Cỏ cây cũng biết phỉnh lừa
11/10/2015CỎ CÂY CŨNG BIẾT PHỈNH LỪA
|
Hình 1. Con bọ hung lăn cục phân về hang
Trong một bài trước đây, chúng ta biết con sâu keo biết lừa phỉnh cây bắp để sinh tồn. Trong bài này chúng ta sẽ thấy cỏ cây cũng biết lừa phỉnh động vật cũng để nòi giống sinh tồn. Võ quít dày thì có móng tay nhọn. Mẹ thiên nhiên thật huyền diệu!
Con bọ hung (dung beetle) thuộc tộc Scarabaeinae gồm trên 5.000 loài. Chúng sống bằng phân thú vật. Ở nhà quê Việt Nam, ta thường thấy bọ hung chui trong các đống phân trâu bò để sinh sống, đẻ trứng trong đó và ấu trùng ăn phân mà lớn dần, rồi hóa thân lại thành bọ hung. Thỉnh thoảng cũng thấy có loại bọ hung biết vo phân thành viên tròn nhỏ rồi dùng chân lăn cục phân về ổ. Chúng mang phân về hang, tồn trữ để ăn khi không có phân tươi. Ngoài ra, chúng đẻ trứng trong viên phân, ấu trùng nở và ăn dần viên phân đó.
Khi một con bọ hung đực đi “tìm bạn”, và khi cô bọ hung cái “chịu đèn”, thì nàng đi theo chàng. Chàng bọ hung đực đi thụt lùi kéo viên phân dùng làm nơi sinh con, còn nàng đi sau đẩy viên phân, hay “làm chảnh” ngồi trên viên phân cho chàng hì hục đẩy. Đến một chỗ đất ẩm, kín đáo, không sợ kẻ khác đến cướp hay ăn cắp phân, bọ hung đào hang để tồn trữ phân và làm tổ uyên ương, rồi chúng làm tình trong hang. Trứng nở trong viên phân còn mềm, ấu trùng (tức con sùng) ăn phân và lớn dần, hóa lại kiếp bọ hung.
Hình 2. Chàng cực nhọc đẩy cục phân và nàng “làm chảnh” ngồi trên viên phân về tổ uyên ương
Mời xem YouTube hình trên: https://www.youtube.com/embed/IvOpvVQt1fk
Bọ hung là con vật mạnh nhất trong loài động vật so với thân thể của nó. Một con bọ hung có thể lăn về ổ một số phân nặng 10 lần thân thể nó, và trong một ngày làm việc lăn về ổ 250 lần thân thể của nó. Riêng con bọ hung đực loài Onthophagus taurus có thể đẩy cục phân nặng 1141 lần trọng lương thân nó, tương ứng với một người đẩy 6 chiếc xe bus hai tầng chứa đầy người. Thông thường con bọ hung đẩy một cục phân, tuy nhiên nó cũng có phương pháp đẩy 2 cục phân một lúc như hình dưới đây
Hình 3. Bọ hung đẩy 2 cục phân về hang
Một cục phân voi nặng 1,5 kg có thể bị biến mất trong vòng 2 giờ khi một đàn bọ hung 16.000 con đến chia phần ăn.
Con bọ hung rất thính mùi thúi của phân vì nó có cơ quan dò mùi đặc biệt, và mỗi loài bọ hung thích một loại phân thú thì nó rất thính mùi với loại phân đó. Nó có thể ngửi được mùi từ khoảng cách rất xa. Khi một con thú vừa bài tiết phân còn nóng hổi thì chỉ ít phút sau có vô số bọ hung lanh lẹ bò tới. Chỉ một vài giờ sau, đống phân biến mất.
Hình 4. Đánh lộn nhau để tranh dành phân
Bọ hung cũng có tánh xấu. Chúng tranh dành, đánh lộn nhau để tranh dành phân. Con nào nhanh tay lẹ chân, vò được viên phân thì vội vàng lăn phân đi xa, vì sợ con khác theo cướp. Thế mà cũng không yên. Nhiều con bọ hung khác rình mò, hễ thấy bọ hung ra khỏi hang thì bò vào ăn cắp phân, lăn phân về hang ổ của mình.
Một đặc biệt khác là bộ óc bọ hung có cơ quan định vị trí GPS rất chính xác để lăn phân theo một đường thẳng đến ổ. Để ý là trên đường lăn phân về ổ, thỉnh thoảng con bọ hung dừng lại, leo lên cục phân, nhìn trời, rồi leo xuống tiếp tục đẩy viên phân về ổ theo đường thẳng ngắn nhất, không cần biết trên đoạn đường ngắn nhất đó có trở ngại gì không. Theo các nghiên cứu của Đại học Lund Thụy Điển, bọ hung nhìn mặt trời vào ban ngày, nhìn mặt trăng khi có trăng, hay nhìn chùm sao trên ngân hà ban đêm để định hướng đi ban đêm. Nghiên cứu các tế bào trong óc bọ hung cho thấy ban ngày tế bào thần kinh neuron cảm ứng với độ dài sóng phát ra từ mặt trời, nhưng ban đêm thì nó tắt hệ thống đó mà mở hệ thống neuron cảm nhận các tia sáng phân cực của mặt trăng hay tinh tú.
Để chứng minh con bọ hung xử dụng mặt trời làm la bàn để định hướng, nhóm nghiên cứu dùng kính phản chiếu ánh sáng mặt trời thì quả thật con bọ hung đổi hướng vì sai lầm định hướng theo nguồn ánh sáng từ kính.
Nếu trời thật tối đen, khi không có một ngôi sao nào trên bầu trời, con bọ hung bị lạc lối. Nhưng nếu trời vào ngày không có trăng, nhưng bầu trời có sao sáng, con bọ hung đẩy viên phân về ổ theo một đường thẳng một cách dễ dàng.
Để chứng minh rằng bọ hung xử dụng dải ngân hà làm kim la bàn để định hướng, các nhà khoa học làm một thí nghiệm nhỏ như sau. Dùng một tờ giấy cứng chận trước mặt bọ hung để chắn tầm nhìn tới. Làm một màng vải đen cao 1m, hình tròn làm một vòng bao quanh con bọ hung. Trên đường con bọ hung lăn phân về ổ, chụp khung vải này lên đường đi và con bọ hung ở trung tâm, và miếng giấy che trước mặt. Con bọ hung tiếp tục lăn phân về hướng ổ mặc dầu nó không thấy đằng trước vì tấm giấy chắn, nhưng nó còn thấy mặt trăng ở trên chóp khung. Nhưng khi nó đến 1 vị trí gần bìa khung vải, không còn thấy mặt trăng, thì nó dừng lại, leo lên cục phân để tìm trăng, nhưng trăng bị che khuất bởi màng vải, nó phân vân trong 124 giây đồng hồ, và cuối cùng nó đi lạc hướng. Bây giờ cho nó thấy lại mặt trăng, nó chỉnh lại hướng đi đúng đường.
Cũng làm thí nghiệm đó với dải ngân hà trong đêm không có trăng nhưng sao sáng thì kết quả tương tự là nhờ dải ngân hà, bọ hung đi đúng đường.
Bọ hung bị phỉnh gạt bởi một loài cây
Như vậy, con bọ hung có sức mạnh (hữu dũng), uy lực (đánh lộn dành phân) có trí óc (định vị trí GPS), có mưu lược (đi ăn cắp phân của bọ hung khác), nhưng vẫn bị một loài cây đánh lừa.
Đó là loài cây Ceratocaryum argenteum (họ Restionaceae) ở Nam Phi. Cây cao 1-2 m, đặc biệt trái cây là một loại hạt nhân (nut), võ hạt rất cứng và sần sùi, hình cầu hay hơi bầu dục, đường kính 8-9,5 mm, dài 10-12 mm, có mùi thúi nồng nặc như phân thú.
Hình 6. Cây Ceratocaryum argenteum (Restionaceae) ở Nam Phi
Hình 7. Từ trái sang phải, hạt nhân cây Ceratocaryum argenteum, bọ hung Epirinus flagellatus và cục phân nai antelope ở Nam Phi.
Để nòi giống sinh tồn và phát triển lan rộng, hạt cây cần phải được phát tán đến một vị trí mới, ở càng xa gốc cây mẹ càng tốt. Hạt nhân cây Ceratocaryum argenteum (Hình 7, trái) quá nặng để bay theo gió, bị chìm trong nước để có thể phát tán theo dòng nước, vỏ quá cứng, có màu nâu đen không hấp dẫn, hạt lại xông bay mùi thúi khó thở nên không có loài chim nào, giống thú nào hay ngay cả kiến đến ăn để mang đi xa. Chỉ có loài động vật duy nhất mang nó đi nơi khác là loại bọ hung Epirinus flagellatus Fabricius.
Loại bọ hung này tưởng hạt nhân cây Ceratocaryum argenteum là cục phân của loài nai antelope là thứ phân loại bọ hung này thích ăn nhất. Hình dạng (Hình 7) giữa hạt nhân cây và cục phân y hệt nhau, đặc biệt mùi thúi cũng y hệt. Vì lầm lẫn, bọ hung gồng mình lăn hạt nhân về hang. Nhưng khi về tới hang, bọ hung không ăn được cũng như không thể chích vào để đẻ trứng, nó biết bị lầm nên bỏ ổ đi làm hang nơi khác. Nhờ được mang sâu vào lòng đất ẩm, chung quanh hạt lại nhiều phân bổ dưỡng, hạt nẩy mầm và phát triển tươi tốt. Loài cây Ceratocaryum argenteum đạt được mục đích phát tán xa để nói giống sinh tồn.
Các nhà khoa học ở đại học University of Cape Town và University of KwaZulu-Natal tại Nam Phi đã làm một nghiên cứu về loại bọ hung này. Trước nhất, các nhà khoa học trộn hạt nhân cây Ceratocaryum argenteum và cục phân của loài nai antelope rồi rải đều dưới gốc cây thì thấy bọ hung đến đẩy đi tất cả hạt và phân về hang, không có chọn lựa. Tiếp theo, các ông rải đều 195 hạt nhân được đánh dấu trước trong công viên De Hoop Nature Reserve và theo dõi bằng máy thu hình. Trong vòng 24 giờ, các con bọ hung đã mang đi một nửa số hạt nhân về hang nằm rải rác trong công viên. Nhìn phim thu hình chỉ thấy loại bọ hung lăn các hạt nhân này chứ không có một động vật nào ăn hạt hay tha đi. Điều này chứng tỏ hạt nhân giống này là mục tiêu mang về hang của loại bọ hung. Nhóm nghiên cứu phân tích thành phần hóa học của hơi (thúi) phát ra từ hạt và từ phân nai cũng như nhiều loại phân thú rừng khác. Kết quả là thành phần các khí bốc ra giống nhau, nhưng nồng độ của khí phát ra từ hạt cao hơn ở phân và tiếp tục phát ra trong một thời gian dài gấp đôi từ phân thú.
Đánh lừa là một chiến thuật rất phổ biến trong giới động vật và thực vật để sinh tồn, như hóa trang màu sắc của da theo màu môi trường chung quanh của loài cắt ké, hoa giống con ong cái của loài Lan để ong từ xa tưởng lầm là bạn phối ngẫu để bay đến làm tình, v.v.
Không bắt chước cái gì thật đẹp thật thơm tho, loài cây C. argenteum trên đường tiến hóa lại bắt chước cục c…thúi ùm thì thật khôi hài. Mẹ thiên nhiên thật dí dỏm, ngoài tầm tưởng tượng của con người chúng ta.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Jeremy J. Midgley, Joseph D. M. White, Steven D. Johnson & Gary N. Bronner (5/10/2015). Faecal mimicry by seeds ensures dispersal by dung beetles. Nature Plants 1, Article number: 15141 (2015 doi:10.1038/nplants.2015.141. http://www.nature.com/articles/nplants2015141
Reading, 10/2015