DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Loài động vật thủ đoạn lưu manh

29/10/2015

LOÀI ĐỘNG VẬT THỦ ĐOẠN LƯU MANH

Trần Đăng Hồng, PhD



Luật tiến hóa cho biết để sinh tồn mọi cá thể phải cạnh tranh, mạnh được yếu thua, thông minh hơn sẽ tồn tại, và vì vậy dùng mọi thủ đoạn để thắng kẻ thù. Trong bài trước, một số động vật có khả năng bắt chước phong cảnh màu sắc hậu cảnh để ngụy trang ngoài tầm mắt kẻ thù, hay khi không trốn thoát được thì giả chết, v.v. Phần đông, các động tác bắt chước này nhằm tự phòng vệ đối với kẻ thù. Tuy nhiên, có một số loài động vật cũng dùng tài bắt chước, tinh vi hơn, có tính chất thủ đoạn và lưu manh.

KIẾN POLYERGUS

Loài kiến Polyergus ở rừng Amazon rất khỏe và hung dữ, không biết đi tìm thức ăn, không biết chăm sóc nuôi ấu trùng, mà chỉ đi tấn công ổ loài kiến khác như ổ kiến vàng Formica để cướp thực phẩm, bắt kiến thợ, trứng và ấu trùng mang về ổ của mình để làm nô lệ, như đào hang làm ổ, đi tìm thực phẩm và chăm sóc nuôi ấu trùng cho chúng. Nếu không có nô lệ phục vụ, cả ổ kiến Polyergus sẽ chết đói ngay cả khi ở ngoài ổ của chúng đầy cả thức ăn, và sẽ tuyệt chủng vì không biết cách săn sóc cho ấu trùng ăn. Mọi công tác đều do kiến nô lệ Formica làm. Một điều ngộ nghỉnh là loại kiến vàng Formica này cứ tưởng kiến Polyergus là anh em tốt của mình, nên tận tụy phục tùng mà không biết thân phận mình là kẻ nô lệ.

Làm sao kiến Polyergus làm được chuyện đó? Mỗi loài kiến đều có một mùi (pheromone) riêng của loài đó để nhận diện nhau là cùng loài. Nếu nhận diện kẻ xâm nhập có mùi khác, tức là khác loài, thì có chiến tranh ngay, một sống một còn, để bảo vệ lãnh thổ. Để xâm nhập vào ổ kiến Formica mà không bị khám phá, loài kiến Polyergus có khả năng làm giả mạo mùi của loài kiến Formica để đánh lừa, và khi xâm nhập được vào tận ổ kiến Formica thì chúng tấn công mà không có kiến Formica kháng cự lại, tàn sát kiến chúa và kiến lính của Formica rồi khuân về ổ mình kiến thợ, trứng và ấu trùng để làm nô dịch trong ổ mình. Tới giai đoạn này, kiến Formica cũng vẫn không biết chủ mới của mình là loài kiến Polyergus vì có cùng mùi.


 

Hình 1. Loài kiến Temnothorax pilagens (trái) đánh lừa kiến Formica rufa (phải) bằng cách giả mạo mùi của loài kiến Formica.

 

Một điều lưu manh nữa của loài kiến Polyergus là mỗi ổ kiến chỉ có một kiến chúa mà thôi. Khi có một công chúa kiến Polyergus sinh ra, công chúa này được kiến thợ Polyergus khiêng qua một ổ kiến Formica, cũng với thói giả mạo mùi để xâm nhập, và được kiến chúa và toàn thể kiến Formica chào đón, nuôi dưỡng. Đúng là “nuôi ong tay áo”. Tới khi công chúa Polyergus trưởng thành, nó bèn giết kiến chúa Formica và đoạt ngôi thành kiến chúa Polyergus và cả ổ kiến Formica thành nô lệ của nó.

Loài kiến Protomognathus còn giả mạo hay hơn nữa. Con kiến chúa loài này tiết ra một mùi của loài kiến nạn nhân và ung dung đi vào ổ kiến nạn nhân để đẻ trứng, và loài kiến nạn nhân phục vụ như kiến chúa của loài mình. Đặc biệt nữa là sau khi trứng nở ấu trùng của loài Protomognathus lại có hình dáng và mùi y hệt với loài kiến nạn nhân, và khi thoát nhộng thì trở lại thành kiến Protomognathus. Đàn kiến nạn nhân nuôi chúng bây giờ trở thành nô lệ phục dịch cho chúng.

“Ác lai ác báo”. Luật của thượng đế cũng khá công bằng. Chúng ta thường thấy là kiến ăn con sâu, nhưng ngược lại cũng có loài sâu ăn kiến.


Hình 2. Kiến khiêng ấu trùng sâu về ổ

Có vài loài sâu ăn thịt kiến bằng cách như sau. Con sâu phát ra một mùi của giống kiến làm giống kiến này tưởng rằng ấu trùng của sâu là ấu trùng của kiến. Kiến bèn khiêng ấu trùng này về ổ kiến, cũng đúng là “nuôi ong tay áo”. Khi nở ra thành sâu, nó bèn tha hồ ăn ấu trùng kiến kế bên mà kiến vẫn đinh ninh con sâu là con của mình.

 

CHIM TU-HÚ (CUCKOO)

Loài kiến Polyergus chỉ bắt chước được một động tác mà thôi, đó là tự sản xuất giả mạo mùi của loài kiến khác. Ngược lại, loài tu-hú bắt chước được 2 loài động vật khác là đẻ trứng y hệt màu sắc và vỏ rằn ri của hơn 100 loài chim khác, và có thể bắt chước ngụy trang thành loài ó.

Thay vì làm ổ để đẻ trứng, ấp và nuôi con như mọi loài chim khác, con tu-hú mái tìm ổ của chim khác để đẻ trứng vào đó, loài chim kia không biết, ấp cho nở, rồi đi tìm mồi nuôi tu-hú con mà cứ tưởng là con của mình. Tại sao con chim nạn nhân khi bay về ổ không nhận ra trứng lạ? Bởi vì con tu-hú mái có tài đặc biệt bắt chước loài chim nạn nhân, tu-hú đẻ trứng có màu vỏ với cách trang trí rằn ri trên vỏ y hệt, không thể phân biệt được trứng nào là loài tu-hú, trứng nào là của loài chim nạn nhân.


Hình 3. Vợ chồng tu-hú

Tu-hú bắt chước được hơn 100 loài chim khác để đẻ trộm trứng vào ổ. Thông thường, sau khi đẻ trộm một trứng, tu-hú hất một trứng của loài chim nạn nhân xuống đất để tổng số trứng trong ổ không thay đổi.


Hình 4. Bạn có thể phân biệt trứng nào của tu-hú, trứng nào của chim chích

Các nghiên cứu cho biết, khoảng 28% trứng tu-hú bắt chước giống y hệt không thể phân biệt được với trứng của giống chim nạn nhân. Nếu chim nạn nhân biết có trứng lạ, vì kích thước hay màu sắc khác biệt lớn, nó có thể bỏ ổ hay hất trứng tu-hú xuống đất. Nghiên cứu cũng cho biết là 64% ổ chim mà tu-hú đẻ trứng chứa 1 trứng tu-hú, 23% chứa 2 trứng, 10% chứa 3 trứng và 3% chứa 4 trứng tu-hú.

Trứng tu-hú nở sau 11-13 ngày, thường nở trước trứng chim nạn nhân. Nếu chim tu-hú con nở trước, chúng dùng chân và cánh đẩy trứng chim nạn nhân rớt xuống đất. Còn nó nở sau, nó rất mạnh đẩy chim con nạn nhân ra khỏi ổ. Chỉ còn mình nó, lúc nào nó cũng há miệng đòi ăn, kêu cũng giống hệt chim nạn nhân, đôi khi còn biết hót như mẹ nuôi, nên chim nạn nhân tưởng nó là con ruột của mình. Chim tu-hú con vì vậy lớn rất nhanh, tới một lúc mẹ nuôi mới nhận biết là không phải con mình thì đã quá trể, tu-hú biết bay.


 

Hình 5. Chim chích đút mồi cho tu-hú con (trái),tới lúc này mà chim chích vẫn còn tưởng tu-hú là con mình (phải)

Chim tu-hú còn biết áp dụng chiến thuật “dương đông kích tây” để đánh lừa vợ chồng chim nạn nhân, đa số thuộc loại chim chích. Loại chim này bảo vệ ổ mảnh liệt. Hể thấy bóng dáng loài ó từ xa, cả 2 vợ chồng kêu lớn thông báo cho đồng loại và bay thẳng vào ó để xua đuổi. Biết mánh này, con tu-hú đực hóa trang bộ lông ngực rằn ri thành con ó bay chờn vờn ở xa ổ chim nạn nhân và còn giả tiếng kêu loài ó. Thế là vợ chồng chim chích bỏ ổ, bay ra tấn công xua đuổi tu-hú giả mạo ó. Thừa cơ ổ bỏ trống chim tu-hú mái bay vào ổ, đẻ trứng và hất trứng chim chích rớt xuống đất. Đẻ xong, chúng bay xa. Vợ chồng chim chích bay về ổ, thấy tổng số trứng không có gì thay đổi, yên tâm ấp trứng và nuôi tu-hú con đến lúc biết bay mà cứ tưởng là con của mình.


Hình 6. Bộ lông ngực của tu-hú ngụy trang thành ó (trái) và bộ lông ngực thực của ó (mặt)

 

CHIM CUỐC


Hình 7. Chim cuốc

Con chim cuốc hay “quốc”, còn gọi là “đỗ quyên” sống từng cặp vợ chồng. Khi một con chết, con kia kêu “quốc” “quốc”, rất thảm sầu, cho tới khi chết. Chúng rất chung tình. Nhưng qua thi ca thì biến thành “ái quốc”, “thương nước”.

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

(Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan)



Con quốc quốc chính là con cuốc, nhưng thực tế không có con gia gia, mà chỉ có con chim đa đa. Hóa ra, bà Huyện Thanh Quan, vì thích chơi chữ đối với quốc quốc bằng chim đa đa, nhưng Bà biến chữ đa đa thành gia gia để có “nhớ nước, thương nhà”. Con cuốc biết bay, nhưng không bay xa và bay cao được. Khi gặp hiểm nguy thì nó lủi trốn trong bụi bờ, nên có từ “cuốc lủi” hay “lủi như cuốc”. Cuốc cũng không biết ấp trứng nuôi con, giống như con tu-hú, đi đẻ nhờ vào ổ của giống chim khác, và bắt chim khác ấp dùm và nuôi con nó. Trứng cuốc nở trước trứng chim nạn nhân, nên khi vừa nở ra, nó dùng chân và mỏ đẩy các trứng kia ra khỏi ổ, để chim mẹ chỉ nuôi cuốc mà thôi. Hóa ra, quốc mang danh “thương nước” mà hèn nhát (cuốc lủi), tâm địa lại ác độc lưu manh.

CÁC LOÀI CHIM ĐẺ NHỜ KHÁC

Trong loài chim, ngoài tu-hú và cuốc cũng còn vài loại chim khác cũng đẻ nhờ ổ chim khác, cũng tàn ác giết trứng hay chim con, cũng biết giả mạo trứng giống như trứng của loài chim nạn nhân.



Sáo-đầu-nâu Bắc Mỹ
(brown-headed cowbird, Molothrus ater). Chim mái, chỉ biết đẻ nhờ mà không tốn thời gian ấp và nuôi con, nên trong mùa đẻ trứng nó đẻ tới 40 lần tổng cộng 70 trứng. Chim sáo này có khả năng bắt chước trứng và đẻ nhờ tới 220 loài chim khác, tuy nhiên chỉ thành công trong 144 loài chim này.


Hình 8. Chim sáo Molothrus ater trống (trái) và mái (phải)

 



Chim mật
(honey birds, honeyguides, Brown-back honey bird). Chim này ăn sáp và mật ong, nên con người từ thời cổ đại theo chim này để tìm ổ ong. Nó thường đẻ trộm trứng trong bọng ổ chim mỏ kiến, và đạp chim mỏ kiến con ra khỏi ổ.


Hình 9. Chim “mẹ nuôi” đút mồi cho chim mật con



Sáo Phi Châu
(Indigo birds, Vidua finches). Sáo trống Phi châu biết bắt chước hót theo cách của loài chim nạn nhân. Loài chim nạn nhân tưởng cặp chim sáo Vidua là đồng loại vì cùng tiếng hót. Chim mái đẻ trứng trong ổ chim nạn nhân.


Hình 10. Sáo Phi châu

 



Vịt đầu đen Nam Mỹ
(Black-headed Duck, Heteronetta artricapilla)

Đẻ trứng trong ổ chim le le, vịt nước. Khi lớn thì lẻ bầy. Không ác độc giết vịt anh em nuôi như tu-hú.


Hình 11. Vịt đầu đen Nam Mỹ

 

TÀI LIỆU

1. Wikipedia. Common cuckoo. https://en.wikipedia.org/wiki/Common_cuckoo

2. http://news.sciencemag.org/sifter/2015/10/ant-slavers-trick-victims-with-a-chemical-disguise?rss=1

3. http://www.bbc.co.uk/earth/story/20150119-caterpillars-that-attack

4. https://en.wikipedia.org/wiki/Brown-headed_cowbird

5. http://phenomena.nationalgeographic.com/2013/10/18/natures-double-con/

 

Reading, 10/2015