DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Ai cũng có số

12/12/2015

AI CŨNG CÓ SỐ

Trần Đăng Hồng, PhD

 

Theo bói toán và tướng số tử vi con người có số mạng. Số giàu sang hay nghèo rớt mồng tơi, quyền cao hay thấp hèn, thông minh hay ngu xuẩn, có chồng/vợ con cái khôi ngô tuấn tú hay tàn tật, sống thọ hay yểu mạng, v.v. đều là do số mạng an bài. Theo tôn giáo thì số mạng là do đức tối cao ban cho mỗi người do việc tu hành ở kiếp này hay từ nhiều kiếp trước, tùy theo tôn giáo. Những vấn đề siêu hình này không bàn ở đây, mà chỉ đề cập đến khoa học chi phối số mạng mỗi người.

 

CON NGƯỜI CÓ SỐ. Nhiều kẻ khôi hài cho rằng giày dép quần áo còn có “số” huống chi con người. Khoa học công nhận điều này, mỗi con người cũng đều có “số”, nhưng là các “mã số” chứa ở “gen” trong bộ máy di truyền (genome). Trong hơn 7 tỉ dân hiện sống trên địa cầu, không có ai giống ai về số lượng gen, cách xắp xếp mã số chữ ACGT trên các gen, cách biểu hiện gen (gene expression), v.v. nên không ai giống y hệt ai, dầu là anh hay chị em sanh đôi.

Trước đây ước tính con người có khoảng 100.000 gen, nhưng với kỹ thuật khoa học di truyền tiến bộ hiện đại số gen ước tính chính xác của con người khoảng 20.000 – 25.000, và mới đây (2014) ước tính khoảng 19.000 gen.


Hình 1. Sơ đồ 23 cặp nhiễm thể ở người. Nhiễm thể thứ 23 chi phối phái tính, XX cho nữ và XY cho nam giới.

 


Hình 2- Nhiễm-thể (bên trái) cấu tạo bởi 2 sợi nhiễm-sắc-tử (chromatids) đính nhau tại một điểm, gọi là trung-thể (Centromere), tạo dạng chữ X, gồm 2 nhánh ngắn và 2 nhánh dài. Nhiễm-sắc-tử là một sợi cấu trúc DNA (Deoxyribonucleic acid) rất dài, xoắn như một lò-xo, trên đó chứa hàng ngàn đơn vị di truyền gọi là gen (ở giữa). Cấu tạo của nucleotide (bên phải).

 

Sợi cấu trúc DNA có dạng lò xo quấn vào nhau theo đường xoắn ốc (Hình 2, bên mặt). Mỗi sợi là một chuỗi dài cấu tạo bởi 4 loại nucleotides. Mỗi nucleotide gồm có: một chất đường-chứa-năm-carbon (a five-carbon sugar), một nhóm phosphate, và một trong bốn bases là adenine (A), cystosine (C), guanine (G) và thymine (T). Cặp-base (base pair) là nơi nối kết giữa hai nitrogen bases của hai sợi DNA đối diện qua cầu hydrogen. Cặp-base chính là bậc thang (thanh ngang) của thang DNA (Hình 2, ở giữa).

Gen như vậy được cấu tạo bởi một dãi gồm bốn bases A, C, G, T (Hình 2 bên phải và Hình 3). Các gen khác nhau vì các bases này xắp xếp theo thứ tự khác nhau và có chiều dài khác nhau. Trên tổng số chiều dài của hệ di truyền con người chứa trên 3 tỉ cặp-base.


Hình 3. Gen khác nhau vì sắp xếp các base và chiều dài khác nhau

Như vậy, không ai giống ai về bộ di truyền, số lượng gen, cách sắp xếp A, C, G, T, số lượng cặp-base, và các alleles ưu tính hay liệt tính, có hoạt động (on) hay ngơi nghỉ (off), v.v. và chính những dữ kiện riêng biệt này của mỗi người qui định “số mạng” của họ.

 

ĐỘT BIẾN (Mutation). Các nhà nghiên cứu ngày nay đi tìm số lượng gen bị đột biến trong bộ di truyền vì đó là nguyên nhân của đa số bệnh tật. Hầu hết đột biến có liên quan đến guanine (G), là một trong 4 nucleotide tạo DNA mã hóa sự sống. Guanine rất dễ cảm nhiễm bởi hư hại do oxit hóa (oxidative damage), là nguồn cội của lão hóa và nhiều bệnh tật. Đó là sự cần thiết của chất chống-oxit-hóa (anti-oxydant) bảo vệ chống đột biến. Có hai yếu tố chính ảnh hưởng tới đột biến.

- Yếu tố bên ngoài như ánh sáng (tia tử ngoại), phóng xạ, khói thuốc, hóa chất, v.v.

- Yếu tố bên trong: sai lầm trong lúc phân bào DNA, và sao chép lại trong DNA mới. Trong mỗi một lần phân bào, phải sao chép lại khoảng 6 tỉ chữ mã hóa của DNA (tức A, C, G, T). Vì vậy, việc sai lầm rất dễ xảy ra gây nên đột biến. Tế bào cũng biết tự sửa chữa ngay sau đó, nhưng sai lầm vẫn có thể xảy ra.

Đột biến có thể xảy ra nhỏ như ở một vài chữ mã hóa của gen, có thể lớn như cả một đoạn dài của nhiễm thể chứa vô số gen.

Gen đột biến biểu hiện theo hai cách chính:

- Các gen đột biến có tính di truyền thì hiện hữu trong mọi tế bào kể cả tinh trùng hay trứng của cha mẹ, và vì vậy sau khi thụ tinh chúng hiện diện trong tế bào đứa con suốt đời, và sẽ biểu hiện ra hình tượng mang dấu vết “số mạng”. Đứa con này cũng sẽ truyền lại cho đời cháu các gen đột biến đó.

- Gen đột biến hạn chế chỉ hiện diện trong một số tế bào nào đó, nhất là không hiện hữu trong tinh trùng và trứng. Các biến đổi của những gen này sẽ biểu hiện ở hình tượng (phenotype) bởi môi trường như tia tử ngoại của mặt trời, v.v. Gen đột biến hạn chế không di truyền cho con cái, vì chúng không hiện hữu trong tinh trùng hay trứng.

 

TIỀM NĂNG TUỔI THỌ. “Sanh, bệnh, lão, tử” là 4 biến cố quan trọng của một đời người. Cái chết (tử) là hậu quả của “bệnh” và “lão” xảy ra trước khi kết thúc đời người. Yếu tố “bệnh” và “lão” ảnh hưởng tới tuổi thọ. Theo tướng số, con người có số mệnh, sống lâu hay chết sớm tùy theo cái tướng biểu hiện ở diện mạo con người. Theo khoa học, chính gen trong bộ di truyền của mỗi người quyết định tuổi thọ, và gene cũng biểu hiện qua hình tượng (phenotype), nên các thầy tướng dựa vào diện mạo suy đoán.

Khi trứng vừa thụ tinh trong bụng mẹ, hài nhi được thừa hưởng gen di truyền tuổi thọ của cha và mẹ chuyển vào bộ di truyền. Chính chiều dài của telomere quy định tuổi thọ. Nhiễm-sắc-thể (chromosome) là một chuỗi dài DNA (Hình 4). Ở cuối một nhiễm-sắc-thể là một telomere, có nhiệm vụ bảo vệ nhiễm-sắc-thể, và ngăn chận nhiễm-sắc-thể này sáp nhập với DNA của nhiễm-sắc-thể kế tiếp hay kế bên. Sau mỗi lần phân bào, telomere ngắn dần. Khi telomere trở nên quá ngắn, tế bào chết. Như vậy chiều dài của telomere là một “đồng hồ phân tử” (molecular clock) qui định tuổi thọ của mỗi tế bào. Ở người telomere là chuỗi dài chứa hàng ngàn đoạn gồm 6 nucleotides trình tự TTAGGG lập đi lập lại (Hình 4, ở trên). Ngoài ra, ai có mang gen chi phối tuổi thọ FOXO3A có tiềm năng sống trên trăm tuổi. Dựa trên lý thuyết, con người sống tối đa 125 tuổi. Tới nay, chỉ có một người thọ nhất thế giới tới tuổi 122 (bà người Pháp tên Jeanne Calment, mất năm 1997), và thống kê cho biết cho tới năm 2010 thế giới đã có 40.000 người sống trên 100 tuổi. Ở các nước kỹ nghệ, trung bình 1 trong số 6000 người sống tới 100 tuổi, còn số người thọ hơn 110 tuổi thì rất hiếm, khoảng 1 trong số 7 triệu người. Các nhà khoa học dựa trên chiều dài telomere và vận tốc rút ngắn sau mỗi lần phân bào để tiên đoán tuổi thọ.


Hình 4. Telomeres là đoạn ở chót đoạn DNA

 

Ai sinh ra có telomere ngắn và vận tốc rút ngắn nhanh sau mỗi phân bào thì chết sớm, và ngược lại nếu telomere dài và chậm rút ngắn khi phân bào thì có tiềm năng sống trên trăm tuổi.

Tuổi thọ của mỗi người tùy thuộc hai yếu tố, thứ nhất là yếu tố di truyền quy định trong hệ gen chiếm 20-30%, thứ hai là yếu tố môi trường chiếm phần còn lại.

Các nghiên cứu cho biết tuổi thọ vượt bực (EL, exceptional longevity), người có tuổi thọ cao hơn tuổi thọ trung bình từ 10 đến 30 năm, mang tính gia đình.

Các nghiên cứu ở Đại học California Berkley phân tích 444 gia đình, trong đó mỗi gia đình có ít nhất một người thọ 100 tuổi hay hơn, cho thấy anh chị em của người này có tuổi thọ cao hơn tuổi thọ trung bình, anh em trai người này có 17% cơ may sống tới 100 tuổi, và chị em gái có 8% cơ may thọ tới tuổi này. Năm 2001, Dr Perls và cọng sự thuộc Đại học Utah khám phá một đoạn trên nhiễm thể số 4 chi phối tuổi thọ trên 100. Nếu bạn có cha mẹ, ông bà nội ngoại đều có tuổi thọ cao, bạn thật “có phước” vì trong hệ di truyền của bạn có chứa các gen thọ của gia đình. Tuy nhiên bạn có sống tới tuổi của ông bà cha mẹ hay không còn tùy thuộc vào “căn tu” của kiếp này, bởi vì tuổi thọ còn tùy thuộc vào 70 – 80% của môi trường bạn sống, nghĩa là bạn có “tu thân” để có cuộc sống lành mạnh trong một môi trường hoàn hảo về tinh thần và vật chất không?

Trong yếu tố di truyền, người sống lâu có gen đề kháng chống bệnh tật, nhất là các bệnh của tuổi già như lú lẫn (dementia), cao huyết áp (hypertension), và tim mạch (cardiovascular disease). Những ai ở tuổi 93 mà không có triệu chứng những bệnh này thì sống vượt quá trăm tuổi.

Một nghiên cứu phân tích DNA của hơn 800 vị cao niên có số tuổi từ 95 đến 119 và so sánh với DNA của nhóm người bình thường thì thấy người sống thọ đều có (gen) SNP (single-nucleotic polymorphisms) chi phối làm gia tăng tuổi thọ trên trung bình.

Các nhà khoa học cho biết gen quy định tuổi thọ nằm trên một đoạn DNA thuộc nhiễm thể số 4.

 

BỆNH BẨM SINH. May mắn bạn được sinh ra dưới “vì sao” hộ mạng tốt, là không bị mang bệnh bẩm sinh hay bị tật nguyền do di truyền lúc ra đời. “Vì sao” đó chính là bộ di truyền với đầy đủ gen hoạt động tốt, không thiếu, không thừa, không có gen nào bị khuyết điểm (defect).

Con người có số mạng ngay khi còn trong bụng mẹ. Ngay sau lúc thụ tinh, bào thai có thể chứa tiềm ẩn bệnh bẩm sinh do thiếu sót gen, hay dư thừa gen, hay gen khuyết điểm do đột biến. Các khuyết điểm này có thể di truyền từ cha mẹ, hay do gen đột biến trong lúc mang thai. Các nhà di truyền học nghĩ rằng đột biến gen là nguyên nhân chính của các bệnh về phổi, ung thư và nhiều bệnh khác. Các bệnh khác hay sức khỏe có vấn đề là do thiếu sót gen hay do dư thừa gen hay dư thừa nhiễm thể.

Có rất nhiều bệnh do di truyền gen từ cha mẹ, chẳng hạn như gen tạo hồng huyết cầu. Hồng huyết cầu là thành phần chính của máu để mang oxy đến khắp cơ thể. Nếu cha mẹ di truyền cho con những gen hư hỏng hồng huyết cầu không hoạt động, đứa con sẽ bị bệnh thiếu máu (anemia) có sức khỏe kém vì thiếu hồng huyết cầu.

Các nhà khoa học liệt kê ít nhất là có 26 bệnh do cha mẹ di truyền gen vào đời con, thường xảy ra là bệnh Tự kỷ ở trẻ em (Autism), bệnh thận (Autosomal Dominant Polycystic Kidney Disease), ung thư ruột già (Colon cancer), ung thư vú (Breast cancer), Cystic fibrosis, Down Syndrome (bệnh mặt khờ), Hemophilia (thiếu máu), Huntington's disease, Parkinson's disease (bệnh run rẩy), ung thư tuyến tiền liệt (Prostate Cancer), Ung thư da (Skin Cancer), v.v.

Sau đây là vài hội chứng thường mắc phải do cha mẹ di truyền.

Bệnh lú lẫn (dementia, Alzheimer’s disease) là do khuyết tật của ba gen nằm ở trong 3 nhiễm thể khác nhau, có tính di truyền từ cha mẹ. Bệnh này không xuất hiện sớm, chỉ phát triển khi về già, sớm hay muộn.

Tự kỷ (Autism) là bệnh hệ thần kinh rối loạn, xuất hiện sớm thời thơ ấu, đứa trẻ khó khăn trong diễn đạt ngôn từ, khó khăn kết bạn, thích sống cô độc. Đây là bệnh mang tính di truyền từ cha mẹ. Lý do là nhiễm thể có khuyết điểm, như một đoạn DNA trên nhiễm thể bị mất đi, hay có thêm bản sao chép (copy) thành gấp đôi, hay đoạn DNA bị đổi ngược trong lúc phân bào.


Hình 5. Một đoạn DNA biến mất (1), đoạn DNA được sao chép gấp đôi (2), hay đoạn DNA bị đổi ngược (3) trong lúc phân bào làm biến đổi nhiễm thể.

 

Tiếp cận với không khí ô nhiễm lúc mang thai, nhất là các kim loại nặng (như chì) hay thức ăn độc hại cũng gia tăng nguy cơ autism cho đứa bé.

Down syndrome (DS or DNS) còn gọi trisomy 21, là một bệnh rối loạn di truyền gây bởi sự hiện diện của tất cả hay thêm một phần bản sao chép của nhiễm thể số 21. Triệu chứng rõ rệt dễ nhận thấy nhất là bộ mặt khù khờ, mọi người mang bệnh này có bộ mặt giống nhau. Trí thông minh kém, người trưởng thành có độ thông minh IQ bằng với em bé bình thường lên tám.


 

Hình 6. Mặt của người có chứng Down Syndrome

Ai bị bệnh này có hệ miển nhiễm kém, có nguy cơ cao bị ung thư, đau tim, kinh phong, bệnh bạch cầu, và rối loạn thần kinh.

Ung thư vú (Breast cancer) có tính di truyền. Đó là các genes BRCA1, BRCA2TP53 bị đột biến. Ai có các gen đột biến này có nguy cơ cao về ung thư vú và ung thư bộ trứng (ovarian cancer).

Ung thư tuyến tiền liệt (Prostrate cancer) cũng là bệnh di truyền của gia đình, Đó cũng là các gen BRCA1, BRCA2 (như ở đàn bà) và HOXB13 đột biến. Như vậy, có nghĩa là trong gia đình có chị em gái bị ung thư vú thì anh em trai cũng có nhiều khả năng bị ung thư tuyến tiền liệt.

 

HỆ MIỄN NHIỄM. Ai cao số khi sinh ra may mắn có hệ miển nhiễm cao, kháng cự được bệnh tật và như vậy có tiềm năng sống lâu. Hệ miễn nhiễm cũng di truyền từ cha mẹ, và cũng bị môi trường sống chi phối.

Đây là một nhóm chứa nhiều gen phức tạp mang tên HLA (human leukocyte antigen) tạo ra các kháng thể. Nhóm gen HLA giúp hệ miển nhiễm biết protein nào của cơ thể mình, và protein nào do virus hay vi trùng xâm nhập sản xuất để tấn công bảo vệ cơ thể.

Bộ gen HLA ở người là một bộ phận của bộ gen MHA (major histocompatibility complex) hiện diện chung ở mọi động vật. Ở người bộ gen MHA chứa khoảng 200 gen đi chung với nhau ở nhiễm thể số 6. Về nhiệm vụ các gen này được chia làm 3 nhóm, nhóm I, II, và III.

Nhóm I có 3 gen quan trọng (HLA-A, HLA-B, và HLA-C) sản xuất proteins hiện diện trên mặt tất cả tế bào.

Nhóm II có 6 gen chính (HLA-DPA1, HLA-DPB1, HLA-DQA1, HLA-DQB1, HLA-DRA, và HLA-DRB1), ra lệnh sản xuất protein chỉ hiện diện trên mặt tế bào miển nhiễm.

Nhóm III có rất nhiều gen, chưa rỏ tất cả nhiệm vụ, nay chỉ biết nhiệm vụ chính là đương đầu với các chứng viêm (inflammation).

Ngoài ra, HLA còn chứa nhiều biến thể (variant) giúp cơ thể chống lại rất nhiều tác nhân xâm nhập, tổng cộng trên 100 bệnh được hệ miển nhiễm đương đầu kháng cự. Vì biến thể, nên hệ miển nhiễm của người này khác với người kia, ngay cả trong anh em sinh đôi. Có người đề kháng mạnh với tác nhân bệnh này nhưng dễ cảm nhiễm với bệnh khác. Hệ miển nhiễm của đán bà hoạt động khác với hệ miển nhiễm đàn ông. Đàn bà có hệ miễn nhiễm mạnh hơn đàn ông, đó một trong nhiều nguyên nhân đàn bà có tuổi thọ cao hơn đàn ông. Đó là vai trò của gen MicroRNAs mã hóa trên nhiễm thể X, đàn bà có XX, trong khi đàn ông chỉ có 1 X trong nhiễm thể XY. Ngoài ra, không phải tất cả trên 200 gen và biến thể đồng loạt hoạt động, một số đang “on” (hoạt động) thì một số “off” (ngơi nghỉ), và hoạt động theo thời tiết và mùa, nên con người dễ bị bệnh vào mùa này nhưng không vào mùa khác.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hệ miển nhiễm. Khi cơ thể phải đương đầu với lượng rượu uống thái quá, hay hút thuốc nhiều, thiếu ánh nắng, bị căng thẳng tinh thần (stress) hay mất ngủ, bạch huyết cầu trở nên yếu và kém sức đề kháng với virus và vi khuẫn.

Việc tập thể dục quá nặng (như cử tạ), chạy đua hay đạp xe đua thật nhanh gây thở hỗn hễn làm cơ thể không đủ oxy thì có hại hơn có lợi vì làm giảm hệ miển nhiễm do hệ thống chống oxit hóa (antioxydant) làm việc quá sức, làm hại tế bào T. Ngược lại, tập thể dục nhẹ nhàng, chậm rải với nhịp thở đầy đủ oxy thì tăng cường hệ miển nhiễm.

Càng về già, hệ miển nhiễm càng yếu.

 

THÔNG MINH. Bạn phải cảm ơn cha mẹ đã truyền cho bạn gen chi phối trí thông minh. Nhờ trí thông minh mà bạn lập nên sự nghiệp.


Hình 7. Não bộ là nơi tiềm ẩn trí thông minh

 

Thông minh vừa mang tính di truyền, vùa do môi trường tác động. Thông minh (intelligence) được định nghĩa là khả năng học tập thâu nhận từ kinh nghiệm của bản thân hay xã hội, và khả năng đáp ứng nhanh chóng với môi trường biến đổi. Yếu tố của thông minh bao gồm khả năng lý luận, hoạch định, giải quyết vấn đề, suy nghĩ tường tận, thông hiểu vấn đề phức tạp. Đo trí thông minh bằng IQ (intelligence quotient, hệ số thông minh). Yếu tố di truyền chiếm khoảng 40% từ cha mẹ, phần còn lại là ảnh hưởng của môi trường (như môi trường gia đình, giáo dục, thực phẩm, v.v.). Các nghiên cứu mới nhất của Đại học Queensland thì di truyền từ cha mẹ chỉ đóng góp 20-40% trí thông minh của đứa con. Các nghiên cứu tập trung vào vùng nào trong hệ di truyền chi phối trí thông minh. Các kết quả nghiên cứu không thống nhất, nhưng chắc chắn là có rất nhiều gen chi phối, và mỗi gen chi phối một phần nhỏ nhưng riêng biệt cho trí thông minh ở người.

Dr Beben Benyamin của Đại Học Queensland phân tích DNA của 18.000 trẻ em trong lứa tuổi 6 – 18 ở Úc, Hòa Lan, Anh và Hoa Kỳ, rồi tính liên quan giữa DNA tới IQ, cho biết gen FNBP1L có liên hệ tới trí thông minh của trẻ vị thành niên.

 

TÁC ĐỘNG CỦA MÔI TRƯỜNG

Yếu tố di truyền chỉ chiếm 20 – 40% trong khi ảnh hưởng của môi trường chiếm 60 – 80% đến tư cách, trí thông minh, sức khỏe và tuổi thọ của bạn. Riêng trong phạm vi gây bệnh ung thư, yếu tố di truyền chiếm 10-30%, còn yếu tố môi trường chiếm 70-90%.

Môi trường sống trong gia đình nhất là giáo dục gia đình và xã hội ảnh hưởng đến phát triển tư cách của con người. Đứa con từ lúc thơ ấu được uốn nắn tư cách do trực tiếp từ cha mẹ giáo huấn hay học tập gián tiếp từ hành vi của cha mẹ anh chị em trong gia đình. Lớn lên, ảnh hưởng từ trường học bạn bè và xã hội chung quanh. Chuyện mẹ Mạnh Tử dọn nhà 3 lần ra khỏi nơi gần nghĩa địa, rồi khu phố thị buôn bán sầm uất, vì bà thấy tư cách của đứa con bị ảnh hưởng bởi môi trường xấu chung quanh, nên cuối cùng bà chọn đến gần trường học, thấy con trở nên chăm học, bà thở phào: “Đây mới là chỗ ở của con ta”. Câu nói của Án Tử khi đi sứ nước Tề “Quýt mọc ở đất Hoài Nam có trái rất ngọt, nhưng đem sang trồng ở đất Hoài Bắc thì lại chua” nói sự quan trọng của môi trường lên sự hình thành tư cách con người.

Môi trường sống thiên nhiên. Nước ô nhiễm là ổ của bệnh tật ở bộ tiêu hóa. Không khí ô nhiễm là nguồn cội gia tăng các bệnh của bộ hô hấp như hen suyễn, viêm mũi họng, bệnh phổi, nghẹt thở, v.v. Hô hấp không khí ô nhiễm với bụi kim loại nặng như chì (trong xăng) sẽ tai hại cho thận, gia tăng áp huyết, giảm hồng huyết cầu, sẩy thai, hệ thần kinh bị xáo trộn, hại não bộ, sinh con đần độn, thích bạo hành, v.v.

Tiếp cận với chất độc. Tiếp xúc với các độc tố như dioxin của thuốc khai quang chất da cam, với thuốc sát trùng, các độc dược làm phụ gia thực phẩm, các hormone bảo quản rau cải trái cây, hải sản v.v. không những gây bệnh (như ung thư) trực tiếp cho người tiếp cận, và người tiêu thụ, mà còn độc hại làm đột biến gen, biến thể nhiễm thể tạo thế hệ sau thành quái thai, dị tật và nhiều bệnh do biến thể di truyền. Hiệu ứng “nhân quả” vừa “nhãn tiền” vừa lưu lại đời sau.

Có một số bệnh xảy ra do nghề nghiệp. Các nhân viên phụ trách máy rọi quang tuyến X, chuyên viên làm việc trong cơ sở hạt nhân thường xuyên tiếp cận với phóng xạ, các y sĩ tiếp cận với bệnh truyền nhiễm (như ebola), các chuyên viên làm việc nghiên cứu về hóa chất, vi trùng; công nhân viên làm việc tiếp cận với chất độc thường xuyên (thuốc diệt côn trùng, làm nail, asbestos trong xây dựng, v.v.) thường có nguy cơ bệnh tật do chính chuyên môn của mình gây nên. Bị nhiễm phóng xạ vừa gây bệnh trực tiếp cho người tiếp cận, vừa làm đột biến gen di truyền nên sanh con có dị tật hay bệnh. Asbestos gây bệnh ung thư phổi.

Lối sống. Chính lối sống (life style) rất ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, và tuổi thọ của bạn.

Hút thuốc sẽ gây ung thư phổi. Mỗi ngày bạn hút một bao thuốc 20 điếu làm giảm tuổi thọ của bạn có thể tới 20 năm. Không những tai hại cho bạn, mà còn cho người sống chung quanh bạn vì gián tiếp thở không khí đầy khói thuốc do bạn phà khói. Con của bạn sẽ bị hen suyển, viêm mũi hay ung thư phổi. Ghiền thuốc cũng di truyền vào gen và truyền đến thế hệ sau.

Uống rượu làm bụng phệ, béo phì đồng thời gây bệnh gan và thận, lỡ loét bao tử, cao áp huyết, mất ngủ, mất trí nhớ (dementia), gia tăng stress, trầm cảm và âu lo, ung thư (vú và cuống họng), loãng xương, vô sinh (mất khả năng sinh con), dễ xẩy thai, thai nhi khuyết tật, đột quị (stroke), và bại não. Tánh ghiền di truyền qua đời con.

Thuốc phiện và các loại tương cận (cần sa, thuốc lắc, v.v.) thì hoàn toàn độc hại cho hệ thần kinh và sức khỏe tổng quát. Nghiện ngập cũng di truyền các tác hại đến đời con cháu

Thực phẩm là nguồn gốc của rất nhiều bệnh tật. Đây là một đề tài rộng lớn, không thể áp dụng chung cho mọi người. Bởi vì thực phẩm bổ dưỡng hay tác hại tùy theo tuổi tác, thể chất, mập hay ốm, đàn ông hay dàn bà, người có hoạt động hay không, sức khỏe có vấn đề hay không, gia đình dòng họ thường mắc bệnh gì, có cảm ứng với loại thức ăn, v.v. Vì vậy chọn khẩu phần thức ăn thích hợp cho mỗi người phải dựa vào bác sĩ. Tuy nhiên cũng cần biết tổng quát để tránh cho mình những bịnh có tiềm năng phát triển.

Protein cần thiết cho sinh trưởng, làn da, bắp thịt, mô tế bào và xương. Nguồn protein từ động vật (thịt, cá, gà, trứng, sữa) hay thực vật (đậu, hạt dẽ, hạt) rất cần thiết.

Chất bột (carbohydrates) gồm các đường (như mật ong, trái cây, nước ép trái cây tươi), hay tinh bột (như bánh mì, sợi mì, củ, hạt đậu, v.v.). Hạt ngũ cốc nguyên (wholegrain) và rau cải giúp đường trong máu ổn định hơn hạt biến chế. Tùy theo thể chất và bệnh trạng (như tiểu đường) bác sĩ sẽ khuyến cáo hạn chế hay không.

Chất béo và dầu cung cấp năng lượng. Chất béo không bão hòa (unsaturated fat) (như dầu cá, dầu olive, hạt nhân) giúp chống chứng viêm. Ngược lại chất béo bão hòa (saturated fats) nguồn gốc động vật như mỡ, thịt, cheese, v.v. gây nhiều bệnh như béo phì, bệnh tim, cao áp huyết, đột quị, cần phải cữ kiêng.

Chất xơ (fibre) có nhiều trong hạt đậu, ngủ cốc nguyên, rau cải, trái cây, giúp bộ tiêu hóa tốt, tránh được nhiều bệnh của bộ tiêu hóa.

Thực phẩm không lành mạnh, nhất là thực phẩm làm sẳn, fast food, thực phẩm biến chế, đóng hộp, chứa nhiều phụ gia độc hại là nguồn gốc của rất nhiều bệnh tật, nhất là ung thư. Chất màu pha trong nước giải khát làm gia tăng tính bạo động.

Tập thể dục nhẹ (như đi bộ) hay vận động thể xác thường xuyên rất cần thiết cho bảo vệ sức khỏe, chống lão hóa. Tập thể dục nhẹ 30 phút mỗi ngày giúp bạn thọ thêm 10 tuổi, theo các kết quả nghiên cứu. Tuy nhiều thể dục dùng thể lực nặng (như cử tạ của lực sĩ), thể thao dùng sức lực (như chạy đua, xe đạp đua, vận động viên thể thao chuyên nghiệp) có hại nhiều. Vận động trí óc như đọc sách, viết lách giúp bạn chống được lú lẫn.

Luật nhân quả. Khi làm điều gì bất chính, gây tội lỗi, nếu trầm trọng có thể bị tù tội, có thể không nếu qua mặt được công lý hay chưa bị khám phá. Dù trốn tránh được công lý, tội ác gây ra vẫn bị “lương tâm” của chính mình trừng phạt. Đó là sự cắn rứt trong lòng, nỗi hồi hộp lo sợ kéo dài, làm mất ăn mất ngủ, tinh thần lúc nào cũng căng thẳng, v.v. Đó là hội chứng “stress”. Stress cũng còn do áp lực phải giải quyết sự việc, như công ăn việc làm bận rộn, bế tắc tài chánh, chuyện gia đạo buồn phiền, v.v. Con người sống thế giới hỗn tạp như ngày nay bị nguy cơ stress nhiều hơn.

Stress là một phản ứng bản năng đối phó với sự việc biến đổi để tự điều chỉnh.

Khi tinh thần căng thẳng, cơ thể sản xuất hormone như epinephrine và norepinephrine làm tăng huyết áp, tim đập mạnh và nhanh, nâng cao độ đường trong máu, để giúp cơ thể vượt qua stress.

Cơ thể vì vậy phải phản ứng qua thân xác (mặt mày thất sắc, đổ mồ hôi hột, v.v.), qua tâm thần (mất tinh thần, thất sắc, gắt gỏng), và cảm xúc (buồn phiền, lo âu). Stress kéo dài đưa đến nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe; nhẹ như nhức đầu, cao áp huyết, bao tử không tiêu hóa; nặng đưa đến trầm cảm (depression), bệnh tâm thần và điên, đau tim, đau ngực, mất ngủ, hen suyễn, đau nhức khớp xương. Người bị stress có khuynh hướng ăn uống thái quá nên mập phì và tiểu đường. Stress càng trầm trọng hơn nếu hút nhiều thuốc lá, uống rượu, hay thuốc phiện (và tương cận) tưởng để quên sầu, thật sự là gia tăng thêm.

Stress không trực tiếp gây ung thư, nhưng gián tiếp qua các bệnh nó gây nên vì hệ miển nhiễm bị suy đồi, nhất là bệnh nhân nghiện thuốc lá gây ung thư phổi. Stress cũng làm liệt hệ thống sinh dục, mất khả năng sinh con, gây đột biến và di hại đời sau. Bộ máy bài tiết nước tiểu cũng hư hại.

Stress có tính di truyền và có khả năng làm đột biến gen.

 


Hình 8. Hoạt động của serotonin

 

Trong bộ di truyền ai cũng có gen 5-HTT, chứa 1 hay hai alleles này. Gen 5-HTT mã hóa việc chuyên chở protein serotonin đến hệ thần kinh kiểm soát trạng thái tinh thần, cảm xúc, bạo lực, giấc ngủ và lo âu. Nếu các gen này bị khuyết điểm, đột biến, không sản xuất được serotonin nhất là khi cả hai alelles bị hỏng, nên ảnh hưởng tới hội chứng stress.

Các nghiên cứu còn cho biết vai trò của gen 5-HTT trong bịnh tự kỷ (autism), lơ đảng, tính bạo lực, khủng hoảng tinh thần, trẻ thơ đột tử, thính giác có vấn đề, dễ nghiện ngập nha phiến, có ý tưởng tự tử.

Serotonin là chất dẫn truyền tín hiệu từ nơi này đến nơi khác trong bộ não. Vì dẫn truyền được đến mọi nơi, nên ảnh hưởng đến tâm thần và các chức năng của cơ thể. Não bộ có khoảng 40 triệu tế bào, tất cả đều bị trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng bởi serotonin: kiểm soát trạng thái tinh thần, ham muốn tình dục, ăn ngon, giấc ngủ, trí nhớ, khả năng học tập, kiểm soát thân nhiệt, và hành vi đối xử.

Đối với chúc năng, serotonin ảnh hưởng chức năng của tim mạch, bắp thịt, hệ thống nội tiết, đưa đến tất cả các bệnh từ tim mạch đến các nội tạng suy nhược. Các nghiên cứu còn cho biết serotonin còn ảnh hưởng đến việc điều hành sản xuất sữa ở vú, hư hại hệ thống này đưa đến đột tử trẻ sơ sinh (SIDS, sudden infant death syndrome).

 

Thân tâm an lạc.

Nếu ai thực hiện được lời chúc “thân tâm an lạc” thì người đó hạnh phúc nhất trên đời: có một thân thể khỏe mạnh và tinh thần không bị căng thẳng hay phiền não. Thân và tâm có hiệu ứng tương tác với nhau. Tâm được bình thản thì ăn ngon ngủ tốt có đầy đủ sức khỏe, yêu đời. Thân thể khỏe mạnh có sức đề kháng cao nên chống được bệnh tật, tuyến serotonin hoạt động bình thường nên nguy cơ “stress” ít hơn khi đương đầu với nghịch cảnh.

Xin cầu chúc “Thân Tâm An Lạc”.

 

Reading, 1/2016

Trần Đăng Hồng, PhD