DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Đạo đức và di truyền học



SỐNG ĐỜI VÔ ĐẠO ĐỨC CÓ DI HẠI CHO CON CHÁU QUA HỆ DI TRUYỀN KHÔNG?

Trần-Đăng Hồng, PhD

 

Con cái nhận 50% bộ di truyền từ cha và 50% từ mẹ. Nếu tính từ ông bà, đứa cháu nhận 25% từ ông nội, 25% từ bà nội, 25% từ ông ngoại và 25% từ bà ngoại. Tương tự như vậy, cháu cố nhận 12,5% bộ di truyền từ mỗi trong 8 thành viên của ông bà cố của hai bên nội ngoại. Như vậy, con cháu đều nhận di truyền trực tiếp nhiều từ cha mẹ và ít dần đến các bậc ông bà, tổ tiên. Các đặc tính di truyền cho thế hệ sau được thể hiện thấy được qua ngoại hình (hình dáng, gương mặt, dáng đi, v.v.), tính tình (thông minh, tư cách, cách cư xử trong xả hội, v.v.), và một số bệnh di truyền (1).

Đặc tính di truyền do gen đính trên nhiễm thể quy định. Gen là chuỗi DNA cấu tạo bởi một dãi gồm bốn bases A (Adenine), C (Cystosine), G (Guanine), T (Thymine) mã hóa sản xuất các protein riêng biệt cho mỗi loại tế bào, ở thời điểm tăng trưởng nào đó, để mô tế bào sinh trưởng và phát huy chức năng sinh học của nó. Bộ di truyền của con Người chứa khoảng 3 tỷ chữ (A, C, G, T), và có khoảng vài triệu giao-điểm-thần-kinh trong bộ não lúc mới sanh. Giao điểm thần kinh là nơi tiếp xúc giữa hai tế bào thần kinh lân cận, có một khoảng trống rất hẹp để các xung mạch dẫn truyền tín hiệu thần kinh xuyên qua. Các giao điểm thần kinh là căn bản của mọi hoạt động trí não của đời sống. Khi mới sinh ra, một số giao điểm không hoạt động, không bền vững và cũng không chuyên biệt (3).

Khi phát triển lớn dần theo tuổi tác, trí óc đứa bé tiếp cận với môi trường, gen trong bộ di truyền, tức DNA, được kích hoạt và mã hóa để sản xuất  hóa chất tương ứng với các kích thích của môi trường, tùy theo giai đoạn tuổi tác. Nói tóm lại, gen DNA chính là “bộ máy học tập” (learning machine). Bộ máy học tập rất phức tạp, đòi hỏi hơn 50% số gen trong hệ thần kinh của não bộ phải hiện diện ở trạng thái hoạt động (thức). Gen được mã hóa tạo ra hóa chất gì để phát huy chức năng là tùy khả năng của các giao điểm thần kinh qua kích hoạt hay áp chế hoạt động của gen trong tế bào thần kinh. Sau khi sanh ra đời, bộ máy học tập bắt đầu hoạt động, gen được kích hoạt bởi các tín hiệu thu nhận bởi các giác quan, trí óc đứa bé dần dần xuất hiện, qua bắt chước người lớn mà đứa bé được tiếp xúc học hỏi hay tương tác. Kinh nghiệm vì vậy được tích tụ trong hai năm đầu tiên, trước khi đứa bé biết nói, làm nền tảng bền vững cho bộ não biết suy nghĩ sau này. Trong những năm trí óc được thành hình cho tới trưởng thành, não bộ không bao giờ mất khả năng liên kết kinh nghiệm trong quá khứ với hiện tại qua các giao điểm thần kinh. Vì vậy kinh nghiệm được tích tụ và biến đổi thành cảm giác, nhận thức, trí nhớ. Khả năng giảng dạy và học tập của bộ óc được duy trì liên lục suốt đời (trừ trường hợp não bộ bị hư hại).

 

Đạo đức có được di truyền không?

Đạo đức (morality) là một pha trộn giữa bản chất thiên phú và môi trường nuôi dưỡng. Đạo đức được tiến hóa từ bản năng sinh tồn từ thời loài người được tạo sinh. Để sinh tồn (survival), con người bảo vệ chính cá nhân mình, gia đình, hay cộng đồng cho sự sống còn. Cá nhân nào gây tai hại cho người trong cộng đồng thì bị trừng phạt, từ hình phạt nhỏ cho tới tử hình, tùy tội trạng do cộng đồng lập ra. Trong hoàn cảnh đó, xã hội công nhận việc giết kẻ thù là chính đáng. Từ thưở bán khai con người ăn tươi nuốt sống kẻ thù, rồi “thề phanh thây uống máu quân thù” (Tiến quân ca, quốc ca), hay “tiêu diệt kẻ tà đạo”, hay “tiêu diệt kẻ thù giai cấp”, v.v. thì vẫn được coi là hợp đạo lý trong những xã hội chấp nhận điều giết người đó. Càng tiến dần đến xã hội văn minh, con người biết phân biệt phải trái, cái đúng cái sai, cái thiện cái ác, đạo đức nhờ vậy càng lúc càng minh bạch hơn. Lúc chiến tranh, quân lính hai bên bắn giết nhau, hành vi này khác với chiến tranh diệt chủng cố tình tiêu diệt cả dân vô tội bên phía thua trận. Cũng vậy, tội giết người cũng được tòa án ngày nay phân biệt “tội cố ý giết người” (murder), hay “làm chết người không chủ ý” (manslaughter), và tòa án xem kẻ giết người có bịnh tâm thần, có bị say rượu hay thuốc phiện ảnh hưởng, hay con người tỉnh táo.

Đạo đức thuộc phạm trù triết học, không phải sinh học. Các nhà khoa học từ lâu đã tự hỏi là hệ di truyền có đóng vai trò gì trong việc di truyền đạo đức. Ngày nay, các nhà khoa học chứng minh qua ngành di truyền học rằng cá tính (tư cách hay nhân cách, personality), hành vi chống báng xã hội (anti-social behaviour), hành vi tội ác (criminal behaviour), và lòng trắc ẩn từ tâm có tính di truyền (1). Hơn nữa và mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc Đại Học Wayne State University (Hoa Kỳ) tường trình trong tạp chí Plos One rằng phán xét hành vi đạo đức được chi phối bởi một gen đa hình (genetic polymorphism) có tên SLC6A4 , nghĩa là gen chi phối đạo đức được biểu hiện qua nhiều hình thức (2).  Đây là gen quy định hoạt động sản xuất chất serotonin, là chất quan trọng nhất trong nghiên cứu ngành tâm lý học và khoa thần kinh học vì nó giữ vai trò trong lý luận đạo đức và hành vi cư xử trong xã hội. Việc phán xét một hành vi có đạo đức hay không còn tùy theo cá tính (yếu tố di truyền), và văn hóa, tôn giáo v.v. (yếu tố môi trường). Chẳng hạn, bạn bắt buộc lái chiếc xe lửa không có thắng với vận tốc cao trên đường rầy, tới nơi đường rầy phải rẽ đôi, một đường rầy có cột một người, và đường rầy kia có cột 5 người. Nếu là một người có đạo đức, giết người, dầu 1 hay 5 người, đều là hành vi tội ác, vô đạo đức. Trong trường hợp bắt buộc phải chọn một (vì xe hư thắng nên phải lái xe vào một trong hai đường rầy) thì đa số chọn lái xe vào đường rầy giết một người chứ không vào đường rầy giết 5 người. Tuy nhiên, đem cảnh tượng quyết định giết người này để thử nghiệm tính đạo đức của nhiều người, kể cả người bệnh tâm thần, thì có nhiều câu trả lời khác, có người do dự trả lới, cho rằng giết 1 hay 5 người đều có tội như nhau, nhưng cũng có người khát máu, bệnh tâm thần lại chọn giết cả 5 người hơn giết một người.

Nhóm Đại học Wayne State University chọn 65 người khỏe mạnh tình nguyện thử nghiệm gen SLC6A4  chi phối đạo đức. Phân tích DNA từ mẫu nước miếng để phân loại nhân hình chứa cặp allele dài L (chứa 146 cặp base, bp = base pair) và nhân hình có allele ngắn S (chứa 103 cặp base, bp) chứa trong gen DLC6A4. Trong số 65 tình nguyện thử nghiệm này, 22 người có gen với nhân hình LL, 13 người với nhân hình SS và 30 người với LS. Tất cả các người trong các nhóm được trắc nghiệm với hàng trăm câu hỏi tâm lý liên quan đến phán xét hành vi đạo đức của thí dụ lái chiếc xe lửa nói trên.

Kết quả cho thấy rõ ràng là người có mang gen nhân hình dạng LL phán xét rằng nếu phải bắt buộc giết người thì họ chọn cán chết một người và cứu sống 5 người kia. Cách chọn này theo họ phải đạo hơn, vì bắt buộc phải làm chứ không do tâm muốn giết người. Còn nhóm có chứa gen nhân hình dạng S (tức LS hay SS) thì chuyện cán chết 1 người hay cán chết cả 5 người cũng như nhau, chọn cái nào cũng được, không cần quan tâm về khía cạnh đạo đức hay vô đạo đức. Nhóm nhân hình SS này phán xét hay hành động thiếu đức từ bị, tính tình thường nông nỗi, không biết thương xót người khác. Công cuộc nghiên cứu cho thấy nhóm LL sản xuất nhiều chất serotonin hoạt động trong não bộ. Ngược lại nhóm SS sản xuất rất ít serotonin vì gen SLC6A4  bị kiềm chế sản xuất serotonin.

Hoạt động của serotonin giữ vai trò quan trọng trong việc phán xét đạo đức và các hành vi ứng xử trong xã hội. Serotonin được ghi nhận chi phối tư cách và cách cảm ứng tình cảm của con người. Số lượng serotonin thấp thì liên quan đến trầm cảm và buồn bã. Ngược lại, lượng serotonin càng cao thì con người càng cảm thấy sảng khoái và hạnh phúc.

 

Hành vi chống báng xã hội (Anti-social behaviour)

Hành vi chống báng xã hội được định nghĩa là hành động xâm phạm quyền sống của người khác, gây khó chịu, phiền muộn, tạo hiểm nguy đến tài sản hay tánh mạng của một hay nhiều người. Tựu chung, luật pháp đều kết tội người có hành vi chống báng xã hỗi là phạm pháp.

Nghiên cứu ở Đại học King’s College London cho biết những đứa bé có mang gen chống báng xã hội có thể sẽ trở nên tội phạm, nhất là khi chúng bị ngược đãi, bị đánh đập ở thời thơ ấu. Đó là gen kiểm soát hoạt động của enzyme MAOA (monoamine oxidase A). Công cuộc nghiên cứu một nhóm thanh niên, trong số này có 33 em bị ngược đãi trầm trọng trong số 154 đứa bị bạc đãi. Kết quả cho thấy người nào có chứa gen liên kết với sản xuất ít chất MAOA thì thuộc loại chống báng xã hội nặng nề như tội phạm bạo lực. Ngược lại nhóm thanh niên có gen sản xuất nhiều chất MAOA thì hiếm khi có hành vi chống báng xã hội. Khi bị ngược đải trong thời thơ ấu, gen này bị kiềm chế nên tạo ít chất MAOA làm con người trở nên bạo ngược và bạo động. Trong não bộ, thiếu MAOA ảnh hưởng đến hệ thần kinh tạo các hành vi chống phá, hiếu chiến và thích bạo động (4).

Để xác định vai trò di truyền trong hành vi chống báng xã hội, các nhà khoa học Anh nghiên cứu 3687 cặp song sinh 7 tuổi (5). Cặp song sinh thì có chứa bộ di truyền y hệt nhau, tức có cùng gen.

Trong số 10% trẻ em đứng đầu có hành vi chống báng xã hội được chia làm 2 nhóm, một nhóm có khuynh hướng bệnh tâm thần, và nhóm kia thuộc bình thường.

Kết quả nghiên cứu cho thấy chứng hành vi chống báng xã hội được di truyền rất mạnh ở nhóm trẻ bị rối loạn tâm thần (Psychopaths). Chứng rối loạn tâm thần ở đây là thiếu đồng cảm (empathy), thiếu cảm thông với người khác và thiếu lương tâm, không biết ăn năn hối hận khi làm điều xấu. Nhóm trẻ có hành vi chống báng xã hội do tính di truyền, coi như là một tật bẩm sinh, thì không thể chữa trị được và chứng hành vi chống báng xã hội duy trì suốt đời.

Những đứa trẻ khác, không có triệu chứng tâm thần, cũng có ít hành vi chống báng xã hội, nhưng không thuộc loại di truyền, mà chính là do môi trường tạo nên, vì vậy dễ dàng chữa trị (5).

 

Nhân cách được di truyền

Nhiều gen chi phối nhân cách con người, và môi trường giáo dục cũng như xã hội cũng đóng vai trò quan trọng (6). Theo nghiên cứu của phân khoa Tâm Lý học ở Đại Học California, thì nhân cách con người được di truyền 40%, phần còn lại là do môi trường chi phối, gồm văn hóa, kinh nghiệm trải qua các biến cố thời thơ ấu.

Mặc dầu trong bộ di truyền có chứa sẳn (nhiều) gen nhân cách, nhưng nhân cách con người được biểu lộ khi được sống trong môi trường thích ứng, môi trường tốt sản sinh nhân cách tốt, môi trường xấu tạo con người xấu. Vì chi phối bởi nhiều gen, có gen được kích hoạt (thức), có gen còn ngủ, nên nhân cách cũng biến thiên mặc dầu có cùng bộ di truyền giống hệt nhau. Bộ di truyền con người có khoảng 50.000 cặp alleles. Các allele này hoặc đều ưu tính, hoặc đều liệt tính, hoặc một ưu một liệt, vì vậy làm ảnh hưởng đến lượng hóa chất dẫn truyền serotonin và dopamine khác nhau. Chính các hóa chất này ảnh hưởng đến thần kinh não bộ và chi phối nhân cách con người khác nhau.

Chẳng hạn, ai ai cũng có mang gen chi phối chất serotonin, nhưng chỉ những đứa trẻ bị ngược đãi ở thời niên thiếu (ảnh hưởng của môi trường sống) thì dễ bị bệnh trầm cảm và chống báng xã hội khi lớn lên.

Ngay cả anh chị em sinh đôi cũng không có cùng nhân cách mặc dầu chúng có cùng bộ di truyền giống hệt nhau. Tuy nhiên anh chị em sinh đôi có chung nhiều tính nhân cách giống nhau hơn anh chị em ruột không sinh đôi khác, bởi vì các anh chị em này chỉ san sẽ 50% số lượng gen chi phối nhân cách. Các nghiên cứu trẻ con trong một nhà nuôi trẻ mồ côi cho thấy các anh chị em song sinh có cùng chung 30% tính nhân cách giống nhau, các anh chị em ruột không song sinh có cùng chung 20% nhân cách, trong lúc các trẻ em khác không có liên hệ máu mủ chỉ giống nhân cách với nhau 7% (6).

 

Bệnh hành vi rối loạn (Behavioral Disorders)

Các nhà nghiên cứu cho biết nhiều chứng bệnh hành vi rối loạn như chứng tâm thần phân liệt (schizophrenia), trầm cảm (depression), rối loạn lưỡng cực (Bipolar disorder) là do di truyền, nhưng không phải tất cả những ai mang gen này đều bộc phát các bệnh kể trên. Nếu cặp anh chị em song sinh có chứa gen bệnh tâm thần phân liệt, có thể một em lộ chứng bệnh, đứa kia bình thường. Nếu một trong cha hay mẹ có gen bệnh tâm thần phân liệt thì 5-10% số con có thể lộ chứng bệnh này (6).

 

Hành vi tội ác có tính di truyền?

Các nghiên cứu ngày nay cho biết là cả hai yếu tố di truyền và môi trường xã hội quy định hành vi tội ác (criminal behaviour) của con người. Nhiều nghiên cứu đã thực hiện với anh chị em sinh đôi (giống nhau về bộ di truyền), liên hệ gia đình và con nuôi, nhà nuôi trẻ mồ côi, cũng như các nghiên cứu ở phòng thí nghiệm chứng minh ảnh hưởng của cả hai yếu tố này. Ngoài ra, hai yếu tố di truyền và môi trường còn có ảnh hưởng tương tác với nhau, nên có thể tiên đoán hành vi tội ác của một người qua hành vi tội ác của cha mẹ và môi trường của đứa con được nuôi dưỡng.

Đặc tính di truyền của hành vi tội ác qui định bởi gen đột biến MAOA (monoamine oxidase A) trong não bộ. Gen đột biến này gây giảm sút nồng độ chất 5-HIAA trong não thùy. Chất 5-HIAA có nhiệm vụ kiểm soát thăng bằng hành vi bình thường của con người. Việc giảm nồng độ chất này làm  mất thăng bằng hành vi và làm tăng bản chất hung dữ bốc đồng đưa tới hành vi tội ác.

Ngoài chất nói trên, còn 4 enzymes khác trong hệ thần kinh cũng ảnh hưởng tới hành vi tội ác. Đó là epinephrine, norepinephrine, serotonin và dopamine. Các chất epinephrine, norepinephrine và dopamine quy định cá tính của bệnh thần kinh. Còn serotonin có vai trò quan trọng cho các chứng trầm cảm (depression), âu lo, hung dữ bốc đồng một khi nồng độ serotonin thấp. Dopamine thì liên hệ tới khoái lạc và bản chất hung hăng.

Vì vậy, một khi cha hay mẹ hay cả hai có gen bạo động này thì con cái có nhiều cơ hội tạo hành vi tội ác, nhất là được nuôi dưỡng trong môi trường nhiều bạo lực.

 

Chức năng serotonin trong phạm trù đạo đức

Serotonin hay 5-hydroxytryptamine (5-HT) là chất dẫn truyền tín hiệu (neurotransmitter) từ nơi này đến nơi khác trong bộ não. Serotonin hiện diện trong bộ tiêu hóa và trong  máu, và trong trung khu thần kinh ở bộ não. Trung bình cơ thể một người trưởng thành chứa 5-10 mg serotonin. 95% serotonin được sản xuất từ tế bào trong cơ thể như trong bộ tiêu hóa, và chỉ 5% được sản xuất trong não bộ. Chỉ serotonin sản xuất ở não mới ảnh hưởng đến thần kinh não bộ. Còn serotonin sản xuất ở cơ thể thì không đưa được lên não.

Vì dẫn truyền được đến mọi nơi nên serotonin ảnh hưởng đến tâm thần và các chức năng của cơ thể.

Não bộ có khoảng 40 triệu tế bào, tất cả đều bị trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng bởi serotonin sản xuất trong não bộ: kiểm soát trạng thái tinh thần, ham muốn tình dục, ăn ngon, giấc ngủ, trí nhớ, khả năng học tập, kiểm soát thân nhiệt, và hành vi đối xử.

95% serotonin sản xuất trong tế bào cơ thể, và chỉ lưu thông trong phần thân thể. Thiếu serotonin thì ảnh hưởng đến chức năng của tim mạch, bắp thịt, hệ thống nội tiết, đưa đến tất cả các bệnh từ tim mạch đến các nội tạng suy nhược. Các nghiên cứu còn cho biết thiếu serotonin còn ảnh hưởng đến việc điều hành sản xuất sữa ở vú, hư hại hệ thống này đưa đến đột tử trẻ sơ sinh (SIDS, sudden infant death syndrome).

 

Luật nhân quả qua di truyền học.

Quả báo - Ác giả ác báo. Làm điều thất đức, điều ác sẽ nhận hậu quả xấu ngay trong đời mình (quả báo nhãn tiền), hay ở đời con cháu. Người xưa cho rằng “Nhân chi sơ tánh bổn thiện” (Kinh Thi). Còn Tuân Tữ cho rằng “Nhân chi sơ tánh bổn ác”. Thuyết tiến hóa cũng cho rằng nguyên thủy con người mang tánh ác, bắt nguồn từ bản năng sinh tồn. Để sống còn, trong thời cổ đại khi lương thực còn hiếm hoi, con người phải làm mọi cách để sống còn, như đi cướp thực phẩm, chém giết và ăn thịt lẫn nhau, tàn sát bộ lạc khác v.v. Bản năng sinh tồn đó được mã hóa trong gen, và di truyền từ đời này sang đời khác. Theo dòng thời gian, với khám phá lửa, công cụ trồng trọt, chăn nuôi, cuộc sống cải thiện hơn, và xã hội tiến dần đến văn minh hơn, cùng luật pháp và tôn giáo phát triển, con người càng ngày càng đối xử tử tế hơn, nhưng gen bản năng sinh tồn – tính ác - vẫn duy trì.

Trong nghiên cứu của nhóm đại học Wayne nói trên cho thấy ai cũng có gen SLC6A4  chi phối đạo đức (thiện và ác). Trong số 65 người khỏe mạnh thể xác và tinh thần được thử nghiệm, thì có 22 người mang gen Thiện LL (34%), 13 người mang gen Ác SS (20%), và 30 người có gen vừa Thiện vừa Ác LS (46%). Không phải ai mang gen nhân hình S (66% số người) đều làm chuyện ác, mà họ kiềm hãm được hành vi tội ác xảy ra vì văn hóa, luật pháp, tôn giáo ràng buộc. Tuy nhiên nếu họ sống trong một xã hội suy đồi về văn hóa, pháp luật không được tôn trọng, có thể trong số này có tiềm năng làm chuyện thất đức, bất đạo hay hành vi phạm pháp.

Quả báo nhản tiền. Hành vi có đạo đức hay không đạo đức, phạm pháp đều do chất serotonin, hay MAOA chi phối. Chỉ cần có ý đồ tội lỗi (ý nghiệp, tâm nghiệp) hay khi thực hiện điều tội lỗi (thân nghiệp), hay khi lương tâm cắn rứt, trung khu thần kinh kiềm chế sản xuất serotonin, hậu quả của thiếu serotonin làm tinh thần bất ổn, ăn mất ngon, mất ngủ, nhức đầu kinh niên, trí nhớ kém đưa đến bệnh mất trí nhớ (dementia và Alzheimer’s), hành vi đối xử trở nên cộc cằn, khó tính, dễ nổi giận, quạu quọ, chán đời, mất tính tự trọng, và nhận thức kém. Thiếu serotonin ảnh hưởng chức năng của nhiều cơ quan nội tạng, như bộ tiêu hóa rối loạn (táo bón), thính giác rối loạn (ù tai), tim mạch, bắp thịt, hệ thống nội tiết, hệ miễn nhiễm suy thoái, đưa đến tất cả các bệnh từ tim mạch đến các nội tạng suy nhược và có thể ung thư.

Khi não bộ sản xuất ít serotonin một cách bất thường thì tiến đến diễn trình của 3 bệnh tâm thần chính là trầm cảm và lo âu (depression & anxiety), bệnh rối loạn ám ảnh và hành vi cưỡng bức (obsessive-compulsive disorder, OCD) và nghiện ngập (addiction) (7).

Chứng trầm cảm kinh niên đưa đến chứng đau tim, vì trầm cảm gây sản xuất nhiều adrenaline làm hư hại hệ thống tim mạch, dễ bị đột tử do đau tim. Người bị trầm cảm thường có tuổi thọ thấp.

Bệnh rối loạn ám ảnh và hành vi cưỡng bức OCD là hội chứng rối loạn tâm thần, làm bệnh nhân không kiểm soát được dòng tư tưởng của mình, nên bị ám ảnh mãi về vấn đề gì đó của quá khứ, và đưa đến hành động lập đi lập lại nhiều lần. Bệnh nhân OCD có khuynh hướng tự tử.

Nghiện ngập là hậu quả và cũng là nguyên nhân của rối loạn tâm thần. Các nghiên cứu của cơ quan NBER (National Bureau of Economic Research) (Hoa Kỳ) cho biết có sự liên hệ mật thiết giữa bệnh rối loạn tâm thần với nghiện ngập: 69% bệnh nhân nghiện rượu, 81% nghiện ma túy, 68% ghiền thuốc lá (8). Lý do chính là bệnh nhân tưởng rằng xử dụng các chất nghiện này xoa dịu được nỗi đau đớn cơ thể, giúp an thần giảm phiền muộn. Tuy nhiên, mức độ nghiện ngập càng ngày càng gia tăng thêm, vì phải chích hay uống hay hút số lượng nhiều hơn mới đủ “phê”. Vì vậy, rối loạn tâm thần càng gia tăng thêm. Khi bị tâm thần mà xử dụng chất nghiện thì sinh ra thêm nhiều loại bệnh tâm thần khác nặng hơn, như chứng hoang tưởng (paranoia), ảo giác (delusion) và trầm cảm. Người nghiện ngập không kiểm soát được ý chí nên dễ phạm tội lưu thông, gây tai nạn hay án mạng, dễ tiêm nhiễm bệnh HIV, v.v. Người bị stress có khuynh hướng ăn uống thái quá nên mập phì và bịnh tiểu đường. Stress càng trầm trọng hơn nếu hút nhiều thuốc lá, uống rượu, hay thuốc phiện vì tưởng để quên sầu, thật sự là gia tăng thêm.

Trầm cảm và stress không trực tiếp gây ung thư, nhưng gián tiếp qua các bệnh nó gây nên vì hệ miễn nhiễm bị suy đồi, nhất là bệnh nhân nghiện thuốc lá gây ung thư phổi, nghiện rượu gây bịnh xơ gan, ung thư thực quản (oesoophageal cancer), ung thư vú ở đàn bà, và nhiều loại ung thư khác.

Quả báo đời con cháu. Trong kho tàng tục ngữ Việt có những câu xác định tính di truyền tính cách hay hành vi cư xử ở đời, như “Cha mẹ hiền sanh con thảo”, hay nhân quả báo ứng như “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”.

Ai ai cũng đều có gen chi phối đạo đức trong bộ di truyền. Đó là SLC6A4 dưới dạng đa hình với hai alleles LL, LS hay SS. Khi mới sanh ra, các alleles này ở dạng ngũ (off), đứa bé thơ ngây, trong trắng, không phân biệt được thiện hay ác, mà chỉ hành động theo bản năng sinh tồn. Đói thì khóc đòi bú, thấy người lạ, thú lạ thì khóc thét, v.v. Nó có thể vô tình giết con kiến bò trước mặt mà chưa có một ý niệm gì. Sau khi sanh ra đời, bộ máy học tập bắt đầu hoạt động, gen được kích hoạt bởi các tín hiệu thu nhận bởi các giác quan, trí óc đứa bé dần dần phát triển, qua bắt chước người lớn mà đứa bé được tiếp xúc học hỏi. Gen trong não được kích hoạt, từ trạng thái “ngủ” sang “thức”, mã hóa để sản xuất các hóa chất dẫn truyền (serotonin, dopamine, epinephrine, norepinephrine, adrenaline, monoamine oxidase A, v.v.). Chính các hóa chất này tác động lên hệ thần kinh, ra lệnh tạo hành vi.

Ông bà, cha mẹ là tấm gương của con cháu bắt chước. Cha mẹ có đời sống đạo đức là gương tốt cho con cái noi theo. Cha mẹ có đạo đức, gen SLC6A4 dạng LL sản xuất nhiều serotonin, MAOA, có tâm hồn sảng khoái, thân tâm an lạc, bộ di truyền không bị biến đổi do đột biến, nên con cái nhận đầy đủ bộ gen tốt của cha và mẹ.

Ngược lại, cha mẹ sống cuộc đời vô đạo đức thì khó có đứa con đạo đức, nhất là khi môi trường đạo đức trong xã hội suy đồi. Người vô đạo đức có gen dạng SS (hay LS), không sản xuất đủ lượng serotonin và MAOA, thường có cuộc sống bê tha, ăn nhậu, rượu chè, bài bạc, hút xách là nguyên nhân làm đột biến (mutation) gen trong bộ di truyền của mình. Chứng trầm cảm và stress, hậu quả của cuộc sống bê tha và lương tâm cắn rứt sau khi làm điều tội lỗi, có khả năng cao làm đột biến gen, và truyền gen đột biến vào đời con cháu.

Ở đứa con của người cha và mẹ không đạo đức, gen SLC6A4 bị kiềm chế không sản xuất đủ serotonin và MAOS nên thường có hành vi chống báng xã hội hay hành vi tội ác.

Nghiên cứu ở Đại Học Edinburgh (UK) cho biết khi người mang thai có quá nhiều stress thì bào thai trong bụng mẹ tiếp cận với nhiều hormone stress sẽ gây đứa bé yếu đuối, và đầu óc bất bình thường sau này. Đó là enzyme 11ß-HSD2 có nhiệm vụ “chương trình hóa” sự phát triển bào thai. Khi người mang thai bị stress trầm trọng thì cơ thể sản xuất nhiều glucocorticoids chất này sẽ tác động xấu lên bào thai. Cortisol làm giảm sự sinh trưởng của tế bào hài nhi, làm biến đổi thời gian phát triển mô tế bào, và có ảnh hưởng lâu dài đến biểu hiện của gen (gene expression). Enzyme 11ß-HSD2 hiện diện trong não bộ đang phát triển của hài nhi, phá hủy hormone stress cortisol thành dạng không hoạt động và như vậy là cái khiêng bảo vệ hài nhi không bị tác động xấu của cortisol. Ví vậy, cha mẹ hung ác sống vô đạo đức không sản xuất đủ enzyme 11ß-HSD2, có tiềm năng sinh con quái thai, tật nguyền, hay đần độn.

Tánh ghiền nghiện cũng di truyền qua đời con. Rượu là một trong các nguyên nhân ngoại giới chánh sinh ra con dị tật (birth defect) với các chứng học hành khó khăn, dễ cảm xúc, mặt mày dị dạng khờ khạo, ít thân thiện ở đứa con nhất là do người mẹ say xỉn lúc mang thai.

Thuốc phiện và các loại tương cận (cần sa, thuốc lắc, v.v.) thì hoàn toàn độc hại cho hệ thần kinh và sức khỏe tổng quát. Nghiện ngập cũng di truyền các tác hại đến đời con cháu: Sinh con dị dạng, hay cơ thể không cân bằng các hormone, rõ ràng dễ thấy là chứng đần độn, trí óc chậm phát triển của đứa bé.

Trung tâm McGill University Health Center ở Montreal đã dày công nghiên cứu về ảnh hưởng của yếu tố ngoại giới đến biến thể của tinh trùng đàn ông, và như vậy di truyền dị tật lại đời con cháu. Người cha nghiện hút thuốc lá thường sinh con với hội chứng Down syndrome (mặt khờ khạo) vì khói thuốc làm biến đổi DNA của tinh trùng.

Sống cuộc đời đạo đức và giữ thân tâm an lạc là điều tốt nhất cho cá nhân mình và cho thế hệ con cháu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÁNH

1. Trần-Đăng Hồng (2016). Ai cũng có số. Trang mạng THNLSCANTHO

2. Abigail A. Marsh , Samantha L. Crowe, Henry H. Yu, Elena K. Gorodetsky, David Goldman, R. J. R. Blair (2011). Serotonin Transporter Genotype (5-HTTLPR) Predicts Utilitarian Moral Judgments. PloS One, 5/10/2011. http://dx.doi.org/10.1371/journal.pone.0025148

3. Robert Pollack. Genetics and Morality. http://www.columbia.edu/cu/biology/faculty/pollack/publications/essays-and-reviews/Genetics_and_Morality.pdf

4. BBC (2002). Bad behaviour linked to gene. http://news.bbc.co.uk/1/hi/health/2165715.stm

5. Daily mail (2005) . Psycopathic behaviour is iherited. http://www.dailymail.co.uk/health/article-349932/Psycopathic-behaviour-inherited.html

6. Sharon Perkins (2015). Do Children Inherit Their Parents' Personalities? http://www.livestrong.com/article/562015-do-children-inherit-their-parents-personalities/

7. Kirstin Hendrickson (2015). Diseases associated with serotonin. http://www.livestrong.com/article/220756-diseases-associated-with-serotonin/

8. NBER. The Connection Between Mental Illness and Substance Abuse. http://www.dualdiagnosis.org/mental-health-and-addiction/the-connection/

 

Reading, 12/2016