Mùa cá bóng trứng
10/7/2015MÙA CÁ BÓNG TRỨNG
Nguyễn Thị Kim-Thu
Còn hai ngày nữa là chúng tôi khởi hành đến Miami, Florida. Trưa nay, chuông điện thoại reng liên hồi, tôi đoán ngay là Thu Thủy vì giờ này ở Florida khoảng 7 giờ sáng, cô nàng thường gọi trước khi sửa soạn đi làm. Hơn nữa, từ mấy tuần qua, khi biết chúng tôi có lịch trình đến Miami Thu Thủy thường phone khi thì thông báo thời tiết vì biết tôi lo sợ bão tố thường xảy ra ở vùng Florida và Louisiana trong khoảng thời gian này, khi thì hỏi chúng tôi thích ăn những món gì, Việt hay Mễ hay Mỹ, thứ gì cũng có ở đây. Chúng tôi không quan tâm về chuyện ăn uống, mà chỉ mong muốn trong thời gian hai tuần ở Mỹ được gặp lại bạn bè ngày xưa và kể chuyện cho nhau nghe.
Biết tâm trạng tôi, Thu Thủy sẽ tổ chức một buổi họp bạn – một mini hội ngộ -gồm các bạn bè thời tiểu học và trung học đang định cư tại vùng Florida. Thu Thủy nói thêm một câu làm tôi suy nghĩ mải không ra “Có một người rất thân với bọn mình từ hồi nhỏ, hiện ở một tiểu bang khác có ý định đến dự buổi hội ngộ ở nhà mình để gặp đồng môn Cần Thơ, đặc biệt để gặp đồng hương Cái Răng ở tận bên Âu Châu đến”. Tôi vội hỏi lại “Ai vậy Thủy?”. Thu Thủy trả lời “Bí mật, tới lúc đó sẽ biết. Người này gốc Cần Thơ, thân với anh Việt* lắm. Mình cũng không nói với anh ta người khách đặc biệt từ Âu Châu đến là Kim-Thu mà chỉ nói là một người rất thân với bọn mình, gốc Cái Răng, cố gắng đến tham dự thì sẽ biết”.
Chúng tôi được anh Việt và Thu Thủy ra phi trường đón, đưa về nhà. Căn nhà khá lớn nằm trong ngôi vườn rộng trồng đầy loại trái cây Việt Nam, mỗi loài chỉ một hay hai cây, như xoài, ổi, mận, cam, quít, bưởi, nhản, mảng cầu xiêm, thanh long, ngay cả cây cóc cũng có. Tôi vội hỏi chứ cây ô môi ở đâu. Anh Việt và Thu Thủy dẫn chúng tôi đến một góc vườn, nơi có một ao nhỏ trồng sen và thả cá vàng, một cây ô môi không lớn lắm, trên mươi tuổi, trồng sát bờ ao, thân chòm ra ao cá. Kế gốc cây là một băng đá dưới bóng mát của tàn cây ô môi. Phong cảnh làm tôi nhớ lại cây ô môi ở vườn cây nhà anh Việt mà hơn 50 năm trước chúng tôi có nhiều kỹ niệm đẹp của thời niên thiếu, cũng là nơi mối tình của anh Việt và Thu-Thủy được nẩy nở.
Tôi ráng gợi ý và hỏi Thu Thủy tên những bạn sẽ đến dự buổi họp mặt, nhưng cô nàng giả lờ, cười cười bảo rồi sẽ biết, trắc nghiệm xem tôi có nhận ra bạn bè thời đi học cách đây trên nửa thế kỷ không. Tôi hồi hộp chờ đợi.
Ngày họp mặt đã đến. Anh Việt, Thu Thủy và vợ chồng tôi đón từng cặp khách đến. Có người mang theo cháu nội hay ngoại còn nhỏ. Mọi người đến bắt tay chúng tôi. Thu Thủy giới thiệu anh Hồng trước, và nói chắc chắn là không ai biết vì ảnh không phải dân Cần Thơ. Rồi cô nàng hỏi tôi còn nhớ ai đây không, khi chỉ vào khách đến. Tôi rất lúng túng, có người tôi nhận ra và nhớ tên, có người tôi mang máng nhớ có gặp nhưng quên tên. Các khách này có người nhận ra tôi, cũng có người không. Làm sao nhớ hết được sau hơn 50 năm không gặp nhau, thân thể nay đã đổi khác, đâu còn vòng eo số 8 của thời nữ sinh, mái tóc thề đen huyền ngày trước nay là mái tóc ngắn đã bạc màu. Sau màn giới thiệu trắc nghiệm trí nhớ mọi người, ai ai cũng cười xòa, vui vẽ.
Cuối cùng, có một cặp khách đến. Ông chồng có lẻ là người lớn tuổi nhất trong đám. Sau khi Thu Thủy giới thiệu anh Hồng, cũng tương tự như khi giới thiệu chúng tôi trước đây, chỉ tôi với anh ta rồi hỏi “Anh còn nhớ ai đây không?”. Anh nhìn kỹ tôi rồi nói:
- Có phải Kim-Thu ở Cầu Kinh không?.
Tôi bỗng chợt có ý chọc:
- Chắc anh lầm người rồi đó, xin anh nói lại.
Anh nhìn kỹ tôi lần nữa, rồi nói:
- Đúng, đúng là Kim-Thu mà. Đúng là hai lúm đồng tiền và nước da trắng hồng của Kim-Thu, con gái cưng của Bác Hai ở đầu xóm Cầu Kinh mà.
Tôi cười, công nhận anh đúng. Anh hỏi ngược lại tôi:
- Vậy chớ Kim Thu có nhận ra tôi không? Cùng xóm đó nghen.
Thú thật, tôi không nhận được anh, mặc dầu cố moi trong ký ức những người trai trong cái xóm khá lớn của tôi, chạy từ sông Cái Răng dọc Cầu Kinh đến con lộ Cái Răng. Trong lúc tôi moi trong ký ức, anh ta xoay qua hỏi Thu Thủy “Ở Miami có đủ mọi thứ cá sông, nhưng chắc chắn là không có “cá bóng trứng” của vùng Cần Thơ, phải không Thủy?”.
Mừng quá, tôi đã tìm thấy chìa khóa cho câu trả lời, tôi vội nắm tay anh và nói:
- Anh Hùm đây rồi, có phải không?
Tới lược anh ngạc nhiên, anh hỏi
- Sao Thu biết?
- Tại vì anh vừa nói “cá bóng trứng”, tôi bỗng nhớ đến Bác Gái và các anh em của anh.
Nghe tới đây, tự nhiên anh sa sầm nét mặt, trở nên u buồn, mắt đăm chiêu. Tôi xin lỗi anh, vì đã làm anh nhớ đến người mẹ tảo tần hy sinh để nuôi nấng cho anh em anh.
Anh Hùm lớn hơn chúng tôi 4 hay 5 tuổi, học trên chúng tôi 4 lớp. Anh là anh cả, với 3 em trai cách nhau 2 tuổi, trong một gia đình nghèo. Ba Mẹ đặt tên con theo các thú dữ trong rừng là Hùm, Beo, Gấu, Hổ. Mặc dầu mang tên dữ, nhưng các anh rất hiền, biết giúp đỡ người nghèo. Các anh học hành chăm chỉ và rất thông minh, thi đâu đậu đó mà lại đậu cao, làm cái gương cho mọi phụ huynh trong xóm răn dạy con em. Ba mẹ anh có một ngôi nhà nhỏ trong xóm tôi, với cái vườn cây nhỏ trồng đủ thứ, lợi tức không bao nhiêu. Ba anh là một hạ sỉ quan đi hành quân quanh năm suốt tháng, xa nhà.
Năm anh Hùm 14 tuổi, đang học lớp Đệ Ngũ trường Phan Thanh Giản, thì Ba anh tử trận. Cuộc sống trong gia đình nay chỉ dựa vào mẹ anh. Anh có ý định bỏ học để giúp mẹ nuôi các em. Nhưng Mẹ bắt anh đi học, phải thoát cảnh nghèo qua ăn học. Mẹ anh phải tảo tần, chăm sóc vườn cây, mỗi xế trưa bà chèo ghe vào vùng quê mua trái cây, gà vịt, cá, rau cải, v.v., hể ai bán cái gì thì bà mua để sáng hôm sau chèo ghe đến Chợ Cái Răng bán lẻ. Mỗi chiều tối, khi có con nước rong lớn từ sông cái chảy ngược vào kinh, mang theo lục bình từng dề lớn, là lúc cá tôm và tép chấu theo con nước vào kinh, vào ruộng đồng ăn mồi, là lúc bà đi xúc cá. Bà lội ngược dòng nước từ nhà ra tới đầu kinh nối với sông cái. Một nồi đất có miệng hẹp nỗi bồng bềnh trên mặt nước dùng để đựng cá tôm tép được nối với thắt lưng bởi một dây chuối phơi khô. Một tay bà cầm cái rỗ xúc, một tay với lục bình rồi rũ mạnh rễ vào thành rỗ để bao nhiêu cá hay tôm tép bám trong rễ lục bình rơi vào rỗ. Cứ vậy, bà lội ngược dòng nước cho tới đầu kinh, nước sâu tới bụng. Vào mùa nước nỗi, dòng nước kinh trở nên đục ngầu vì phù sa, cũng là mùa cá bóng trứng trú ẩn trong rễ lục bình. Cứ mỗi buổi chiều như vậy, bà bắt được trên kilo cá bóng trứng, chưa kể tôm, tép chấu hay các loại cá nhỏ khác. Gia đình tôi thường mua cá bóng trứng từ bà. Bụng cá to úc núc vì trứng, khi kho thì béo ngậy.
Còn anh Hùm vừa học, vừa dạy các em, và ban đêm anh mở lớp dạy kèm cho các học sinh trong xóm. Anh không lấy tiền các em nhà nghèo, còn các em gia đình giàu thì muốn trả anh bao nhiêu cũng được. Phần đông ai cũng trả khá hậu, vừa để giúp đở gia đình anh, vừa thưởng công lao vì anh dạy rất giỏi, các em nào cũng tiến bộ rất rõ ở những môn khó như Toán. Tôi và Thu Thủy theo học lớp luyện thi vào Đệ Thất. Nhờ anh, cả hai chúng tôi đều đậu vào Đệ Thất trường nữ Đoàn Thị Điểm nổi tiếng là rất khó.
Vào một buổi chiều xẩm tối, mọi người trong xóm nghe tiếng la thất thanh từ dưới kinh rạch “Cứu tôi với, cứu tôi với bà con ơi”. Mọi người đỗ xô chạy ra bờ kinh thì thấy bà nằm dài trên mặt bùn, cái rỗ xúc trôi lềnh bềnh giữa dòng kinh, còn nồi đất chứa cá thì còn vướng trong đám lục bình. Bà thì thào, miệng sùi bọt mép “con rắn nước nó cắn tôi”. Bà nói xong thì bắt đầu bất tỉnh. Mấy anh thanh niên lực lưỡng chạy tới, xốc bà lên, xem vết rắn mổ ở đâu. Một thanh niên la lớn “nó mổ vào cỗ, kêu một chiếc xe lôi tức khắc chở vào nhà thương liền bây giờ”. Có người chạy tới nhà bà báo tin, anh Hùm vội nhảy lên xe đạp chạy theo xe lôi để ra nhà thương. Nhưng khi tới cầu Tham Tướng thì bà tắt thở. Anh Hùm ôm xác mẹ khóc thảm thương, sau đó ít phút các anh Beo, Gấu, Hổ cũng vừa chạy bộ tới. Bốn anh em ôm xác mẹ khóc nức nỡ, làm mọi người đứng chung quanh cũng xụt xùi khóc theo. Mọi người suy đoán là bà đang lội ở khúc nước sâu tới ngực, tay với kéo dề lục bình ở giữa dòng kinh đến gần thì một con rắn nước phóng ra ngang tầm cỗ của bà và mổ vào đó. Nếu mổ vào tay, thì có đủ thì giờ bó chặt cánh tay để ngăn nọc đọc chạy về tim và tri hô cầu cứu. Đàng này, rắn mổ vào cỗ thì vô phương cứu chữa, chỉ đủ thì giờ lội tới bờ là đã trúng nọc rồi.
Sau cái chết của mẹ, anh Hùm thay mẹ nuôi các em. Anh tiếp tục học thêm vài tháng nữa để thi Tú Tài 2. Anh Beo bấy giờ đang học lớp Đệ Tam, Gấu Đệ Ngũ còn Hổ Đệ Thất. Sau khi tốt nghiệp Tú Tài 2, anh đi dạy học ở các trường tư thục và ban đêm dạy kèm trẻ em. Nhờ vậy, anh thay mẹ nuôi các em ăn học. Hai năm sau, anh Beo đậu Tú Tài 2 với hạng Bình và trúng tuyển vào Trung Tâm Phú Thọ học về Công Chánh, có học bổng và dạy kèm tư gia nên anh khỏi phải lo. Tương tự, hai năm sau thì anh Gấu đậu vào Nông Lâm Súc Sài Gòn, cũng có học bổng và sống tự lập được. Cuối cùng, anh Hổ trúng tuyển vào Đại Học Sư Phạm Cần Thơ. Bấy giờ, anh mới bắt đầu đi học lại và anh vào được Quốc Gia Hành Chánh. Vừa mới tốt nghiệp thì biến cố 1975 xảy ra. Anh Việt và Thu Thủy di tản từ 1975, và chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc từ ngày đó.
Tôi hoàn toàn quên lãng anh em của anh, cho tới ngày hội ngộ. Chúng tôi hỏi tin tức của nhau, và kể cho nghe những ngày lân đận sau 1975, cuộc vượt biên đầy sóng gió của các anh em anh. Anh cũng cho tôi biết có một lần đến Boston thăm gia đình Nga (trong chuyện Mối Tình Câm), và anh cũng thường xuyên liên lạc với anh em Thông và Thái (trong chuyện Thoát nghèo) hiện ở Houston (Texas). Phần tôi thì kể lại cho anh, anh Việt và Thu Thủy về hiện trạng xóm Cầu Kinh (chuyện Dòng sông thời thơ mộng) hay tin tức những người quen hiện còn ở quê nhà.
Ôi bao nhiêu chuyện vui buồn được chúng tôi kể lại cho nhau nghe, những chuyện xa xưa xảy ra hơn nửa thế kỷ, trong tiếng cười nức nẻ cũng có chuyện đượm dòng nước mắt xót thương.
Reading, 7/2015
Nguyễn Thị Kim-Thu
*Việt là phu quân của Thu Thủy, trong chuyện “Dưới bóng cây ô môi”.