-differences.html

Reading, 12/2015.