DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Thoát nghèo

THOÁT NGHÈO

Nguyễn Thị Kim-Thu


“Ai ăn đậu hũ không?”. Đó là tiếng rao của cậu trai lanh lãnh vào mỗi buổi tối ở xóm tôi. Em tôi chạy ra cửa, mở cổng rào, vọt ra đường, vọng lại tiếng nói của em “Hôm nay là phiên anh Thông, chị Hai ơi”. Sau buổi cơm chiều, ngày nào các em tôi cũng đòi ăn đậu hũ của bà Sáu.

Con đường dọc mé sông, giờ nầy đã tối hẳn. Đom đóm đã lập lòe trên hàng bần và lau sậy chen chúc ở mé bờ. Giữa sông, các thuyền câu với ngọn đèn bão leo lét, chập chờn trên sóng nước. Cứ giờ này, ngày nào cũng vậy, một cậu bé 10 tuổi gánh đậu hũ và một bà già lụm cụm theo sau, chậm rãi đi qua từng nhà dọc con lộ mé sông. Gánh hàng có vẽ nặng trĩu trên vai cậu bé. Gánh sau là một khạp đậu hũ được quàng chung quanh bằng bao nệm dày để giữ nhiệt. Gánh trước là chén, muỗng, keo nước đường, gừng, thau nước rữa chén, v.v.


Cậu bé có nhiệm vụ gánh hàng, miệng rao, bưng chén đậu hũ vào nhà phục vụ người ăn, rữa chén, và làm mọi chuyện khi bà nội sai. Bà già chỉ khoảng 60 nhưng ốm yếu, gầy ròm, có vẻ bịnh hoạn, mặt lộ hẳn nét kham khổ của người nhà quê suốt đời lam lũ.

Tôi nghe ba tôi kể, bà gốc vùng xôi đậu trong miệt So Đủa, không đến nỗi nghèo, nhờ sống vào hàng chục công đất ruộng và vườn quanh nhà. Bà sống hạnh phúc cùng đứa con trai siêng năng việc đồng án, với con dâu hiếu thảo chăm chỉ làm ăn, và hai cháu nội trai sanh đôi là Thông và Thái. Vì là con trai độc nhất, không phải đi quân dịch đánh giặc nơi chiến trường, nhưng phải có nhiệm vụ bảo vệ thôn xóm, ba của Thông và Thái gia nhập địa phương quân. Không may, năm hai anh em lên 5 tuổi, ba chúng bị tử nạn trong một trận giao tranh ngay trong thôn xóm. Sau khi nhận được tiền tử của chánh phủ, bà cùng con dâu và hai cháu nội lìa bỏ xóm làng đến định cư ở Cái Răng cho an toàn. Với tiền tử, bà và con dâu cất một căn nhà sàn bên mé sông, nơi dành cho những gia đình tản cư, như cô giáo Thủy Tiên (Bông lục bình oan nghiệt), ông Tư Rô (Cái chết của ông đồ tể), Chú Tám Lò Rèn, v.v. Ngoài ra, bà và con dâu sắm một chiếc ghe mới lớn hơn chiếc ghe cũ ọp ẹp mang ra từ So Đủa. Con dâu dùng chiếc ghe này vào miệt quê mua trái cây, gà vịt, tôm cá, v.v. chở ra Cái Răng để mẹ chồng bán sĩ hay bán lẻ tại chợ hay dọc theo sông rạch trên chiếc ghe cũ. Thông và Thái học cùng lớp với tôi, Tố Uyên và Thu Thủy (Dưới bóng cây ô môi) ở bậc tiểu học, do cô giáo Thủy Tiên dạy (Bông lục bình oan nghiệt). Hai anh em rất thông minh và chăm chỉ học hành. Ngoài giờ học, anh em chạy về nhà giúp bà nội và mẹ, không lêu lỏng ngoài đường như các trẻ con nhà giàu hay khá giã trong xóm.

Một tin làm chấn động của cả khu vực lớn của xóm tôi. Mẹ của Thông và Thái bị lựu đạn nỗ phanh thây vào một buổi sáng khi chèo ghe về vườn nhà cũ để hái trái cây. Bất hạnh liên tiếp cho gia đình bà, con trai rồi con dâu lần lượt chết vì bom đạn chiến tranh.

Trong xóm, ai ai cũng nghĩ rằng bà Sáu già nua, đau buồn và bệnh hoạn làm sao có thể nuôi được hai đứa cháu còn nhỏ. Từ ngày con dâu chết, người ta thấy vắng bóng bà ở chợ Cái Răng, hay chiếc ghe trái cây của bà trên sông rạch.

Rồi cũng từ những ngày tháng sau đó, hình bóng hai bà cháu với gánh đậu hũ bán dạo dọc lộ mé sông vào mỗi buổi chiều chạng vạn cho tới khuya, với tiếng rao lanh lãnh của cậu bé.

Bà Sáu tổ chức lại cuộc sống. Bà không còn sức khỏe để chèo ghe đi bán trái cây. Bà ở nhà sửa soạn làm đậu hũ. Hai cháu nội, Thông và Thái, vẫn đi học bình thường. Tan giờ học hai cháu chạy ngay về nhà, một đứa giúp bà nội xay đậu nành, nấu đậu hũ, còn đứa kia học bài. Xong xuôi, đứa nào đã học bài rồi thì gánh đậu hũ cùng bà nội đi bán, đứa kia ở nhà học bài. Hai anh em lần lượt thay phiên nhau học và giúp những việc nặng nề cho bà nội. Thông và Thái đều học rất giỏi, năm nào cũng được phần thưởng. Trong xóm, trong vùng ai ai cũng đều biết hoàn cảnh của bà, thương tình ủng hộ, vì vậy ngày nào bà cũng bán hết khạp đậu hũ. Nhờ vậy, ba bà cháu sống qua ngày, và Thông, Thái càng lớn, càng học giỏi. Khi chúng tôi đậu vào trường nữ trung học Đoàn Thị Điểm thì anh em Thông Thái cũng đậu vào trường nam Phan Thanh Giãn Cần Thơ. Vì nhà nghèo, cả hai anh em đều được học bổng của chính phủ, và thỉnh thoảng được hội phụ huynh giúp sách vở, với nhiều phần thưởng đáng giá khác

Lên năm Đệ Tứ, thì bà nội mất. Bị hụt hẫng vài ba tuần, anh em Thông và Thái quyết tâm tiếp tục việc học hành và tìm cách khác để sinh sống. Nhờ thông minh, học giỏi có tiếng, anh em mở lớp dạy luyện thi vào đệ thất, và dạy kèm tại tư gia. Cứ thế, cả hai anh em đậu Tú Tài I, rồi Tú Tài II với hạng Ưu hay Bình.

Cuối cùng, Thông đậu vào trường Quốc Gia Hành Chánh, còn Thái vào Công Chánh của trường Bách Khoa Phú Thọ. Cùng với học bổng và dạy kèm tư gia ở đất Sài Gòn, cả hai học hành thành tài, tốt nghiệp và đều có công việc tốt ở Sài Gòn.

Sau biến cố 1975, tôi không biết tin tức gì về anh em Thông và Thái của xóm tôi. Cho tới khi gặp lại Thu Thủy (trong chuyện “Dưới bóng cây ô môi”), tôi mới biết là cả hai anh em Thông Thái hiện đang sống ở Mỹ. Sau nhiều năm trong trại cải tạo, Thông được thả, về sống cùng với Thái, lúc này được lưu dụng trong ngành công chánh, ngồi chơi xơi nước trong nhiều năm. Cuối cùng hai anh em vượt biên, may mắn được đến Hoa Kỳ. Thông học lại đại học ngành vi tính, còn Thái học lấy thêm MSc về Công Chánh. Cả hai đều có cuộc sống tốt ở Mỹ. Nhờ Thu Thủy cho số phone, một lần tôi gọi phone thăm đến Thông. Chúng tôi mừng rỡ, nhắc lại chuyện thời ấu thơ xa xưa trên con lộ dọc mé sông Cái Răng. Tôi có nhắc cho Thông nghe là Ba tôi thường khen ngợi anh em Thông Thái, là tấm gương quyết tâm học hành để thoát cảnh nghèo. Thông khiêm tốn trả lời: “Người Việt nào cũng biết và quyết tâm học hành để vượt thoát kiếp nghèo nàn. May cho anh em tôi được sinh vào cái thời đi học không những không bị đóng học phí mà lại còn có học bổng đủ sống, từ thời trung học cho tới đại học. Nếu anh em tôi sinh vào thời buổi này, thì chắc là chạy xe lôi và chịu nghèo khổ suốt đời”.

Reading, 2/2014

Nguyễn Thị Kim-Thu

 

 

COMMENTS

Trong vòng 24 giờ sau khi bài này lên Diễn Đàn NonglamsucGroups ở hải ngoại, thì chúng tôi nhận được 3 bình luận sau đây.

1. Của BS Thú Y Tran Quang Minh, nguyên GS Đại Học Nông Nghiệp SG, Tổng Giám Đốc Tổng Nha Nông Nghiệp VNCH, Đổng Lý Văn Phòng Bộ Nông Nghiệp VNCH, Cục Trưởng Cục An Ninh Lương Thực (Food Security) thời VNCH.

From:Gary Tran
Date:16/02/2014 20:52
To:"nonglamsuc@yahoogroups.com"<nonglamsuc@yahoogroups.com>
Cc:"nonglamsuc@yahoogroups.com"<nonglamsuc@yahoogroups.com>, "khoa7nls@yahoogroups.com"
khoa7nls@yahoogroups.com
Dear chi Kim Thu
It's been quite a while I thought your computer crashed beyond repair because we have not had any opportunity to enjoy your sensuous writing about life in our beloved Mien Song Nuoc voi nhung con nguoi hien hoa chat phat can man sieng nang duom nong tinh cam voi suc song manh liet cua vung thon da. Thank you for giving us that pleasure again. I like your stories because they are always sad but with good ending which brought tears to my eyes and eventually warmth to my heart. Keep it up.

But, for some reason, I missed a couple of stories you alluded to in this writing. I already read the one about climbing the o moi tree, but have not read the other too. Please, resend them again.
Happy Giap Ngo.

Thay Minh
2. Bác sỉ Thú Y BXC
From:Kahn Bui
Date:17/02/2014 3:05
To:"nonglamsuc@yahoogroups.com"
nonglamsuc@yahoogroups.com
Kính chị Kim Thu,

Cảm ơn chị đã cho tôi đọc một chuyện nữa rất hay. Chị viết chuyện nào cũng đậm đà hương sắc Miền Nam mà tôi vô cùng yêu quý. Con người, lối sống, phong cách, môi trường, và hoàn cảnh trong truyện... đều chở nặng tình cảm đối với một miền đất hiền hòa và bao dung, ngay cả khi chuyện có nhuốm mùi đau thương, tang tóc.
Cái bất hạnh của dân ta, là trời đã ra tai, giáng họa ! Nhưng sự tàn bạo và xấu xa của bọn giặc bắc cũng đâu có hủy diệt được nét đẹp và phong cách Miền Nam của chúng ta.

Tôi nay đã tới tuổi gần đất xa trời, nên thường nghĩ lại quãng đời hơn bảy chục năm qua tôi đã sống. Tôi thấy số mạng của tôi dường như đã ươm mầm trong tiềm thức của tôi,từ ngày tôi còn thơ dại.

Tôi sinh ra tại một làng quê xứ Bắc, nhưng hồn tôi như đã " di cư " vô Nam từ lâu., trước cả cuộc ra đi ồ ạt của dân Bắc vào năm 1954.

Ngay từ hồi mới biết đọc,tôi đã thấy tôi khác với đám con nít cùng trang lứa nơi xóm làng nghèo nàn xứ Bắc của tôi. Những kỳ nghỉ hè cũng như lúc ra đồng chăn trâu, hay khi rảnh rỗi, tôi thường cùng chúng bạn đọc các chuyện " Bắc Kỳ ", như Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, Tiêu Sơn Tráng Sĩ, Ai Hát Giữa Rừng Khuya,...
Nhưng khác với đám bạn nhỏ , tôi lại còn say mê những chuyện Miền Nam của Hồ Biểu Chánh. Tôi như bị cuốn hút bởi các nhân vật trong chuyện, với giọng nói miền Nam xa lạ, cùng lối sống và hành động của họ. Tôi vùi đầu coi Nhơn Tình Ấm Lạnh, Chúa Tàu Kim Quy, Chút Phận Linh Đinh, Cư Kỉnh... của ông Hồ Biểu Chánh.

Có những chiều hè, tôi nằm dưới gốc cây sung ngoài bờ ao, nhưng hồn lại phiêu du tới một miền đất lạ mà tôi chưa hề biết. Rồi một ngày kia, tôi tình cờ được thấy một bức tranh, vẽ cảnh sông nước Miền Nam, với những hàng dừa xanh lả ngọn bên bờ kinh, có những chiếc thuyền suôi ngược chở đầy cây trái, với cô gái chèo đó, áo bà ba ngắn, dưới nón lá.
Tôi ngắm bức tranh, lòng mê đi, tưởng như mình đã bơi trong dòng sông xanh mát, đã leo lên cây dừa lả ngọn để uống mật ngọt của đất trời.

Nhưng chỉ là giấc mơ đưa tôi vô Sài Gòn , vô Miền Nam xinh tươi nắng ấm !. Tôi cũng chỉ như ông nhà văn Duyên Anh, đang vẽ " giấc mơ viễn xứ ", và tiếng còi tàu vô Nam, vẫn chỉ là trong giấc mộng xa vời.
..." Chuyến tàu vô Nam, còi thét trong mơ,
Nên ga bến chỉ đợi chờ tưởng tượng
Thế đã đủ làm anh sung sướng
Đủ làm anh chiêm ngưỡng em rồi
Hỡi Miền Nam xa lạ của anh ơi,
Anh thầm gọi khi đất trời hiu quạnh.

Nuốt miếng nắng vàng, lòng thôi mưa lạnh
Và thèm bay như đôi cách hạc hồng.
....................
Em nắng vàng soài, mưa xanh vú sữa
Nỗi sầu riêng, hồn anh lịm cơn mê.
Sông miền Nam chẳng ai thích ngăn đê,
Nên tình cảm mênh mông biển nước
...................
Miền Nam ơi, em là mộng ước
Em áo bà ba đơn sơ, và em giọng nói thiệt mùi.
Em chân tình và tha thiết quá em ơi !
Xao xuyến ù ơ, bồi hồi vọng cổ,
Em cho anh hơi thở,
Cho anh niềm tin xây dựng tương lai,
Cả nắng thi ca, cả mưa tiểu thuyết,
Em cho anh đếm làm sao hết,
Đời yên vui nhờ tấm liếp em che... "
.............
Mấy đoạn thơ trên là tôi nhớ lõm bõm, trong một bài thơ rất dài, của nhà văn Duyên Anh, và chắc chắn là tôi không thể nhớ trúng hết. Ông nhà văn lẫy lừng, gốc Bắc, chắc hẳn đã si mê Miền Nam, cây lành trái ngọt, hơn ai hết, nên mới viết ra những vần thơ thiết tha đến thế ! Xin các bạn tha thứ cho tôi đã nhớ sai, và cũng chẳng nhớ hết bài thơ trác tuyệt này.

Chính sự mê say và yêu mến miền đất mới của non sông, mà năm 1954 lúc còn teenager, tôi đã liều lĩnh ra đi. Chuyến đi của tôi giống hệt như một triệu đồng bào ta, nhưng có hơi khác, là ngoài chuyện chối bỏ một chủ nghĩa ngoại lai, tôi còn mang trong tim sự yêu mến và sức hút của Miền nam thương yêu.

Cũng có hơi khác thường trong chuyến biệt xứ này, vì tôi là người chủ động và hướng dẫn mọi người trong gia đình, dù lúc ấy tôi chỉ là đứa trai quê quá khờ khạo. Do sự khờ khạo này mà từ khi còn ngây thơ vô tội như thế, tôi đã có duyên nợ với nhà tù "bác " trên con đường tìm về miền Nam, nơi tôi mơ ước.

Được đọc nhiều Truyện hay của chị Kim Thu, tôi cũng muốn gửi lên diễn đàn này một chuyện ngắn, để trả lễ và cảm ơn chị , nhưng xem lại vài truyện tôi viết về những cái " đặc trưng " của xứ Bắc Kỳ , chỉ thấy những xấu xa, và uất nghẹn đến với độc giả, tôi ngần ngại, không muốn post lên đây. Trong mớ Truyện vớ vẩn mà tôi viết lăng nhăng để xả stress này, tôi hy vọng sẽ tìm được một chuyện nào của tôi viết về xứ Bắc, mà có chút tình người, để góp phần vui chơi với các bạn trên diễn đàn. Bây giờ thì xin cảm ơn chị lần nữa, trước khi tôi tắt computer và chui vào mền.
BXC
3. Thư của Trung Phan, nguyên GS Anh Ngữ tại Long An
From:trung phan
Date:16/02/2014 23:16
To:"Hong Dang Tran"
tdhong@tiscali.co.uk

Anh chị Hồng thân
Đọc chuyện Thoát Nghèo của chị Kim Thu, vợ chồng tôi thấy buồn buồn cho thân phận những kẻ nghèo mà phải gặp nạn. Tuy nhiên ở hiền thì gặp lành, cuối cùng ông Trời đã ban cho Thông và Thái một cuộc đời kể như sung sướng sau nầy.

Thú thật ngòi bút đa cảm trử tình của nhà văn Kim Thu qua chuyện ngắn Thoát Nghèo đã làm chúng tôi thấy lòng rung động trong nhiều phút giây.
Cám ơn nhà văn Kim Thu nhiều và xin chúc huynh-tẩu vui khỏe bình an.
Trung & Nhung