CHỈ LÀ PHÙ DU THÔI !
11/12/2017CHỈ LÀ PHÙ DU THÔI !
Trần-Đăng Hồng & Kim-Thu
Hàng năm, cứ đến ngày 13/12 dương lịch, gia đình chúng tôi kỷ niệm ngày sum họp gia đình. Qua khủng hoảng cuộc đời do biến cố 30/4/1975, và nay tuổi đời cận kề tiến tới bát tuần, chúng tôi đã “ngộ” được nhiều điều, do từ kinh nghiệm bản thân, từ bạn bè thân và từ nhiều người chúng tôi từng biết rõ, nên muốn cùng chia sẻ những điều này.
Ngày 13/12/1979 là “Một ngày dài nhất trong đời” tôi, thấm thoát đã 38 năm. Đó cũng là ngày chúng tôi bắt đầu lập lại sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Nhiều đêm không ngủ, ngẫm nghĩ tự hỏi rằng cuộc đời tôi và vợ con tôi ra sao nếu tôi còn ở Việt Nam sau biến cố 1975, có bị “cải tạo” dài hạn không với chức vụ thanh tra chương trình lúa Thần Nông ở 16 tỉnh đồng bằng Cửu Long, từng tháp tùng với tổng thống, thân cận vớiông bộ trưởng, từng cộng tác với các chuyên viên canh nông Hoa Kỳ, IVS, USAID ?. Điều đó ắt xảy ra nếu tôi đi du học sớm hơn, như một số đồng nghiệp khác để về nước trước 1975, bởi vì tôi thuộc loại nhân viên thâm niên nhất mà lại đi du học sau cùng để bị “kẹt” ở hải ngoại. Ngẩu nhiên chăng hay do định mệnh đã an bài?
Và cũng “may” là chế độ mới không cho phép những người miền nam như tôi về nước để sum họp gia đình hay để phục vụ quê hương, mặc dầu lúc đó tôi không muốn sống ly hương, xa vĩnh viễn vợ con, cha mẹ anh em.
Phải chăng số mệnh đã được an bài sẳn mà tôi không có cách chọn lựa nào khác.
Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
(Truyện Kiều, Nguyễn Du)
Thế mới biết trong cái “rủi” lại có cái “may”. Họa phúc không lường trước được. Tưởng rằng xa vợ con vĩnh viễn, không ngờ lại được chính phủ Anh can thiệp, mà vợ con tôi là người đầu tiên được chính thức ra khỏi nước trong chương trình đoàn tụ gia đình của Liên Hiệp Quốc.
Chúng tôi làm lại cuộc đời ở xứ người từ hai bàn tay trắng. Tất cả tài sản của cải còn ở Việt Nam đều mất hết, dưới danh nghĩa “tự nguyện hiến cho nhà nước quản lý” để đổi lấy visa xuất ngoại cho vợ con đoàn tụ.
Mất “tất cả” ở Việt Nam, nhưng ở nước Anhtôi lại “nhận được”nhiều hơn, còn xem như có lời nữa. Chính phủ Anh dưới thời bà Thủ Tướng Margaret Thatcher có chính sách hữu sản hóa, giúp đỡmua nhà lần đầu tiên được chính phủ tài trợ một phần theo vài điều dễ dãi cho những ai chưa làm chủ một căn nhà. May mắn vừa sau ngày đoàn tụ, vợ chồng chúng tôi hội đủ điều kiện để chỉ trả 70% giá nhà trên thị trường, và 30% kia là chính phủ tài trợ. Tính ra trị giá 30% chánh phủ cho gần gấp đôi số vàng chúng tôi đã mua đất dự định cất nhà mà đã phải tự nguyện hiến dâng cho nhà nước. Nhờ vậy, vừa sau ngày đoàn tụ chúng tôi đã làm chủ một căn nhà “town house” (nhà căn hai tầng lầu trong một dãy nhà) mới xây cất xong với 3 phòng ngủ. May mắn cho tôi là giá nhà trên thị trường lúc đó rất thấp, nên chỉ sau 3 năm chúng tôi trả hết nợ. Rồi đúng 5 năm sau ngày mua, theo điều kiện quy định của chính phủ, chúng tôi có quyền bán căn nhà này, may mắn lần nữa là giá nhà trên thị trường gia tăng gấp 3,5 lần so với 5 năm trước, chúng tôi lại có một số tiền lời rất lớn, và nhờ đó mua được căn nhà biệt lập hai tầng lầu (detached house) cũng mới xây cất xong với 4 phòng ngủ lớn cùng nhiều tiện nghi tân tiến.
Mười năm sau ngày đoàn tụ, có lẻ “ông trời” thấy sự đền bù này chưa thỏa đáng, ngài bèn cho cả gia đình chúng tôi một số tiền rất lớn lần thứ hai. Số là, vợ chồng chúng tôi có một kế hoạch tài chánh phải hoàn thành trong 10 năm, đó là phải hoàn toàn dứt nợ mua nhà trước khi các con vào đại học. Sau khi trừ mọi chi tiêu, tiền dư của cả hai vợ chồng được gửi vào tài khoản ngân hàng. Mọi trẻ nít ở Anh dưới 16 tuổi, bất cứ thuộc nhà giàu hay nghèo, hàng tuần đều nhận “Child benefit” (trợ cấp con cái). Vợ chồng tôi quyết định mở cho mỗi đứa con một sổ tiết kiệm và số tiền child benefit này đều chuyển vào sổ tiết kiệm của chúng. Ngoài ra, vào dịp hè, hay cuối tuần chúng đều có việc làm, hay tiền học bổng chúng có đều được đưa vào sổ tiết kiệm. Chúng tôi quan niệm cha mẹ phải nuôi con đầy đủ, và những gì chúng tạo được (child benefit, học bổng, làm hè, v.v.) thì thuộc về chúng. Về phần chúng tôi, tiền tiết kiệm của hai đứa là của chung, nhưng chia đều ở mỗi sổ tiết kiệm, để tránh trường hợp ngân hàng phá sản, ngân hàng chính phủ sẽ bồi thường ở một mức tiền đã ấn định. Chia đôi mỗi đứa giữ một nửa thì dưới ngưởng tiền ấn định này, để chính phủ bồi thường đầy đủ nếu ngân hàng phá sản. May mắn là ngân hàng không bị phá sản, mà lại làm ăn phát đạt, lời quá nhiều, và ngân hàng có chính sách tặng cho những khách hàng trung thành, tùy theo số năm và số tiền tiết kiệm, một số chứng khoán. Thế là cả 4 chúng tôi đều được một số chứng khoán “trời cho” (windfall). Khi thị trường chứng khoáng cao, chúng tôi bán hết, quy ra thành một số tiền rất lớn, tương đương với hơn năm lương của tôi. Người xưa có câu “Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”, nhưng gia đình chúng tôi chỉ gặp một họa lớn (30/4/1975), nhưng lại nhận được hai phúc lớn và vô số may mắn khác. Tại sao chỉ có gia đình tôi được hưởng hai cái phúc này, mà các bạn tôi cũng cùng hoàn cảnh ở Anh lại không có. Do phúc đức ông bà để lại, do định mệnh an bài vì tiền kiếp tốt của tôi chăng?
Một cái ngộ nữa là “ông trời” có mắt trừng phạt công minh, cũng có thể nói là “quả báo nhãn tiền”. Tôi được biết tên công an lấy miếng đất nhà tôi đã trở nên giàu có và đầy thế lực, nên nhậu nhẹt, trái gái, con cái hút xách nghiện ngập. Hắn bị ung thư cổ họng, không ăn uống được, phải mổ cuống họng để bơm thức ăn xay nhuyễn vào bao tử hàng ngày, bao nhiêu nhà cửa hắn đoạt được của người khác đều phải bán hết, và cuối cùng hắn chết trong nghèo nàn. Tôi cũng biết vài trường hợp tương tự như vậy, làm giàu bất chính cuối cùng cũng kết thúc bằng cái chết đau đớn, kéo dài trong nhiều năm, và cũng tán gia bại sản.
Cuộc đời đúng là đầy những “vô thường”, “sắc sắc không không”, “lên voi xuống chó”, “đổi đời” trong chớp mắt. Không có gì vĩnh viễn trên cuộc đời này. Của cải, tiền bạc, danh vọng có thể bị mất, bị cướp, duy chỉ có một của quý mà không ai, không chế độ nào “ăn cướp” được, đó là “chất xám” đầu óc con người. Hảy đầu tư chất xám cho con, hơn là cho chúng tiền bạc để phung phí.
Chúng tôi xin cám ơn cha mẹ đã hy sinh gian khổ để nuôi chúng tôi ăn học, xin cám ơn chương trình giáo dục đầy “nhân bản”, “dân tộc” và “khai phóng”của Miền Nam trước đây đã cho chúng tôi có một tư duy độc lập và sáng tạo. Chúng tôi xin cảm ơn chính phủ trước đây đã cho chúng tôi một nền giáo dục miễn phí trong suốt thời tiểu học, trung học và đại học, không những thế, còn cung cấp học bổng rất hào phóng cho mọi sinh viên học chuyên ngành (sư phạm, quốc gia hành chánh, nông nghiệp, công chánh, công nghệ, v.v.) trong suốt thời gian đại học. Chúng tôi cũng xin cảm tạ một chế độ công bằng, xử dụng con người qua tài năng, chứ không qua lý lịch hay con ông cháu cha, nhờ vậy chúng tôi mới có thể phát huy hết tài năng sau khi tốt nghiệp.
Nhờ chất xám mà cha mẹ và cả xã hội miền nam đã đầu tư, chúng tôi làm lại sự nghiệp từ bàn tay trắng ở nước ngoài, nơi đất nước đầy bao dung, độ lượng, không kỳ thị, xử dụng con người đúng theo tài năng mà chúng tôi và con, cháu mới có được như ngày nay. Xin cám ơn tất cả.
Cuối cùng, tất cả của cải danh vọng cũng chỉ là phù du. Vào cuộc đời với thân xác trần trụi cùng tiếng khóc chào đời, và một ngày nào đó ai cũng phải trở về cát bụi với tay không. Nhưng dầu là phù du, nếu con người có đời sống đạo đức thực sự, có đóng góp hữu ích cho đờisẽ vẫn để lại tiếng tốt cho hậu thế, ít nhất là trong con cháu nhiều đời sau này, lòng kính trọng ghi nhớ công ơn qua “phúc đức” của mình để lại.
Hình 1. Mùa đông đầu tiên, 1979-1980, tại Prospect Park
Hình 2. Hai tuần sau ngày đoàn tụ - cuối năm 1979
Hình 3. Hai tuần sau ngày đoàn tụ - cuối năm 1979
Hình 4. Đoàn tụ gia đình
Mời đọc (xin bấm vào): Một ngày dài nhất trong đời
Mời nghe nhạc: Chỉ là phù du thôi. Nhạc: Trúc Hồ. Ca sĩ: Lâm Nhật Tiến.
Bấm vào tam giác để xem nghe nhạc. Trở lại bài viết, bấm vào Esc trên bàn phím.
Mời nghe nhạc: Liên khúc Trở về cát bụi (Nhạc Minh Kỳ & Lê Dinh) và Cát bụi tình đời(nhạc Mạnh Quỳnh). Ca sỉ: Mạnh Quỳnh
Reading, 13/12/2017