Đàn chim thiên di
Lên mạng ngày 15/9/2010
ĐÀN CHIM THIÊN DI
Nguyễn Thị Kim Thu
Hàng năm, cứ vào giữa tháng Chín, khi trời bắt đầu se lạnh báo hiệu Mùa Thu đang đến, trong buổi sáng còn mờ hơisương, những đàn ngỗng trời (geese) bay về phương nam. Trên trời cao, chúng bay xếp hàng theo chữ V, mỗi đàn có khoảng từ 5 đến 30 con. Sau đàn chim này là đàn chim khác. Chúng cất tiếng gọi nhau, vang cả bầu trời, không thể nào ngủ được.
Ngỗng trời
Theo bản năng sinh tồn, chim thiên di phải di chuyển nơi sinh sống theo mùa. Trong mùa hè ấm áp nơi có ngày dài trên 16 giờ, như các đồng cỏ thuộc Bắc Âu và Greenland gần vùng Bắc Cực, là nơi có nhiều cỏ, đầm lầy, có nhiều thức ăn bổ dưởng cho chim non, nên ngỗng trời đến sống ở đây trong 4-5 tháng để sinh đẻ và nuôi chim con. Khi vào mùa thu, trời bắt đầu lạnh, đàn chim non nay đã đủ lông đủ cánh, đồng cỏ cũng bắt đầu héo úa, lũ lượt từng đàn, gồm chim cha mẹ và chim con, bay về phương nam, tìm nơi ấm áp có nhiều thức ăn như đồng cỏ ven đầm lầy sông hồ để sinh sống. Vì chim con còn nhỏ, chúng chỉ bay vài chục cây số rồi dừng lại nghĩ ngơi, tẩm bổ trước khi tiếp tục chặng đường dài. Vùng Reading, nơi chúng tôi ở, có nhiều hồ nước và đồng cỏ thiên nhiên là một trạm dừng chân của chúng. Nhà tôi vốn ven một công viên (Linear Park) rộng hàng ngàn ha, trong đó có khu rừng khá rậm, có đồng cỏ và rất nhiều hồ nước dùng làm nơi thể thao như chạy thuyền buồm, trợt nước (surfing, water skiing), câu cá, v.v. Đây cũng là nơi chim thiên di đến trú ngụ tạm một thời gian ngắn trên chặng đường dài. Từng đàn chim bay đến, rồi lần lượt bay đi, hết đàn chim này đến đàn chim khác. Chưa rạng đông đàn ngỗng đã kêu gọi nhau vang động bầu trời. Chúng sẽ bay về nơi nào đó ở Phi Châu hay Nam Mỹ. Vào thời điểm này, khi đến miền Nam nước Anh, đàn chim non đã trưởng thành, có thể bay thẳng một hơi qua đại dương với chặng đường dài vài ngàn cây số.
Thế rồi, qua mùa Xuân, khoảng tháng 4, đàn ngỗng thiên di lại bay về phương bắc, lại dừng chân nơi chúng tôi ở. Cứ khoảng 4 giờ sáng, khi trời còn lờ mờ, chúng bay từng đàn, hình chữ V, lại kêu vang khắp bầu trời, không thế nào ngũ được. Có lẽ vì vậy mà chúng tôi có thói quen dậy lúc 4 giờ sáng, vì không thể tiếp tục ngủ được với tiếng chim.
Ngoài ra, cũng trong mùa Xuân và hè, có vài giống chim lạ, thân nhỏ bằng chim sẻ, nhưng hót vang cách xa nửa cây số cũng nghe. Chúng có thói quen, mỗi con chiếm một cây làm lảnh thổ, và chúng hót vang để báo với chim khác rằng ta là chủ của cây này. Thế là khoảng 3-4 giờ sáng chúng hót vang rừng, vì mỗi cây có một con, lại càng không ngủ được.
Không phải chỉ có ngỗng trời và vịt trời mới thiên di, trên thế giới có khoảng 8 ngàn loài chim thiên di. Theo Quỹ Hỗ Trợ Chim Muông Anh Quốc (BTO, British Trust for Ornithology), cứ vào mùa Xuân có khoảng 5 tỷ con chim bay từ Phi Châu vào Châu Âu để có đời sống thoải mái với mùa hè ấm mát và ngày dài với nhiều thức ăn, để vào mùa thu và đông bay về lại quê nhà ở Phi Châu. Và, cũng theo tường trình của cơ quan từ thiện cho loài chim này, trên toàn thế giới có khoảng 50 tỷ chim phải thiên di, trong âm thầm không ai để ý.
Thật vậy, có loài chim thiên di ồn ào như ngỗng trời, vịt trời, nhưng cũng có những loài đến và đi một cách âm thầm. Từ 7 năm nay, cứ mỗi dịp Giáng sinh về chúng tôi đón chào một con chim Robin xinh đẹp nhảy nhót và hát líu lo trong mảnh vườn nhà tôi. Nó đến thăm vườn chúng tôi đều đặn trong suốt 6 năm, chỉ ở trong một tuần, rồi bay đến vùng khác. Riêng mùa Giáng sinh vừa qua, nó vắng bóng, không biết nó đã già chết hay mùa Đông năm rồi quá lạnh lẽo mà nó không đến thăm chúng tôi. Chúng tôi đang mong chờ tiếp đón nó trong mùa Giáng sinh sắp tới, nếu nó còn sống.
Chim Robin, vị khách của nhà tôi trong dịp Noel
Trong suốt năm, công viên bảo tồn Linear Park nơi tôi ở là nơi có vô số người đến quan sát (birdwatchers) hay nghiên cứu chim. Họ là những cậu học sinh trung học, hay sinh viên đại học, các cụ già, các quan sát chim tài tử, hay các nhà nghiên cứu khoa học chính cống. Họ ăn mặc theo lối đi rừng, với ống dòm, với máy ảnh và máy thu âm tiếng chim có ống loa phóng đại. Nhìn họ im lặng rình chim thật đáng buồn cười. Họ trong các tổ chức tư nhân, có báo chí riêng, và họ thông tin với nhau là vào ngày nào chim tên gì đã đến vùng nào đó, ăn thức ăn gì, làm tổ ở đâu, v.v. và ngày nào từ giả vùng đó, từ giả nước Anh để về lại Phi Châu.
Nhờ những thông tin đó mà chúng tôi mới biết chút ít về thế giới loài chim. Chẳng hạn, con chim nào đến nơi nào thì năm sau cũng đến nơi đó, như con chim Robin của vườn nhà tôi trong suốt 6 năm. Làm sao chúng biết được đường bay từ Phi Châu đến đây thật chính xác. Theo các nhà khoa học, mỗi con chim thiên di trời cho một bộ máy định vị (GPS, Global Positioning System) tinh vi hơn máy GPS sáng chế bởi con người. Nó không những dựa vào mặt trời, các tinh tú, từ trường, mà nó còn tính thời gian thật chính xác để bay, phải dừng cánh ngơi nghĩ ở đâu, biết tiên đoán thời tiết v.v. Mẹ Thiên Nhiên (Mother Nature) thật huyền diệu!
Loài chim biết hót ăn uống rất nhiều so với thân thể nhỏ bé của nó, để nó có thể vượt đại dương xa 3000 km, bay một hơi liên tục trong 3-4 ngày đêm không ngơi nghĩ. Ngược lại, các loài chim lớn có cánh rộng như chim vạc (crane) thì dựa vào luồng gió ấm trên cao độ để đưa đến nơi mong muốn mà không phải đập cánh nhiều phí sức. Con chim thiên di “nắc nước vùng Cực” (Artic Tern) lại chiếm kỹ lục bay xa. Chúng sanh đẻ ở Bắc Cực trong mùa hè nơi có ngày dài 24 giờ, và vào mùa Thu (ở Bắc Cực) chúng bắt đầu bay đến Nam Cực để sống trong mùa hè của Nam Cực cũng có ngày dài 24 giờ (tức mùa đông ở Bắc Cực), rồi sau đó bay trở về Bắc Cực để vui sướng ngày hè. Chúng chỉ sống trong mùa hè, nơi có ngày dài 24 giờ, hoặc Nam Cực hoặc Bắc Cực. Và như vậy, hàng năm chúng phải bay đi bay về tổng cộng 40,000 km
Chim nắc nước vùng Cực (Arctic Tern)
Con người thua xa chim thiên di. Chúng tự do bay đi bay về tìm nơi thích hợp nhất để sống! Còn chúng ta, một khi đã bay xa có mấy ai bay về chốn cũ để sống ?
Tại sao?, và Tại sao ?
Reading, 9/2010
Nguyễn Thị Kim Thu
|