DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Xử dụng cá heo trong hải quân

28/9/2015

XỬ DỤNG CÁ HEO TRONG HẢI QUÂN

Nguyễn Thị Kim-Thu

 

File:US Navy Marine Mammal Program Logo.png

 

Cá heo là động vật rất thông minh, thân thiện với loài người và rất dễ dạy. Vì vậy, cá heo được huấn luyện làm người lính trong hải quân cho các mục đích quân sự như tìm mìn, cứu người bị kẹt trong tàu chìm, phát hiện người nhái của địch để canh gác bảo vệ căn cứ hải quân hay chiến hạm, hay xử dụng cá heo để ôm mìn tấn công tàu địch. Ngày nay, đồn rằng Hoa Kỳ còn huấn luyện cá heo ôm tên lửa đến gần tàu địch rồi kích động để phóng, hay mang các thiết bị định hướng gắn vào tàu địch để hỏa tiễn trên máy bay xác định vị trí tàu để tấn công. Hoa Kỳ đã xử dụng cá heo trong chiến tranh Việt Nam và chiến tranh vùng Vịnh ở Trung Đông. Hai quốc gia chính xử dụng cá heo trong quân sự là Hoa Kỳ và Liên Xô.

Liên Xô có chương trình huấn luyện cá heo cho mục đích quân sự tại Kazachya Bukhta, gần Sevastopol, trong vịnh Crimea, Hắc Hải (Black Sea) thuộc Ukraine. Sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, chương trình Cá Heo của Liên Xô đã đình chỉ trong đầu thập niên 1990s, cơ sở chuyển giao cho Ukraine. Sau biến cố Crimea năm 2014, cơ sở này trao trở lại cho Nga.. Báo chí tường trình là Hải quân Liên Xô đã bán cho Iran một số cá heo được huấn luyện cho mục tiêu quân sự vào năm 2000.

Qui mô hơn, Hải quân Hoa Kỳ có chương trình huấn luyện động vật biển như sư tử biển (sea lion) và cá heo tại San Diego California.

Vì vấn đề bí mật quân sự, không có quốc gia nào công khai công nhận việc xử dụng động vật trong chiến tranh để tiêu diệt kẻ thù. Chương trình nghiên cứu động vật biển trong mục tiêu quân sự của Hải Quân Hoa Kỳ bắt đầu từ 1960. Năm 1965, một con cá heo được huấn luyện thành thục có tên Tuffy tham gia chương trình SEALAF II tại eo biển La Jolla California, mang theo dụng cụ và thông điệp liên lạc giữa mặt nước  và phòng thí nghiệm đáy biển ở độ sâu 60 m. Cá heo Tuffy đã hoàn thành sứ mạng phát hiện người bị nạn (đóng kịch) ở biển sâu, và nó đã dìu người lâm nạn lên mặt nước và đưa vào bờ an toàn.

Cá heo được xử dụng vớt mìn ở Vịnh Kwait trong thời chiến vùng Vịnh. Để ý trên vi cá có máy điện tử dò mìn.

 

Cá heo có khả năng phát sóng siêu âm để tìm mồi từ xa nên được xử dụng khám phá mìn dưới biển, còn sư tử biển có nhản quan rất tinh tường nên huấn luyện khám phá người nhái phe địch. Trong năm 2007, Hải quân Mỹ chi 14 triệu đô la để nghiên cứu khả năng và huấn luyện hai động vật biển này trong mục tiêu quân sự. Hải quân Hoa Kỳ đã huấn luyện thành thục 75 cá heo.

File:Military-trained-dolphin.jpg

Cá heo làm theo lệnh của huấn luyện viên qua cách làm dấu tay

Cá heo và sư tử biển được huấn luyện bởi 5 nhóm chuyên viên thuộc Hải quân, mang tên MK4, MK5, MK6, MK7 và MK8. Nhóm MK4, MK7, và MK8 huấn luyện cá heo, nhóm MK5 huấn luyện sư tử, còn nhóm MK6 huấn luyện cả hai loài cá heo và sư tử biển.

Nhóm MK4 chuyên huấn luyện cá heo phát hiện, định vị ví mìn nỗi trên mặt nước; nhóm MK7 huấn luyện cá heo phát hiện mìn ở đáy biển hay mìn chôn vùi dưới đáy biển; còn nhóm MK8 chuyên huấn luyện cá heo tìm đường an toàn để lính thủy đổ bộ lên bờ. Cá heo thông thường được huấn luyện làm nhiệm vụ hơn một nhóm.

MK5 huấn luyện sư tử biển dò tìm và trục vớt vật rơi vào biển, như các dụng cụ khí tài thử nghiệm của hải quân, hay máy bay rơi, tìm và trục với nạn nhân máy bay rơi xuống biển, v.v.

Khi cá heo làm tròn một phận sự khi huấn luyện thì được thưởng một con cá, như sau khi phát hiện người nhái hay mìn phải quay trở lại tường trình tức khắc cho huấn luyện viên, rồi sẵn sàng nhận một mệnh lệnh khác.

Đoàn cá heo này được cấp tốc chuyên chở đến vị trí hoạt động trong vòng 72 giờ, bằng tàu, máy bay, trực thăng, hay xe hơi tùy theo đường xa và độ khẩn cấp.

Ngoài địa điểm huấn luyện cá heo và sư tử biển ở San Diego California, Hải quân Hoa Kỳ còn một địa điểm khác ở Vịnh Kāneʻohe Bay tại Hawaii.

Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam từ 1965-1975, 5 con cá heo có nhiệm vụ phát hiện người nhái  địch và canh gác các tàu  hải quân. Trong thời gian này, báo chí đồn đãi rằng cá heo được huấn luyện với trang bị khí tài để giết người nhái địch, nhưng Bộ Hải Quân Hoa Kỳ bát tin này. Ngoài ra, trong thời gian 1971-1972, một số cá heo thuộc nhóm MK6 được chuyển tới Cam Ranh, ngoài nhiệm vụ canh gác tàu và hải cảng quân sự, còn khám phá các vật lạ ở các cầu bến tàu, chung quanh tàu, v.v.

Cá heo trong nhóm MK6 khi khám phá thấy người nhái địch, nó lội phía sau, đâm chích vào bình lặn chứa dưỡng khí, nối liền với một phao nổi trồi lên mặt nước để cảnh báo người trên tàu biết có kẻ địch xâm nhập.

Trong thời kỳ chiến tranh vùng Vịnh Persian Gulf 1986 -1988, 6 con cá heo có nhiệm vụ tuần tiểu canh gác hải cảng Bahrain, bảo vệ tàu hải quân Hoa Kỳ, hộ tống các tàu chở dầu của Kuwait qua các eo biển có nguy cơ có thủy lôi hay mìn.

Cá heo khai quan mìn được đưa tới Persian Gulf trong chiến tranh Iraq năm 2003, Bộ Hải Quân Hoa Kỳ cho biết cá heo đã dọn sạch trên 100 mìn chống tàu ở cảng Umn Qast.

Chương trình huấn luyện cá heo và sư tử biển có thể sẽ chấm dứt vào năm 2017, và được thay thế bằng các robot hoạt động dưới biển sâu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Wikimedia. Military dolphin.  https://en.wikipedia.org/wiki/Military_dolphin

Wikipedia. United States Navy Marine Mammal Program. https://en.wikipedia.org/wiki/United_States_Navy_Marine_Mammal_Program

 

Reading, 9/2015