DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Con rắn trong văn học dân gian


1/2013 - Xuân Quí Tị




 

Nghe tới rắn, ai cũng sợ mặc dầu có nhiều người chưa hề thấy con rắn lần nào. Đối với mọi người, rắn biểu hiệu cho xấu xa, hung dữ, hiểm độc.


Hình ảnh con rắn thường được dùng để mô tả người có tướng mạo xấu: "Bạnh cổ như cổ hổ mang", còn  mắt "Thao láo như mắt rắn ráo", giọng nói "Oai oái như rắn bắt nhái", tướng đi “Thẳng như rắn bò" hay "Len lét như rắn mùng năm", còn tánh tình "khẩu Phật tâm xà", lòng dạ “ấp rắn trong lòng”, hay hạng người ác độc như "hang hùm miệng rắn", “Miệng hùm rắn độc”,Miệng hùm nọc rắn”, và hành vi ngậm máu phun người "rắn đổ nọc chỗ lươn", bởi vì “Nọc người hơn mười nọc rắn”. Trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du cũng có một câu về rắn (câu 2016): “Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này”.

Xà cung thạch hổ” ám chỉ hạng người đầy nghi kỵ, thấy nhánh cây cong tưởng rắn, thấy hòn đá tưởng cọp dữ. Các thầy tu phá giới thì mang danh “Sư hổ mang”.

Nguy hiểm nhất cho đất nước là hạng “cõng rắn cắn gà nhà”, một loại “Rước voi về dày mả tổ” làm nước mất nhà tan.

Để xử thế ở đời, người lành phải xa lánh kẽ dữ, như cóc nhái không thể nào sống chung sống được với rắn “Rắn rết bò vào, cóc nhái bò ra”. Cũng đừng dại “áp rắn vào ngực” có ngày nó phản bội cắn chết, giống như “nuôi ong tay áo” vậy. Người Việt chúng ta đã từng có kinh nghiệm đau thương này.

Vì vậy, cần phải cảnh giác những ai có lời quá ngọt ngào "Nói rắn trong lỗ cũng phải bò ra", mà bị lầm, hối hận không kịp.

          Con rắn hổ đất nằm trên cây thục địa

Con ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên

Trách anh bạn tình gian dối đảo điên

Gạt em xuống chốn huỳnh tuyền bỏ em



 

Để rũa ai, dân gian có những câu: đồ thứ “chằn ăn trăn quấn” hay “hùm tha rắn cắn”.

Trong một công sở mà chuyên viên làm việc chỉ biết “Vẽ rồng vẽ rắn” hay  "vẽ rắn thêm chân" thì chắc chắn có kết quả "đầu rồng đuôi rắn", đúng là bọn vô tích sự cho xã hội.

Còn hạng người không có kiến thức, thuộc loại “Ếch ngồi đáy giếng thấy trời bằng nia”, cũng tương tự như rắn chui rúc trong hang hốc bọng cây

Tuổi Tỵ rắn ở ngọn (bọng) cây

Nằm khoanh trong bọng có hay việc gì!

 

Nhiều người tin là “ Rắn lột da sống đời”, còn con người phải chết, cuối cùng phải vào quan tài (cái săng);

 

Rắn già rắn lột

Người già người cột (tụt) vào săng

hay

Rắn già rắn lột, người già người chột.




 

 

          Rắn là loại độc, có thứ ít độc, có thứ bị cắn chết liền tại chỗ "Mái gầm tại lỗ (chỗ), rắn hổ về nhà". Giết rắn phải “đập rắn phải đập ngay đầu” hay "đánh rắn phải đánh bằng đầu", nếu không nó cắn ngược lại thì chết. Trong chiến trận, vị chỉ huy bị giết chết, thì tàn quân như “Rắn mất đầu”.

          Trong thời buổi nhiễu nhương, vàng thau lẫn lộn, người tài trí thường ẩn danh chờ thời như “rắn khôn dấu đầu” để tránh kẻ tiểu nhân ám hại.

          Ở Việt Nam có mấy loại rắn ? Thần đồng Lê Quý Đôn trong bài “rắn đầu” kể 8 loại rắn trong 8 câu:

Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà

Rắn đầu biếng học, chẳng ai tha

Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,

Nay thét mai gầm rát cổ cha.

Ráo mép chỉ quen tuồng nói dối,

Lằn lưng cam chịu vết roi tra.

Từ nay Trâu Lỗ chăm nghề học.

Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.

 

          Giới bình dân Nam Bộ thì biết có 23 loài:

 

Mái gầm, chàm quạp, hổ lác, hổ hèo

Ri cốc, liu điu, ri voi, hổ lửa

Hổ hành, hổ ngựa, rắn ráo, rắn râu

Quỷ khóc thần sầu: hổ mang, hổ sậy

Thấy đà run rẩy: cạp nia, cạp nong

Lặn lội dưới sông: là con rắn nước

Rắn rồng, rắn lục, ri cá, rắn trung

Nghe đến hãi hùng: hổ mây, hổ bướm

Ớn đà quá ớn... chẳng dám kể thêm...

 

          Riêng ở Bạc Liêu, giới hát lô tô ngày Tết cho biết vùng Cà Mau, U Minh có tới 19 loài:

 

U Minh nước đỏ

Choại, dớn, cóc kèn

Ăn ở cho hiền

Dạo chơi với rắn

Bất kỳ sâu cạn

Rắn nước, rắn râu

Bay trên trời cao

Rắn rồng uốn khúc

Chạy ngang chạy dọc

Rắn ngựa phóng theo

Hút gió thiệt kêu

Là con rắn lục

Mái rầm lục đục

Bò chậm như rùa

Mổ xuống bất ngờ

Hổ mây ẩn nấp

Coi chừng nó quất

Là con rắn roi

Ra đồng dạo chơi

Là rắn bông súng

Đựng đầy một thúng

Là rắn cạp nia

Ăn rồi ngậm nghe

Hổ hành nấu cháo

Dữ mà nhỏ xíu

Đúng thiệt rắn trun

Chớ có coi thường

Con rằn ri cóc (Rắn mà muốn học Làm cậu ông trời)

Có khách hay mời

Là con hổ chuối

Con rằn ri cá

Thấy nước thì ham

Hình vóc hiên ngang

Rắn voi mỏ rọ

Thật là đáng sợ

Choằm oạp, hổ mang

Xét cho đàng hoàng

Rắn thì có nọc

Đừng châm, đừng chọc

Bỏ mạng lìa đời

Trí khôn con người

Biến loài độc ác

Lấy nọc làm thuốc

Trị bệnh cứu dân

Đâu khớp trật gân

Ê mình nhức mỏi

Là con rắn mối



 

          Đúng vậy, vùng “Miệt Thứ”  U Minh, Bạc Liêu, Cà Mau là nơi được mô tả:

 

Muỗi kêu như sáo thổi

Đỉa lội tợ bánh canh

Cỏ mọc cọng thành tinh

Rắn đồng đà biết gáy

         

          Tình đời hể nghèo thì bà con xa lánh, còn giàu sang quyền quý dầu ở chỗ khỉ ho cò gáy, hùm thiêng rắn độc thì vẫn được bắt họ làm quen:

 

Khó khăn ở quán ở lều

Bà cô, ông cậu chẳng điều hỏi sao

Giàu sang ở tận bên Lào

Hùm tha rắn cắn, tìm vào cho nhanh.

 

          Ở vùng sông nước Cửu Long, trai gái quen nhau qua câu hò, câu đố. Cô gái hò:

Con rắn hổ mây nằm cây thục địa

Con ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên

Phận em là gái thuyền quyên

Ai mà đối đặng kết nguyền phu thê

Cô gái cất giọng với câu đố:

 

Con gì có cánh không bay?

Con gì không cẳng chạy bay năm rừng?

 

Chàng trai nhanh trí đáp:

 

Con gà có cánh không bay

Con rắn không cẳng chạy bay năm rừng

 

Hoặc câu đố của cô thôn nữ:

Con gì không chân đi năm rừng, bảy rú?

Con gì không vú nuôi chín, mười con?

 

Và câu trả lời của chàng trai:

 

Con rắn không chân đi năm rừng bảy rú

Con gà không vú nuôi chín, mười con       

hay

Rắn không chân rắn bò khắp rú,

Gà không vú nhưng nuôi đặng chín mười con

 

Rắn ở mọi nơi chốn thôn dã, nhất là bụi bờ kín đáo, nơi hò hẹn trữ tình giữa trai gái miền quê. Tuy vậy, mặc dầu chàng trai đối đáp đúng, cô gái vốn thận trọng, đắn đo, cần phải có thời gian tìm hiểu nhau

 

Rắn có chân rắn biết

Ngọc ẩn đá ngọc hay

Anh cùng em mới gặp nhau đây

Biết thời biết mặt nào hay trong lòng

 

Bởi vì, còn nhiều vấn đề như chuyện môn đăng hộ đối:

Con công ăn lẫn với gà,

Rồng kia rắn nọ, xem đà sao nên?

 

Một khi yêu nhau thắm thiết, thì:

Đôi ta như rắn liu điu

Nước chảy mặc nước ta dìu lấy nhau



 

Và nỗi nhớ mong người tình:

Con quạ đen con cò trắng

Con ếch ngắn, con rắn dài

Em trông anh trông mãi, trông hoài

Trông cho thấy mặt thấy mày mới yên

 

Đôi khi yêu lầm phải kẻ có vợ, nhưng nàng vẫn cứ yêu:

Con rắn không chân, con rắn biết,

Đá có ngọc ẩn, thì đá hay,

Tội thì thiếp chịu, vạ chi lây tới chàng ?

 

Không phải chàng trai nào cũng biết hò, biết hát, nhiều chàng “cù lần”, đi tán gái mà không dám tỏ tình, “nói quanh co, vòng vo Tam quốc”, làm cô gái bực mình:

          Anh vẽ rồng rắn làm chi?

Cho em mệt trí nghĩ suy đêm ngày!

Nói đi, nói đại, sợ gì?

Em đây hiểu được, tình này em trao!

 

Và cảnh anh chàng rón rén đến gặp người yêu:

Con chi rọt rẹt sau hè

Hay là rắn mối tới ve chuột chù?

 

Người Việt thường hay cử nhiều điều. Tuy rắn biểu hiệu cho sự xấu xa, hiểm độc, nhưng đôi khi cũng là điều tốt. Chẳng hạn, ra đường gặp “Kỳ đà cản mũi”, một loài bò sát như rắn, thì nên quay về. Tuy nhiên, trên đường gặp rắn thì hên:

 

Hễ đi gặp rắn thì may

Về nhà gặp rắn thì hay phải đòn

 

Nằm chiêm bao mà thấy cả rồng lẫn rắn là điều tốt: “rồng rắn lên mây”, thấy rồng rắn vào nhà thì đắc tài đắc lộc “long xà nhập môn đắc tài, long xà nhập táo hữu quan chí”.  Tuy nhiên “long xà sát nhân đại hung” là điềm xấu.

          Ở Miệt Cửu Long, thịt rắn được cho là ngon.

 

Cần chi cá lóc cá trê

Thịt chuột thịt rắn nhậu mê hơn nhiều

 

Và phải biết cách nấu rắn mới ngon, như câu vè ở Sóc Trăng:

 

Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng

Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi

Ông Nhăng bảo để mà nuôi

Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro

Ông Nhăng bảo để mà kho

Bà nhăng đập chết đem cho láng giềng

Có kho thì kho với riềng

Đừng kho với ớt tốn tiền uổng công

 

Reading, 1/2013

Nguyễn Thị Kim-Thu