DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Căn nhà trọ đầu tiên

*Kính dâng hương linh cha má với lòng tri ân sâu sắc về Công Đức sinh thành, dưỡng dục và đặt nền tãng vững chắc cho chúng con mạnh dạn bước vào tương lai để có kết quả ngày hôm nay.
*Thương tặng tất cả anh chị em, con cháu xa gần đọc để nhớ, để biết một góc nhỏ của "Nha Trang ngày xưa".
Trần thị Lệ Son
CĂN NHÀ TRỌ ĐẦU TIÊN
Tiếng trống báo hiệu giờ tan học, cả lớp học sinh lớp Ba A đứng dậy chào cô Vân Xoa [cô giải thích là Mây Chiều, Vân là mây, Xoa= Soir tiếng Pháp có nghĩa là chiều] rồi lục tục kéo nhau ra khỏi lớp. Tôi ôm cặp, đội mũ chạy ra khỏi cổng trường Nữ Tiểu học Nha Trang, nằm đối diện với Ty Nông Nghiệp trên đường Trưng Nữ Vương dẫn tới Chợ Đầm. Tôi đi thật nhanh về phía trước, rồi vào trong chợ. Hôm nay tôi phải gặp một người đàn bà thấp bé, có caí miệng hô, nước da xanh xao. . . . đó là cái bà bán bánh xu xoa hột lựu bông cỏ nước dừa. Ngày nào tôi cũng mất một đồng để ăn một ly, cái vị vừa ngọt, vừa béo, vừa ngon cứ quyến rũ tôi hoài. Tôi đi theo hướng đường Bến Chợ, ngang qua bến Lồ ô, ở đây người ta ngâm từng dãy dài cây Lồ ô, cột lại thành bè cho chìm trong nuớc. Tôi quẹo về đường Nguyễn Bỉnh Khiêm tới cái nhà thật to của ông Đệ, bên cạnh có cái hẻm. Cuối hẻm có một ngôi nhà lớn khang trang gồm ba căn, căn cuối cùng phía trên là căn nhà của năm anh em tôi trọ học.
Tôi trèo lên năm bậc tam cấp. Anh Bốn anh Năm và anh Hồng đã về trước tôi. Chị Huê đang phụ chi Hai Vui dọn cơm. Hôm nay có món cá chiên và canh bắp nấu với rau thập tàn. Nhìn tô canh sền sệt lẫn lộn đủ thứ rau, tôi chê "canh gì giống như cháo heo" và nhất định không chịu ăn. Chị Hai Vui dỗ dành năn nỉ mãi, anh Bốn tức mình múc bỏ vô chén, tôi sợ anh Bốn quá tôi đành nhắm mắt lùa vào miệng, nào ngờ nó ngon đến vậy. Mùi thơm ngọt của bắp non nấu với rau thật dễ nuốt, ăn vào mới biết chứ nhìn thì chả hấp dẫn tí nào.
Tôi leo lên ngồi trên cái lan can cạnh sàn nước xem chị Hai Vui rửa chén. Tôi nói thật nhỏ sợ có người nghe:"mai Hai nấu cháo heo nữa nghe".
Dưới mắt tôi là con sông Cái với dòng nước hiền hòa trong xanh. Đây là khúc cuối của sông nên nó hả thật to, xòe thật rộng cái miệng để thải thật nhiều nước ra cửa biển rồi hòa nhập vào đại dương mênh mông. Hằng ngày nó nhả ra, nuốt vào không biết bao nhiêu con thuyền lớn bé, dong ruỗi ra khơi với những chuyến hảỉ hành vì mưu sinh cho cuộc sống.
Tôi ngắm những con thuyền xuôi ngược đi về, người lái thuyền khua mái chèo, lướt nước nhẹ êm. Nơi tôi ở là xóm lao động nghèo, đa số đàn ông sống bằng nghề chài lưới, đàn bà thì bán cá. Nhà ông Ngọng có đến hai ba chiếc thuyền lớn nhỏ.
Tôi có thể nhìn thấy cầu Hà Ra và con đường quốc lộ 1 với xe cộ qua lại, những chuyến xe đò chở khách đường xa. Những bụi cỏ, lùm cây xanh um tươi mát, chạy dọc suốt con đường trong tầm mắt mà tôi thấy được. Nhìn thẳng tôi có thể thấy Tháp Bà Ponagar hùng vĩ đứng sừng sững, trang nghiêm trên một ngọn đồi cao, dưới chân là cầu Xóm Bóng dài hun hút, lộng gió quanh năm, nằm thẹn thùng soi bóng mình trong dòng nước biếc. .
Thỉnh thoảng có những chiếc bè bằng lồ ô, những người chèo đứng trên bè chống những cây sào dài để đẩy bè đi.
Lâu lâu cũng có những chiếc thuyền lớn có mui che cho gia đình trú ngụ, có đứa bé ngồi ở đầu ghe. Tôi vẫy nó, nó vẫy lại. . . rồi nó đi.
Quang cảnh khúc sông này sẽ thơ mộng và hữu tình nếu không có những cái cầu tiêu lô nhô một cách mất trật tự và những cái nhà sàn lấn sông một cách tạm bợ với những tấm tôn, miếng ván nham nhở làm ô nhiễm dòng sông.
Cha tôi mướn nhà này của ông Xã Năm Hồ Ngọc Từ, khi vừa xây cất xong. Cha trả một lần tiền nhà cho năm năm thuê mướn. Nhà có hai phòng: phòng lớn để học và ngủ: gồm một cái giường, một cái tủ bằng gổ giáng hương cha tôi vừa mới đóng. Hai bộ ván và hai bộ bàn ghế: một để học và một để ăn. Phòng nhỏ phía sau thì để ăn cơm và chứa đủ thứ linh tinh, lỉnh kỉnh. Sau cùng là cái bếp nhỏ xíu, không có kẽ hở cho ánh sáng lọt vào và cái sàn nước có cái lan can mà tôi đang ngồi.
Nhà này cũng giống rất nhiều nhà khác trong xóm là không có cầu tiêu. Cầu tiêu ở đây được làm bằng bốn trụ gỗ to đóng sâu xuống nước. Trên đầu và chung quanh được che bằng tôn, hoặc lá dừa hay những tấm mê. Chỗ ngồi vệ sinh được ghép bằng nhiều tấm ván chỉ chừa một cái lỗ to hình chữ nhật ở giữa để làm "động tác vệ sinh ". Muốn tới đó phải đi qua một cái cầu khỉ dài từ năm đến bảy mét, ghép bằng những tấm ván dài mà nhỏ chồng lên nhau, khi đi nó vừa lắc lư vừa nhún nhẩy.
Lúc tôi mới xuống Nha trang, cha sợ tôi té sông chết đuối nên cha mua một cái quánh bằng sắt có cán dài để cầm, khi đi cầu thì lót giấy, xong rồi túm quăng xuống sông. Bây giờ thì tôi không dùng nó nữa, mà đi ra ngoài. Mỗi lần đau bụng thì tôi phải chạy thật nhanh, khi thì lên đầu trên đi nhờ cầu của mấy bà bán cá. Mấy bà này mặt rất dữ, mặt bà nào cũng quắt quéo, nhăn nheo. Họ chửi lộn quanh năm suốt tháng, có khi còn tuột quần vỗ phành phạch. Tôi lén nghe họ chửi nhau, không còn từ tục tĩu nào mà họ không đem ra dùng. Một bữa bà già chận tôi lại hỏi: "mày ở đâu?" tôi trả lời ở nhà anh Nhơn. Bả to giọng: "Nhơn, đứa nào cũng nói ở nhà thằng Nhơn". Bữa đó tôi sợ bà già quá nên thụt luôn. Từ đó tôi làm biếng đi cầu và hay nín. Hậu quả của nín là tôi hay ị trong quần, tôi đem giấu nó trong mấy hốc kẹt, lâu lâu má xuống dọn dẹp lôi ra mấy cái quần dơ đã khô queo. Má đem giặt sạch sẽ mà không hề la rầy vì má thông cảm nổi khổ của con gái bé nhỏ.
Tôi cũng phải đối phó với tụi con Giắng, Con Chó Con, để không bị chận đường khi đi cầu ở phía dưới bằng cách tham gia các trò chơi u mọi, năm mười, bỏ khăn hay nhảy dây, đánh thẻ. Tụi này nó không có đi học, ở nhà giữ em và làm việc nhà nấu cơm, chẻ củi. Ba nó đạp xích lô, má nó bán cá ở chợ Đầm. Tụi nó đứa nào tóc cũng vàng hoe bay mùi tanh và khét, em nó thì mũi dải lòng thòng.
Khi mùa nước lớn có khi nước gần ngập cái cầu, tôi thấy rất rõ ràng từng đàn cá bu đến và rĩa món quà tôi vừa trao tặng một cách nhiệt tình. Người ta nói cá dìa rất thích món quà này nên tôi không bao giờ dám ăn nó nữa.
Chị Hai Vui đã gánh nước về, chị đi gánh nước ở tận nhà anh Thành bên kia đường, xa cũng gần một trăm mét. Nhà có nhiều cây dừa cao, lá rủ che mát cả một khoảng vườn. Hầu như cả xóm ai cũng dùng nước giếng của nhà này, nên cửa cổng lúc nào cũng rộng mở. Người ta đồn nhà này có ma nên tôi không dám đi xách nước một mình. Tôi thường theo chi Huê hoặc theo các anh để xách thêm một gàu nhỏ. Chi Hai đổ nước vào đầy cái lu ốm và cao, còn dư chị đổ vào cái thạp nhỏ để uống. Tôi làm bể cái nắp đậy nên chẳng đậy, cũng chẳng nấu, cứ múc nước uống ào ào.
Dọc theo đường Bến Chợ đến cuối đường Nguyễn Bĩnh Khiêm, người ta trồng rất nhiều cây bàng, nên gọi là xóm cây Bàng. Cây bàng rất lớn, tàng rất to, trời nắng nó cho nhiều bóng mát và có thể ẩn nấp khi trời mưa. Lá bàng rơi rụng đầy đường nhưng không ai nhặt như trong truyện "nhặt lá bàng" của Thạch Lam trong Tự Lực văn Đoàn. Chỉ có những người Bắc di cư họ hái lá xanh để gói xôi bán. Trái bàng ăn cũng ngon, tôi bắt chước lấy hòn đá đập dập, lấy cái hột dài màu nâu đen bỏ vào miệng nhai nát, có cái vị béo béo bùi bùi. Ở đường Bến Chợ dưới một gốc bàng to có nhà ông Tàu bán bánh bò. Mỗi buổi sáng khi tôi đi học ngang qua nhà ông, đúng lúc ổng hấp bánh bò vừa xong. Cái bánh to bằng cái miệng thúng xúc lúa, màu trắng phau phau trông thật hấp dẫn. Ông Tàu đặt bánh trên cái mâm gỗ, cầm cái ly nước màu trắng ngậm một họng thật to phun lên cùng khắp cái bánh, rồi lấy một tấm vải tám trắng đậy kín, xong bưng đi bán. Sáng nào tôi cũng chứng kiến và cũng hay mua ăn lót lòng trước khi đến trường.
Chiều nay sau giờ thể dục, cô Vân Xoa cho học sinh làm vườn: trồng những cây rau hay hoa trên một luống đất được chia cho mỗi lớp để chấm điểm. Học sinh phải chia nhau tưới và chăm sóc. Tôi đi về bằng đường Phan Bội Châu, ở đây có một cửa hàng bán đồ chơi con nít. Trong đó lúc nào cũng có trưng bày một con búp bê thật to bằng em bé mấy tháng tuổi. Nó có tóc thật, vàng óng ả, đôi mắt tròn xoe nhắm mở được, bận áo đầm có ren trông thật kiêu sa và lộng lẫy. Món đồ chơi quý tộc này tôi chưa bao giờ dám ước mơ, chưa bao giờ tôi có ý định xin má, vì nó ở thật xa tầm tay làm sao tôi với tới được. Hàng trăm lần tôi đã đứng ngắm nó một cách say đắm thèm thuồng. Tôi đã nảy ra sáng kiến là đi hái ớt xiêm để bán. Những ngày nghĩ tôi đi lang thang hết cây ớt [mọc hoang trong vườn] này sang cây ớt khác để hái thật nhiều, nhưng rồi chẳng biết bán cho ai và tôi đành dẹp mộng và cố quên nó đi.
Tôi đi qua tòa án, rẽ sang Nguyễn Công Trứ, ngang nhà lao, rồi theo dọc bên hông nhà lao để về đường Nguyễn Bĩnh Khiêm. Chiều nay tôi định rủ con Phương con Mận, con gái ông Xã Năm tối nay tụ họp trên sân để chơi. . . nào ngờ tôi thấy nhà nó thật đông người. Tôi thấy má nó nằm bất động trên giường, mặt đắp tờ giấy trắng. Tôi nghe người lớn nói má nó bị bệnh kín, đi Saigon chữa nhưng không hết. Tôi không biết bệnh kín là bệnh gì, nhưng rõ ràng cái bệnh kín đó làm má nằm ngay đơ, không cử động gì được. Tôi thấy chi Xẩm ngồi một bên khóc lóc thảm thiết. Tôi nghĩ đến má tôi, má tôi bệnh triền miên, nhà lúc nào cũng thơm mùi thuốc Bắc, vậy má tôi có chết không? Tôi rất sợ mỗi lần má tôi giả chết :nhắm mắt, le lưỡi để nhát tôi. Tôi sợ hãi đi về không dám nhìn lâu.
Tôi ghé nhà con Đoàn cho nó mượn vỡ để chép bài vì ngày nay nó nghỉ học. Hồi sáng cô Xoa điểm danh thấy thiếu nó cô hỏi: "em nào ở gần nhà trò Đoàn"? Tôi đứng dậy: "dạ em, cô". Cô hỏi "sao trò Đoàn nghĩ học". Tôi trả lời "dạ, trò Đoàn bị ghẻ". Cô hỏi tiếp "ở đâu". Tôi trả lời: "dạ, ở tay". Cô hỏi lại: "ở đâu". Tôi vẫn trả lời: "dạ, ở bàn tay". Cô lớn giọng: "cô hỏi nhà trò Đoàn ở đâu?". À ra vậy, tôi vừa sợ vừa tức cười, sao cô hà tiện lời nói quá vậy.
Nhà con Đoàn giàu nhất xóm, hai cái nhà đâu lại thành hình chữ L, có vườn hoa lớn ở trước sân, có cổng thường đóng kín. Ba nó là ông Đệ đang công tác ở sở lục lộ, đi làm bằng xe bịch bịch thật oai. Má nó không làm gì cả, vì tôi thấy thằng Minơ một tuổi thì có bà Năm chột mắt giữ, cơm nước việc nhà thì có bà Tư móm mém rụng hết răng quán xuyến. Má nó mặc toàn đồ trắng, thường ở luôn trong phòng, lâu lâu đi ra đi vào, đi lên đi xuống, đầu vấn tóc xức dầu mướt rượt, không ăn trầu, nhưng cái miệng lúc nào cũng thoa sáp đỏ chót. Khi ra ngoài bà mặc áo dài nhung, quần trắng toát, đầu choàng khăn, trông thật sang trọng. và quý phái. Tôi thầm ước ao sao má tôi cũng ăn mặc sang trọng và đẹp đẽ như bà. Má tôi chỉ mặc toàn quần đen, chỉ khi nào Tết hoặc đám cưới mới lấy quần trắng cất kỹ trong tủ ra mặc. Áo dài thì chỉ có ba bốn cái bằng nylon xốp, chân đi guốc, đầu thì đội nón, miệng thì ăn trầu. Tôi rất ái mộ má con Đoàn, nhưng tôi vẫn thấy má tôi đẹp hơn. Da má tôi trắng, mũi cao, mắt tròn hai mí, chỉ có một khuyết điểm tôi cho là không đáng kể là miệng của má tôi hơi bị hô. Cha tôi vẫn thường nói má tôi hô nhưng hô có duyên. Vậy là tôi yên tâm là má tôi ăn đứt má nó.
Nhà nó có nhiều phòng nên chơi cút bắt rất khó tìm, có hàng ba dài và rộng để vẽ cò cò, chơi rất thoải mái. Tới bữa ăn cả nhà nó quây quần bên chiếc bàn lớn với những thức ăn thịnh soạn làm tôi phát thèm. Cái điều làm tôi ái mộ nhất là nhà nó có tới hai cái cầu tiêu đặt ngay trong nhà. Một cái ở nhà trên cho ba má nó, và một cái ở nhà dưới cho anh chị em nó. Nhà nó còn có một cái nhà tắm nữa.
Anh Đại và anh Đính là bạn của anh Hồng, chị Đào là bạn của chị Huê. Con Đoàn là Tí chị, còn bốn đứa em nữa là thằng cu Ly [Địch], Tí em [Điệp], Tí út [Đặng] và thằng Minơ [Đổng]. Ba má rất "kín cổng cao tường", chỉ có tôi và chị Huê được tới chơi vì chị em tôi có đi học và cũng là con nhà khá giả. Đôi khi các anh rủ nhau đi coi cine' hay đi coi kịch về khuya thì gữi tôi ngủ với con Đoàn, sau đó về đón.
Đầu hẻm có nhà bà Lang má anh Mão, bạn láng giềng của anh Hồng. Cả nhà này từ trên xuống dưới đều bị bét mắt. Người nào tóc cũng vàng hoe, da bạc bạc. Bà Lang bán chè đậu đen, khoai lang luộc, mía mây và bánh tráng nướng. Khoai lang luộc của bà thì khỏi chê, mật ngọt tươm vàng dẽo nhẹo cả tay, mềm và ngọt rất dễ nuốt. Chè đậu đen của bà hầm mềm nhũn, ăn với nước đá thì quên hết cả mệt nhọc. Nhà bả nhỏ chút xíu mà lại rất đông người, nên đàn ông thường ngủ ngoài sân. Tôi thắc mắc những ngày mưa gió lụt lội họ ngủ ở đâu.
Ở giữa hẻm có chị Trọng là bạn của chị Huê. Chị ở với vợ chồng anh ruột và làm nghề chầm nón. Tôi hay la cà ngồi xem các chị thoăn thoắt cây kim, lúc lên lúc xuống một cách chính xác và điêu luyện.
Xóm tôi cứ mỗi tháng là có triều cường theo mùa nước lớn. Có khi lúc chiều ra đi thì sân khô ráo, tối về nước ngập đầy sân phải lội bì bỏm. Chuyện con nít chết đuối ở đây chẵng có gì đáng ngạc nhiên, chỉ sơ ý một tích tắc thôi là rơi tỏm xuống nước. Mới đây ở hẽm sau, có bà mẹ trẻ lúi húi nấu cơm, khi quay lại thì không thấy con đâu nữa. Chị ta la làng, la xóm, người ta xúm nhau mò tìm vớt nó lên, xốc nước, hô hấp hơ lửa, mổ cả con vịt sống ấp lên bụng nó. Người ta hú ba hồn chín vía nó, má nó kêu gào gọi tên nó mà nó chẳng thèm mở mắt và cũng chẳng thèm thở nữa.
Chuyện ma gia ở đây người ta hay truyền nhau kể. Nào là xóm dưới có thằng kia tắm sông bị ma gia kéo chân mất xác, tìm không thấy. Mấy ngày sau người ta tìm thấy nó ngồi xếp bằng dưới đáy sông. Những chuyện như thế cứ nghe kể đi, kể lại thêm mắm, thêm muối, làm cho tôi rất sợ khi đi cầu và đi tiểu vào ban đêm.
Anh Bốn tôi cứ ốm ròm, xanh xao, cha má lo lắng thuốc thang. Một hôm má tôi từ trên quê xuống, má kín đáo lấy cái gối của anh Bốn thường nằm, tháo đường may ra, rồi nhét vào giữa gối một cái gói màu vàng có viết chữ Nho và những đường vẽ ngoằn ngoèo, xong may kín lại. Tôi hỏi má "để chi vậy". Má nói: "con nít hỏi làm gì", nhưng tôi lờ mờ hiểu rằng cái gói đó có liên quan tới mấy con ma gia ở bến sông này.
Ở gần cửa biển, những tháng mùa đông thì không đơn giản và dễ chịu chút nào. Khi mà những đám mây đen vần vũ kéo về che kín bầu trời. Ông mặt trời lười biếng, uể oải chiếu những tia nắng yếu ớt. Bầu trời như thấp xuống, những hạt mưa bắt đầu rơi rả rích, rồi ào ào trút nước không thương tiếc. Nước sông bây giờ đục hơn, dâng cao hơn và chảy xiết hơn. Nó mang phù sa từ thượng lưu về và cuốn phăng những khúc cây, bụi cỏ, đám bèo. . . . Khi mà biển cả nổi cơn thịnh nộ, ào ạt thổi vào đất liền những đợt gió: có lúc êm dịu, có lúc dữ dằn. Gió kêu vù vù, rít rít. Những chiếc ghe thuyền không còn thong dong buông lơi mái chèo, mà hối hả nhanh chóng quay về vì sợ bất trắc xảy ra. Những lúc như thế thường hay có nước dâng. Nửa đêm ông Ngọng đã báo động: "ước ưng ớ ừ a " để bà con biết mà đề phòng.
Tôi không còn ngồi trên lan can đó nữa vì mưa, vì gió. Gió làm rát mặt mặt, khô da, tím môi, nứt miệng. Gió làm nhức đầu, sổ mũi và ho hen. Mưa làm củi không cháy, cơm không chín, bữa sống bữa khê. Mưa lầy lội ướt át, lạnh lẽo và buồn chán. Những ngày tẻ lạnh như thế, sau bữa cơm chiều, bài vỡ đã hoàn tất xong xuôi anh em tôi hay trùm mền nói chuyện, kể chuyện ma hay chuyện đời xưa. Những gói bắp lớ, đường thắng kẹo lúc này được đem ra thưởng thức. Tôi ăn bắp lớ bằng cách: hả to miệng bỏ bắp lớ vào, ngậm lại để cho nước miếng thắm ướt, rồi nhai thật chậm rãi để thưởng thức cái vị vừa bùi, vừa ngọt, vừa thơm của bắp rang. Tôi cũng hay ăn ô mai và nút sữa Con Chim, cái hộp nhỏ xíu mà anh Năm bày tôi mua ở quán bà Tám cây keo, để tẩm bổ trước khi đi ngủ.
Những ngày mưa gió bão bùng như thế này, chị Hai và chị Ba tôi thường xuyên đến thăm và chăm sóc các em. Các chị hay mặc áo bà ba cổ trái tim hay cổ ba lai. Chị Hai tôi có da trắng hồng, mũi cao, môi có hột gạo, người tròn trịa thấp hơn chị Ba. Chị tôi dong dỏng cao, mặt tròn, mũi thấp hơn. Hai chị tôi đều cạo cái lông mày giống y hệt nhau. Cả hai đều bối tóc, mặc dù chị Hai rất thích uốn tóc nhưng không dám vì sợ cha chồng là bác Sáu giáo Bầu. Các chị hay mang cho những cái bánh phồng, bánh bơ, cây mía hoặc khoai lang. Có khi các chị còn tắm và xức ghẻ cho tôi nữa.
Anh Trần Huỳnh Châu, bạn của Bốn có đến ở trọ nhà tôi một thời gian, ảnh cao và ốm giống như bộ xương cách trí. Mắt sâu hóm, miệng móm sọm, tay chân đầy ghẻ ruồi, có vẻ bệnh hoạn. Một buổi sáng ảnh ra đi tiểu ở phía hè trên, trước nhà ông công an Bảo thì bị trúng gió, mặt tái xanh, đứng run rẩy, may sao tôi thấy được kêu Bốn ra dìu vào. Không biết có phải do ảnh lây hay không, mà người tôi đầy ghẻ. Những mụt ghẻ thật to có mủ, khi bể ra thì lòi da đỏ hỏn. Cha nghiền nát thanh phàn pha với nước có màu xanh da trời để xức cho tôi, có lần đang xức thì chị Huê nói tôi giống con chình bông. Tôi nhảy dựng lên la khóc vì tôi rất sợ con lươn và con chình bông.
Em Sương thì vẫn còn có cái hạnh phúc là được ở bên cha má tôi. Em đi học trường tiểu học Thanh Minh. Tôi chỉ gặp em vào những ngày nghĩ. Em sung sướng hơn tôi, lúc nào cũng được sự ấp yêu, chìu chuộng của cha má. Tối em được ngủ với má, được cha cõng đi tiểu, nhưng em cũng rất buồn vì cũng thui thủi một mình.
Rồi những ngày tẻ lạnh đó cũng qua đi. Ông mặt trời sau mấy tháng nghĩ ngơi đã lấy lại phong độ, ông thu hồi những đám mây đen và trả lại cho bầu trời sự ấm áp và quang đãng. Những tia nắng rực rỡ hơn, gió thổi dịu dàng hơn, mơn man ve vuốt những đọt non đang đâm chồi nẩy lộc. Mùa xuân sắp trở về. . . Lòng tôi thật rộn ràng náo nức, khi thấy đường Phan Bội Châu người ta bắt đầu kẻ ô bằng sơn trắng chuẩn bị bán chợ Tết. Năm nay chị Ba tôi cũng có một gian hàng bán mứt ở đây vì anh Năm Thọ đã giải ngũ, anh chị về sống ở Phước Tuy quê của anh Năm Thọ. Cô Mười lớn dạy chị Ba làm mứt để bán Tết và bán tương chao vào những ngày chay.
Chợ Tết ở thành phố thật là tưng bừng nhộn nhịp. Con đường dài được chia làm nhiều ô nhỏ, mỗi ô là một gian hàng bán đủ thứ bánh mứt, áo quần, đồ chơi giày dép, cây cảnh, bông hoa. Những cành mai với những bông hoa tươi thắm rực rỡ như báo hiệu một mùa xuân tươi đẹp bắt đầu. Lòng tôi rộn lên những cảm giác hân hoan và nóng bỏng khi nghĩ đến những ngày Tết được về sum họp với gia đình. Ôi! Ấm cúng biết bao! Hạnh phúc biết bao! và lòng tôi cũng chùng lại khi cảm nhận được rằng ngày vui sẽ chóng tàn, những ngày nghĩ Tết cũng sẽ chóng qua, và sẽ trả tôi về với những ngày đi trọ học trong lặng lẽ, âm thầm. Tôi cũng sẽ biết trước nước mắt tôi sẽ chảy dài mỗi khi tôi cắn miếng mứt bí dòn ngọt, khi tôi ngậm miếng mứt gừng cay ấm nồng, khi tôi nuốt cái mịn màng và dịu ngọt của cái bánh in, mà năm nào cũng vậy, má cẩn thận chu đáo gói riêng cho tôi một gói để ăn một mình. Tôi ăn những thứ đó một cách trịnh trọng và giữ gìn để ăn thật lâu như muốn được nuốt cái tình thương yêu của má vào lòng với một thời gian sâu thẳm hơn.
Thời gian thấm thoát trôi qua, tôi lên lớp nhì. Cha má tôi có hai niềm vui lớn: anh Bốn đậu tú tài 1, sắp đi vào Sàigon học lớp đệ nhất, anh Năm được hoãn đi quân dịch và tiếp tục học lên lớp đệ nhị của trường Võ Tánh. Tôi bị bệnh thương hàn rất nặng và mất một thời gian dài mới bình phục. Chị Hai Vui không còn ở Nha Trang nữa, chị về quê để sữa soạn lấy chồng. Chị Huê sắp sửa từ giã trường tiểu học Hóa Khánh để học trường trung học Văn Hóa. Chị một mình đảm đương cơm nước. Đi học về chị ghé chợ mua thức ăn về nấu. Anh Năm, anh Hồng giúp chị Huê chẻ củi, xách nước. Tôi cũng đã lớn, đã quen với cảnh xa nhà vắng mẹ, không còn những chiều tan học chạy vội vàng lên bến xe đứng thẩn thờ nhìn những chiếc xe ngựa đã chở má tôi đi.
Hợp đồng mướn nhà của cha tôi đã kết thúc sau năm năm và cha thuê thêm hai năm nữa. Thời gian này xóm tôi có hai gia đình láng giềng mới ở Huế dọn vào. Đó là gia đình chị Bảo. Chị Bảo không đẹp, nhưng có mái tóc thề óng ả, và hát rất hay, có cha làm giám đốc đài phát thanh Nha Trang. Ông cụ thật đẹp lão và thanh thoát. Tối nào ông cũng cầm xâu chuỗi đi niệm Phật. Một gia đình nữa là gia đình anh Truyền làm công an. Tôi có một cô bạn mới là Kim Hoa. Kim Hoa nói chuyện rất có duyên và ranh mãnh. Nó kể cho tôi nghe rất nhiều về xứ Huế của nó. Hai đứa tôi quấn quít bên nhau. Có một lần tự nhiên nó ôm tôi rồi nói: "anh thương em", tôi sợ quá la thật to và chạy như ma đuổi, còn nó thì ôm bụng cười ngặt nghẻo. Kim Hoa có một người anh lớn tên là Khâm, anh này hay cho tôi bánh kẹo để tôi đưa thư cho chị Huê. Ngày Kim Hoa về Huế, tôi như mất nửa linh hồn. Tôi nhớ nó da diết và quay quắt khi nghe trong radio hát bài Tiễn Bạn của Châu Kỳ: "ngày mai bạn ra đi, trên con tàu chia ly, bạn ơi bạn có biết, biết cho lòng ta. . . ". Con Đoàn thấy tôi lơ là trong việc qua nhà nó chơi, nó giận, thấy tôi nó nhắm mắt. . .
Thời gian lặng lẽ trôi. . . đây là năm quan trọng nhất trong cuộc đời tần tảo nuôi con của cha má tôi. Anh Bốn đậu tú tài 2 ở Saigòn, anh Năm đậu tú tài 1, anh Hồng đậu diplome. Các anh tôi đã không phụ lòng cha má, đã cố gắng học hành, đã làm cho cha má tôi hãnh diện và sung sướng vô cùng. Trước những ngày các anh đi thi, cha tôi nằm chiêm bao thấy trong nhà có ba cỗ quan tài màu đỏ chói. Cha nói: "ông nội báo mộng cho biết sẽ có ba đứa con thi đậu".
Ngày anh Hồng đi thi, anh bị bệnh thật nặng, nhưng anh vẫn cố gắng tỉnh táo để làm bài. Chị Huê sắc thuốc "lẵng lơ" [từ của má tôi chỉ sự không chú ý lơ đảng] để cháy siêu thuốc. Chị lật đật đổ nước lạnh vào sắc lại rót cho anh Hồng uống. Vậy mà cũng hết bệnh và anh Hồng đậu hạng Bình.
Anh Bốn về dạy ở trương Vỏ Tánh, anh Năm tôi đi học đệ nhất ở Saigòn. Chị Huê đã là nữ sinh trung học trường Văn Hóa, chị có nhiều bạn mới. Tôi thi đậu tiểu học, rồi đậu vào đệ thất trường trung học Vỏ Tánh. Con Đoàn thi rớt nên học trường bán công Lê Quý Đôn. Con Thoa, con Phương, con Mận thì học trường Văn Hóa.
Xóm cây Bàng giờ đây cũng đổi thay rất nhiều, những người Bắc di cư tụ họp về cất nhà dọc theo bờ sông. Họ bán những xe phở, những thúng xôi bắp, xôi vò. Những nhà tráng bánh phở cũng được mọc lên và bánh phở được phơi trên những vĩ tre quay mặt ra đường. Con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm không còn vắng vẻ, mà đêm đêm người ta thường nghe tiếng đọc kinh rầm rì của những người theo đạo Thiên chúa.
Hợp đồng mướn nhà hai năm của cha cũng nhanh chóng trôi qua. Anh Năm đậu tú tài 2 hạng bình thứ và đậu vào đại học sư phạm khóa cấp tốc. Lần này cha má và Bốn quyết định dọn đi chỗ khác. Thế là chúng tôi sắp sửa xa cái xóm nghèo nhưng đầy tình nghĩa. Lòng tôi biết bao nỗi buồn vui lẫn lộn. Vui vì sắp đến một nơi mới, với hy vọng có những điều kiện thuận lợi để cuộc sống tốt đẹp hơn, văn minh hơn. Tôi sẽ có nhiều bạn mới và có những đổi thay mới. . . nhưng tôi cũng bùi ngùi, xúc động khi xa cái nơi đã ghi quá nhiều kỹ niệm của anh em chúng tôi trong suốt bảy năm dài. Đó cũng là nơi đánh dấu một bước tiến quan trọng của các anh em tôi trên con đường học vấn. Xa những người láng giềng chất phác, xa những đứa bạn đã cùng tôi chung vai sát cánh suốt thời thơ ấu trong các trò chơi dân gian. Tôi sắp sửa giã từ tuổi ấu niên để sửa soạn trỡ thành thiếu nữ. Tôi nhũ lòng rằng, dù ở bất cứ nơi nào, bây giờ và mãi mãi về sau, căn nhà trọ đầu tiên này sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức. Vĩnh biệt ngôi nhà có một thời để nhớ. . . ! Tạm biệt con đường Nguyễn Bĩnh Khiêm cùng xóm Cây bàng với vô vàn thân thương trìu mến.
Viết xong ngày 20 tháng 7 năm 2007