DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Những cuộc hẹn quan trọng trong đời

 

7/9/2012

NHỮNG CUỘC HẸN QUAN TRỌNG TRONG ĐỜI


 

Trong cuộc sống càng văn minh, con người càng có nhiều cuộc hẹn. Ngày còn nhỏ, tương đối có ít cuộc hẹn, nhưng phần đông mang lại sự sung sướng, vui vẻ, yêu đời. Đó là hẹn cùng bạn bè đi chơi đâu đó, đi tắm sông, đá banh, hoặc nghịch ngợm phá phách xóm làng, v.v. Toàn là những kỹ niệm thời niên thiếu đầy thơ mộng mà ai ai cũng ghi nhớ suốt đời.

          Vào tuổi học trò, khi tình yêu bắt đầu chớm nở thì những cuộc hẹn mang tính lảng mạn hơn, e ấp mối tình ngây thơ. Chàng trai gởi những bức thư tình mong có cuộc hẹn hò với bạn gái. Không phải ai cũng thành công để có những cuộc hẹn hò này. Làm sao có thể quên được cuộc hẹn hò đầu tiên của cuộc đời!

          Rồi càng lớn lên, cuộc sống càng thêm phức tạp. Mọi thủ tục trên đời đều phải làm ngày giờ hẹn: ngày phỏng vấn xin việc làm, ngày cưới hỏi, hẹn với bác sỉ, với nhà thương, làm khai sanh cho con, ngày gởi con vào nhà trẻ, vào trường, v.v. Những lần hẹn này là làm bổn phận, đầy lo lắng, thấp thỏm, không biết có được thành công, suông sẻ không.

Đàn bà khi bắt đầu thai nghén phải làm hẹn để khám thai định kỳ, xem thai nhi có phát triển bình thường không, trai hay gái, có mang dị tật di truyền gì không, cho tới ngày sinh nở.

Có những cuộc hẹn đầy hiểm nguy dành cho những người không thuộc loại 3 N (Nghèo, Nhát, Ngu). Đó là những cuộc hẹn “vượt biên”, “vượt biển”. Họ làm những cuộc hẹn với người quen biết, hoặc với người hoàn toàn xa lạ mà khả năng bị lường gạt, bị mất vàng khá lớn. Họ âm thầm dẫn dắt gia đình trong đêm tối đến địa điểm hẹn bí mật mà họ không rành địa lý để lên thuyền bé, rồi thuyền lớn chờ ngoài biển khơi. Nếu cuộc hẹn vở lở, thất bại thì tù tội, mất công ăn việc làm, gia sản bị tịch thâu, đi vùng kinh tế mới, v.v. Nếu thành công thì khi ra tới đại dương cũng không biết bến hẹn ở nơi đâu, phó mặc cho sóng gió đẩy đưa, mà khả năng năm mươi phần trăm là gặp “Hà Bá” đón chờ, hay “hải tặc” cướp bóc hảm hiếp. Nếu may mắn được cập bến ở một quốc gia bạn, được tạm trú một thời gian trên trại nào đó, để làm tiếp những cuộc hẹn đầy may rủi hên xui để được định cư ở một quốc gia thứ ba. Và tiếp theo là những cuộc hẹn quan trọng khác để làm lại cuộc đời với đôi bàn tay trắng, đầy cam go, thử thách và cay đắng mùi đời.

          Trong thời kỳ xây dựng sự nghiệp có nhiều cuộc hẹn quan trọng hơn. Giao tế cần những cuộc hẹn để công việc làm ăn thành công trôi chảy. Càng làm lớn, càng giàu có thì càng phức tạp nhức đầu. Làm nhiều cuộc hẹn với ngân hàng để đầu tư tiền dành dụm hay vay mượn tiền mua nhà đất đai, hoặc kinh doanh, toàn là làm những cuộc hẹn giữa người mua với kẻ bán, và luật sư trung gian.

          Với cuộc sống văn minh, con người có thể hẹn qua nhiều hình thức. Làm cuộc hẹn cá nhân qua nói chuyện khi gặp mặt nhau, qua thơ từ, telephone, e mail; còn hẹn gặp với nhiều người như hội họp, hay biểu tình thì qua báo chí, internet, Facebook, v.v.

          Ở hải ngoại, cha mẹ muốn đến thăm con cháu, cũng phải làm cuộc hẹn. Có chuyện khẩn cấp muốn gặp con tức khắc cha mẹ cũng phải telephone báo trước “hẹn 5 phút sau ba mẹ sẽ tới”.

          Rồi, càng lớn tuổi sức khỏe càng yếu, người già xa cách dần với xã hội, ít giao tiếp với đồng nghiệp hay ngay cả bạn bè. Người già bây giờ chỉ còn gắn bó với con cháu, đặc biệt với các vị chuyên khoa sức khỏe như nha sĩ, nhản khoa, bác sĩ và nhà thương.

          Cứ mỗi 3 tháng, lại nhận thư nhắc nhở làm cuộc hẹn với nha sĩ để chăm sóc bộ răng (hygiene) và khám răng coi có cần chữa trị hay nhổ răng không.

          Và hàng năm, phải đi khám mắt một lần xem trong năm qua, mắt có thay đổi gì không, có phải thay kính hay không. Nếu thấy có triệu chứng bệnh vảy cá (cataract) thì bác sĩ nhản khoa gởi đến bệnh viện thẩm xét lại để điều trị hay giải phẩu.

          Bắt đầu vào cuối thu, bác sĩ gia đình gởi thư đến bảo phải làm hẹn để chích ngừa cảm cúm (flu). Rồi mỗi 12 tháng, phải làm hẹn với bác sĩ để khám sức khỏe tổng quát, coi có mắc những bệnh của người già như cao áp huyết, cao mở trong máu, tiểu đường, triệu chứng mất trí nhớ, v.v. Đàn bà thì cứ mỗi 3 năm phải làm hẹn để chụp quang tuyến xem có triệu chứng ung thư vú, ung thư tử cung, còn đàn ông thì tiền-tuyến liệt. Đàn ông đàn bà gì ở sau tuổi 60 cứ 2-3 năm phải gởi mẩu phân để xem có triệu chứng ung thư trong ruột hay không. Nếu bác sĩ thấy có triệu chứng thì gởi đến nhà thương để thử máu hay chụp hình lại, vài ba lần để biết rỏ là có mắc bệnh thật hay là kết quả thử nghiệm sai lầm. Sau mỗi lần thử nghiệm, phải làm hẹn gặp lại bác sĩ để ông cho biết kết quả và các biện pháp chữa trị nếu bị bịnh.

Mỗi khi bác sĩ cho toa một loại thuốc trị bệnh lâu dài, bác sĩ chỉ cho một tháng. Sau 1 tháng, phải đi thử máu xem thuốc đó có làm hư gan và thận không. Nếu thấy có hại thì thay thuốc khác, Nếu thấy vô hại, bác sĩ cho tiếp tục thử máu mỗi tháng, và sau 6 tháng nếu thấy thuốc đó vô hại với gan hay thận thì bác sĩ mới cho uống thuốc này trong dài hạn. Tóm lại, ở tuổi già bác sĩ là người mà ta làm nhiều cuộc hẹn nhất, càng về già, các cuộc hẹn thường gần nhau hơn.

          Rồi sẽ có một ngày … Đó là cuộc hẹn cuối cùng của cuộc đời, mà người làm cuộc hẹn không phải chính mình, mà là thân nhân. Đó là cuộc hẹn đưa vào nhà quàn, kết thúc cuộc đời. “Cát bụi trở về cát bụi”.

 

Reading, 9/2012

Nguyễn Thị Kim Thu