Hồi ký những ngày thơ ấu. Phần 2. Anh Bốn Nhơn
26/11/2023HỒI KÝ NHỮNG NGÀY THƠ ẤU
Phần 2. ANH BỐN NHƠN
Tôi có hai anh, anh Bốn Nhơn và anh Năm Lộc. Anh Bốn hơn anh Năm 3 tuổi, và anh Năm hơn tôi 3 tuổi. Như vậy, về mặt tuổi tác, tôi chơi thân với anh Năm hơn. Nhưng về mặt học hành, tôi bị ảnh hưởng bởi anh Bốn nhiều hơn. Từ khi ra Nha Trang để học khi tôi 10 tuổi, anh Bốn được cha má giao cho nhiệm vụ “Quyền huynh thế phụ”, các anh em tôi phải răn rắc tuân lời anh Bốn, nhất là anh kiểm soát việc học hành.
Tôi muốn kể lại đây một vài kỷ niệm để các cháu biết về thời thơ ấu của anh, mà chắc là các cháu không biết.
Anh Bốn có một vết thẹo lớn ở chân mặt, giữa ống quyển. Hồi đó, tôi khoảng 4 tuổi, anh Bốn 10 tuổi. Một buổi sáng, 3 anh em chơi gần cây Mừng Quân. Lúc đó, về hướng Bắc có nhà Cô Năm Bụt cách nhà tôi khoảng 400 m, anh Bốn thấy có anh Năm Sen, cùng lứa tuổi và là bạn thân của Bốn vừa ra sân. Để hú nói chuyện với anh Sen, và để cho anh Sen nhìn thấy rỏ vì hàng rào cây xanh nhà tôi khá cao, Bốn bèn đứng lên khúc gốc tre khá lớn. Vì mất thăng bằng, gốc tre đánh bật Bốn té nhào, máu tuông chảy lai láng ở ống quyển chân mặt. Tôi cuống quýt chưa biết chạy kêu cứu ai, thì anh Năm Lộc nhanh chân chạy vào nhà, chạy dọc theo vách tìm ổ nhện. Một lúc sau, anh tìm được một ổ nhện to như cục bông gòn, bên trong đầy trứng nhện. Anh Năm bó vết thương cho Bốn, dùng dây chuối khô cây kế bên buộc chặc. Kỳ lạ thay, máu không còn chảy nữa. Sau đó, vết thương lành, và khi lớn lên theo tuổi tác thì vết thương trên da cũng lớn theo. Vì vậy Bốn có một vết thẹo lớn trên ống quyển. Tôi cũng sẽ kể ở phần sau về một vết thương khác trên bàn tay trái của Bốn, làm Bốn đau đớn suốt đời, nhất là khi trở trời.
Cha rất thương anh em tôi, nhất là việc hổ trợ việc ăn học. Khi còn học ở trường làng ở Thanh Minh, trường chỉ có 3 lớp, là lớp Năm (hay Đồng Ấu, Cours Enfantin, Lớp 1 ngày nay), lớp Tư (hay Dự Bị, Cours Préparatoire, Lớp 2 ngày nay) và lớp Ba (hay lớp Sơ Đẳng, Cours Élémentairel, Lớp 3). Học tiếng Việt và tiếng Pháp. Một ngày nọ, thầy Tiền (dạy lớp Tư) ý nói là thứ năm này có mục học “Làm Vườn”. Nhưng ở vùng quê tôi không ai nói “Làm vườn” mà phát âm thành “Làm dường” hay “Làm Giường”. Cặm cụi mấy ngày, cha chặt trúc, cắt, ráp và làm cho Bốn một cái giường ngủ rất đẹp. Hóa ra là “làm vườn - Gardening”. Chiếc giường thủ công được giữ làm đồ chơi.
Học hết lớp Ba trường Thanh Minh, Bốn phải xuống trường Quận để học Lớp Nhì Nhỏ (Cours Moyen 1ère année), rồi Nhì Lớn (Cours Moyen 2è année), và cuối cùng là Lớp Nhất (Cours Supérieur, Lớp 7 ngày nay). Từ nhà đến trường quận khoảng 5 km, đi bộ. Anh Tám Lê Hoài, con của Cô Sáu cùng đi với Bốn, nên cũng vui. Trong thời kỳ này, có nhóm bọn chăn bò thường ra chận đường đánh nhóm học sinh đi học về, học sinh chỉ chạy la kêu cứu mà thôi. Đó cũng là một nổi lo sợ của bậc cha mẹ thời đó.
Cuối năm này Bốn thi và đậu bằng Tiểu Học Yếu Lược hay còn gọi Sơ Đẳng Tiểu Học (Certificat d’Études Primaire Franco-Indigène, viết tắt là CEPFI). Phải đậu bằng này mới được lên học bậc Trung học ở Tỉnh, tức Nha Trang. Cha mừng lắm, thưởng cho Bốn một chiếc xe đạp tốt và đắt nhất thời bấy giờ, hình như là Peugot nhập cảng từ Pháp. Nhưng, vì có quá nhiều học sinh của nhiều quận trong tỉnh, nên phải thi vào lớp Đệ Thất ở Nha Trang. Bốn thi đậu. Lúc đó chưa có trường trung học, Bốn phải học nhờ một lớp ỏ Trường Nam Tiểu Học Nha Trang.
Việc ăn ở của Bốn ở Nha Trang rất khó khăn. Đầu tiên, Bốn ở nhờ nhà Chị Bốn Bàng, con của Cậu Hai, anh ruột của Má, gần nhà Máy Đèn Nha Trang. Sau dời qua ở một nhà gần Trường Tàu ở Sinh Trung. Sau khi Chú Thiếm Mười mua được nhà ở Nha Trang, lúc này anh Năm Lộc cũng thi đậu vào Lớp Đệ Thất, nên cha má cho tôi ra Nha Trang học luôn, và vì vậy 3 anh em tôi về ở nhà Chú Thiếm Mười một thời gian. Về sau thấy bất tiện, Cha thuê dài hạn 5 năm trả tiền trước một lần cho một căn nhà, trong 3 căn mới cất của ông Hồ Ngọc Từ, nhà sát bờ Sông Cái. Cha Má cho Bốn, Năm, tôi, em Huê và em Son ra Nha Trang, mướn Chị Vui ở xóm trên ra giúp việc, đi chợ, nấu ăn cho anh em tôi. Hàng mỗi cuối tuần, tôi có nhiệm vụ cởi xe đạp về nhà quê ở Lạc Lợi để chở gạo, trái cây, và tiền bạc Cha Má giao để đi chợ ăn uống và mỗi anh em đều có tiền tiêu vặt trong tuần, như tôi đã đề cập bài vừa qua. Bốn, quyền anh trưởng – Quyền Huynh Thế Phụ- giữ tiền bạc chi tiêu, và kiểm soát việc học hành các em. Anh em tôi ở căn nhà này 7 năm.
Cuối Năm Đệ Tứ, Bốn thi đậu Bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp (brevet d'etudes du premier cycle). Lên học Lớp Đệ Tam, Bốn theo học Ban A (Khoa Học Thực Nghiệm), rồi Đệ Nhị. Cuối năm Đệ Nhị là thi Tú Tài I (Baccalaureat 1). Bốn thi đậu. Muốn học tiếp lớp Đệ Nhất để thi Tú Tài II, Bốn phải vào Sài Gòn học ở Trường Petrus Ký. Cuối năm Bốn thi đậu Tú Tài 2 (Baccaalureat II).
Vì học tại Sài Gòn rất tốn kém, Bốn sợ ảnh hưởng đến việc ăn học của anh Năm Lộc và tôi, nên anh không tiếp tục học bậc Cử Nhân ở Sài Gòn, mà về lại Nha Trang dạy học bậc Đệ Nhất Cấp tại Trường Võ Tánh Nha Trang. Bốn dạy học rất giỏi, với nhiều nhiệt huyết và tận tâm, nên có nhiều uy tín. Được cử ra Huế, lên Đà Lạt tham gia làm Giám Khảo các kỳ thi Trung học trong rất nhiều năm liên tục.
Năm 1959, Bốn được cử lên Đà Lạt làm Phó Giám Khảo kỳ thi Trung học ở đây. Trên đường mang bài thi từ Đà Lạt về Sài Gòn để chấm bài, cùng với ông Chánh Chủ Khảo (tôi quên tên) với chiếc công xa của Bộ Giáo Dục. Khi xe đến Bảo Lộc, vì tránh xe chạy ngược chiều sao đó, xe Bộ Giáo Dục lăng xuống hố. Bốn bị thương nặng ở bàn tay trái. Ông Chánh Chủ Khảo cũng bị thương, nhưng nhẹ hơn. Trong cái rũi lại có cái may. Ông Chánh Chủ Khảo là một nhân vật có uy quyền trong Bộ Giáo Dục, nên Bộ Giáo Dục gởi đến chửa trị ở nhà Thương Grall – Đồn Dất. Nhờ vậy Bốn được chửa trị ở đây trong mấy tháng. Chỉ có những người thật giàu có, giới thượng lưu Sài Gòn mới có đủ tiền để chửa trị ở nhà Thương Tây này. Vì là dịp hè, năm học Đệ Nhị, tôi vào Sài Gòn để chăm sóc Bốn. Đêm ở nhà Bác (Đường Trần Hưng Đạo), ban ngày ở trong nhà thương Grall để thoa bóp tay cho Bốn. Tay Bốn có tật kể từ đó. Bốn có cho tôi biết về sau này, bàn tay vẫn đau nhức khi trở trời.
Một tấm gương kiên nhẫn và cố công kiên trì học tập của Bốn thì trên đời ít ai có. Từ một người tốt nghiệp Tú Tài 2 Ban Vạn Vật (Ban A) thế mà Bốn cố học chuyển qua Ban C Khối Anh Văn ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, trong một chặng đường dài 14 năm (1956 -1970). Kiên trì, mặc dầu đã có gia đình, có con cái, anh đã bỏ nhà cửa tiện nghi ở Nha Trang để vào Sài Gòn, mướn nhà ở trong căn phòng chật hẹp, thiếu tiện nghi, để tiếp tục học ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Cuối cùng anh đã đậu Cử Nhân Văn Khoa, môn Anh Văn.
Sau tháng 4/1975, bất cứ ai cũng bị ảnh hưởng, không nhiều thì ít. Thầy giáo trong ngành dạy học cũng bị ảnh hưởng, nhất là các thầy dạy Triết học, công dân, Sử ký, v.v. Các thầy dạy Toán Lý Hóa cũng bị kỳ thị. Riêng Bốn, thì ngược lại, là lúc anh kiếm được tiền nhiều nhất, trong rất nhiều năm. Lý do là các ngài Tỉnh Ủy ở Nha Trang muốn học Anh Văn (chứ không học tiếng Hoa, hay Nga Văn) nên nhờ đến Bốn, là người thầy dạy Anh Văn có giá nhất thời bấy giờ ở Nha Trang. Vì các ngài không được thông minh mấy, nên Bốn phải đến tận Dinh các ngài, để dạy viết, dạy phát âm chuẩn, v.v. trong rất nhiều năm.
Tiếp theo là phong trào HO, các cựu quân nhân VNCH đã từng bị cải tạo trên 3 năm được cho đi định cư ở Mỹ. Trường dạy Anh Văn của Bốn trong thời kỳ này rất phát đạt.
Chưa được hưởng tuổi già bao lâu, chưa hưởng của cải do mình tạo dựng được nhiều thì anh ra đi quá sớm. Xin cầu nguyện anh được an vui nơi thiên đường nào đó !
Ba anh em (2014)
Reading, 26/11/2023.
Hồng Trần-Đăng