DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Khoa học có khả năng cao làm trẻ hóa con người

21/10/2015



 

Chúng tôi đã có đề cập đề tài này trong bài “Chúng ta có thể đảo ngược lão hóa được không?”. Mới đây (14/10/2015), tạp chí MIT Technology Review đăng tải một tường trình của bà Elizabeth Parrish, vốn là một Chủ Tịch Điều Hành CEO của một công ty công nghiệp sinh học, tuyên bố chính bà đã thử nghiệm trên thân thể của bà những phương pháp làm trẻ hóa cơ thể như biện pháp tăng cường cơ thịt, kéo dài tuổi thọ qua biện pháp kéo dài telomeres vốn từng thử nghiệm có kết quả tốt trên chuột. Tường trình này không có chứa đựng những chi tiết điều trị đã dấy lên ngay những tranh luận trong giới khoa học thành hai phe, một phe nghi ngờ bản chất quảng cáo của công ty, một phe nói tuy chưa có gì bảo đảm nhưng vẫn đáng hoan hô và cần theo đuổi.

Trường thọ là giấc mơ của con người đã có từ thời xa xưa nhưng đã thất bại trong việc đi tìm thuốc “trường sinh bất tử”. Ngày nay, con người tin tưởng là có thể biến đổi hệ gen di truyền trong DNA làm chậm tiến trình lão hóa (ageing) để kéo dài tuổi thọ. Ngành công nghệ sinh học (biotechnology) đã có những bước tiến rất khả quan có thể kéo dài tuổi thọ ở loài ruồi, loài chuột, nhưng chưa tới giai đoạn thử nghiệm trên loài khỉ và con người. Bà Elizabeth Parrish, người tin tưởng vào khoa sinh học di truyền, đã đốt giai đoạn và dùng thân xác mình làm vật thí nghiệm cho các phương pháp khoa học tân tiến này.

Elizabeth Parrish là ai?

Bà là người Mỹ, 44 tuồi, ở thành phố Seattle, Hoa Kỳ. Bà là sáng lập viên và cũng là Chủ Tịch Điều Hành (CEO) công ty BioViva Sciences USA Inc. BioViva có mục tiêu kéo dài đời sống khỏe mạnh con người bằng phương pháp trị liệu gen. Bà không phải là một nhà khoa học, hay nhà nghiên cứu về sinh học di truyền, bà cũng không tốt nghiệp bằng cấp Y khoa hay Sinh học di truyền nào. Bà tốt nghiệp ở Univesity of Washington về Sinh học. Bà làm việc đầu tiên trong ngành y tế cung cấp chửa trị bệnh nhi đồng qua khoa trị liệu tế bào gốc (stem cell), và ngay sau đó bà nhận thức rằng khoa trị liệu gen sẽ rộng đường chửa trị nhiều loại bệnh hơn và có thể áp dụng để cải thiện sức khỏe và đời sống của con người.

Bà là người ủng hộ mảnh liệt vào sự tiến bộ khoa học và cỗ vỏ giáo dục đề cao áp dụng tiến bộ của khoa trị liệu gen.


Bà Elizabeth Parrish

Bà là người cổ động nhiệt thành cho khoa học này và ngành giáo dục liên quan trên khắp thế giới, Bà trở thành một thành viên quản trị trong Hội Đồng Quốc Tế Liên Hiệp Hội Trường Thọ (International Longevity Alliance, ILA), thành viên thường trực trong Liên Hiệp Hội Đa Khoa Sinh Học (Complex Biological Systems Alliance, CBSA) nhằm cổ vỏ tăng gia kiến thức về sinh học, về bản chất và nguồn gốc bệnh tật. Bà sáng lập nhóm đầu tư BioTrove Investments LLC và BioTrove Podcasts (nhóm làm dữ liệu âm thanh trên internet) để thông báo kiến thức khoa học cũng như thông báo tài trợ nghiên cứu cho ngành sinh học di truyền trị liệu gen. Bà cũng là Thư Ký của Hiệp Hội Trường Thọ Hoa Kỳ (American Longevity Alliance, ALA), nhằm liên kết các cá nhân, công ty và tổ chức có liên quan đến công cuộc thúc đẩy lĩnh vực khoa học mới về y học tái sinh tế bào với mục đích làm chính phủ công nhận lão hóa (ageing) là một bệnh tật (disease) để tìm cách chửa trị. Và, trong các năm vừa qua, Bà sáng lập công ty BioViva, dùng phương pháp trị liệu gen cho con người.

BioViva được thành lập với mục đích gì?

Sau đây là lời giới thiệu của công ty BioViva. Nhóm sáng lập công ty BioViva quan niệm “lão hóa” là một thứ bệnh có căn nguyên bệnh học (pathology). Nhóm này say mê theo đuổi công việc tìm kiếm và đưa công nghệ tối tân nhất để thay đổi lão hóa qua trị liệu gen. Trong các năm qua công ty đã thâu thập đầy đủ dữ liệu khoa học, tham khảo các chuyên gia thượng thặng trong các lãnh vực này và đã phát triển một số kỷ thuật trị liệu nhắm vào một số gen với mục đích làm trẻ lại cơ thể già nua và sửa chửa các khuyết tật do tuổi tác gây nên.

Theo BioViva, trên thế giới đã có nhiều cơ sở trị liệu gen đã thực nghiệm và đã vào giai đoạn chửa trị một số bệnh như thoái hóa điểm vàng do tuổi tác ở mắt (age-related macular degeneration, AMD) trong nhản khoa. Tuy nhiên, các trị liệu tối tân này quá tốn kém, và BioViva hy vọng tìm phương pháp hạ tổn phí đáng kể cho công chúng.

Với mục đích làm gia tăng sức khỏe và tuổi thọ, BioViva phát triển và cung cấp một số cách chửa trị nhắm vào những hậu quả khác nhau của lão hóa và bệnh tật do tuổi già. Công ty đã đạt nhiều thành quả trong một số trị liệu chính và sẵn sàng thử nghiệm, tái tạo hệ miễn nhiễm, tái sinh mô tế bào, chống cơ thịt mềm nhũn, loại bỏ tế bào chết và làm sạch chất dơ ứ đọng trong mạch máu, là vài thí dụ mà Công Ty đang theo đuổi. Công ty không chửa trị theo từng bệnh một mà chửa trị từ căn nguyên của hệ di truyền gây nhiều bệnh. Mục tiêu của công ty là áp dụng trị liệu gen ở cấp tế bào để tái tạo hồi sinh xương, mô tế bào và cơ quan nội tạng trong cơ thể. Đây là một cuộc chiến đầu tiên của người già chống lại già nua và sẽ làm thay đổi y tế thế giới.

Ngoài trụ sở văn phòng chính của công ty đặt tại ngoại ô Seattle, Hoa Kỳ, BioViva có một trụ sở làm bệnh viện đặt tại một địa điểm chưa công bố tại hải ngoại, mà báo giới tiết lộ là Colombia ở Châu Mỹ La Tinh. Lý do đặt ở ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ, theo tiết lộ của Bà, là tránh sự kiểm soát của Cơ Quan Thực Phẩm và Y Dược Hoa Kỳ (Food and Drug Administration, FDA) vì cơ quan này đòi hỏi phải có những thí nghiệm lâu dài và rất tốn kém mới phê chuẩn cho phép dự án thực hiện.

Trong một phỏng vấn, Elizabeth Parrish tuyên bố rằng bà là bệnh nhân “Zero” vì bà cũng là một bệnh nhân già nua và được BioViva của bà chửa trị bằng 2 phương thức trị liệu gen do một công ty thương mại dấu tên hoạt động ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ cung cấp. Theo báo giới được mời đến quan sát, trị liệu gen xảy ra ngày 15/9 vừa qua tại Colombia. Cả 2 phương pháp trị liệu gen chưa được cơ quan FDA Hoa Kỳ phê chuẩn.

Trị liệu thứ nhất là chích vào cơ thịt một thuốc có chứa gen follistatin, thuốc này đã thực nghiệm có kết quả tốt trên thú vật làm gia tăng khối cơ thịt vì nó khóa hoạt động của myostatin vốn ngăn cản cơ thịt tăng trưởng. Bà Elizabeth Parrish nói trị liệu gen này rất tương tự với nghiên cứu gen follistatin chửa trị cho các cậu bé bị bệnh biến-loạn-cơ-bắp (muscular dystrophy) ở Bệnh Viện Nhi Đồng Quốc Gia tại Columbus, Ohio.

Trị liệu thứ nhì là chích vào mạch máu một lượng virus chứa vật liệu di truyền sản xuất chất telomerase, một protein làm kéo dài sợi telomere – là một thành phần của nhiễm thể được cho là “đồng hồ tuổi thọ”, hễ ai có sợi telomere càng dài thì có cơ hội càng sống lâu, và theo tuổi tác gia tăng thì sợi ngắn dần và chấm dứt bằng cái chết. Telomerase là mục tiêu nghiên cứu chống lão hóa đương thời vì phân tử này hiện diện sẳn trong tế bào và tiếp tục phân bào vĩnh viễn, giống như tế bào gốc hay tế bào ung thư. Ý tưởng kéo dài tuổi thọ bằng telomerase bắt nguồn từ nghiên cứu của nhà khoa học Tây Ban Nha Maria Blasco năm 2012 cho biết trị liệu gen telomerase có thể tăng tuổi thọ của chuột khoảng 20%. Giáo Sư George Church của Đại học Harvard nói rằng qua biện pháp trị liệu biến đổi DNA có thể gia tăng tuổi thọ con người tới 120 tuổi, và biện pháp telomerase cần phải nghiên cứu ưu tiên. Ông nói “chúng ta đã gần kề đạt được gia tăng tuổi thọ” vì kết quả thực nghiệm trên thú vật đã rất rỏ ràng, nay phải đến lược con người.

Chuyên viên, cố vấn của BioViva

Ngoài bà Elizabeth Parrish là Chủ Tịch Điều Hành, BioViva có nhiều chuyên viên và cố vấn thượng thặng trong các ngành sinh học di truyền liên quan.

Trước nhất, GS George Martin của University of Washington, và cũng là cựu Giám đốc của Liên Hiệp Nghiên Cứu Lão Hóa Hoa Kỳ (American Federation of Aging Research) đồng ý làm Cố Vấn cho BioViva trước đây, nhưng nay ông từ chức. vì cho rằng BioViva thực hiện chửa trị quá sớm, chưa thông qua các nghiên cứu và thử nghiệm trước khi áp dụng.

Vị cố vấn thượng thặng thứ hai là TS George Church, một chuyên gia về hệ gen thuộc Khoa Y của Đại học Harvard. Ông cũng làm cố vấn cho cả hàng trăm công ty khác liên quan đến chuyên môn này.

Bác sỉ Michael Fossell, cũng là một doanh nhân sáng lập công ty Telocyte chuyên chửa trị bệnh lú lẫn Alzheimer bằng trị liệu telomerase, làm cố vấn cho BioViva.

Một cộng sự viên của BioViva chuyên về quang tuyến là Bác Sỉ Jason Williams. Ông từng quan tâm vào việc chửa trị bệnh nhân mắc bệnh ALS (amyotrophic lateral sclerosis, teo cơ xơ cứng cột bên) bằng phương pháp tế bào gốc. FDA yêu cầu ông ngưng chửa trị trước khi được cơ quan phê chuẩn chấp thuận. Ông rời Hoa Kỳ và đến mở phòng chửa trị ở Bogotá, Colombia, đồng thời làm cố vấn cho BioViva.

Matthew Scholz, Chủ tịch Điều Hành CEO công ty Immusoft dự trù đệ trình đến FDA một nghiên cứu trị liệu gen cho bệnh rối loạn dinh dưỡng, cũng làm cố vấn cho BioViva. Scholz cho biết trong thời kỳ Ebola hoành hành ở Phi Châu năm ngoái, Ông đã điều chế một trị liệu gen rẽ tiền và nhanh chóng áp dụng vào loài khỉ để tạo một kháng sinh chống virus bệnh này. Ông ủng hộ chương trình trị liệu gen của BioViva, cho đó là hữu hiệu, rẽ tiền và dễ dàng.

Cũng có rất nhiều chuyên gia khoa học ủng hộ và ca ngởi công việc của bà Elizabeth Parrish. Chẳng hạn, TS Aubrey de Grey của SENS Research Foundation nói trong một phỏng vấn “BioViva đang can đảm tham gia vào việc thực hiện các liệu pháp di truyền làm trẻ hóa - một bước đầu trên con đường mà tôi đã đề xuất từ suốt 15 năm qua”. Còn TS Bill Andrews của công ty Sierra Sciences nói Elizabeth Parrish đã nắm sừng con để dẫn đầu một phương hướng chữa bệnh lão hóa bằng liệu pháp gen mà không ai trước đó có can đảm nghĩ tới. Phương pháp trị liệu gen của tại BioViva làm cho tất cả các lý thuyết về kích hoạt telomerase gần như lỗi thời. Cuối cùng nó thực thi được lời hứa của nhóm nghiên cứu của tôi tại Tổ hợp Công ty Geron về khám phá gen HTR hTERT và lời hứa thực hiện tiếp theo với cấp độ mãnh liệt đột phá. Đây là tương lai của môn Sinh học Telomere và tuổi thọ của con người

Tuy có nhiều khoa học gia ca ngợi công việc của bà Parrish, cũng có người bi quan về tương lai của BioViva. Như TS Fossell, một doanh thương về chống lão hóa, có ý kiến rằng chuyện thực nghiệm hai phương pháp trị liệu vào thân thể của bà Parrish dù có dấu hiệu thành công đi nữa, cũng không ai tin tưởng bởi vì không ai biết rỏ việc trị liệu gen đã thực hiện ra sao, hay chỉ là quảng cáo không đáng tin cậy. Tương tự như vậy, GS George Martin của Đại học Washington, vốn làm Cố Vấn cho BioViva trước đây, nhưng nay ông đã từ chức, vì cho rằng BioViva thực hiện chửa trị quá sớm, chưa thông qua các nghiên cứu và thử nghiệm để FDA phê chuẩn chấp thuận trước khi áp dụng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÁNH

Antonio Regalado (14/10/2015). A Tale of Do-It-Yourself Gene Therapy. MIT Technology Review. http://www.technologyreview.com/news/542371/a-tale-of-do-it-yourself-gene-therapy/

 

Reading, 10/2015