DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Câu chuyện Văn chương

5/4/2024

TƯỞNG NHỚ BÁC SĨ TRẦN VĨNH KỲ
Hôm nay là ngày cúng thất chú Trần Vĩnh Kỳ. Mời bà con đọc bài "Câu chuyện văn chương" để thấy kiến thức uyên thâm của chú. Xin thấp một nén nhang tưởng niệm.
CÂU CHUYỆN VĂN CHƯƠNG
Trần Vĩnh Kỳ
陈永旂
Độ thân mến !
Anh dự định chỉ dịch hai bài thơ Đường Luật: Hoàng Hạc Lâu và Phong Kiều Dạ Bạc, rồi "gác kiếm" nghĩ ngơi. Chỉ vì vừa rồi anh muốn làm vui nhộn trang Web của họ tộc Trần Đăng và trang Web của nhóm bạn Y cùng lớp, nên cũng bạo gan làm thử ít câu. Nào ngờ bà con quan tâm, nhất là mới đây Độ muốn anh dịch diễn giải giùm hai câu thơ của ông Nội và theo đó làm một bài thơ Đường. Anh giật mình thấy ông giám khảo ĐỘ "ra đề thật khó", vì thí sinh này không biết viết một nét chữ Nho, không hiểu hết nghĩa trọn vẹn của chữ Hán - Nôm thì làm sao đây. Thôi thì cố gắng vậy ! Có gì sai, bỏ qua đừng cười nhé.
Câu thơ của ông Nội mà Độ nhớ và viết lại như sau:
Nhẫn nhẫn nhẫn, thiên tai tùng thủy tận
Nhiêu nhiêu nhiêu, vạn họa nhất tề tiêu.
tạm dịch nghĩa như sau:
Chịu đựng,chịu đựng,chịu đựng thì ngàn việc xấu hại trôi theo nước sạch hết.
Tha thứ, tha thứ, tha thứ thì muôn sự nguy hiểm cùng tan biến hết một lần.
Chị Son với chút hiểu biết về Phật pháp, nên cảm tác từ hai câu thơ trên của ông Nội như sau:
*Đối với nhẫn [chịu đựng] là nghĩa của câu đầu:
Chịu đựng gian tham lẫn lọc lừa,
Trăm ngàn cay đắng bởi ganh đua.
Thân này như huyễn, xin nhẫn nhịn,
Tan biến tai ương, dưới bóng chùa.
*Đối với nhiêu [tha thứ, bỏ qua] là nghĩa của câu hai:
Tha thứ vì đời lắm khổ đau,
Yêu thương, che chở, dứt ưu sầu.
Cảm thông, hoan hỷ, thôi oan trái,
Giải vạn oan khiên, phép nhiệm mầu.
Riêng anh thì muốn bàn luận thêm một chút với Độ về văn chương, qua hai câu thơ trên của ông Nội.
1. Hai câu trên có phải là của Khổng Tử không?:
Trước hết, khi đọc lên hai câu đó, ai cũng hiểu đó là hai câu đối, một hình thức thơ mà các cụ Đồ Nho ngày xưa hay dùng. Nguyên tắc là cố gắng chọn từ hoặc nghĩa đối ứng nhau [không bắt buộc phải nghịch nghĩa] ít ra là cùng loại như cùng là động từ, danh từ, hay trạng từ v.v. Như vậy thì nhẫn-nhẫn-nhẫn[chịu đựng...] đối cùng với nhiêu-nhiêu-nhiêu[tha thứ...] thiên tai [ngàn việc xấu] đối với vạn họa [muôn điều nghịch ý] là rất chĩnh. Nhưng thật là lạ, khi "tùng thủy" không thể đối chĩnh với "nhất tề" vì tùng là động từ, thủy là danh từ, làm sao đối với nhất tề là trạng từ. Do đó anh nghĩ rằng hai câu Độ nhớ lại có sai ở chữ tùng thủy, vì một nhà Nho giỏi như ông Nội đã không thể viết như thế. Ngoài ra trong các sách về Nho giáo mà Khổng Tử thuyết giảng: Tứ Thư, Ngũ kinh, Tam Cương, Ngũ Thường, Tam Tòng, Tứ Đức...không thấy có hai câu này. Bộ kinh Lễ tuy có nói về những lễ nghi đời trước, duy trì ổn định trật tự giữa vua- tôi, quan-thứ dân, gia đình [cha con, vợ chồng, anh em...] và xã hội [bạn bè, chòm xóm..] Đó là các cách xử thế giữa người với người, tuy cũng có nói đến NHẪN mà không nói tới NHIÊU.
Anh đã vào trang Web gia đình, để đọc lại bài viết "Ông Nội tôi" của Độ. Anh thấy ông Nội ngoài việc tinh thông chữ Nho [nghề Đông Y] ông còn giỏi về Phật Pháp và sùng đạo [thờ tượng Phật Di Lặc] và cũng phải hiểu rõ về đạo Lão nữa. May mắn thay, kinh Nhẫn nhục Ba La Mật của Phật Giáo có ghi lại 4 câu thơ mà cũng là bốn câu đối [không biết của Thiền Sư hay của Cư Sĩ nào] như sau:
Nhẫn nhẫn nhẫn, trái chủ oan gia tùng thửtận.
Nhiêu nhiêu nhiêu, thiên tai vạn họa nhất tề tiêu
Mặc mặc mặc, vô hạn thần tiên tùng thửđắc
Hưu hưu hưu, cái thế công danh bất tự do
Tạm dịch nghĩa là:
Chịu đựng, chịu đựng, chịu đựng thì ngàn viêc khó khăn, nghịch cảnh từ đây biến mất.
Tha thứ, tha thứ, tha thứ thì muôn sự nguy hiểm, tai hại tiêu tan cùng một lần.
Yên lặng, yên lặng, yên lặng thì rất nhiều việc diệu kỳ sẽ có được.
Thôi, thôi, thôi đừng màng đến sự nghiệp, danh tiếng vì vướng vào ta mất tự do.
Như vậy, hai câu thơ đối của ông nội là hai câu viện dẫn từ kinh điển của Phật giáo, chứ không phải do Ngài Khổng Tử nói và hai chữ "tùng thủy" trong câu đầu phải là "tùng thử" mới đúng nghiã. Hai âm đọc này na ná giống nhau, nên lâu quá mình có thể quên. Đặc biệt, điều anh muốn nói ở đây là ông Nội đã có tài gom gọn bốn câu lại thành hai câu để con cháu dễ học, dễ nhớ. Hơn nữa điều cốt lõi của bốn câu cũng chỉ gói gém trong hai chữ Nhẫn-Nhiêu mà thôi.
2. Ý nghĩa của hai chữ Nhẫn, Nhiêu:
Trong tích xưa có nhắc đến chuyện gia đình ông Trương Công Nghệ, con cái chín đời sống chung với nhau trên dưới thuận hòa, cũng nhờ thực hành sự nhẫn nhục trong gia đạo. Dân gian thường nói đến Nhẫn Nhục, nghĩa là chịu đựng sự đau khổ, nhục nhã để sống hòa đồng và tha thứ cho nhau. Chúng ta thường biết, đôi khi chúng ta nhẫn nhịn, chịu nhục chỉ vì mình sức yếu, cô thế hay vì cầu mong sự yên thân, hoặc để được sự lợi lộc gì đó.Có người nhịn nhục vì tự cao, tự đại hay khinh khi đối thủ. Do đó nếu sự tha thứ, không trả thù theo sau thì cũng điều này khó có thể chân thật, hay nếu có thật, thì chỉ là hình thức ban ơn, tùy tiện; ngoại trừ khi nhẫn nhục vì nghĩ đến hạnh phúc của kẻ khác. Dân gian thường chọn con số ba [3], làm cái mốc giới hạn thời gian để ám chỉ sự chịu đựng, kiên trì. Cha mẹ dạy dổ con cháu cũng đều nhắc đi, nhắc lại là "điều này cha mẹ đã nói, đã dạy con đến ba lần rồi, sao con không nghe". Khi khuyên ai nhẫn nhục, người xưa cũng có ý nhắc đi, nhắc laị ba lần: Nhẫn, nhẫn, nhẫn và Nhiêu, nhiêu, nhiêulà muốn nhấn mạnh đến sự chịu đựng. Đó cũng là phương pháp tâm lý, trong thời gian nhủ lòng ba tiếng: nhịn đi, nhịn đi, nhịn đi hay tha thứ, tha thứ, tha thứ... thì tâm trí mình cũng phân tích, tìm hiểu để thông cảm sự việc và đối tượng, rồi ý niệm yêu thương và tha thứ khỡi lên. Nhẫn nhục như thế là có chấp trước [có ý đồ], không đúng tinh thần của Nho gia và Phật gia.
Nho giáo không đề cập nhiều đến chữ Nhiêu, mà chỉ nói nhiều tới Nhẫn và lòng hy sinh, bỏ qua mọi chuyện. Ý nghĩa thâm thúy của chữ Nhẫn [chữ Nho] được chiết tự là chữ Đao [dao] nằm trên chữ Tâm [tim], có nghĩa là khi chịu đựng nghịch cảnh con người cũng đau đớn giống như dao cứa vào tim.
Riêng Phật giáo với pháp môn "Nhẫn Ba La Mật" và "Nhiêu Ba La Mật" luôn đề cập đến ba cặp: Thân nhẫn, Khẩu nhẫn, Ý nhẫn cũng như Thân nhiêu, Khẩu nhiêu, Ý nhiêu. Người tu Phật phải luôn vận dụng Thân, Khẩu, Ý của mình chấp nhận, chịu đựng và bỏ qua những nghịch cảnh, đau thương mà người khác gây ra cho mình với một tâm từ bi, hỷ xã thật sự, không chấp tướng điều gì. Chỉ có Nhẫn là cách hay nhất để thắng đi ý niệm trả thủ từ việc khởi tâm sân hận. Sân hận là hư mọi chuyện, làm mất đi sự sáng suốt, đốt tiêu những biện pháp giải quyết vấn đề một cách khôn khéo:
Nhất niệm sân tâm khởi
Bá vạn chướng môn khai
3. Dịch đối và cảm tác hai câu thơ của ông Nội:
Như vậy hai câu đối của ông Nội đúng là:
Nhẫn nhẫn nhẫn thiên tai tùng thử tận
Nhiêu nhiêu nhiêu vạn họa nhất tề tiêu.
tôi xin dịch đối như sau:
Chịu đựng đi, ngàn tai ương mất hết
Thứ tha rồi, muôn khổ nạn sạch không.
Vy Kính
và kính cẩn làm bài thơ thất ngôn tứ cú như sau:
Cam chịu ngàn điều khổ đớn đau,
Kiên trì hạnh Nhẫn giúp tan mau.
Nhiêu muôn, nhiêu vạn lần cay đắng,
Tha thứ tiêu tan hết mọi sầu.
Vy Kính T.V.K
ĐỘ thân mến!
Nhiều gia đình Việt Nam mình hiện nay vẫn còn giữ được nét văn hóa và giáo dục thâm thúy: viết một chữ Hán [ NHẪN] hay Việt [HIẾU], chép một vài câu thơ ngắn, dán trên vách, trên cửa ra vào... để nhắc nhỡ mọi người trong gia đình thực hiện. Điều quan trọng là ở HÀNH! Đối với Nhẫn [cam chịu], Nhiêu [tha thứ], chúng ta chỉ mong làm đúng được phần nào theo ý nghĩa của dân gian, đã là tốt lắm rồi. Tuy đơn giãn, nhưng hành cho đúng, thật khó lắm thay.
Ngày xưa anh em chúng mình đã đọc, đã học nhưng câu chuyện ngụ ngôn, những bài học răn đời thâm thúy trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư; mà lòng mình cảm thấy rung động, xúc cảm dâng trào. Sự hiểu biết về chữ Hán, chữ Nôm tuy có hạn chế nhưng vẫn đọc những câu Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm khúc; với nhiều điển tích xưa của Trung Hoa cổ, mà vẫn thấy người xưa với mình gần gủi, lời dạy đạo đức xưa, nay vẫn còn là chân lý. Do lối giáo dục hiện nay có nhiều thiếu sót về đạo đức bản thân, đã làm không ít học sinh quên mất sự tự chế và sự nhẫn nhục cần thiết trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, học đường và xã hội. Sự hiểu biết về chữ nghĩa Thánh Hiền có hạn chế, nên anh tin rằng với câu thơ anh dùng chữ Nhẫn, bắt chước họa theo một câu của nhà Phật, thế nào cũng có em, có cháu nào đó hiểu nhầm:
Nhất niệm nhẫn tâm khởi
Bá vạn hỷ môn khai.
Trần Vĩnh Kỳ
陈永旂
12/12/2007