Duyên nợ với nghề nông
21/2/2024DUYÊN NỢ VỚI NGHỀ NÔNG
Nguyễn Thị Kim-Thu
Sắp hết năm học của bậc tiểu học, ba má tôi cho tôi đi học thêm lớp luyện thi vào Đệ Thất của bậc trung học. Chú út Thạnh, em của ba tôi, cùng tuổi với tôi, cũng được nội cho đi học lớp luyện thi này.
Trước ngày thi, chú Thạnh nói với tôi:
-Thu này, nếu tao với mày cùng đậu, tao vào Trường Nam Phan Thanh Giản, mày vào Trường Nữ Đoàn Thị Điểm thì chú cháu mình cùng ăn mừng. Nếu tao đậu mà mày rớt, thì mày phải đãi tao. Còn nếu tao rớt mà mày đậu, ngoài việc tao khao mày ăn kem, mà tao còn cõng mày từ Ngã Ba vào nhà nữa. Mày đồng ý không?
Tôi gật đầu đồng ý.
Đúng như lời hứa, chú Thạnh cõng tôi từ Ngã Ba vào nhà, chú khóc thút thít vì thi rớt. Tôi thì hãnh diện lắm, nhưng thấy chú khóc thì cũng đau xót lắm.
Không hãnh diện sao được, tôi lại đậu rất cao. Được vào học Trường Đoàn Thị Điểm ở Cần Thơ là ước mơ của bao bậc cha mẹ và học sinh ở Miền Tây, chứ không hẳn riêng ở Cần Thơ.
Năm 1879, College de Mỹ Tho được Pháp thành lập ở Mỹ Tho cho học sinh các tỉnh Miền Tây Nam Bộ. Vì học sinh quá đông, nên năm 1917, trường Mỹ Tho lập một chi nhánh ở Cần Thơ mang tên College de Cần Thơ. Năm 1924, College de Cần Thơ tách riêng, không còn là chi nhánh của College de Mỹ Tho nữa.
Tháng 8/1945, trường mang tên mới là Trung Học Phan Thanh Giản, nhận học sinh cả nam lẫn nữ.
Khoảng 1960, một dãy lớp của trường Phan Thanh Giản được biến thành Trường Nữ Đoàn Thị Điểm. Hai trường kể từ đó cách biệt nhau, mỗi trường có cổng ra vào riêng.
Ba má và tôi rất hãnh diện. Đậu vào trường công này rất khó, trên 2 ngàn thí sinh mà chỉ chọn 200, mà tôi lại đậu rất cao.
Ngày tựu trường Má may cho tôi vài bộ áo dài trắng nữ sinh của trường, mang phù hiệu Trường Nữ Đoàn Thị Điểm, tôi đi nhí nhảnh ngoài đường phố dưới cặp mắt thèm thuồng và thán phục của bao nữ sinh đang học ở các trường tư thục trong thành phố.
Khi có thầy cô bị bệnh, cả lớp kéo ra Bến Ninh Kiều dạo chơi và ăn quà vặt. Tôi tham gia các hoạt động thể thao trong trường, đoạt giải nhất về bơi lội qua sông Cái Răng trong dịp lể Hai Bà Trưng, tham gia các buổi lửa trại trong trường, hay cắm trại.
Hai năm ở Trường Nữ Đoàn Thị Điểm lặng lẻ trôi qua trong niềm hạnh phúc của tôi, thì Ba Má tôi thoáng có vẻ ưu tư.
Một ngày nọ, trong một buổi ăn, Ba nhỏ nhẹ nói với tôi:
-Thu nè, Ba đề nghị con thi vào trường Nông Lâm Súc Cần Thơ đi.
Tôi gạt phắt, và nói:
-Con không chịu đâu, bọn bạn con sẽ nói “Con gái mà theo học trường trâu bò”.
Ba tôi, hơi sững sốt một tí, dịu giọng:
-Nếu Ba Má chỉ có mình con, thì Ba Má nuôi con tới đâu cũng được. Con hãy nhìn lại, con còn 6 đứa em, cũng đang tuổi ăn học như con, ba má làm sao nuôi các con ăn học thành tài với cái lương công chức của Ba.
Ba nhìn tôi, nhìn má, rồi nhìn các em tôi, và nói.
-Con thử nghĩ, nếu con tiếp tục học Trường Đoàn Thị Điểm, vốn con học rất giỏi, Ba biết điều đó, con dư sức đậu cao bằng Trung học Đệ Nhất Cấp. Nhưng với cái bằng phổ thông này con chưa có một nghề ngỗng gì. Còn học đậu được Tú Tài 1, Tú Tài 2 phổ thông, con cũng chưa có nghề nghiệp gì để tạo ra đồng tiền. Còn cho con lên Đại Học, phải lên Sài Gòn học, thì ba má không có đủ khả năng, bởi vì còn các em của con nữa. Hơn nữa ngoài ngành Sư Phạm, đâu có trường ngành nghề kỹ thuật nào thích hợp cho con gái chẳng hạn như Đại học Phú Thọ, còn học Y khoa thì phải 7 năm trời.
Ba vừa nói, vừa rơm rớm nước mắt:
-Hơn nữa, con đậu vào trường Nông Lâm Súc Cần Thơ, con sẽ có học bổng vì mọi học sinh học trường này đều có học bổng. Con dư sức đậu cao để có học bổng toàn phần. Học ở Cần Thơ, có học bổng, ăn cơm nhà. Sau khi đậu Trung học Đệ Nhất Cấp, con có thể học một năm lớp Huấn Sự, tốt nghiệp con đương nhiên làm công chức ở các Ty Nông Nghiệp. Còn tiếp tục học nữa, đậu được Tú Tài 2 Nông Lâm Súc, con có thể theo học 2 năm lớp Kiểm Sự, cũng có học bổng cao. Tốt nghiệp, con có lương cao hơn, đương nhiên được làm ở các Ty Nông Nghiệp. Còn muốn học lên cao hơn, bậc Kỷ Sư Nông Nghiệp, phải học ở Sài Gòn, nhưng đương nhiên con sẽ có học bổng, ở trong ký túc xá của trường, thật khỏe re. Con nên nghĩ lại.
Nhìn Ba Má, tôi thương Ba Má lắm, tôi biết Ba Má rất thương tôi, muốn tôi có một tương lai tốt đẹp trong tầm tay nuôi dưỡng của Ba Má, tôi bắt đầu xìu lòng, nhưng tôi vẫn tiếc rẽ nếu phải rời bỏ trường Đoàn Thị Điểm.
Sau nhiều đêm đắn đo suy nghĩ, tôi nhìn Ba, nhìn Má, nhìn đàn em, tôi tự nghĩ mình không nên quá ích kỷ.
Cuối cùng, tôi chìu lòng Ba, tôi nộp đơn thi vào trường trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ, nhưng không tha thiết lắm. Tôi mong là tôi thi rớt để có cớ tiếp tục học ở Đoàn Thị Điểm.
Mong thi rớt, nhưng tôi lại đậu cao. Tôi vào học lớp Đệ Ngũ trường Nông Lâm Súc (1964). Những tháng đầu tiên là những tháng cực hình đối với tôi. Phải thực tập ngoài vườn dưới bầu trời nắng như lửa, nóng đổ mồ hôi, trong chuồng trại heo, bò, gà dơ dáy và hôi thúi. Cũng may, những chuyện cần nhiều công sức đều có các anh cùng lớp làm giúp dùm, như cuốc đất, đào mương, v.v.
Nghỉ giải lao trong giờ thực hành nông trại lớp Đệ Tứ A và B với Thầy Huỳnh Văn Phiếm
Rồi với thời gian, tôi quen dần, và bắt đầu thích thú. Nhờ kiến thức nông nghiệp học được, tôi được nhiều giải thưởng cấp tỉnh và cấp Vùng Miền Tây trong chương trình 4T như tôi đã mô tả trong bài “Kỷ niệm lần đầu tiên đi máy bay”.
Sau khi đậu Tú Tài 1 và Tú Tài 2 Nông Lâm Súc, tôi đậu vào trường Cao Đẳng Sư Phạm Nông Lâm Súc Sài Gòn (Khóa 4), tốt nghiệp 1970.
Nhưng, một điều quan trọng nhất cho cuộc đời tôi, có một vị giáo sư tài ba, năng động đã chú ý đến tôi, theo dõi việc học hành, hoạt động và sinh hoạt của tôi trong suốt thời gian theo học ở Nông Lâm Súc Cần Thơ, và cuối cùng, vị giáo sư ấy là chồng tôi (đám cưới 1971).
Phải chăng đây là duyên số định mệnh đã được an bài?
Reading, kỷ niệm 60 năm vào trường NLS Cần Thơ (1964-2024).
Nguyễn Thị Kim-Thu