Vòng kim cô Tề Thiên Đại Thánh và khoa học ngày nay
1/2/2016
Trần Đăng Hồng, PhD |
Hình 1. Tề thiên đại thánh với “vòng kim cô” trên đầu
Trong truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, Tôn Ngộ Không hay Tôn Hành Giả hay Tề Thiên Đại Thánh được Phật Bà Quan Âm đại xá tội đại náo thiên cung sau khi bị phạt đè dưới Ngũ Hành Sơn 500 năm. Phật Bà bắt Tôn Ngộ Không quy y Phật pháp và theo hộ vệ Đường Tăng Tam Tạng đi thỉnh kinh ở Tây Thiên bên Ấn Độ.
Vốn cốt khỉ, sinh ra từ một hòn đá và được Bồ Đề Tổ Sư dạy pháp thuật và đặt tên “Ngộ Không”. Tôn Ngộ Không học được 72 phép thần thông biến hóa của “Thất thập nhị huyền công”, võ công tuyệt đỉnh, có phép thay hình đổi dạng, biến sợi lông thành hàng trăm Tôn Ngộ Không với thiết bảng, có thể đằng vân bay lộn trên mây, trong chớp mắt có thể bay đến tận cùng thế giới, có cây gậy “Như Ý Kim Cô” có kích thước lớn nhỏ dài ngắn tùy ý, thường để sau tai, làm cây thiết bảng là vũ khí chính. Ngộ Không còn được trường sinh bất tử.
Vốn bản chất loài khỉ ngang tàng, coi trời bằng vung, phá phách, vô kỷ luật, Tôn Ngộ Không đã gây cho Tam Tạng nhiều nỗi bực mình. Vào một buổi sáng mùa đông hai thầy trò đến một nơi hẻo lánh thì có 6 tên cướp chận đường cướp ngựa và hành lý. Tôn Ngộ Không bèn giết cả 6 tên cướp này, bị Tam Tạng quở trách là chớ nên sát sanh giết người, Tôn Ngộ Không phật ý bỏ Tam Tạng đằng vân biến mất. Phật Bà Quan Âm xuất hiện dưới lớp một bà lão, cho Tam Tạng một chiếc áo và một mũ giát hoa vàng bảo cho đệ tử mặc. Phật Bà còn dặn Tam Tạng phải thuộc câu thần chú “Định tâm chân ngôn” còn có tên “Khấn cô nhi chú” để đọc khi Ngộ Không đội mũ. Trong lúc giang hồ ở tận xứ Đông Dương đại hải, được Long Vương khuyên tiếp tục hộ giá Tam Tạng đi thỉnh kinh, nên Ngộ Không đằng vân về gặp lại Tam Tạng đang bơ vơ một mình. Thấy bộ áo và mũ giát vàng đẹp, Ngộ Không bèn mặc áo và đội mũ, lúc đó Tam Tạng đọc thần chú, không ngờ Ngộ Không ôm đầu la khóc, hết đọc thần chú thì hết kêu đau. Thử đi thử lại nhiều lần đều thấy thần chú hiệu nghiệm. Rờ lên đầu thì là một vòng bằng vàng, dính chặt vào đầu không cách nào gỡ ra. Đó là “vòng kim cô” Phật Bà cho phép Tam Tạng khống chế mỗi khi Ngộ Không nỗi chướng bất tuân, làm sai điều Phật dạy.
Như vậy, qua thiết bị “vòng kim cô” của Phật Bà, Tam Tạng có thể khống chế hành vi của Tôn Ngộ Không bằng cách tra tấn hành xác làm đầu đau đớn vô cùng. Trong bộ não, vùng cảm nhận đau đớn là thùy “Parietal lobe”, là nơi vòng kim cô tiếp xúc.
Hình 2. Thùy “Parietal lobe” (bên tay mặt) là nơi kiểm soát đau đớn mà “vòng kim cô” tiếp xúc. Còn thùy “Prefrontal cortex” (bên trái) kiểm soát tài năng, khéo léo, thông minh. Kỹ thuật “fMRI” khám phá nói láo dựa vào hình scan hoạt động của thùy này.
Khoa học ngày nay cũng đang thực hiện một số thiết bị hoặc để khống chế hoặc để giúp con người có thể truyền thông trong các điều kiện không thể nói được như bịnh câm, lặn dưới đại dương, bay trong vũ trụ, thần giao cách cảm (telepathy), thiết bị khám phá nói láo, điều khiển robot qua làn sóng não bộ, v.v. và đã có nhiều thành công ban đầu.
Làm sao GS Hawking giảng bài, nói chuyện, viết sách?
GS Stephen Hawking của Đại học Cambridge, nổi danh thế giới về toán học và khoa vũ trụ, bị chứng bệnh hiếm “amyotrophic lateral sclerosis – ALS” là bệnh của dây thần kinh làm ông bại liệt, không nói được, nhưng trí óc rất minh mẫn. Mặc dầu bị bệnh hiểm ác này, ông vẫn tiếp tục giảng dạy, viết sách, đưa ra nhiều lý thuyết lừng danh về vũ trụ và đi diễn thuyết khắp thế giới. Ông không nói được bằng miệng, nhưng nói gián tiếp qua một “thiết bị phát âm”. Hảng Swiftkey cùng với Intel nghiên cứu thực hiện cho GS Hawking “thiết bị phát âm” này. Bịnh ALS làm ông bị tàn phế và bị câm vì cơ cuống họng nơi phát âm thanh bị liệt, chỉ còn cơ thịt ở má hoạt động. Thiết bị này xử dụng một thiết bị điện tử cảm biến (sensor) gắn vào cơ thịt của má. Khi ông muốn phát âm một từ ngữ, ông làm cơ thịt ở má rung, bộ phận cảm biến ghi nhận làn sóng rung tương ứng, và ông đánh lên bàn phím máy vi tính từ ngữ đó, và tất cả làn sóng điện của cơ má, từ ngữ, và âm thanh của từ đó được tồn trữ trong bộ phận chế biến ngôn từ (language processor). Vì vậy, khi muốn nói từ nào, ông rung cơ má tương ứng với từ ngữ đó và thiết bị biến chế ngôn từ phát ra âm thanh và đồng thời trên màng ảnh vi tính xuất hiện từ ngữ đó. Nhờ thiết bị này GS Hawking giảng dạy cho sinh viên, đi thuyết trình ở các hội nghị khoa học quốc tế. và viết sách.
Hình 3. GS Hawking và toán chuyên viên điện tử thiết kế máy nói
Thiết bị “thần giao cách cảm”
Các nhà khoa học Nhật Bản đang nghiên cứu một máy điện tử có thể đọc được ý nghĩ, và lời bạn sắp nói. Trong lúc suy nghĩ để phát ngôn thành lời nói, não bộ vùng Broca phát ra trước những làn sóng (brain wave). Đó là vùng não thùy phía trước, nằm bên trái, có nhiệm vụ liên kết với ngôn ngữ.
Dùng thiết bị điện tử để đo cường độ, tần số các làn sóng não bộ này và thấy rằng các làn sóng não bộ rất riêng biệt cho từng tiếng nói phát âm. Dùng máy giãi mã các làn sóng não bộ này thì biết người đó đang suy nghĩ gì và sẽ nói gì.
Để lắng nghe trước tiếng sắp phát âm, các nhà khoa học dùng phương pháp ghi điện đồ não bộ “Electroencephalogram” (EEG). Kỹ thuật này xử dụng rất nhiều điện cực gắn vào các huyệt đạo thần kinh trong não bộ để ghi các làn sóng điện phát ra từ vùng Broca.
Hình 5. Ghi điện đồ não bộ EEG bằng các điện cực
Nhóm nghiên cứu thiết lập một ngân hàng chứa đựng làn sóng tương ứng với mỗi từ ngữ phát âm. Nhóm ghi sóng điện đồ não bộ của một người làm thí nghiệm, cho người này nói thầm mà người khác không nghe được. Cho điện đồ chạy và nhờ một bộ phận dịch thông qua ngân hàng từ ngữ điện đồ não bộ thì thấy kết quả đúng chính xác chỉ tối đa 70%. Hy vọng rằng với kỹ thuật tiến bộ thiết bị sẽ hoàn thiện và tiên đoán người sẽ nói hay phát âm chính xác hơn.
Kỹ thuật này hy vọng sẽ giúp bệnh nhân mất khả năng nói hay bị bại liệt có thể nói qua thiết bị diễn dịch não đồ EEG.
Các phi hành gia không gian khi ra ngoài vũ trụ không thể liên lạc với nhau qua tiếng nói, bởi vì âm thanh không truyền qua chân không. Hiện nay cách duy nhất để truyền thông là qua làn sóng radio. Với thiết bị đo và nhận làn sóng não bộ các phi hành gia có thể liên lạc nhau tương tự như “thần giao cách cảm”, người nhận tin tín hiệu não đồ hiểu được người kia muốn nói gì.
Tương tự như vậy đối với người thợ lặn sâu dưới đáy biển, bởi vì âm thanh bị sai lệch khi truyền qua nước. Người thợ lặn mang thiết bị tân tiến này sẽ nghe rõ giữa hai người thợ lặn hay từ mệnh lệnh trên bon tàu chỉ huy.
Ra lệnh cho robot hành động qua sóng đồ não bộ
Các nhà khoa học đang thiết kế các robot làm việc qua sự điều khiển từ não bộ của người chỉ huy chứ không phải qua cần điều khiển (joystick) như hiện nay, nghĩa là người điều khiển ra lệnh qua ý nghĩ, vùng Broca của não bộ gởi làn sóng, được máy truyền đến bộ óc của robot, ở đây tín hiệu được chuyển thành hành động. Chẳng hạn viên chỉ huy đội quân robots, nhìn vào màn ảnh chiến trường giữa quân ta và quân địch do vệ tinh hay máy bay drone cung cấp, ra lệnh robot nào tiến tới vị trí nào, phải bắn lúc nào, vào mục tiêu nào v.v.
Hiện nay, Trung quốc đang phát triển mũ đội cho lính trong đó có thiết bị điện tử để kiểm soát hoạt động não bộ, thiết bị này làm người lính chiến đấu điên cuồng không sợ chết, và biết xử dụng võ khí hoàn hảo chính xác hơn. Các người lính này cũng có thể điều khiển từ xa các robots gở mìn, v.v.
Thiết bị khám phá nói láo.
Ngoài thiết bị Polygraphs cổ điển phát triển gần 100 năm nay (năm 1921) bằng nhiều đồ biểu như đo nhịp tim đập, áp suất máu, nhịp thở và độ ẩm của da (thoát mồ hôi) dựa trên tâm lý và phản ứng của người nói láo, ngày nay còn nhiều thiết bị chính xác hơn để xem nghi phạm có nói dối không.
Một trong các máy tân tiến này là xử dụng não đồ EEG với làn sóng mang tên P300 phát xuất từ vùng Broca. Các chuyên viên thẩm vấn chuyên nghiệp nhìn vào biểu đồ làn sóng P300 thì biết là người đó nói láo hay nói thật. Lý do là khi bị thẩm vấn, nghi phạm có thể nói láo như là không biết gì về tang vật hay biến cố giết người. Nhưng khi thẩm vấn viên đưa ra tang vật hay bằng chứng, thì dầu che dấu qua nói láo, nhưng tiềm thức trong não bộ nghi phạm vẫn xác nhận biết tang vật đó, và não bộ cho một tín hiệu qua làn sóng P300.
Một thiết bị khác dùng để scan não bộ có tên functional Magnetic Resonance Imagining (fMRI) để khám phá nói láo, mà hiện nay có hai công ty thiết kế, như thiết bị có tên “No Lie MRI” của hảng San Diego đưa ra thị trường năm 2006 hay của công ty Cephos Corp. ở Tyngsboro, Mass. Các thiết bị này có thể chính xác tới 90%.
MRI là một thiết kế xử dụng đa năng trong bệnh viện như chụp hình chi tiết não bộ để khám phá nhiều bệnh chẳng hạn ung thư hay đột quị do vỡ mạch máu não. Thiết kế fMRI chụp hình hoạt động của dòng máu trong não bộ. Khi nói láo, não bộ của thùy prefrontal cortex (Hình 2) hoạt động mạnh nên máu được điều động nhiều đến vùng này (Hình 6, bên phải).
Hình 6. Khi nghi phạm trả lời thật thà thì hình scan fMRI của thùy trước prefrontal cortex bình thường (trái, bên trên), nhưng khi nói láo thì thùy prefrontal cortex hoạt động mạnh hiện rỏ lên hình qua sự kiện máu tụ nhiều ở đây (phải).
Các ứng dụng EEG khác
Hình 7. “Vòng kim cô” hiện đại
Với tiến bộ điện tử và ngành Thần kinh học (neurology), hiện tại có rất nhiều thiết bị điện tử áp dụng nguyên tắc “thần giao cách cảm”, được áp dụng trong nhiều ngành:
- y tế: giúp bác sĩ theo dõi bệnh kinh phong (epilepsy), cho trẻ em mang thiết bị trong một thời gian khá lâu, và thiết bị này truyền đến máy cảm nhận của bác sĩ, nhờ đó bác sĩ chẩn bệnh và chửa trị.
- Hổ trợ người tàn phế, chẳng hạn thiết bị giúp họ điều khiển xe lăn, người câm có thể “nói” qua thiết bị.
- Trò chơi điện tử không dùng tay hay cần điều khiển (joystick) (free-hand gaming).
- Nghiên cứu thị trường để biết người tiêu thụ muốn mua sản phẩm như thế nào
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Richard Gray (6/1/2016). Could we soon 'speak' telepathically? http://www.dailymail.co.uk/sciencetech/article-3386875/Could-soon-speak-telepathically-Mind-reading-computer-deciphers-words-brainwaves-spoken.html
Eli Wolfe (22/7/2015). Catching the Brain in a Lie: Is “Mind Reading” Deception Detection Sci-Fi—or Science? http://alumni.berkeley.edu/california-magazine/just-in/2015-07-23/catching-brain-lie-mind-reading-deception-detection-sci-fi-or
Mark Harris (30/7/2010). MRI Lie Detectors. http://spectrum.ieee.org/biomedical/imaging/mri-lie-detectors
Dr Max Sutherland (23/5/2011). Using our brains: Neuromarketing, no-hands gaming and the arrival of the EEG headset. News article. http://www.gatheringspot.net/news-article/general-discussion/using-our-brains-neuromarketing-no-hands-gaming-and-arrival-eeg-head
Reading, 1/2006