DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Thám hiểm biển sâu - P2

Lên mạng ngày 22/8/2011

THÁM HIỂM BIỂN SÂU
Phần 2. MÁY LẶN BIỂN SÂU
Trần-Đăng Hồng, PhD
 
Thám hiểm vũ trụ cần hỏa tiển khổng lồ, phi thuyền không gian vượt qua sức hút của địa cầu để vào vũ trụ. Thám hiểm biển sâu cần những máy lặn thật chắc chắn để không bị vỡ tung với sức ép khổng lồ của nước ở đáy đại dương. Ở nơi đây, môi trường cũng khác hẳn với môi trường không gian vũ trụ. Hiện nay, con người chỉ mới khám phá được 2% đáy biển. Vì tài nguyên ở đáy biển rất phong phú, và vấn đề quốc phòng, kỹ thuật lặn sâu được phát triễn mạnh trong vài thập niên qua.
 
PHÂN LOẠI CHIỀU SÂU CỦA BIỂN
Vì đặc tính lý học và sinh học biến đổi theo chiều sâu, biển được phân loại như sau:
Vùng có ánh sáng (Photic zone). Từ mặt biển đến độ sâu 200 m, nơi ánh sáng chiếu tới, càng xuống sâu ánh sáng càng yếu. Nếu nước trong vắt thì ánh sáng xuống sâu hơn nơi nước biển vẩn đục vì tảo hay ô nhiểm. Đây là vùng sinh vật đa dạng và hoạt động nhất, tảo phát triển nhờ ảnh hưởng của ánh sáng vào quang tổng hợp, nhiều phiêu sinh vật (plankton), làm thức ăn cho tôm cá. Càng xuống sâu nước biển càng lạnh, và áp xuất càng cao. Áp xuất tăng trung bình 1 atmosphere (1,033 kg/cm2) khi chiều sâu tăng thêm 10 m.
Vùng biển tối đen (Aphobic zone hay epipelagic), ở độ sâu từ 200 m cho tới đáy đại dương. Ánh sáng không chiếu tới độ sâu này. Vùng này ít có sinh vật hơn, vì thực phẩm của chúng là do từ vùng có ánh sáng chìm xuống. Vùng biển tối này được phân chia làm 4 tầng, theo nhiệt độ biến đổi ở chiều sâu.
          -Tầng trên của vùng tối gọi là mesopelagic (Meso = middle), mà mặt đáy tầng có nhiệt độ 12 ºC. Ở vùng biển nhiệt đới, mặt đáy tầng này có độ sâu 700 – 1.000 m.
          - Tầng kế dưới gọi là bathypelagic (Bathy= deep),  giới hạn bởi mặt trên 10 ºC và mặt đáy 4 ºC. Tầng  này có độ sâu giới hạn ở  giữa 700 – 1.000 m  và 2.000 – 4.000 m.
          - Tầng abyssalpelagic (Abbysal = Bottomles), mà đáy có độ sâu 6.000 m.
          - Tầng đáy dưới cùng là vực thẳm  hadalpelagic (Hadal= unseen) ở độ sâu từ 6.000 m đến 11.000 m.
 
NHỮNG KHÓ KHĂN THÁM HIỂM BIỂN SÂU
Để có thể thám hiểm biển sâu, khoa học kỹ thuật phải khắc phục các khó khăn sau đây:
Áp xuất của nước. Trung bình cứ xuống sâu 10 m, áp xuất gia tăng một atmosphere hay 1,033 kg/cm2. Thợ lặn dầu được trang bị áo lặn và bộ phận thở tối tân nhất vẫn không thể lặn sâu quá 600 m, vì vấn đề áp xuất của nước. Vì vậy, muốn thám hiểm ở độ sâu hơn, con người phải ngồi trong máy lặn có kiến trúc thật kiên cố.
          Ở độ sâu 300 m, độ sâu của tiềm-thủy-đỉnh nguyên tử có thể lặn tới, có áp xuất nước khoảng 30 atmospheres, hay 31 kg/cm2, nhiệt độ nước khoảng 15ºC nếu ở vùng biển nhiệt đới, và biển tối đen. Dĩ nhiên bên trong tiềm-thủy đỉnh áp xuất không khí, nhiệt độ và lượng oxy được điều chỉnh bình thường. Nhưng nếu vì lý do gì đó, tàu không hoạt động được, bị chìm xuống sâu hơn, võ tàu bị bể thủng, nước biển tràn vào, áp xuất gia tăng lên trên 30 atmospheres, thủy thủ đoàn chết tức khắc, thân thể còn nguyên vẹn ở tư thế đang hoạt động bình thường, nhưng tất cả ngũ tạng đều vỡ nát.
          Vì áp xuất rất cao ở độ sâu, chẳng hạn ở độ sâu 10.000 m có áp xuất 1.000 atmospheres hay 1.033 kg/cm2, máy lặn phải được thiết kế đặc biệt kiên cố với vật liệu rắn chắc không bị vỡ bể ở áp xuất khổng lồ này.
Liên lạc dưới nước. Người lặn không mang trang bị không thể nói chuyện với nhau trong nước, ngoài việc làm dấu hiệu. Tuy nhiên, nói qua cỗ họng cũng giúp được truyền đạt tiếng nói, vì tần số rung của xương cỗ họng người nói được nước chuyển đến màng nhĩ người nghe. Âm thanh truyền trong nước biển (1,524 m/s) 5 lần nhanh hơn trong không khí (341 m/s). Ngày nay, nhờ kỹ thuật SONAR (Sound Navigation and Ranging) phát triễn, việc liên lạc giữa các người lặn được dễ dàng, hoặc gián tiếp qua một trung gian máy đặt trên tàu nỗi bên trên, hoặc trực tiếp giữa các người lặn. Trong mũ của người lặn có trang bị máy điện thoại với ống nghe và ống nói.
Quan sát đáy biển: Năm 1960, khi máy lặn Trieste tới đáy Challenger Deep sâu nhất thế giới (10.915 m), vì chưa có kỹ thuật ghi hình ảnh dưới nước, nên chỉ quan sát  với mắt trần và tường trình qua telephone lên tàu mẹ những gì thấy được. Ngày nay, máy quay phim ảnh số (digital camera), video dưới nước truyền hình ảnh lên màng ảnh trên tàu mẹ, mà độ mở ống kính và tầm nhìn được điều khiển từ trên tàu. Máy được trang bị với nguồn ánh sáng mạnh và hồng-ngoại-tuyến (infrared) để thâu nhận rõ hình ảnh nơi nước đục nhiều bùn.
Lấy mẫu vật ở đáy biển: Ỡ những nơi sâu thợ lặn không lặn tới nỗi, lấy mẫu vật như mẫu đất đá, mẫu sinh vật sống, cần có những dụng cụ máy móc đặc biệt được điều khiển bởi người từ trong máy lặn, từ tiềm-thủy-đỉnh, hay từ tàu nỗi trên mặt biển. Ngày nay, kỹ thuật tay máy , người máy (robots) giúp lấy mẫu vật dễ dàng
          Ngày nay, nhờ phát triễn máy-lặn-không-người-lái (ROV, Remotely Operated Undersea Vehicle) để lặn nơi thật sâu mà mọi hoạt động đều được điều khiển từ trên tàu giúp việc khảo sát nghiên cứu hay làm việc ở đáy biển sâu.
 
MÁY LẶN BIỂN SÂU CÓ NGƯỜI LÁI
Máy lặn biển sâu có 2 loại, loại dùng để nghiên cứu, thăm dò đại dương (DSV, Deep sea submergence vehicle), và loại (DSRV, Deep sea Sumergence Rescue Vehicle) dùng để cứu thủy thủ đoàn tiềm-thủy-đỉnh lâm nạn, hay cho mục tiêu tình báo, như đặt máy nghe lén truyền thông dây cáp dưới đáy đại dương. Nhà khoa học ngồi bên trong máy DSV để quan sát, nghiên cứu đại dương, còn ở máy DSRV người thợ lặn có thể chui ra ngoài hay chui vào qua một cửa thiết kế đặc biệt để làm việc.
Máy lặn hình cầu (bathysphere, bathyscaphe; bathy = deep; scaphe = ship) cỗ điển được thiết kế theo kỹ thuật tiềm-thủy-đỉnh, nhưng ít di động.
Máy lặn hình cầu (bathysphere) đầu tiên là do William Beebe thuộc Columbia University ở New York cùng với kỹ sư Otis Barton thuộc Havard University thiết kế và chế tạo. Beebe và Barton đạt độ sâu 435 m năm 1930, và 923 m năm 1934.
Năm 1948, Auguste Piccard chế tạo máy lặn hình cầu gọi là bathyscaphe. Thử nghiệm đầu tiên tại đảo Cape Verde, máy lặn tới độ sâu 1.402 m. Năm 1954, máy này lặn tới độ sâu 4.000 m. Năm 1953, Ông và con Jacques Piccard đóng một bathyscaphe mới, cải thiện hoàn mỹ hơn mang tên Trieste lặn thử tới độ sâu 3.139 m. Năm 1958, Hải quân Hoa Kỳ mua lại, canh tân thêm, và năm 1960 lặn sâu tới vực thẳm Challenger Deep sâu 10.911 m, vực sâu nhất thế giới.
Nói chung, bathyscaphe là một khối thép hình cầu rất dày và kiên cố chịu được áp xuất cao, trong đó chứa hai người, có thể tới 24 người như trong trường hợp DSRV đi cứu tiềm-thủy-đỉnh lâm nạn. Khối cầu này đính dưới một phao hình trống chứa từ 40.000 lít đến 120.000 lít xăng máy bay.  Vì tỉ trọng của xăng nhẹ hơn nước biển, nên bộ phận này giúp máy lặn nổi khi trồi lên. Sở dĩ dùng xăng thay vì không khí, vì xăng không nén được, nên áp xuất bên ngoài (nước biển) và bên trong (xăng) cân bằng ở mọi chiều sâu. Ngoài ra, máy lặn hình cầu có một khối sắt nặng đính ở dưới đáy nhờ hệ thống nam châm điện, và một phòng chứa không khí. Ở thế ban đầu trước khi lặn, máy lặn nỗi trên mặt biển. Muốn lặn, cho nước biển tràn ngập phòng chứa không khí, máy lặn chìm từ từ. Muốn nỗi lên, máy lặn phải áp dụng kỹ thuật khác với tiềm-thủy-đỉnh.
Tiềm-thủy-đỉnh, lặn sâu tối đa 300 m, muốn nỗi lên mặt nước phải bơm khí ép vào phòng để đẩy nước biển ra, vì vậy tiềm-thủy-đỉnh phải có máy bơm cực mạnh. Trái lại, máy lặn đáy biển sâu 10.000 m, không thể có máy bơm khổng lồ 300 lần mạnh hơn tiềm-thủy-đỉnh thiết kế trong máy lặn nhỏ hẹp. Muốn nỗi trồi lên mặt, máy lặn dùng kỹ thuật khác không cần máy bơm, là thả khối sắt xuống biển qua hệ thống nam châm điện. Vì vậy, muốn lặn trở lại cũng không được. Trong trường hợp máy lặn trục trặc, khối sắt tự động rời ra, và máy lặn trồi lên mặt an toàn.
          Máy lặn di động nhờ động cơ chạy bình điện (battery) nên có giới hạn. Đa số, máy lặn được hổ trợ từ một tàu nỗi bên trên, hay một tiềm-thủy-đỉnh. Để di chuyển xa, máy lặn được chở trên tàu, hay không vận bằng máy bay khi đi cứu khẫn cấp.
          Máy lặn tân tiến, cũng dựa trên nguyên tắc trên, nhưng vật liệu cho võ tàu mỏng hơn, nhẹ hơn, rắn chắc chịu áp xuất cao hơn để lặn sâu hơn. Thay vì sắt thép thì dùng Titanium, hay nhôm, và phao nỗi thay vì xăng thì dùng hợp chất nhân tạo có nhiều lỗ (syntactic foams).
 
CÁC KIỄU MÁY LẶN
Alvin DSV-2. Máy lặn DSV thiết kế theo kiểu tiềm-thủy-đỉnh, dùng để nghiên cứu, thuộc lực lượng Hải quân Hoa Kỳ, hạ thủy ngày 5/6/1964. Máy nặng 17 tấn, lặn sâu tối đa 4.500 m, chở 2 nhà khoa học và một kỹ sư lái máy. Máy lặn có 2 tay robots, gắn thêm trang bị cần thiết để lấy mẫu vật. Võ máy lặn dày trên 5,1 cm bằng titanium, cửa có đường kính 0,48 m, và 3 khung cửa kính quan sát. Giúp máy lặn nỗi để trồi lên mặt, phần phao cấu tạo bởi hợp chất gồm kim loại và polymer trong đó có nhiều lỗ, gọi là syntactic foams, rất chắc, chịu đựng áp xuất rất cao, và rất nhẹ. Thực hiện hơn 4.000 chuyến lặn, mang tổng cộng 12.000 người làm nghiên cứu, nhờ đó có trên 2.000 bài tường trình khoa học.
 
Máy lặn Alvin, năm 1978
Tháng 6/2008, Alvin được cải thiện, có thể lặn sâu 6.000 m, khối cầu chở người rộng hơn, và có 5 khung cửa quan sát.
NR-1 Nerwin : Thuộc Hải quân Hoa Kỳ, chạy bằng nguyên tử, hạ thủy năm 1969, xử dụng để nghiên cứu, tìm kiếm và trục vớt tàu chìm hay vật rơi xuống biển, tìm kiếm và trục vớt phi thuyền con thoi Challenger rơi xuống biển năm 1988, lắp đặt hay bảo trì thiết bị ở biển sâu và hoạt động tình báo.  Máy lặn có bánh xe ở đáy, 3 khung cửa quan sát, hệ thống đèn chiếu cực mạnh, máy truyền hình và máy chụp ảnh, có cánh tay robots, có bộ phận cưa, và thùng chứa mẫu vật. Để quan sát trên mặt biển trong khi lặn sâu, có máy truyền hình viễn kính. Bên trong có hệ thống vi tính cực mạnh, sonar giúp định hướng lái máy, liên lạc viễn thông, máy dò tìm và máy xác định vật tìm ở khoảng cách xa. Máy có thể di chuyển, hay đứng nguyên một chỗ ở một độ sâu cố định, và máy có khả năng trục vớt và nâng đưa vật lên mặt biển. Vì chạy bằng năng lượng nguyên tử, máy lặn hoạt động một thời gian rất dài mà không cần nỗi lên mặt biển, trong mọi hoàn cảnh khí hậu, mang cùng lúc 13 người kể cả người lái. Tuy nhiên, trên tàu mẹ cần tới 35 sỉ quan hải quân và 10 chuyên viên dân sự hổ trợ cho mỗi chuyến lặn.
Aluminaut. Được đóng năm 1964, là máy thuộc loại tiềm-thủy-đỉnh đầu tiên bằng nhôm, nặng 80 tấn, dài 15,3 m, chở được 3-4 người, có 4 cửa sổ quan sát, có khả năng mang 2.700 kg. Võ bằng aluminium, nhẹ, có sức chịu áp xuất cao, võ dày 17 cm có thể chịu đựng được áp xuất 527 kg/cm2 (52 MPa) ở độ sâu 5.200 m.  Thuộc hảng Reynolds Marine Services ở Miami, thực hiện công tác theo hợp đồng với Hải Quân, hay các Viện nghiên cứu hải dương, v.v. Aluminaut nỗi tiếng trục vớt một bom nguyên tử tháng 4/1966 từ đáy biển Địa Trung Hải mà chiếc B52 mang bom nguyên tử của Hoa Kỳ lâm nạn vào tháng 1 năm 1966.
Priz – loại cấp cứu DSRV của Liên Xô, thiết kế năm 1986 theo kiểu tiềm-thủy-đỉnh, võ bằng titanium, dài 13,5 m, rộng 3,8 m, nặng 55 tấn, lặn sâu tối đa 1.000 m, di chuyển với vận tốc 6 km/giờ, tầm hoạt động 21 km, có khả năng nâng vật nặng 50 kg, chở được 20 thủy thủ hoạt động trong thời gian ngắn 10 giờ khi cứu nạn. Nó có thể lặn làm việc liên tục trong 2-3 ngày, với điều kiện chỉ chở 3-4 người. Đầu năm 2005, máy lặn AS-28 Priz của Liên Xô bị kẹt ở đáy biển không trồi lên được, phải nhờ máy-lặn-không-người-lái (ROV) của nước Anh cứu vớt.
Mir – Máy lặn dân sự dùng nghiên cứu hải dương, do Phần Lan đóng cho Liên Xô năm 1987. Máy lặn hình cầu, võ bằng hợp chất cobalt, nickel, chrome và titanium, có tỷ trọng gần bằng nước biển, chở được 3 người, lặn sâu 6.000 m
 
File:Mir front.jpg
Máy lặn Mir
Konsul – Máy lặn quân sự của Hải quân Liên Xô. Nhỏ hơn Mir, chở 2 người, võ bằng titanium, lặn sâu 6.270 m
Nautile – Máy lặn thuộc Học Viện Nghiên Cứu và Khai Thác Hải Dương của Pháp (Ifremer), hoạt động từ năm 1984, lặn tới độ sâu 6.000 m. Chứa 3 người. Dài 8 m, có 2 cánh tay robotic, thời gian lặn làm việc 8 giờ.
 File:Nautil.jpg
 
Archimède – Hạ thủy ngày 27/7/1961, thuộc Hải quân Pháp, là máy lặn đầu tiên lặn tới đáy Vực thẳm Puerto Rico Trench sâu 8.390 m. Ngày 12/8/1962, lặn sâu 9.300 m, ngoài khơi Tokyo. Nặng 61 tấn.
Shinkai (Deep Sea) – Hoàn tất năm 1999, thuộc cơ quan JAMSTEC của Nhật (Japan Agency for Marine-Earth Science and Technology). Võ titanium dày 7,35 cm, đường kính bên trong 2 m, chở 3 người và lặn sâu 6.500 m.
 File:Shinnkai 6500 02.JPG
Jamstec còn có một máy-lặn-không-người-lái tên Kaiko, lặn sâu tới 11.000 m, nhưng bị chìm mất tháng 5 năm 2003.
Pisces – Canada có 10 máy lặn Pisces, lặn sâu 2.000 m, hoạt động 7-10 giờ mỗi lần lặn.
Trung quốc có 3 loại máy lặn:
-         Hai Ji (Sea Pole): Hoàn tất năm 2009, gồm 2 chiếc, thiết kế lặn sâu tối đa 7.000 m, xử dụng dân sự và quân sự.
-         Jiaolong (Dragon): hoàn tất 2010, 1 chiếc, khả năng lặn sâu 7.000 m, thật tế lặn 5.038 m vào ngày 28/7/2011.
-         He Xie (Harmony): 1 chiếc.
 
Trieste 
The bathyscaphe Trieste 
Bathyscaphe Trieste
Máy lặn duy nhất lặn được tới vực sâu nhất thế giới 10.911 m, là Challenger Deep ở Mariana Trench gần đảo Guam vào ngày 23/1/1960.
          Họa kiểu bởi Auguste Piccard của Thụy Sỉ, đóng tàu bởi Italy. Hạ thủy ngày 26/8/1953. Thoạt tiên, thuộc Hải Quân Pháp, sau bán cho Hoa Kỳ năm 1958.
          Máy lặn Trieste dài 15 m, gồm một phao nỗi chứa 85.000 l xăng máy bay, một phòng chứa nước, một khối sắt nặng đính vào máy lặn bởi hệ thống nam chậm điện, và một phòng khối cầu đường kính 2,16 m chở 2 nhân viên.
          Để chịu đựng áp xuất 1.250 kg/cm² (110 MPa) ở đáy Challenger Deep (10.911 m), võ khối cầu dày 12,7 cm thép. Quan sát qua khung cửa kính acrylic (Plexiglas) chịu áp xuất cao.
          Ngày 23/1/1960, Trieste đạt tới đáy Challenger Deep, cùng với Jacques Piccard (con của nhà họa kiểu August Piccard) và Trung Úy Hải quân Don Walsh.
          Thời gian lặn xuống mất 4 giờ 48 phút, với vận tốc 0,9 m/giây. Khi tới độ sâu 9.000 m, kính ngoài Plexiglas bị nứt, làm rung chuyển cả máy lặn. Hai người trải qua 20 phút ở đáy biển, nhiệt độ bên trong phòng 7ºC. Liên lạc với tàu mẹ USS Wandank II trên mặt biển qua sonar hydrophone, với vận tốc 1700 m/sec (5 lần mau hơn truyền âm qua không khí), mất 7 giây mới tới tàu mẹ, và 7 giây nữa trả lời từ tàu mẹ đến máy lặn.
          Thời gian trồi lên mặt mất 3 giờ 15 phút.
          Kễ từ đó chưa có máy lặn có người lái lặn tới đáy Challenger Deep. Năm 1995, máy lặn-không-người-lái Kaiko của Nhật xuống tới đáy, nhưng không trồi lên được. Máy lặn-không-người-lái Nereus xuống tới đáy ngày 31/5/2009. Máy lặn Trieste về hưu 1980, và hiện trưng bày tại Viện Bảo Tàng Hải Quân Hoa Kỳ ở Washington.
 
MÁY-LẶN-KHÔNG-NGƯỜI-LÁI (Unmanned Submersibles)
Máy-lặn-điều-khiễn-từ-xa (ROV, Remote Operated Vehicle) được xử dụng nhiều ngày nay trong việc thăm dò khảo sát đáy biển. Máy được điều khiễn từ tàu mẹ bên trên mặt biển qua đường dây cable. Máy lặn tới độ sâu 6.000 m.
          Trong thập niên 1950s, Hải quân Hoàng Gia Anh có máy lặn không người lái tên Cutlet dùng để trục vớt thủy lôi ở đáy biển.
          Trong thập niên 1960s, Hải quân Hoa kỳ phát triễn mang tên “Cable-Controlled Underwater Recovery Vehicle- CURV”
          Argo là một loại ROV có gắn nhiều máy ảnh video, nhìn đủ hướng và một hệ thống đèn chiếu cực mạnh. Năm 1985, Argo khám phá chiếc tàu RMS Titanic bị đấm. Máy lặn dài 4.5 m, rộng 1.05 m, và cao 1.05 m, và nặng 1.8 tấn. Jason cũng là một loại ROV, nhỏ hơn, nhưng trang bị nhiều máy móc, camera, máy định vị, và hệ thống lấy mẫu tinh vi. Anh quốc có C17 và Scorpio ROVs gồm nhiều kích thước, Scorpio 17, Scorpio 45, Super Scorpio. Chính C17 đi cứu máy lặn Mir của Liên Xô kẹt ở đáy biển ngày 5/8/2005.
Máy-lặn-tự-điều-khiển (AUV, Autonomous Underwater Vehicles) là một loại máy robots tiềm-thủy-đỉnh nhỏ. Máy hoạt động theo chương trình gài sẳn trong hệ thống vi tính rất tinh vi, chứ không nhận chỉ dẫn điều khiễn gì từ tàu mẹ.
          Máy AUV đầu tiên được thiết kế năm 1957 tại Đại Học Washington, kế tiếp là Massachusetts Institute of Technology (MIT) trong thập niên 1970s. Càng ngày AUV càng được xử dụng nhiều trong thương mại, quân sự, nghiên cứu. Đặc biệt, gần đây Hải quân Hoa Kỳ chú trọng phát triễn thành các tiềm-thủy-đỉnh tự động, không người lái, có khả năng lặn sâu, lặn lâu, nhanh và xa cho mục đích  tình báo và chiến tranh. Hjie6n5 tại có tới hàng trăm loại AUV do 10 công ty sản xuất trong vòng 50 năm qua. Kích thức có thể rất nhỏ người mang được, tới chiều dài trên 10 m, với nhiều áp dụng khác nhau. Canada đưa 2 máy AUV khảo sát đáy biển bên dưới băng tảng vùng Bắc Cực mà Canada cho là thuộc vùng lãnh thổ của mình
          Kễ từ 2008, kỹ thuật AUV phát triễn mạnh: Xữ dụng điện rất ít, nhưng hoạt động tầm xa nhờ bộ phận lướt trong nước (underwater gliders), có thể hoạt động lặn cả vài tháng. Hai máy AUV tên Festo’s AquaJelly và Evologics’ Bionik Manta đánh dấu tiến bộ của kỹ thuật AUV. Máy được trang bị:
Máy tự cảm (Sensors). AUV mang bộ phận tự cảm để tự lái và vẽ bản đồ. Bộ phận tự cảm gồm địa bàn, máy đo độ sâu, định hướng chung quanh, sonar, máy đo địa từ, đo nhiệt, độ dẫn truyền. Một máy AUV được trưng bày tháng 9/2006 tại Monterey, California, đường kính chỉ  53 cm có thể kéo một đường dây telephone dưới nước dài 91 m với vận tốc 5,6 km/giờ.
Máy định vị. AUV xử dụng máy định vị âm thanh để tự lái, tương tự như máy định vị lái xe. Tuy nhiên, dưới biển việc định vị khó khăn , phiền phức, đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp hơn. Một cách tổng quát là tọa độ 3 chiều của máy AUV được định vị qua máy định vị âm thanh so với tàu mẹ ở trên mặt, và tàu mẹ định vị lại so với GPS. Thỉnh thoảng máy AUV nỗi lên mặt nước để định vị GPS chính xác.
Máy đẩy (Propulsion). Dựa trên kỹ thuật mới thrusters hay Kort, chạy bằng điện
Bình điện. Xử dụng bình recharge điện lithium, lithium polymer, nickel.
 
HROV (Hybrid Remote Operated Vehicle) là máy lặn phối hợp cả hai kỹ thuật của ROV và AUV, hoạt động hoàn toàn độc lập, hay được điều khiển qua dây cable.
Việc khám phá đáy biển giàu tài nguyên thiên nhiên cũng như tranh dành quyền bá chủ trên đại dương, các cường quốc đã phát triễn mạnh các kỹ thuật mới cho tàu lặn và máy lặn cho mục đích thương mại (khai thác dầu ngoài khơi, kim loại quí dưới đáy biển), nghiên cứu khoa học, tình báo và hải chiến trong tương lai.
Reading, 8/2011
Trần Đăng Hồng