DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Phỉnh gạt nhau để sinh tồn

25/10/2015


PHỈNH GẠT NHAU ĐỂ
SINH TỒN

Trần Đăng Hồng, PhD



Con người không phải là động vật duy nhất biết bắt chước một cách tinh vi để phỉnh gạt kẻ khác: hàng giả mạo, ngụy trang để ẩn mình, v.v.

1 – NGỤY TRANG ĐỂ TRỐN KẺ ĐỊCH HAY ĐỂ ĐÁNH LỪA ĐỊCH

Tạo hóa tạo sinh ra muôn loài vật với nhiều cách sinh sống khác nhau, có loài chỉ ăn thảo mộc, có loài ăn thịt, có loài ăn tạp cả thảo mộc và động vật. Cả hai loài này đều phải đi tìm loài động vật khác, cùng loài hay khác loài, để ăn thịt. Động vật nhỏ thường là nạn nhân của thú có thân xác lớn hơn. Theo thuyết tiến hóa (Evolution) và thiên nhiên tuyển chọn (Natural selection) các động vật nhỏ, như côn trùng có màu sắc tương tự như màu sắc của hậu cảnh nơi nó đậu, như màu của lá cây hay đất đá, thường có nhiều cơ hội trốn khỏi tầm mắt của động vật ăn thịt. Nhờ vậy, nó được sống sót, và truyền gen ngụy trang này cho thế hệ con cháu. Như vậy, qua bao triệu năm được thiên nhiên tuyển chọn, khả năng ngụy trang càng lúc càng hoàn hảo.

Loài động vật lớn hơn, như loại tắc-kè, kỳ nhông có khả năng biến đổi màu da theo hậu cảnh để vừa tránh kẻ thù lớn hơn, vừa đánh lừa con vật nhỏ hơn như côn trùng để ăn thịt.

Bắt chước cảnh vật chung quanh từ màu sắc đến hình dáng để con vật ngụy trang, chẳng hạn giống y hệt như chiếc lá xanh hay vàng úa hay giống hệt cành cây thì côn trùng “lá biết đi” (walking leaf insects), hay “cành cây biết đi” (walking stick insects) của bộ tộc Phylliidae thuộc hàng cao thủ. Loài côn trùng này được sinh ra từ thời Dinausaur cách đây 126 triệu năm, và qua tiến hóa tạo ra khoảng 3000 loài. Nó y hệt hình dạng và màu sắc của thảo mộc nơi nó ẩn mình, nên qua mặt được loài chim hay động vật khác muốn ăn thịt nó.


 

Hình 1. Côn trùng “lá biết đi” (Walking leaf insect”

 


Hình 2. Bạn có thể nhận dạng phần nào là côn trùng phần nào là lá cây?

 

Ngoài cái tài ngụy trang y hệt chiếc lá, nó còn bắt chước hành động ngả nghiêng khi đi y hệt như chiếc lá rụng lắc lư lúc bị gió lùa.

 


 

Hình 3. Côn trùng “nhánh cây biết đi” (Walking stick insects)

Loài côn trùng “nhánh cây biết đi” (Lonchodes sp.) bắt chước hình dạng và màu sắc y như cành cây, đặc biệt còn biết đi chậm và lắc lư như cành cây lúc gió thổi.

 

 


Hình 4. Con đom-đóm lúc ngụy trang (trái), và lúc xua đuổi tình địch (phải)

Con đom-đóm (Fulgora sp.) ngụy trang có màu sắc y hệt thân cây nó đậu (hình trái), nhưng khi thấy có kẻ thù nó bèn phát quang trên các đốm mắt ở cánh để làm kẻ thù hoảng sợ (hình mặt).

 


Hình 5. Bạn có thấy con ngựa trời giống hoa Lan không?

Con ngựa trời Hymenopus coronatus ngụy trang giống như cánh hoa lan, mục đích lôi cuốn côn trùng hút mật và phấn hoa như ong hay ruồi bay đến nộp mạng.


Hình 6. Bướm Kallima sp. giống hệt lá khô. Có côn thú nào ăn được lá khô.

Còn loài bướm Kallima có cánh y hệt chiếc lá khô, bởi vì nó biết chả có con thú nào ăn lá khô (Hình 6).

 


Hình 7. Loài châu-chấu Bắc Mỹ có màu rêu mọc trên thân cây

Còn loài châu-chấu Bắc Mỹ ngụy trang với màu của rong rêu mọc trên thân cây (Hình 7) để không có con thú nào thấy nó.

Loài tắc kè kỳ nhông (chameleons) có khả năng thay đổi màu da theo màu sắc của hậu cảnh để ngụy trang, trốn tránh kẻ thù (như diều hâu) hay rình mồi chờ nạn nhân mất cảnh giác đến gần trong tầm lưỡi của chúng. Chúng cũng có thể thay đổi màu da theo nhiệt độ, ánh sáng, ẩm độ của môi trường và đặc biết lúc tấn công địch thủ để làm kẻ thù khiếp vía. Màu da thay đổi vì tế bào da có sắc tố chromatophores làm màu biểu bì da thay đổi.

 


 

Hình 8. Kỳ nhông ngụy trang thành màu lá khô (trái) thành màu cành cây thoát sự chú ý của chim ăn thịt nó

 

II. GIẢ CHẾT ĐỂ SỐNG CÒN

Nhiều động vật khi gặp lúc hiểm nguy sắp bị ăn thịt có khả năng giả chết để con thú kia chê không thèm ăn nữa.


Hình 9. Hai con chàng hiu giả chết

Loài chàng-hiu (Ischnocnema aff. henselii) sống trên cây trong rừng Brazil khi gặp thú định ăn thịt nó thì giả chết, nằm ngửa phơi bụng, mắt nhắm và nhịn thở trong vòng hai phút. Trong lúc con thú ngỡ ngàng, phân vân không biết có nên ăn thú chết hay không, thì con chàng-hiu vụt nhảy lên cành cây trốn thoát, làm con thú hoảng hồn, bỏ dở cuộc săn mồi. Từ khoa học giả chết này là “thanatosis”.

Loài cóc cũng giả chết tài tình (Hình 10). Tuy nhiên loài cóc này khi nằm ngửa các mục cóc ở bụng phun ra một chất độc cùng lúc các sọc vàng và đỏ hiện rõ làm con thú biết cóc có chất độc nên không ăn.

 


Hình 10. Loài cóc Rhinella sp.(A) và loài Osornophryne percrassa (B) giả chết nằm phơi bụng

 

Rắn là loại tìm các loại thú nhỏ như cóc nhái côn trùng để ăn, nhưng khi gặp diều hâu, bìm bịp thì khoanh tròn giả chết (Hình 11).


Hình 11. Rắn Heterodon simus giả chết nhưng miệng phun nọc độc và mùi thối để xua đổi kẻ thù

 

Ở Mỹ Châu có loài chuột Đại Thử (Opossum) nặng khoảng 5 kg, rất hiền, không thích bạo động. Nó rất chậm chạp nên thường là nạn nhân của thú ăn thịt như cáo, chồn, chó, v.v. Khi gặp thú ăn thịt, nếu biết không trốn thoát được thì nó giả chết, miệng há sùi bọt và có mùi hôi thối của thú chết lâu ngày làm con thú kia ghê tởm bỏ đi vì tưởng đó là thân xác bị sình thối (Hình 12).


Hình 12. Loài chuột Mỹ Châu giả chết

Tạo hóa thật kỳ diệu !

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÁNH

Tổng hợp từ nhiều bài trong tạp chí National Geographic Magazine, http://www.nationalgeographic.com

 

Reading, 10/2015