Ngã rẽ cuộc đời
Lên mạng ngày 27/3/2011
NGÃ RẼ CUỘC ĐỜI
Đã hơn 2 giờ khuya mà tôi chưa chợp mắt đuợc, nguời tinh táo, hết suy nghĩ này đến suy nghĩ khác, tuần tự diễn ra trong ký ức như một đoạn phim dài. Mùi hoa hồng, hoa ly ly tỏa ra hưong thơm thoang thoảng khiến tôi liên tưởng mãi đến buổi tiệc về hưu vừa tổ chức trưa nay cho tôi. Nguời tặng tôi liễng hoa lớn và đẹp này, cùng với Certificate of Award và một voucher 250 Anh Kim (Khoảng 400 US$) là Bà Giám Đốc Phụ Trách Bệnh Viện Khu Vực Đông của Tỉnh Berkshire (Head of Operation East). Kế đến đại diện bệnh viện Dellwood tặng tôi môt hộp nử trang nhỏ trong đó có một necklage (dây chuyền) bằng vàng nhận một hột đá quí, kèm theo một thiệp lớn với đầy đủ lời chúc tụng và chữ ký của tất cả nhân viên của bệnh viện. Giữa phòng là một dảy bàn dài cho tiệc buffet với khoảng 20 thức ăn mặn ngọt, chính giữa là một bánh lớn hình vuông mỗi cạnh 50 cm, bên trên có nặn chữ "Congratulations on your retirement, Kim-Thu Tran- Dang".
Bệnh viện tổ chức buổi tiệc này rất bí mật, tôi chỉ nghe loáng thoáng qua các bạn bè thì thầm bàn chuyện với nhau, tôi hiểu lờ mờ là bạn bè sẽ tổ chức một tiệc nho nhỏ cho tôi, như tôi từng tham dự nhiều tiệc về hưu trong thời gian qua. Vì vậy , tôi không quan tâm mấy, tôi cũng không mang theo máy ảnh, vì đâu có biết họ tổ chức vào ngày giờ nào . Họ dành cho tôi một sự bất ngờ.
Khoảng 5 phút truớc 12 giờ trưa, anh nhân viên bảo vệ nhà thương đến gỏ cửa, báo là bà Giám Đốc muốn gặp tôi ngay tức khắc. Tôi theo anh ta, nhưng anh đưa tôi vào phòng tiếp tân.
Vừa mở cửa bước vào, một tràng pháo tay vang dội, cả 30-40 người đứng chật phòng tiếp tân, với sự hiện diện của Bà Giám Đốc . Mọi nguời nhìn vào tôi, tiếp tục vỗ tay. Bấy giờ tôi mới chợt hiểu, tôi lúng túng không biết làm gì, chỉ biết cuối đầu chào mọi nguời. Tôi miên mang cố ôn lại trong thời gian 32 năm qua tôi đã làm gì mà nay Bệnh Viện tổ chức long trọng quá sức dự đoán của tôi và làm sao tôi đuợc cái vinh dự to lớn này.
Càng gần tới ngày về hưu, lòng tôi càng thêm xao xuyến. Một đằng tôi luyến tiếc phải lìa bỏ công việc mà tôi đã tận tụy suốt đời, phải xa cách đồng nghiệp thân tình đã vun bồi tình cảm trong suốt 32 năm qua. Một đằng là tới lúc phải được ngơi nghĩ vui hưởng tuổi già cùng chồng, con và cháu, nhất là tôi không nỡ để chồng phải thui thủi một mình trong căn nhà rộng và vắng vẻ lúc tôi đi làm . Chúng tôi đâu còn cần nhiều tiền bạc như thời son trẻ, con cái đã thành danh tự lập trên 10 năm nay. Con cái thúc dục tôi về hưu, vì tội gì phải đi làm việc khi hưu liểm tuổi già bảo đảm cuộc sống tốt đẹp, hoàn toàn độc lập, không cần con cái giúp đở. Khi binh hoạn thì đã có hệ thống y tế miễn phí hoàn toàn, từ thuốc men, bác sỉ, đến ăn uống phục vụ ở nhà thương. Đi chơi bằng xe bus cũng miễn phí, đi xe lửa thì chỉ một phần tiền, và tuổi già ở Anh rất được kính trọng, cái gì cũng được ưu tiên, và được giảm tiền trong mọi dịch vụ .
Mặc dầu biết vậy, tôi vẫn phân vân, vì đây là một bước ngoặc lớn của cuộc đời. Tôi phải dự bị tinh thần từ lâu cho ngày này, vì cuộc đời sẽ đi qua một ngã rẽ mới, với cách sống mới, sinh hoạt hàng ngày cũng sẽ thay đỗi hoàn toàn.
Đang giữa tháng Ba, thời tiết bắt đầu ấm lại, mặt trời thêm rạng rở, cây cối đã xuất hiện những búp xanh trên cành trơ trụi do ảnh huởng của mùa Đông giá lạnh vừa qua. Hoa Huệ Daffodil nở rộ vàng rực hai bên đuờng Liebenrood, con đuờng quen thuộc tôi đã đi trong suốt 32 năm dài.
Vào cổng bệnh viện là một đoạn đuờng ngắn, đi ngang qua một car park lớn. Hàng cây ven lộ đã có hoa nở rộ trong tháng Ba, như Forsythia với bông vàng đầy cành , anh đào Prunus serrulata có hoa trắng hay hồng. Ngày tôi bắt đầu đi làm, các cây này còn nhỏ. Tôi đã theo dõi sự biến đổi của chúng theo bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông . Hôm nay, nhìn kỹ lại chúng cũng bắt đầu già như... tôi.
Cẩnh vật quen thuộc trên đoạn đường vào sở trong những ngày cuối cùng này thường khiến tôi miên mang liên tưởng đến ngày đầu tiên đi nhận việc.
Ba mươi hai năm trước tôi rất lo lắng khi đi phỏng vấn việc làm, tôi hồi hộp, lo sợ, với mặc cảm của kẽ đi ăn nhờ ở đậu, phải lìa bỏ quê hương, trắng tay. Tôi nhớ đó là ngày đầu Thu, trời se lạnh, lá vàng rơi lác đác trên đường. Tôi đến sớm trước giờ hẹn phỏng vấn khá lâu, đứng bên kia đường, co ro trong chiếc áo khoác mùa Đông, thỉnh thoảng vài chiếc lá vàng bay theo gió rớt lên vai . Tới giờ, tôi lấy hết can đảm bước vào, và gỏ cửa. Người mở cửa tiếp tôi là một Gentleman cao lớn, khoảng 40 tuổi, vui vẽ bắt tay tôi . Ông tự giới thiệu là John Smith. Trời ơi, sao tay ông ấm quá mà tay tôi giá buốt. Nét mặt đôn hậu, giọng ông dịu dàng chậm rãi . Trước mặt ông là hồ sơ CV của tôi đã mở sẳn, chắc ông đã xem kỹ chi tiết trước khi tôi đến. Ông thừa hiểu tâm tư lo lắng của người bị phỏng vấn tìm việc làm, ông nỡ một nụ cười thân thiện, hỏi thăm chuyện gia đình chồng con, chuyện cha mẹ tôi ở Việt Nam, rồi từ từ ông chuyển câu chuyện sang việc học hành để ông đánh giá so sánh bằng cấp, về kiến thức tổng quát và kinh nghiệm giải quyết công việc của tôi. Cuối cùng ông hỏi tôi về những khó khăn tôi gặp phải ở Anh, cảm tưởng về khí hậu, v.v. Sau cùng, ông xếp hồ sơ CV của tôi lại, đứng dậy bắt tay tôi và cám ơn tôi đến dự cuộc phỏng vấn. Ông nói tôi sẽ nhận được kết quả vào ngày mai . Ông tiễn tôi ra cửa và nói lời tạm biệt.
Về tới nhà, tôi suy nghĩ mãi . Đêm đó hầu như không ngủ đươc. Đầu óc cứ lần quần về cuộc phỏng vấn vừa qua. Vì là lần đầu tiên được phỏng vấn tìm việc làm, tôi rất lo âu vì sợ mình bị từ chối. Nhưng một mặt, ông đã đối xử quá nhân hậu, ông đúng là một "English Gentleman", không lạnh lùng như nhiều người thường nghĩ về tính "Phát tỉnh Ăng-Lê" của người Anh. Khi nghĩ đến cuộc phỏng vấn đầy tình nhân ái này, tôi chợt nhớ đến buổi phỏng vấn ở Sài Gòn cách đây một năm cho visa xuất cảnh (xin đọc bài "Đặt tên con"). Dầu được việc hay không, tôi vẫn cảm thấy an ũi.
Suốt ngày hôm sau, tôi đứng ngồi không yên, thấp thỏm bên telephone chờ đơi. Mải tới chiều, cô thư ký bệnh viện phone cho biết tôi được chấp nhận, và bắt đầu làm việc vào đầu tuần tới.
Ba mươi hai năm đã trôi qua, tôi tận tụy làm việc, chưa hề lấy ngày nghỉ vì lý do bệnh, mặc dầu đôi khi cũng có cảm lạnh thông thường. Tôi cũng có đề nghị đóng góp vài sáng kiến cải tổ để công việc tốt đẹp và ít tốn kém hơn.
Tôi nhìn quanh phòng tiếp tân, những khuôn mặt thân thiện quen thuộc của bạn bè đồng nghiệp chăm chú nhìn tôi một cách luyến tiếc, đầy thiện cảm. Tôi xin phép bà Giám đốc cho tôi phát biểu nói lời cám ơn. Lời nói đầy chân thành phát xuất tự đáy tim, tôi đã biết phải nói những gì. Trước nhất tôi cảm ơn đất nước và người Anh đã bảo bọc, bao dung, nhận gia đình chúng tôi như công dân Anh chính cống, không một kỳ thị, đối đải với tình người, cho chúng tôi mọi cơ hội để vươn lên theo khả năng, không một tị hiềm hay ganh ghét . Tôi cảm ơn Nhà Thương, cám ơn Ban Giám Đốc, cám ơn đồng nghiệp đã giúp tôi trong suốt 32 năm qua. Trong lúc nói cảm ơn này, tôi đã phải dằn lòng tránh bật khóc tới 2 lần, tuy nhiên những lời phát biểu của tôi cũng làm nhiều người nhỏ lệ (Mời xem hình ảnh buổi tiệc về hưu).
Về lại căn phòng làm việc, tôi ứa lệ nhìn lại cái bàn tôi làm việc, nhìn cái ghế tôi ngồi suốt 32 năm qua, mọi vật dụng trong phòng đều thân thương da diết với tôi.
Trên đường lái xe ra khỏi cổng, tim tôi bỗng dưng đập mạnh, co thắt lại. Một cơn mưa đổ xuống, hai cánh quạt nước quạt liên hồi. Kính vẫn mờ, qua làn nước mắt.
Reading, 3/2011
Nguyễn Thị Kìm-Thu