DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Những tram dừng chân

20/5/2024

NHỮNG TRẠM DỪNG CHÂN
[Viết tiếp theo ''Căn nhà trọ đầu tiên '']
Trần Thị Lệ Son
Lên trung học, tôi học lớp đệ thất 6 của trường trung học VõTánh . Đồng thời, chúng tôi từ giả xóm Cây Bàng với con đường Nguyễn BỉnhKhiêm, để dọn vào khu Xóm Mới đường Phước Hải.
2/ Căn nhà trọ thứ hai ;
Căn nhà này nằm đối diện với nhà chị Hai. Đây là căn nhà mới cất. Chủ nhà là một bà già người Huế,sống chung với cậu con trai. Hai mẹ con ở bên nhỏ, còn bên lớn cho anh em chúng tôi thuê. Gồm hai phòng ngủ nhỏ và một phòng khách. Điều làm tôi thích nhất là có nhà tắm và cầu tiêu,mặc dù xài chung với bà chủ nhà nhưng tôi vẫn thấy thoải mái. Bếp nằm phía sau thoáng đãng . Sau lưng nhà là đường rầy xe lửa. Con đường sắt nằm sát lưng nhà. Mỗi lần có tiếng còi tàu rúc lên, tôi nghe tiếng bánh xe nghiến ken két trên đường ray và tiếng kêu xình xịch của đầu máy ....kéo đoàn tàu... làm rung chuyển cả ngôi nhà. Tôi thường đứng ở chỗ rửa chén, có khoảng không , qua hàng rào kẽm gai tôi nhìn thấy đoàn tàu vun vút chạy qua.Mùi khét, mùi khói, mỗi ngày không biết bao nhiêu chuyến tàu. Tôi chưa được đi xe lửa lần nào, nên hiếu kỳ cứ ra coi tàu chạy. Tôi muốn biết cảm giác ngồi trên xe ấy như thế nào. Tôi thả hồn theo con tàu, tưởng tượng đến những nơi xa xôi mà tôi chỉ nghe nói đến.Sàigòn chẳng hạn. Nơi ấy anh Bốn và anh Năm tôi đã đến học.Nơi có nhiều trường Đại học, có thành phố hoa lệ với muôn vạn ánh đèn màu, có máy bay ,có nhiều xe hơi.Cuộc sống nhộn nhịp, tấp nập và hối hả ...Và Huế nưã, nơi cố đô với những di tích lịch sử và lăng tẩm của các triều đaị vua chúa. Ở đó có cô bạn Kim Hoa thân thương của tôi đang sinh sống cùng gia đình .Nơi nào nữa tôi không biết. Những điạ danh như ga Tháp Chàm, ga Mường Mán mà tôi nghe má kể với cha sau khi đi mổ mắt về...Với tôi hoàn tòan xa lạ. Ôi ! trời đất bao la. Tôi thì chỉ biết mỗi ngày, thường ra đứng nhìn con tàu chạy vụt qua và mất hút sau khi để lại một đám khói đen ngòm và trả laị sự yên tĩnh cho con đường. Cứ như thế ... ngày qua ngày ... riết rồi tôi cũng chán ...và thấy khó chịu vì tiếng hú, tiếng ồn ào, nhất là lúc đêm khuya thanh vắng...
Đứng bên này nhìn sang phía bên kia đường, tôi thấy dáng chị Hai thấp thoáng đi ra đi vào, thấy cháu Tân, cháu Dũng và cháu Huệ chạy tới, chạy lui,vui giỡn nô đùa.Cháu Hùng hãy còn bé lắm, chỉ mới biết đi.Tôi thường qua chơi với các cháu và tôi cũng được chia phần như các cháu. Chị gần như có năm đứa con, vì chị luôn để ý săn sóc tôi, nhắc tôi gội đầu, tắm rửa ,giặt áo quần ...và gần như tôi thường xuyên ăn cơm với các cháu, còn chị đợi anh bốn Hà về cùng ăn. Buổi tối, có khi tôi ngủ luôn bên nhà chị, nằm chung với các cháu trên chiếc giường gỗ đặt taị phòng ló.Thỉnh thoảng chị đi xem chừng chúng tôi ngủ có trật tự không . Thời gian này anh Năm đi học ở S G, nên nhà chỉ còn anh Bốn, anh Hồng, chị Huê và tôi. Anh Hồng học đệ nhị trường Võ Tánh , chị Huê vẫn học đệ lục trường Văn Hoá. Chị vẫn đảm đương chuyện cơm nước. Chị đi chợ Xóm Mới hoặc nhờ chị Hai mua giùm. Anh Bốn khó tính trong việc ăn uống, nên chị vất vả thay đổi món ăn để khỏi bị chê. Thời gian chị dành cho việc nấu nướng nhiều hơn thời gian để học bài. Bản chất chị trầm lặng, ít biểu lộ cảm xúc,ít phản kháng. Chị rất hiền. học ở trường Hóa Khánh chị được phần thưởng hạnh kiểm. Tôi còn nhớ, có lần chị bị Bốn đánh, nhưng chị không hề khóc và cũng không hề chảy một giọt nước mắt.Mặt chị tái đi . Chỉ có thế thôi. Hồi đó, tôi nghĩ chị không có nưóc mắt, vì tôi chưa thấy chị khóc lần nào. Nhất là với tôi, một con bé rất dễ xúc động,rất dễ dàng khóc vì bất cứ chuyện gì thì chuyện bị đòn mà không khóc thật là chuyện hy hữu và khó tin. Lớn lên tôi mới hiểu. Có lẽ chị sợ hàng xóm, và nhất là mấy anh con trai biết chị bị đòn, mắc cỡ.!!
Ở đây, tuy không có những cơn gió mùa Hạ mát rười rươị, thổi lồng lộng từ sông vào, nhưng chúng tôi thóat cảnh lôị nước khi đi chơi về muộn. Không còn cảnh đi cầu khỉ lắc lẻo trên sông. Mùa đông, không còn nhận gió rét khắc nghiệt, làm tổn thương cơ thể.Tôi không còn dịp để ngắm con sông Cái cùng với những chiếc thuyền bồng bềnh ra khơi ...Ở đây, tôi ngắm đủ thứ xe qua laị như con thoi suốt ngày trên đường nhưạ. Mọi thứ đều dễ dàng chấp chận, chỉ trừ một điều là :những chuyến tàu rong ruỗi suốt ngày đêm
3/Căn nhà trọ thứ ba:
Tôi không nhớ ở đây được bao lâu, có lẽ khoảng nửa năm thì laị dọn nhà .Căn nhà này sát cạnh về phiá bên phải nhà chị Hai. Ranh giới hai nhà là một hàng kẽm gai rào thưa.Muốn qua nhà chị Hai, tôi chỉ việc chun rào.Không còn sợ xe cộ .khi băng qua đường như trước. Căn nhà này cũ và tệ hơn căn nhà bên kia đường .Nó chỉ có hai phòng. Phòng phía trước, không lớn lắm là nơi anh em tôi sinh hoạt : học hành và ngủ nghỉ. Phòng sau xập xệ, để ăn cơm và để đồ lặt vặt. Bếp nằm riêng bên hông, sát hàng rào nhà chị Hai. Nơi đây có cây đậu săn, không lớn lắm, nhưng có rất nhiều cành đầy trái chi chít, sum xuê. Chị Hai hái trái luộc, lấy hột nấu nước uống. Hột chín rụng vung vãi xuống đất, mọc lú nhú đầy cây con. Cái nhà bếp thật bất tiện, Mỗi lần ra vô nấu ăn lúc trời mưa là ướt hết áo quần.Còn cái cầu tiêu nữa. Nó nằm khuất phía sau hè, lúc nào cũng ngập nước và dơ dáy. Tôi đi nhờ bên nhà chị Hai.,nhưng cầu tiêu nhà chị Hai cũng cũ kỹ quá. Cái siège của Pháp lem luốc, thật khó khăn cho tôi không biết xử dụng cách nào để vừa sạch sẽ mà laị an toàn..Cho nên việc vệ sinh của tôi là cả một cực hình. Tôi tiếc rẻ cái cầu tiêu và cái nhà tắm của nhà bà gìà phiá trước. Chúng tôi xài ké cái giếng nước nhà chị Hai.Các anh qua đó tắm ,giặt. Còn tôi và chi Huê thì xách nước vô bếp tắm .Tôi chấm nhà này chỉ được có một cái: đó là cái lan can ỏ phiá trước mái hiên. Ỏ đó mỗi chiều tôi có thể ôn bài, hay ngồi thẩn thờ nhìn đếm xe qua laị, nhận ra người quen ,bạn bè...Sát lan can ,có cây gòn thật cao, rất sai trái. Thỉnh thoảng, những trái khô rụng xuống, bung vỡ ra và bông gòn theo gió tung bay. Những sơị gòn nhỏ li ti,uốn lượn trong không khí, rất khó chịu khi bị vướng vào mắt, mũi. Tôi ghét cây gòn này, vì nó chẳng đẹp tí nào, mà còn làm dơ khoảng sân nhỏ mà mỗi ngày tôi phải quét. Lâu lâu, vào ngày nghỉ học, má dẫn Sương xuống N T chơi. Lần đó má cho hai đứa đi uốn tóc. Hai chị em tôi phải ngồi hơn hai giờ đồng hồ để cô thợ uốn tóc làm đủ thủ tục: cái đầu mang mấy chục cái kẹp điện nặng trịch, cộng thêm tiếng xèo xèo khét lẹt, nhưng cũng phải gồng mình chịu đựng để có cái đầu tóc quăn. Tôi và Sương sung sướng và hãnh diện, muốn khoe với tất cả mọi người. Buổi chiều hai đứa ngồi ở lan can. Anh Bốn Hà đi làm về nhìn hai đứa rồi phán : ''Con Sương uốn tóc đẹp hơn con Son". Tôi nghe mà tối sầm cả mặt mũi. Chẳng ai khen tôi cả. Từ nhỏ đến giờ tôi chưa nhận được một lời khen. Cha má thì cứ nói miệng tôi rộng quẹt, giống bà nội, và laị còn giống Bà Thục, bà Lểnh naò đó xấu quắc...Tôi rất buồn, nhưng vẫn thích soi gương để nhìn cái đầu tóc quăn..
Tôi vẫn ăn, vẫn học, vẫn mong ngày thứ bảy đến nhanh để ra rạp cinê Tân Tiến hay lên Mã Vòng đón xe về Lạc lợi.Tôi đã có nhiều bạn bè và nhiều thú vui nơi thành phố, nên nỗi nhớ nhà cũng đã gỉảm theo thơì gian. Năm tháng dần qua, mọi thứ rồi cũng vô nề nếp và ổn định. Bỗng một hôm anh Bốn đi đâu về tuyên bố: đã mướn được nhà ở đường Bến Chợ .Tôi bần thần lo lắng. Laị quay về xóm Cây Bàng, bến Lồ Ô nữa ư ?Caí buồn thứ nhất là phải xa chị Hai và các cháu. Cái lo thứ hai là không biết cái nhà sắp dọn tới có tốt hơn ỏ đây không ?
4/ Căn nhà trọ thứ tư:
Đường Bến Chợ gặp đường Nguyễn Bỉnh Khiêm nhờ một góc cua. Nhà mướn này nằm ở khúc giữa, nên về xóm cũ cũng gần mà đi chợ Đầm cũng gần . Đó là một căn nhà xưa, có mặt tiền rộng và hướng về phía mặt trời lặn. Bao nhiêu nắng nóng buổi chiều đều đổ dồn vào nhà. Nếu không có những cơn gió thổi từ phiá sông vào thì oi bức không thể nào chịu nỗi. Bốn anh em chúng tôi quây quần ở căn nhà trên, tương đối rộng. Ban đêm có thêm chị Nhi con của cậu Năm ở trọ đi may. Căn nhà giữa thông ra giếng, để bàn ăn và những thứ lặt vặt.Còn phòng cuối thấp lè tè, dùng để nấu ăn trên nền ciment loang lỗ. Giếng nước chỉ để tắm giặt, rửa ráy. Nước uống phải ra xách ở cái fontaine nước công cộng cách xa trên 50 mét, gần nhà ông Tàu bán bánh bò.
Nỗi thất vọng lớn nhất của tôi taị đây cũng chính là cái cầu tiêu. Nó khuất sâu về phía của chủ nhà là chú thím Tư Mía. Chú thím Tư Mía có bảy người con , cộng thêm hai mẹ con dì Mười nữa là 11người. Gia đình tôi 5 người, tổng cộng 16 người
thế mà chỉ có một caí cầu tiêu nhỏ xíu, cửa ọp ẹp, chỉ chực để sút ra. Mỗi buổi sáng phải đợi chờ, tranh nhau. Để giải quyết nạn kẹt cầu, chúng tôi phải giải tán để đi nhờ cái cầu tiêu công cộng ở dưới cây bàng to bên kia đường . Vẫn cái cầu khỉ lắt lẻo thật dài để đưa ra xa bờ,khúc sông cụt của con sông Cái chỉa vào. Dưới cây bàng là quán chè của chị Sóc. Chè của chị cũng rất ngon. Ở đây rất mát nên người trong xóm ra đây hóng gió và ăn chè. Cái cầu tiêu trên sông nước đã ám ảnh suốt một thời thơ ấu của tôi, giờ đây tôi laị phải tiếp tục chấp nhận nó.Trơì nắng hay trời mưa, nước lớn hay nước cạn cũng chẳng làm tôi dễ chịu và thoải mái thêm chút nào. Tôi lại có dịp quan sát những con rạm thong thả bò từ chân cầu đi lên...Rồi những đàn cá bu đến giành giựt thức ăn. Tôi laị được ngắm những con thuyền chở hàng hóa vào chợ Đầm để buôn bán, đổi trao. Và nếu tôi đứng trên cầu khỉ vào buổi chiều, tôi sẽ thấy mặt trời đỏ ối ,từ từ nấp sau những mái nhà ở bờ bên kia
Chi Cầm là con gái lớn của chú thím Tư Mía, trước chị có hai người anh là anh Mật và anh Cát. Con Vân cùng lứa tuổi với tôi, nhưng tôi laị thích chơi với chị Cầm hơn. Chỉ nhỏ hơn chị Huê một tuổi. Chị Cầm bày chúng tôi chế tạo ra một thứ kem dưỡng da bằng cách: phi chín thạch cao rồi tán thật mịn, đem trộn vơí nước cơm nấu chín để nguội, đánh mặt khi đi ngủ. Mấy chị em tôi đêm nào cũng trét cái mặt trắng toát,giống như ma. Sau vài tuần, tôi thấy chị Huê trắng hẳn ra, trông chị thật là đẹp. Lúc đó chị uốn tóc úp vào. Còn tôi đang vào tuổi dậy thì, đang phát mã con gái. Tôi biết mình không còn con nít khi anh chàng nào đó làm thơ tình quăng vào cửa sổ bàn học của tôi. Một anh chàng nữa đón đường, rồi lẻo đẻo theo sau mỗi sáng tôi đi đến trường. Và các học sinh lớp đàn anh trong trường gửi thư và nhờ người giới thiệu ... Bấy gìờ tôi mới hết mặc cảm là bà Thục, bà Lễnh.
Tôi những tưởng an phận với cái cầu tiêu trên sông Chợ Đầm. Nào ngờ, chỉ một thời gian sau tôi phát hiện: sát cầu tiêu là nhà nuôi cơm tháng cho nam học sinh ở Mũi Né ra trọ học. Một đám con trai, tuổi nhỏ hơn anh Hồng . Tôi thường bắt gặp những khuôn mặt đứng nơi cửa sổ chỉ chỏ vào tôi rồi cười. Tôi xấu hổ muốn độn thổ .Tôi sợ nhất cái cảnh mấy anh chàng đó thấy tôi đang cho cá ăn... Từ đó chuyện đi vệ sinh của tôi cũng là điều khổ tâm và nan giải.
Chị Hai có bầu cháu Tèo, bụng đã lớn, dáng mệt mỏi, nặng nề.Tôi vẫn thường vào chơi với các cháu và để được chị dúi cho chút tiền để ăn quà vặt. Chi Ba đã ra Dục Mỹ bán cửa hiệu sách báo và dụng cụ văn phòng. Lần đầu tiên tôi được đi xe lửa cùng với anh Hồng và chị Huê ra Ninh Hòa, rồi đi xe lam lên Dục Mỹ. Thật là thú vị ngồi trên xe lửa nhìn phong cảnh ngoạn mục hai bên đường, vun vút trải dài và nỗi lo sợ khi xe lửa chui vào hầm của đèo Rù Rì tối đen như mực.Tôi có cảm giác như người đi khám phá thế giới. Thật đúng là ếch ngồi đáy giếng. Mỗi lần cha tôi xuống thăm, cha thường mua một gói bánh thật to và dặn chị Huê mua thịt bò luộc hồng đào chấm nước mắm.Đó là món cha thích. Má tôi thì thích cá nấu ngọt.Chợ Đầm rất nhiều cá tươi ngon , ăn ngọt lịm trong miệng.Nhà ở gần Chợ Đầm nên trên đường đi học về, chị Huê mua thức ăn về nấu. Hôm nào về trể,chị mua thịt nướng và dưa món ăn rất ngon miệng.Qua bao năm, tôi vẫn trung thành với bà bán xu xoa hột lựu, tôi chưa thấy món nào ngon hơn.
Dọn về đây vài tháng thì đến hè. Anh Bốn đi chấm thi Tú tài 1 bị tai nạn tại Blao và phaỉ nằm bệnh viện Grall để bó bột cánh tay. Khi anh Bốn bình phục trở về ảnh rất trắng trẻo, mập mạp và đẹp trai. Hè đó anh Hồng đậu Tú tài toàn phần và sẽ vào Saì gòn thi đại học. Anh Năm đã tốt nghiệp ĐHSP và được dạy ở trường Pétrus Ký SG.Cuối mùa hè, khi tôi vừa lên đệ ngủ thì chị Hai qua đời vì bị băng huyết khi sanh cháu Tèo. Chỉ trong một mùa hè ngắn ngủi mà gia đình tôi phải chịu hai tai nạn khủng khiếp. Những bất hạnh dồn dập khiến cha má đau đớn đến tê dại. Chúng tôi quay trởlại bến xe chợ Đầm để về quê vào những chiều thứ bảy. Ở đó có thêm cháu Tèo còn đỏ hỏn, non nớt nhưng chưa từng được ngậm vú bú mẹ một giọt sữa nào. Cháu bú sữa guigoz bằng bình thủy tinh. Đó là năm đau buồn và bi thảm nhất của gia đình chúng tôi.
Chúng tôi ở đây khoảng một năm rưỡi, rồi laị dọn nhà nữa. Có lẽ nguời vui mừng nhất là tôi. Chúng tôi quay trở laị khu Xóm Mới. Căn nhà nằm ngay chợ, trên đường Huỳnh Thúc Kháng.

5/ Căn nhà trọ thứ năm:
Đây là căn nhà lý tưởng cuả tôi lúc đó vì nó mới toanh ,vừa cất xong.Kiểu dáng không đẹp nhưng nó lịch sự và ngăn nắp. Một phòng khách và ba phòng ngủ nhỏ. Có bếp , nhà tắm , cầu tiêu đàng hoàng .Có cửa sau đi ra giếng nằm trước nhà .Từ cổng có cưả ngõ vào nhà, hai bên có mấy cây dừa và hoa chuối trồng dọc theo lối đi .Tất cả đều tươm tất và dễ thương. Tôi không mong gì hơn nữa…Nhà chỉ còn anh Bốn, chị Huê, tôi, Sương, chị Nhi và cháu Thạch [ Phương ] con anh hai Nhạc ở trọ để đi học. Thạch cùng tuổi với tôi và cùng học lớp đệ tứ..Em Sương đã đậu vào đệ thất. Năm nay trường Võ Tánh chia trường nam nữ học riêng , nên tôi và Sương cùng học ở trường Nữ trung học N T. ..Chị Huê chuyển sang học ở trường Lê Qúy Đôn. Chúng tôi đi học rất gần và đi chợ cũng rất gần. Mấy chị em gái chúng tôi hay qua chợ ăn những tô bún bò cay xè ,thơm phức. Những tô mỳ quãng ngọt ngào, đậm đà .Bánh căn , cháo lòng và những ly chè hấp dẫn không biết chán .Không có gì để phàn nàn,nếu không có những cái sập đóng đồ thiếc. Những cái thùng, cái gàu, được làm bằng thủ công. Tiếng đập, tiếng đóng tạo thành một âm thanh chát chúa.
Bạn học cuả tôi ở khu Xóm mới rất đông. Nhà trường bắt học nhóm thêm ở nhà.Chúng tôi thường tán gẫu đủ thứ chuyện sau khi học xong. Chuyện của con gái mới lớn thì không bao giờ chấm dứt. Em Sương lần đầu tiên xa nhà nên em rất nhớ cha má.Em chỉ mong cho mau đến thứ bảy. Có khi vừa tan trường, em ôm cặp theo các bạn ra bến xe về thẳng nhà luôn. Dù đã quen sống xa nhà, bớt nhớ cha má, nhưng tôi vẫn mong một tuần chóng qua, vì tôi biết cha má đang ngóng chờ.
Vào mùa mưa , con đường từ Thanh Minh vào Lạc Lợi lầy lội và nhão nhoẹt bầy hầy đất bùn.Xe bò chở lúa cày nát con đường ,không còn chỗ khô để bước .Chúng tôi phải xăn quần , xách guốc. Bấm chặt mười đầu ngón chân vào đất để khỏi trợt té. Áo quần lấm lem .Chúng tôi ghé nhà chú Tư Chút Đẹt xin nước rửa chân, gụt áo quần. Mùa mưa đường trơn ướt thế này má không đi chợ.Dân trong làng câu cá đồng đem đến nhà bán. Cá trầu, cá trê, lươn, chính. Khi mua được con cá ám to , má nấu cháo ngon hết biết!!
Anh Bốn có lẽ đã mệt mỏi vì những lần dọn nhà, lang thang trên nhiều con đường trong thành phố .Sau những năm dành dụm ,anh quyết định mua đất cất nhà Chúng tôi dọn nhà về nhà 13 A đường khổng Tử
Ngôi nhà của anh Bốn:
Nhà của Bốn xây xong, Anh Năm được đổi về dạy taị trường Võ Tánh. Năm sau chị Huê lấy chồng. Tôi đậu Trung học đệ nhất cấp , rồi đậu Tú tài 1, Anh Năm bị tổng động viên học ở quân trường Thủ Đức. Anh làm đám cưới với chị Lựu. Cuộc đời binh nghiệp đẩy đưa anh chị đi nhiều nơi. Anh Hồng đã ra trường, về dạy trường Nông Lâm Súc Cần Thơ. Khi tôi học đệ nhất thì phong trào cho Mỹ mướn nhà đang rầm rộ. Chúng tôi dọn nhà để cho Mỹ mướn.
6/ Căn nhà trọ thư saú
Căn nhà này chủ nhà cất để cho thuê nên cũng giống như những căn nhà cho thuê khác. Cũng khiêm tốn từ diện tích đến tiện nghi . Dĩ nhiên trong những ngày đầu ai cũng thấy gò bó. Vì từ một nơi khang trang , rộng rãi sang một nơi chật chội , tù túng , nhưng chỉ trong một thời gian ngắn là hòa nhập dễ dàng. Nhà có thêm cháu Ngọc Oanh , và cháu Tèo.
Anh Bốn Hà đổi ra Đà Nẳng nên cháu chưa thể sum họp với các anh chị vì thiếu người chăm sóc . Năm đó anh Bốn làm đám cưới vơí chị Cúc. Chúng tôi có thêm một nhân vật quan trọng: đó là chị dâu trưởng nam.
Cuộc sống êm trôi, bình lặng. Ngày hai buổi tôi vẫn theo con đường P.H để đến trường Võ Tánh. Tôi học lớp đệ nhất Ả.3 Tôi vẫn cơm nước cho cả nhà. Tôi không dành nhiều thời gian cho việc nấu ăn, vì tôi ước mơ được bước chân đến giảng đường đại học.Anh Hồng đã hứa giúp tôi thực hiện ước mơ đó. Tôi chỉ cần nổ lực học tập.
Hợp đồng cho Mỹ thuê nhà đã kết thúc, chúng tôi dọn về lại nhà Khổng Tử. Hè năm đó tôi đã đậu tú tài 2 va tôi đã được ngồi trên ghế giảng đường đại học khoa học. Tôi đã gặp một nửa của mình là chồng tôi bây giờ. Anh Năm trong thời gian này cũng được biệt phái về dạy tại trường Võ Tánh.
Viết bài này tôi muốn dâng lên cha má l và đến tất cả anh chị em lời cảm ơn muộn màng. Tôi có được ngày hôm nay, ngoài công ơn sinh thành dưỡng dục của cha má; các anh chị đã giúp đỡ, săn sóc, dìu dắt tôi cho đến trưởng thành. Ơn đó khó mà đền đáp được. Nhìn lại đoạn đường đi học, mười hai năm dài đăng đẳng, tôi đã sống bên cạnh các anh chị em với biết bao kỷ niệm. Sự vụng dại của tuổi trẻ, biết bao lần tôi đã làm buồn lòng người thân và đã được tha thứ.
Hôm nay khi đã ở vào tuổi lục tuần, quá khứ chợt hiện về và kỷ niệm thuở học trò bừng sống dậy. Tôi tha thiết nhớ lại những kỹ niệm ngày nào, nhớ tất cả các anh chị em trong ngôi nhà có cha má ấm áp nồng nàn tình thương yêu. Tôi chơi vơi trong cảm xúc dâng trào, vì biết rằng không bao giờ tìm lại được. Quá khứ đã khép lại. Vĩnh viễn chỉ là nuối tiếc và chỉ tìm thấy trong những giấc mơ.
Sàigon, tháng 10 năm 2008
Trần Thị Lệ Son