40 năm nhìn lại
40 NĂM NHÌN LẠI
Trần-Đăng Hồng
Hàng năm, cứ đến ngày 14/12 gia đình chúng tôi đều có một buổi tiệc kỷ niệm ngày đoàn tụ gia đình tại Anh Quốc sau nhiều năm vợ chồng cha con xa cách, tưởng chừng như không bao giờ gặp lại, do biến cố đau thương 30/4/1975 gây nên.
Riêng năm nay, chúng tôi đặc biệt có một ngày kỷ niệm lớn, đánh dấu 40 năm đoàn tụ gia đình (14/12/1979 – 14/12/2019).
Để biết về ngày tái sum họp gia đình 14/12 đầy khó khăn gian nan khổ nhục, mời đọc 3 bài viết liên quan: “Một ngày dài nhất trong đòi”, “Cái Tết đầu tiên ở hải ngoại”và “Đặt tên con”.
Một chăng đường 40 năm vừa trải qua, một đoạn đường đời đầy gian khổ, một mặt cố công tạo dựng lại sự nghiệp từ con số không, và mặt khác là cố gắng dạy dỗ con cái nên người. Nhờ Trời thương và quyết tâm lớn, mọi chuyện đều trót lọt, chúng tôi mới có một sự nghiệp tốt đẹp như ngày nay. Chúng tôi xin ghi lại chặng đường đầy gian khổ này để mọi người cùng chia sẻ, và nhất là để con cháu đời sau hiểu được công sức của thế hệ thứ 1 ở đất nước xứ người.
TẠO DỰNG LẠI SỰ NGHIỆP.
Sự nghiệp vợ chồng chúng tôi tạo nên sau 10 năm làm việc ở Việt Nam (1964 – 1974) coi như công dã tràng. Ngày vợ tôi ra đi coi như trắng tay, chỉ được phép mang theo 10 US Dollars, và vài bộ quần áo, để đổi lấy Visa xuất cảnh. Chỉ có thế thôi (2, 3).
Nếu chính quyền mới đã mưu mô lấy được tài sản của chúng tôi, nhưng không thể cướp được “chất xám” và “quyết tâm” của chúng tôi. Đó là hai tài sản quý giá nhất còn lại không có thế lực nào cướp đi được. Đó là gen di truyền tốt từ cha mẹ ông bà của cả hai bên, đó là công ơn dưỡng dục cho ăn học của cha mẹ, đó là di sảng của một nền giáo dục “nhân bản”, “dân tộc” và “khai phóng” của thời Việt Nam Cộng Hòa mà chúng tôi được thừa hưởng.
Chúng tôi biết rõ rằng sống ở xứ người, dầu đất nước đó có kỳ thị chủng tộc hay không, nhiều hay ít, khi một người ngoại quốc và người dân bản xứ cùng xin một công việc, nếu hai người có tài sức ngang nhau, chắc chắn rằng người bản xứ đó có ưu thế hơn để có công việc. Vì vậy chúng tôi tâm niệm điều đó và chấp nhận công việc thấp hơn khả năng và lương phạn ban đầu cũng thấp hơn, và khi có việc rồi chúng tôi sẽ chứng tỏ tài năng và tận tụy với công việc và lòng trung thành với công sở. Chính nhờ quan niệm đó, cả hai vợ chồng đều được tuyển dụng suốt hơn 30 năm tại một công sở, đó là Đại Học Reading của tôi và Bệnh Viện Dellwood của Kim-Thu. mặc dầu không biết bao nhiêu đồng nghiệp người Anh của chúng tôi đã bị sa thải qua nhiều lần cải tổ nhân sự, trong lúc nghề nghiệp của chúng tôi được thăng tiến lên theo thời gian lưu dụng (4, 5, 6, 7, 8 ). Dỉ nhiên, phần tôi dễ dàng hơn vì được ăn học và bằng cấp tốt nghiệp tại Anh, ngược lại Kim-Thu vất vả hơn vì phải học tiếng Anh, phải học nghề mới thích hợp với hoàn cảnh riêng gia đình và dễ tìm công việc. Chúng tôi không đề cập nhiều trong vấn đề này mà tập trung nhiều vào việc giáo dục con cái.
GIÁO DỤC CON CÁI.
Đây là điều quan tâm nhất của chúng tôi. Phải đào tạo các con tôi thế nào để chúng có thể có một chỗ đứng tốt trong xã hội xứ người trong lúc vẫn giữ được bản sắc tốt dân tộc Việt mà chúng tôi chọn lọc. Vì vậy, hai vợ chồng phân công nhau. Tôi phụ trách việc theo dõi con cái học tại trường, dạy thêm các môn chánh để chúng theo kịp bạn đồng lớp, tạo cơ hội cho con sinh hoạt hòa nhịp trong cộng đồng địa phương. Kim Thu thì phụ trách phần sinh hoạt trong gia đình, chăm sóc sức khỏe con, giữ gìn văn hóa tốt của dân Việt (như lễ giáo, ăn nói lễ phép, ăn trông nồi ngồi xem hướng, sống trong khuôn phép, v.v.) và đưa đón con đi học, khi các con còn nhỏ. Khi chúng lớn hơn thì giáo dục thêm về nhiều hướng khác để vẫn giữ bản sắc dân tộc Việt,
Phần trách nhiệm của tôi gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, phát âm tiếng Anh của tôi thuộc loại “Chú Chệt nói tiếng Việt”, vì vậy phần này tôi để các cô giáo và các bạn người Anh của chúng dạy để chúng phát âm chuẩn tiếng Anh. Sau giờ học ở trường, tôi cho các con đến chơi tại nhà bạn láng giềng để tập nói, và biết cách sống của người Anh. Tôi chỉ dạy chúng viết đúng tiếng Anh và văn phạm. Nhờ vậy, chỉ cần 6 tháng chúng nói tiếng Anh không thua gì trẻ bạn đồng lứa và sau một năm chúng đứng hạng đầu tiếng Anh trong việc viết truyện ngắn. Ở tiểu học và trung học Mỹ Anh hàng năm đều trúng giải thưởng của trường, hay của thành phố về truyện ngắn. Riêng ở đại học, Mỹ Anh đoạt giải thưởng toàn quốc viết về khoa học (Vai trò phụ nữ và khoa học), vinh dư nhất là đoạt giải “Young Scientists” của Nhật Bản dành cho 20 nhà khoa học trẻ trên toàn thế giới, theo đó Mỹ Anh là đứa duy nhất ở nước Anh đoạt giải, và được tu nghiệp y học tại nhiều bệnh viện nổi danh nhất ở Nhật trong 3 tháng. Khoa trúng giải thưởng về làm Thơ (Poem).
Cái khó khăn thứ hai của tôi là cách học của người Anh khác hẳn với cách học của người Việt thời của tôi. Cách học của người Việt là học thuộc lòng, khi lên bảng trả bài chỉ cần vanh vách như con vẹt từ đầu tới cuối. Ở Anh thì trẻ con không phải trả bài như vậy, mà cô giáo đòi hỏi chúng có hiểu bài đó hay không.
Cái khó khăn thứ ba là cách dạy Toán cũng như cách trình bày các bài toán cộng, trừ, nhân, chia hoàn toàn cũng khác hẳn với Việt Nam. Vì vậy, tôi phải học từ các con cách chúng học, cách giải Toán của nhà trường, và khi tôi hiểu được nguyên tắc tôi mới dám hướng dẫn dạy thêm cho con về Toán. Nhờ vậy, các con tôi rất giỏi Toán so với đồng bạn. Khoa sau này học Toán ở bậc Đại học, còn Mỹ Anh khi học Y Khoa làm gia sư dạy Toán cho một gia đình thuộc hoàng tộc Hy Lạp. Cậu bé mà Mỹ Anh dạy kèm Toán sau này được trúng tuyển vào Đại Học Oxford học ngành Toán. Ngoài ra, Khoa rất có năng khiếu về Pháp Văn, đậu Distinction về tiếng Pháp. Nhờ vậy, sau khi tốt nghiệp đại học cháu đi làm ở Pháp trong 3 năm, trước khi về lại Reading để sống gần gia đình hầu chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già.
Như đã phân công, Kim Thu phụ trách việc giáo dục gia đình. Ở nhà mọi người đều phải nói tiếng Việt, hai anh em cấm không được nói bằng tiếng Anh. Khi các con còn nhỏ, Kim Thu dạy các con phải biết làm những chuyện nhỏ nhặt trong nhà, như khi thức dậy mền gối, chăn phải xếp ngay ngắn, học xong sách vở phải để ngăn nắp trên kệ. Phải biết giúp mẹ lúc nấu ăn, chén đũa phải biết đặt lên bàn và dọn dẹp khi ăn xong. Khoa lớn hơn, khỏe mạnh hơn phải biết hoover sàn nhà v.v.
Về tiếng Việt, mặc dầu không có cộng đồng người Việt ở Reading các con tôi nói tiếng Việt rất giỏi. Ngoài ra chúng còn đọc được chữ Việt, cháu Khoa còn viết được chữ Việt, tuy còn vụng về. Chúng tôi rất ngạc nhiên thấy con cái của một số bạn ở Mỹ, sống ngay tại California, mà vẫn không nói được tiếng Việt như các con tôi.
Khi Mỹ Anh lên 6 tuổi, Khoa 9 tuổi, mẹ dạy nấu ăn để có thể tự lập khi vào đại học. Mẹ dạy cách thức nấu các món căn bản khi sống trong cư xá đại học. Riêng với Mỹ Anh, mẹ truyền dạy cách thức nấu cùng bí quyết các món ăn cổ truyền quý phái mà Kim Thu đã được bà ngoại và má truyền lại. Nhờ rất thông minh, sáng dạ và đam mê nấu nướng Mỹ Anh đã biết làm những món vương giả này ngay từ lúc 9-10 tuổi.
Hình 1. Mẹ truyền nghề gia chánh cho con. Lúc 13 tuổi, Mỹ-Anh đã giúp mẹ nấu nướng và trang trí các dĩa thức ăn thật đẹp trong dịp họp mặt bạn của ba mẹ.
Hình 2. Mẹ truyền nghề gia chánh cho con.
Hình trái là mâm đồ nguội, gồm 1 con gà rút xương, bên trong gồm thịt gà xay, nấm mèo, trứng chim cút. Mẹ dạy cách cắt như thế nào để khoanh gà được cắt lộ những trứng cút như hình cánh hoa. Những gói màu hồng và xanh là nem và bì do hai mẹ con làm tại nhà.
Hình phải: Năm 13 tuổi, Mỹ-Anh nấu và trang trí các món ăn Việt Nam mà khách là đồng nghiệp người Anh của Ba trong đại học.
Hình 3. Năm 13 tuổi, Mỹ Anh làm món ăn tráng miệng này bằng agar nhân đậu xanh thành hình chùm nho, trái ớt, quít, apple và những hình thể khác với màu sắc đa dạng với lối trình bày rất nghệ thuật.
Một câu chuyện được một người bạn của tôi truyền tụng cho các bạn của anh. Vào một ngày Thứ Bảy, một anh bạn của tôi ở tận Bedford xa khoảng 200 km đến thăm. Ngày Thứ Bảy là ngày Kim Thu đi làm toàn thì, từ sáng sớm đến tối. Lúc đó, Mỹ Anh mới 9 tuổi. Tôi lo tiếp khách, nói chuyện với bạn. Khoa vào bếp giúp Mỹ Anh nấu nướng. Lúc đó Mỹ Anh còn nhỏ, phải kê cục gạch kế bếp mới đứng nấu được. Cũng may, trong tủ lạnh mẹ đã mua đủ thịt, cá, rau, trái cây. Thế là Mỹ Anh tự đặt ra Menu đãi khách 6 món, gồm cá chiên, thịt kho, gà xé phay, canh chua khóm, dĩa rau sống có cà chua lát mỏng, dưa leo với xa lách xon (water cress), và một chén mắm tỏi ớt với chanh đường trông rất ngon, và bánh ngọt với cà phê tráng miệng. Đặc biệt là các món ăn được trang trí rất đẹp, nhất là dĩa rau. Anh bạn tôi quá đỗi ngạc nhiên về tái nấu nướng của Mỹ Anh. Thế là từ đó, anh khoe vối bạn bè trong cộng đồng người Việt ỡ Bedford và London về tài nấu nướng của Mỹ Anh.
Sau này, khi có chồng con, Mỹ Anh tận dụng khả năng nấu nướng để biến chế thành những món ăn hợp khẩu vị của chồng và con. Hai cháu nhỏ nói rằng chúng không muốn đi học đại học ở tỉnh xa mà chỉ muốn học ở Reading để được mẹ nấu ăn ngon.
Khi ở lứa tuổi 12-15, thiếu niên nào, dầu ở Việt Nam hay hải ngoại, cũng đều “rebel” (phản kháng, bất tuân lời dạy bảo, cải lại) với cha mẹ. Với gia đình người Việt ở hải ngoại, tâm lý trẻ Việt thường không muốn cha mẹ đi theo chúng ở nơi công cộng vì sợ bạn bè thấy cha mẹ mình không giàu sang quyền quí như của bạn bè, v.v. Biết tâm lý này, chúng tôi cố tránh cho con trong các tình huống đó. Cũng may, các con tôi không như vậy, và sau tuổi đó, khi hiểu biết sự hy sinh vô bờ bến của cha mẹ chúng hãnh diện và càng thương chúng tôi hơn.
Đối với Khoa, chúng tôi rất sợ khi con vào đại học Salford, Manchester, vì sống xa nhà, dễ bị bạn bè rũ ren sa ngã vào rượu, thuốc lá hay nhiều thứ độc hại khác. Vì vậy, ngoài điện thoại nhắc nhở, mỗi lần đi thăm con chúng tôi khéo léo để ý đến từng ngón tay xem có bị nám vì nicotine thuốc lá, có diêm quẹt trong học bàn, xem có tàn thuốc, lon rượu trong thùng rác, v.v. Cũng may mắn là Khoa chỉ lo học hành, không có nhiễm các tật xấu nói trên.
Khi Mỹ Anh vào Đại Học Y Khoa ở London, Kim Thu càng giáo dục Mỹ Anh nhiều hơn, sợ sa ngã vào đường tình mà ảnh hưởng đến tương lai. Cứ mỗi hai tuần là chúng tôi lái xe đi London mang thức ăn nấu sẳn cho con, và mỗi đêm đều phone thăm hỏi, nên chúng tôi biết rõ những sinh hoạt ở trường. Cũng may, Mỹ Anh chỉ lo học hành, và sinh hoạt lành mạnh trong cộng đồng sinh viên Việt Nam, Mỹ Anh từng làm Tổng Thư Ký Hội Sinh Viên Việt Nam tại London. Mỹ Anh thường phone mẹ thông báo là sẽ tham dự tiệc liên hoan cuối năm, có dancing, v.v. và không bao giờ dấu diếm mẹ điều gì.
Trong khuôn khổ nền nếp đó, Mỹ Anh hiện nay cũng giáo dục lại các cháu ngoại chúng tôi y như đã thừa hưởng từ mẹ. Dĩ nhiên, các cháu ngoại tôi được thừa hưởng nhiều hơn mẹ chúng hưởng từ chúng tôi, vì vợ chồng Mỹ Anh có tài chánh dồi dào, có nhiều thì giờ hơn dành cho con, rành việc giáo dục và chiều hướng giáo dục cho con một cách khoa học hơn, đào tạo con giỏi toàn diện trong nhiều lãnh vực v.v. Các cháu tôi, cũng giống như mẹ Mỹ-Anh và cậu Khoa, rất ngoan ngoãn, dễ dạy với quyết tâm cao, giỏi toàn diện kể cả ngoại ngữ. Cháu Adam đoạt giải quốc tế về sinh ngữ Pháp, và Sammy đang cố gắng học sinh ngữ Đức kỳ vọng đạt như Adam.
Tóm lại, chúng tôi tin tưởng rằng sở dĩ con và cháu được như hiện nay là nhờ phúc đức của ông bà của cả 4 bên nội ngoại chồng vợ để lại. Vì vậy chúng tôi ráng sống đời đạo đức để duy trì phúc đức cho các thế hệ sau.
Reading, tháng 12/2019.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần-Đăng Hồng – Một ngày dài nhất trong đòi.
2. Nguyễn Thị Kim-Thu – Cái Tết đầu tiên ở hải ngoại.
3. Nguyễn Thị Kim-Thu- Đặt tên con.
4. Nguyễn Thị Kim-Thu – Tiệc về hưu của Kim-Thu.
5.Trần-Đăng Hồng – Gang of Three – Nhóm 3 tên.
6. Trần-Đăng Hồng – Trở lại làm việc ở Đại học Reading.
7. Trần-Đăng Hồng – Những đứa con tinh thần của tôi.
8. Trần-Đăng Hồng – Duyên nợ với quê hương.
Mời nghe: Quê hương bỏ lại – Nhạc sĩ Tô Huyền Vân, do bé Jennifer Lynh hát.