Tưởng nhớ Cha
4/6/2024
TƯỞNG NHỚ CHA NHÂN NGÀY GIỖ
Nguyễn Thị Kim-Thu
Khi anh Hồng còn ở Việt Nam, mỗi lần về quê chồng Lạc Lợi tôi ít có dịp tâm tình cùng cha, mà phần nhiều với má. Cha và anh Hồng như hình với bóng suốt thời gian, hai cha con tâm tình đủ chuyện, từ hiện tại cho đến dự tính sự nghiệp tương lai của vợ chồng tôi.
Đối với nhiều người, cha có vẻ là người nghiêm khắc và ít nói. Nhưng đối với tôi thì không như vậy, mà cha rất tình cảm. Tôi có rất nhiều kỹ niệm về cha, mặc dầu không có nhiều lần tiếp xúc. Với tôi, cha có 3 điều làm tôi mến phục và nhớ ơn cha suốt đời.
Tôi sanh cháu Mỹ Anh ở Cần Thơ trong lúc anh Hồng đang du học ở Anh. Đây cũng là thời kỳ lộn xộn nhất vì chỉ 2 tháng trước biến cố 1975. Sau khi gởi điện tín về Nha Trang thông báo sanh cháu Mỹ-Anh, Ba Má tôi nhận được một thư của Cha, trong đó có kèm một toa thuốc. Cha Má cám ơn Ba Má tôi chăm sóc con dâu và cháu nội của cha, dặn Ba Má tôi đừng cho tôi đọc trực tiếp thơ của anh Hồng trong một tháng sau khi sanh, sợ tôi buồn sanh bệnh sản hậu, và dặn cho tôi uống thuốc theo toa cha gởi, vì đây là thang thuốc bổ cần thiết cho bà mẹ sau khi sanh con. Ba Má và tôi cảm động vô cùng vì sự chăm sóc từ xa. Quả thật, thang thuốc giúp tôi hồi phục sức khỏe nhanh chóng đến nỗi sau khi trở lại làm việc nhiều người trầm trồ “Gái hai con trông mòn con mắt”. Tôi nghĩ rằng không có cha chồng nào lại chăm sóc con dâu chu đáo như vậy.
Mùa hè 1975, tôi dẫn 2 con về thăm Nội, lúc đó cháu Thành 3 tuổi mấy tháng, còn Mỹ Anh mới 5 tháng. Vì hai cháu còn nhỏ, tôi phải nhờ em gái tôi, Ngọc-Trầm, đi theo để phụ giúp. Vì sau tháng 4/1975 mấy tháng, cuộc sống ở Việt Nam còn dễ chịu. Cha Má rất cảm động khi thấy mẹ con tôi về thăm. Chúng tôi sống bên cha má suốt hơn 10 ngày trong sự thương yêu của Cha Má. Như đã nói trong bài trước (Những món ăn cúng Cha Mẹ chồng) ngày nào má cũng cho ăn những món ăn quê hương. Cô Sương quấn quít bên các cháu, nào vạch tóc trán chỉ cái xoáy tóc giống bà nội, nào ngón chân giống anh Hồng v.v. Còn Cha thì tâm sự cùng tôi về dự tính tương lai cho vợ chồng tôi. Cha kêu tôi lên nhà trên, kế bên tủ thuốc để bàn chuyện. Như đã nói, thời gian trước 1976 mọi người còn lạc quan, và anh Hồng sẽ về nước sau khi tốt nghiệp. Cha và tôi bàn tính chuyện tương lai. Theo như dự tính của vợ chồng tôi, thì khi tốt nghiệp về nước, với số vàng của chúng tôi đã có, và số vàng cha má cho mà cha má còn giữ dùm, cùng với số Anh Kim khá lớn mà anh Hồng tiết kiệm từ học bổng du học, chúng tôi sẽ đủ tiền để cất một căn nhà đẹp trên khu đất đã mua trước đây, và còn dư tiền để sắm một chiếc xe hơi La DaLat. Cha rất hài lòng về dự tính của chúng tôi. Cha mở tủ thuốc, lấy một tờ giấy ngã màu hơi vàng dùng gói thuốc, cha hỏi tôi kích thước khu đất, cha vẻ sơ đồ khu đất và hoạch định vị trí ngôi nhà, cách lộ bao nhiêu. Rồi cha vẻ họa đồ chi tiết căn nhà, chỗ nào làm bàn thờ, chỗ nào làm phòng khách, phòng ngủ, v.v. Đối với Cha, phòng thờ ông bà phải là nơi thật trang trọng. Tôi chăm chú lắng nghe lời cha nói. Cha nói cha má đã chia gia tài đều cho con cái bằng vàng, anh chị em ai cũng lấy hết để lập sự nghiệp riêng, chỉ còn phần anh Hồng Cha còn giữ để khi nào xây dựng nhà cửa thì cha má sẽ giao. Cha còn nói là ngoài số vàng cha giữ trên cha má sẽ còn cho thêm, vì cha má đã cho thêm các anh rồi, như vậy mới công bằng với con cái. Tôi chỉ biết lắng nghe. Đó là lúc tôi và cha tâm sự thật chân tình. Trong chuyến về Lạc Lợi lần thứ hai sau 1975 là năm 1977, tôi với 2 cháu Thành và Mỹ Anh và em trai Bình tôi dẫn theo để phụ giúp mang hành lý và cõng Mỹ Anh khi cần. Vào năm 1977, cuộc sống bắt đầu khó khăn nhưng vẫn còn dễ thở, và khi đó anh Hồng vẫn còn giữ ý định về nước. Cha và tôi vẫn còn dự án xây cất căn nhà để ở, nhưng không còn mục mua chiếc xe hơi La DaLat. Cha dẫn tôi vào buồng nhà trên, chỉ cho tôi thấy chiếc xe đạp mới tinh. Cha nói đây là tiền Hồng gởi về cho cha má chi tiêu. Cha bảo tôi là nói với anh Hồng đừng gởi tiền về cha má nữa, vì “cha má đâu có nghèo mà Hồng sợ, cha má còn tiền để sống tới già chết chưa hết”. Cha nói cha đã dùng tiền anh Hồng gởi về mua chiếc xe đạp này làm của, giữ cho anh Hồng khi nào về thì lấy xe, chứ đồng tiền bây giờ mất giá hàng ngày. Tôi cảm động vô cùng vì sự chăm chút của cha.
Một hành động khác của cha mà tôi rất áy náy không dám nhận là cha cho tiền. Sau 1975, càng về sau càng nhiều khó khăn tài chánh. Cha biết tôi tốn kém rất nhiều mỗi khi dẫn 2 cháu về thăm nội, vì vậy mỗi lần từ giả, cha đều mở tủ thuốc lấy tiền cho lại tôi. Mà số tiền rất lớn, bằng mấy tháng lương của tôi. Tôi cũng biết là Cha Má nay cũng khổ, đâu còn làm ra tiền, nên tôi không dám nhận, cha ép phải lấy. Cuối cùng tôi đành phải nhận một số để cha má vui lòng. Nhưng sau đó, trong dịp Tết hay hè, khi cháu Tân hay em Bích, con Cậu Mười, từ Nha Trang vào lại Cần Thơ, Cha Má đều có gởi quà và tiền vào cho 2 cháu Thành và Mỹ Anh, mà số tiền cũng lại rất lớn. Tôi đành phải nhận, chỉ biết viết thơ cám ơn cha má. Tôi biết tính Cha rất công bằng, dầu ở xa hay gần, con cháu đều được hưởng phần như nhau, không con cháu nào thua thiệt dù ở thật xa.
Năm 1979, tôi dẫn hai con qua Anh đoàn tụ gia đình, trong tay chỉ được phép mang theo 10 đô la. Mọi dự tính cùng với Cha đã tan theo mây khói. Tôi biết Cha đau lòng lắm, nhưng đành chịu.
Đó là ba điều tôi lúc nào cũng không quên và nhớ ơn Cha suốt đời.
Cha ơi, dầu những lời hứa của Cha không thành hiện thực vì thời cuộc đã đổi thay, nhưng chúng con vẫn được thừa hưởng từ Cha Má một di sản quý giá vô cùng, quý hơn vàng bạc. Đó là Cha Má cho chồng con một khối óc thông minh, một tinh thần giàu nghị lực, cho chồng con ăn học đổ đạt thành tài. Đó mới chính là gia tài thật sự bền vững mà Cha Má đã cho, và từ đó chúng con đã vươn lên được tới ngày nay, trong một môi trường sống muôn vàn khó khăn nơi hải ngoại.
Con kính lạy Cha Má với lòng tri ân của đứa con dâu.
Reading, ngày giỗ Cha Chồng, 28/4 Âm lịch
Nguyễn Thị Kim-Thu