DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Xuân và tuổi trẻ



XUÂN VÀ TUỔI TRẺ
Nguyễn Thị Kim-Thu
Như những chồi non ngái ngủ trong suốt mùa đông giá lạnh, bổng một sáng sớm mùa xuân chúng ta chợt thấy những lá xanh non đã nở trên cây lúc nào. Trẻ thơ ở xứ lạnh cũng vậy, sự thay đổi thời tiết theo mùa cũng ảnh hưởng đến chúng một cách rõ ràng. Đứa cháu ngoại của tôi mới 2 tuổi vài tháng, sau những ngày tháng lạnh lẻo âm u tuyết giá, bổng một buổi sáng, ngồi trong xe trên đường đến nhà trẻ, cháu lay tay tôi và nói bập bẹ “Look, Grand Ma, the sun is coming out now!” (Ngoại ơi, nhìn kìa, mặt trời ló dạng rồi). Đúng vậy, mùa Xuân vừa đến, thoạt tiên bằng ánh nắng mặt trời xuyên qua đám mây mù, mang theo thời tiết ấm áp với bao sinh lực dồi dào cho muôn loài cỏ cây và thú vật cũng như con người. Nhìn vẻ mặt hân hoan của cháu, tôi cũng cảm thấy nguồn vui do mùa Xuân mang đến.
Đối với trẻ thơ ở xứ lạnh, mùa Xuân và Hè là mùa năng động của chúng. Ở nhà trẻ, chúng không còn chơi trong căn phòng, mặc dầu được sưởi ấm áp, với ánh sáng nhân tạo chan hòa cùng với bao đồ chơi đầy thú vị, bây giờ chúng được chơi chạy nhảy ngoài sân vườn, trên thảm cỏ xanh, cùng với hoa, bướm và chim chóc. Thật là dễ thương nhìn cảnh đàn chim bồ câu chạy theo em bé để xin thức ăn. Thỉnh thoảng các cháu được cô giáo dẫn đi du ngoạn ngoài bờ sông, nông trại, hay trong công viên của nhà thờ cổ kính. Các cháu hai ba tuổi lúc thúc đi theo cô giáo giống như đàn vịt con lệch bệch theo vịt mẹ.
Rồi những buổi chiều, sau khi ông bà ngoại rước cháu về nhà và trong lúc chờ đợi ba mẹ đi làm về ghé rước, các cháu đòi ông ngoại phải đá banh với chúng ở ngoài sân.
Và hai ngày cuối tuần là những ngày thích thú nhất của các cháu: dẫn cháu đi dã ngoại nơi đồng quê, thăm danh lam thắng cảnh, hay picnic ngoài công viên.
Đặc biệt trong nền giáo dục ở Anh là khuyến khích trẻ con có đầu óc mạo hiểm, không sợ gian nguy, ngược với giáo dục ở xứ ta là ngăn cản trẻ con làm chuyện nguy hiểm như leo núi, lội sông, chèo thuyền một mình, mà chỉ muốn trẻ thơ ru rú trong nhà. Chính vì nền giáo dục như vậy mà Anh quốc có những nhà thám hiểm lừng danh thế giới, khám phá ra Thái Bình Dương, Á Châu, và Úc Châu như Thomas Cook (1808 –1892), leo lên đỉnh Everest của Hy Mả Lạp Sơn cũng là nhóm mạo hiểm Hoàng Gia Anh, hay đi bộ một mình đến Bắc Cực cũng là người Anh, hay rong thuyền buồm vòng quanh thế giới cũng lại là một phủ nữ Anh.
Một kỹ niệm chợt đến với tôi. Cách đây 33 năm, mẹ các cháu mới 5 tuổi. Khi dẫn đi chơi ở Henley, lúc dẫn các cháu đi bộ qua một cầu treo lơ lững trên sông Thames, dòng sông bên dưới chảy xiết, cháu run sợ và khóc, không dám đi. Ngược lại, bây giờ hai cháu trai, một cháu năm tuổi, một cháu hai tuổi lại thích thú trượt xe trên cầu treo đó mà không chút sợ sệt.

 
Mùa xuân với dã ngoại trong rừng của ba mẹ con (4/2013)

Nỗi vui mừng của trẻ thơ được chạy nhảy tự do

Anh hướng dẫn em chạy xe trượt

 
Chạy xe trượt dọc bờ sông

 
Hay trượt xe trên cầu treo bắt qua sông Thames. Cách đây 33 năm, mẹ cháu lúc đó 5 tuổi, đứng khóc ở đây không dám bước đi vì sợ lọt té qua khe gỗ.

Leo lên thật cao mà không sợ
Reading, 5/2013
Nguyễn Thị Kim Thu