Tại sao con cái không giống cha mẹ ?
20/1/2017
TẠI SAO CON CÁI KHÔNG GIỐNG CHA MẸ?
Trần-Đăng Hồng, PhD
Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh
Theo lý thuyết, đứa con giống cha 50% và giống mẹ 50% vì trong bộ di truyền đứa con nhận 50% số nhiễm thể (DNA) từ cha và 50% nhiễm thể từ mẹ. Tương tự như vậy, đứa cháu phải giống một ít ông bà nội và ông bà ngoại bởi vì chúng nhận 25% di truyền từ ông nội, 25% từ bà nội, 25% từ ông ngoại và 25% từ bà ngoại. Cũng như vậy, anh chị em ruột phải giống nhau khá nhiều vì cùng chung một di truyền (chung 50% DNA), và anh chị em họ bậc 1 (first cousin, con cô cậu hay chú bác, cùng chung ông bà nội, ngoại) cũng giống nhau vì cùng chia sẻ 12,5% huyết thống? Thực tế không phải như vậy, các thành viên trong gia đình không hoàn toàn giống nhau (Hình 1).
Hình 1- Biến thiên ngoại hình của các thành viên trong cùng một đại gia đình gồm 3 thế hệ ở Nam Phi, đặc biệt khác biệt màu da
Cứ nhìn ngay trong gia đình mình, gồm cha mẹ và anh chị em, hay con cái của chính mình, hay trong gia đình nào mình biết rõ, thì thấy rằng con cái giống cha hoặc giống mẹ nhiều hay một ít điểm nào đó, về ngoại hình cũng như bản chất, nhưng có khi hoàn toàn khác hẳn. Ngoại hình được định nghĩa ở đây là phần cơ thể biểu lộ bên ngoài như vóc dáng, chiều cao, khuôn mặt, tóc, mắt, tai, mũi, tướng đi, giọng nói v.v. Về bản chất gồm tính tình, hành vi đối xử, trí thông minh, v.v. Ngoài ra, con cái còn có thể giống cha mẹ về một số loại bệnh tật có tính di truyền. Các tương đồng và khác biệt giữa các anh chị em cùng cha mẹ cũng tương tự. Ngay cả ở hai đứa bé sanh đôi, đa số chúng có nhiều điểm giống nhau, nhưng không 100%, và càng lớn lên thì sự khác biệt càng rõ rệt. Tại sao con cái không giống cha mẹ hoàn toàn?
Đây là một sản phẩm chọn lọc của thiên nhiên (natural selection) để tạo ra tính đa dạng với muôn màu sắc thái, mà ta không thể tiên đoán. Việc chọn lọc của thiên nhiên có tính may rủi, như trò chơi rút vài lá bài sau khi xóc bộ bài thật kỹ, rất hãn hữu mới rút được hai lá bài giống nhau.
Trên cõi đời này, không có ai giống y hệt ai về ngoại hình hay bản chất ngay cả anh em, chị em sanh đôi. Sự khác biệt giữa con với cha mẹ hay giữa các anh chị em ruột do nhiều lý do:
- Tinh trùng cũng như trứng không thuần nhất. Trong tiến trình tạo giao tử (gamete), tức tinh trùng và trứng, hiện tượng phân-bào-giảm-nhiễm (meiosis) xảy ra để phân chia nhân tế bào lưởng nhiễm (2n, trong đó nhiễm thể chứa DNA của cha và DNA của mẹ), thành giao tử đơn nhiễm (haploid, n). Trong tiến trình này, mỗi nhiễm-thể tự chẻ đôi rồi tái kết hợp (recombination) ngẫu nhiên, việc hoán đổi các nhánh của nhiễm thể, và hiện tượng trao-đổi-chéo (crossing over) lần lượt xảy ra. Cuối cùng, mỗi tế bào lưởng nhiễm (2n) tạo 4 giao tử đơn-nhiễm (n), trong đó mỗi giao tử đều có chứa nhiễm thể cha và nhiễm thể mẹ, nhưng DNA (tức gen) đính trên nhiễm thể của giao tử khác nhau vì do hiện tượng tái kết hợp, hoán chuyển, trao-đổi-chéo và đột biến (mutation), vì vậy, 4 giao tử này có bộ di truyền DNA khác nhau, và khác hẳn với cả cha lẫn mẹ.
Trong một nghiên cứu phân tích gen của 91 tinh trùng lấy từ một người đàn ông khỏe mạnh, cho thấy mỗi tinh trùng có trung bình 23 tái kết hợp, trộn lẫn với nhau, và có từ 25 đến 36 đột biến mới, nên không có tinh trùng nào giống tinh trùng nào về phương diện gen.
Khi thụ tinh, tinh trùng chuyển động đến trứng được chọn lựa một cách ngẫu nhiên, nên mỗi đứa con, mặc dầu nhận 50% nhiễm thể từ cha, 50% nhiễm thể từ mẹ, nhưng bộ di truyền của mỗi đứa con đều khác với cha và mẹ, và cũng khác với anh chị em.
- Ảnh hưởng của allele ưu tính (dominant) hay liệt tính (recessive). Gen đính trên nhiễm thể. Tế bào sinh trưởng có nhân lưỡng nhiễm (chứa 2n), mỗi nhiễm thể gồm 2 nhiễm sắc tử xoắn vào nhau nên mỗi gen gồm 2 allele, cả 2 có thể ưu tính (AA, ll), có thể liệt tính (aa, ¡¡), hoặc một ưu một liệt (Aa, l¡). Khi phân bào giảm nhiễm để tạo giao tử, và 2 allele tách ra, chẳng hạng gen AA cho hai giao tử A và A giống nhau; còn gen aa cho 2 giao tử a và a giống nhau; còn gen (lai) Aa cho hai giao tử A và a khác nhau. Theo luật Mendel, nếu một đặc-tính-di-truyền do 1 gen quy định, thì ở đời F2, gen lai Aa cho 2 loại giao tử (21 =2) là A và a, và sau khi thụ tinh với trứng thì cho 4 nhân hình (genotype) (AA, Aa, aA và aa). Thể hình (phenotype) đời F2 tùy thuộc vào cường độ ưu tính của A, có thể che khuất hoàn toàn tính liệt a, trong trường hợp này thể hình của Aa và aA giống y hệt AA. Còn trong trường hợp A không đủ mạnh so với a, thì thể hình trung gian xuất hiện. Nếu một đặc tính di truyền do nhiều gen (n) quy định, gen lai cho 2n loại giao tử (nếu n=2 cho 4 loại giao tử, nếu n=3 cho 8 loại giao tử) và thể hình của mỗi nhân hình đời F2 tùy theo số lượng và vị trí của gen ưu tính (hay liệt tính). Chẳng hạng, tất cả đều ưu tính thì có thể hình của ưu tính của cha hay mẹ, hay ngược có thể hình liệt tính nếu toàn chứa liệt tính, còn các con lai khác trong nhân hình vừa chứa ưu tính và liệt tính thì có thể hình trung gian, và trung gian có tính liên tục. Chẳng hạn, da màu sậm đen là ưu tính, da màu trắng là liệt tính, thì con lai đời F2 có thể đen sậm hoặc nhạt, hay trắng hay màu trung gian hơi đen, lợt, trăng trắng, v.v.
- Người mẹ di truyền cho con nhiều gen di truyền hơn người cha.
Trên lý thuyết, nhân tế bào của con người có 46 nhiễm thể, trong đó 23 nhiễm thể nhận từ cha (tức 50%) và 26 nhiễm thể từ mẹ (50%), khi tinh trùng của cha phối hợp với trứng của mẹ để thụ tinh, từ đó phát triển thành thai nhi. Đặc tính di truyền quy định bởi “gen” đính trên nhiễm thể trong nhân (nucleus DNA) của cha và của mẹ. Trong số 23 cặp nhiễm thể, cặp số thứ 23 chi phối về giới tính, gọi là nhiễm-thể-giới-tính (gonosomes). Ở phái nữ hai nhiễm-thể-giới-tính giống nhau (XX), còn phái nam có 2 nhiễm-thể-giới-tính khác nhau (XY). Nhiễm thể X có khoảng 1000 gen, trong khi nhiễm thể Y ngắn hơn chỉ có 76 gen. Trong số 76 gen của Y thì không có gen nào chi phối tính thông minh (intelligence) gồm các tính như nhận-thức (cognition), suy nghĩ, hoạch định. Ngược lại trong số ngàn gen của X thì có vô số gen qui định thông minh. Trong bộ di truyền của con người có 22 gen quy định tính thông minh, ngoài ra còn một số gen quy định tính thông minh nằm trên nhiễm thể số 2 (chung cho cả trai lẫn gái). Như vậy, người mẹ truyền thông minh hay ngu xuẩn cho con trai nhiều hơn người cha. Và nếu trong số ngàn gen của X từ mẹ có nhiều gen chi phối bệnh di truyền thì đứa con cũng lãnh đủ các bệnh di truyền này.
- Chỉ có người mẹ truyền cho con mtDNA. Khá phiền toái hơn nữa là có một loại DNA khác – mitochondrial mtDNA – có chứa một loại gen khác - mitochondrial genes - ở trong mitochondria, vốn là một bộ phận nằm trong tế bào có chức năng sản xuất năng lượng do hô hấp. Mitochondrial mtDNA chỉ có một nhiễm thể ngắn, được mã hóa sản xuất một số protein riêng biệt xử dụng cho hô hấp trong mitochondria như acit béo (fatty acids), tổng hợp ATP, chu trình citrate acids. Mitochondria xem như là nhà máy sản xuất điện cung cấp cho hoạt động các chức năng của tế bào. Mitochondrial DNA chứa 37 gen, trong số này 13 gen mã hóa quy định sản xuất enzymes hóa trình oxidative phosphorylation, tức xử dụng oxy và các chất đường đơn để tạo adenosine triphosphate (ATP) là nguồn năng lượng cho tế bào hoạt động. Số gen còn lại của mtchondrial quy định tạo các phân tử RNA chuyên chở (transfer RNA, tRNA) và ribosomal RNA (rRNA). Các RNA này giúp kết hợp thành các amino acids làm chúng trở nên hoạt động và chuyên chở chúng đến ribosome. Đột biến mtchondrial là nguyên nhân của nhiều loại bệnh hiểm nghèo. Đặc biệt chỉ có mitochondrial gen của mẹ mới di truyền cho con cái. Vì vậy, đứa con nhận nhiều gen trong nhân (nucleus genes) từ mẹ (nhiều hơn 900 gen), cộng thêm số gen mitochondrial của mẹ, như vậy đứa con nhận nhiều gen từ mẹ hơn từ cha. Đứa con có khuynh hướng giống mẹ hơn cha, nhất là khi người mẹ chứa nhiều gen ưu tính chứa trên nucleus DNA và mitochondrial DNA. Ngoài ra, người mẹ cũng di truyền cho con nhiều bệnh tật chứa trong mtDNA.
Nếu kiến trúc mtDNA của mẹ biến dạng sẽ tạo nhiều bệnh tật, như:
- Ung thư (cancer). Các đột-biến của mtdDNA thường liên kết với ung thư máu (leukemia) và ung thư tế bào miễn nhiễm (lymphoma), may mắn là không di truyền cho thế hệ sau.
- Hội chứng nôn ói theo chu kỳ (cyclic vomitting syndrome) nhất là ở trẻ nít.
- Chứng thiếu oxy ở chức năng của mitochondria ảnh hưởng đến vận động các cơ bắp thịt ở các khớp xương, ở tim, não bộ và gan vì các cơ quan này cần một số năng lượng lớn để hoạt động.
- Hội chứng Kearns-Sayre syndrome. Xuất hiện khi nhiều nucleotides hư hại, gồm ảnh hưởng đến mắt – loạn thị (ophthalmoplegia và retinopathy) (nhìn một hình thành 2 hình).
- Lergh syndrome: Trí não bị xáo trộn ảnh hưởng đến sự vận động của cơ thể, yếu đuối, khó thở.
- Di truyền cho con bệnh tiểu đường và tai điếc và nhiều bệnh khác...
Đó là kinh nghiệm dân gian tại sao “Mua heo chọn nái, cưới gái chọn dòng”.
- Ảnh hưởng của môi trường
Trong bài trước (Ai cũng có số, Đăc San NNHN số 1/2016), yếu tố di truyền chỉ chiếm từ 20% đến 70%, phần còn lại là do yếu tố khác, nhất là môi trường. Chẳng hạn chúng ta thừa hưởng di truyền “tuổi thọ” chỉ 20-30% từ cha mẹ ông bà, và 70-80% là do môi trường sống của cha mẹ và của chính chúng ta.
Con cái có thật giống cha mẹ không?
Những đặc điểm di truyền (inherited traits) nào dễ nhận thấy giữa con và cha mẹ?
Đặc điểm di truyền quy định bởi 1 gen đơn hay bởi nhiều gen phối hợp, và đặc điểm thấy được, tức thể hình, thể hiện qua đặc tính ưu (dominant) hay liệt (recessive) của cặp allele của gen đó. Chẳng hạn, kiểu máu (blood type) hay tóc quăn là do 1 gen quy định, nhưng hầu hết đặc tính di truyền là do nhiều gen chi phối như màu da, màu tóc, màu mắt, chiều cao thân thể, tuổi thọ, trí thông minh, v.v.
- Tóc quăn. Cả cha lẫn mẹ có tóc quăn, tại sao sinh con có đứa tóc thẳng? Trường hợp này được giải thích theo luật di truyền Mendel như sau. Tính tóc “quăn” (curly hair) do gen C (viết hoa) ưu tính, còn tóc “thẳng” (straight hair) do gen c liệt tính chi phối. Người có tóc quăn mang trong bộ di truyền hoặc CC (cả 2 alleles đều ưu) hoặc Cc (một ưu, một liêt), còn người có tóc thẳng thì cc (cả 2 alleles đều liệt).
Nếu cả hai cha mẹ có tóc thẳng (cc), thì con cái có tóc thẳng (vỉ đều cc).
Nếu cả cha lẫn mẹ đều CC (tóc quăn), tấc cả các con đều CC, tức tóc quăn.
Nếu một trong hai người là CC (tóc quăn), người kia là Cc (cũng tóc quăn), thì con cái đều có tóc quăn, vì chúng có hoặc CC hoặc Cc.
Nếu cả hai cha mẹ tóc quăn nhưng đều Cc, thì có xác suất (probability) 75% sinh con tóc quăn (50% Cc + 25% CC) và 25% có tóc thẳng (cc).
Có khi nào cả cha mẹ tóc quăn mà sinh ra 10 đứa con đều có tóc thẳng không? Trường hợp này khó xảy ra, vì xác suất rất thấp: 0.000095367431640625% . Với xác suất rất thấp này, may ra 1 trong số 10.000 cặp vợ chồng tóc quăn với Cc này có thể sinh 10 đứa con đều có tóc thẳng.
Hình 2. Hai chị em, một đứa tóc thẳng, một đứa tóc quăn
- Màu mắt khó có thể tiên đoán ở đứa con sắp sanh. Vì mắt có nhiều màu, nên có rất nhiều gen chi phối màu mắt. Trong số này có 2 gen quan trọng là OCA2 và HERC2 nằm ở nhiễm thể số 15. Gen OCA2 sản xuất tyrosine ở màng tế bào mắt, là chất màu sắc melanin. Số lượng melanin ở trong tròng mắt kết hợp với sợi collagen màu trắng tạo ra một giải liên tục nhiều màu từ xanh (green), qua màu xám (grey, hazel) đến màu lục (blue) và đậm nhất là màu nâu (brown) (Hình 3). Gen HERC2 điều hành sai khiến gen OCA2 thể hiện màu mắt.
Hình 3. Biến thiên màu mắt
Chính HERC2 làm thể hiện thế hình mắt xanh ở dân Âu Châu. Người có hai phiên bản của cặp allele C tại gen HERC2rs1293832 thì có mắt xanh, trong khi người có 2 allele TT thì có mắt nâu.
Thông thường, màu mắt nâu thường gặp nhất, kế đến là lục, xám và xanh. Khi cả cha lẫn mẹ có màu mắt nhạt thì con cái thường có mắt màu nhạt (cột 3). Sẽ khó tiên đoán hơn nếu một trong hai, một người mắt nhạt một người mắt nâu, hay cả hai đều nâu, bởi vì đứa con này có thể có mắt nhạt, đứa kia mắt nâu. Cũng có thể, cả cha và mẹ có mắt nâu lại sanh ra mắt màu lục (cột 2 và 4).
Bảng 1. Xác suất tiên đoán màu mắt của con cái dân Âu Châu nếu cha mẹ có allele gen TT (cột 2), hay CC (cột 3) hay TC (cột 4) tại gen HERC2rs12913832.
HERC2rs12913832 |
TT Allele |
CC Allele |
TC Allele |
Con cháu người có allele ở cột 2, 3, 4 sẽ có màu mắt theo xác suất: |
85% mắt nâu; |
72% mắt lục; |
56% mắt nâu; |
- Màu tóc. Tương tự như màu mắt, màu tóc do nhiều gen quy định, và màu đậm hay lợt tùy thuộc vào lượng melanin sản xuất, và gen liệt tính qui định sản xuất ít melanin (cho màu lợt), còn gen ưu tính cho cho màu đậm. Còn tóc đỏ thì sao? Đó là gen tiệt tính tóc đỏ. Khi phối hợp các gen cho tóc nâu hay tóc đen, gen tóc đỏ bị che khuất nên không thấy màu này. Tuy nhiên khi phối hợp với gen tóc màu lợt thì có tóc có màu vàng tơ (blonde), hay vàng cam hay màu carrot.
- Chiều cao thân thể. Yếu tố di truyền và giới tính chiếm 70%, còn phần môi trường (dinh dưỡng, sức khỏe tổng quát, tập thể dục) chiếm 30%. Về giới tính, giới nam cao hơn giới nữ (cùng trong một gia đình) vì con trai tăng trưởng nhanh hơn. Chưa rõ những gen nào quy định chiều cao thân thể để di truyền vào đứa con.
- Màu da. Màu da sậm đến nâu đen là do sắc tố melanin, sản xuất bởi tế bào sắc tố melanocytes ở da. Người có da màu nhạt (vàng, trắng, hồng) là do mô tế bào có màu trắng hơi xanh nằm dưới làn da, cộng thêm màu đỏ do hồng huyết cầu lưu thông dưới làn da. Màu hồng (hay đỏ) dễ nhận thấy ở mặt, nhất là khi tập thể dục, mắc cỡ hay tức giận (đỏ mặt). Trong cùng thân thể, màu da cũng biến đổi theo vị trí, như da lòng bàn tay, hay gót chân, hay nơi ít tiếp xúc với ánh nắng thường có màu nhạt hơn, đặc biệt dễ nhận thấy ở người có da sậm.
Màu da các sắc dân biến đổỉ theo vùng địa lý. Càng gần xích đạo màu da càng sậm (đen) và càng xa xích đạo màu da càng nhạt (tạm gọi da trắng). Đây là phần tiến hóa thích ứng môi trường, vì tia-tử-ngoại (ultra violet UV) tối đa ở xích đạo, và chính sắc tố melanin ngăn chận tia UV gây tác hại tế bào. Con người di cư từ vùng xích đạo Phi châu có màu đen sậm đến các vùng Âu Châu rồi Á Châu, nơi tia tử ngoại yếu dần, gen đột biến tạo ít tế bào melanocytes làm làn da nhạt dần, và càng xa xích đạo, càng gần cực thì càng nhạt hơn (da trắng). Các nhà khoa học tính rằng phải mất khoảng 100 thế hệ (tức khoảng 2500 năm), từ tổ tiên có da màu sậm (đen) của Phi Châu di cư đến vùng da trắng thì con cháu thế hệ thứ 100 sẽ có làn da trắng. Cũng vậy tổ tiên da trắng đến định cư ở xích đạo thì con cháu 100 đời sau sẽ có da sậm đen.
Hình 4. Thuyết tiến hóa di truyền màu da tạo sinh 3 nhánh sắc dân có màu da khác nhau: Tây Phi Châu, Bắc Âu và Đông Á.
Có rất nhiều gen chi phối màu da, tuy nhiên 2 gen nguyên thủy chính là KITLG và ASIP với rất nhiều đột biến tạo ra da màu nhạt của các sắc dân vùng Âu Á (Eurasian). Hiện tại công nhận là có ít nhất 3 gen chính chi phối màu da ở người, và màu da thể hiện liên tục từ nhạt (da trắng) đến sậm (da đen). Các allele chi phối màu sậm thì ưu tính so với màu nhạt. Tuy nhiên thể hình xuất hiện là màu trung gian giữa màu của hai allele đó.
Câu hỏi là đứa con của người cha và người mẹ, cả hai đều có màu da trung gian giữa da đen và da trăng, có thể thành da trắng không? Ví dụ người cha (lai giữa da trắng và da đen) và mẹ (lai giữa da trắng và da đen) có cùng màu da đen đen tự nhiên (trung gian giữa sậm và trắng) có bộ di truyền gồm 3 gen chi phối với 3 cặp allele AaBbCc (ký hiệu l¡l¡l¡) (Hình 5). Vì chi phối bởi 3 gen, nên người cha tạo 8 (=23) loại tinh trùng (hàng ngang), người mẹ cũng mang 8 loại trứng (hàng dọc). Khi thụ tinh, như trò chơi roulette trong casino, một tinh trùng chạy may rủi vào một trứng nào đó, thì đứa con sẽ mang một trong 64 nhân hình (genotype), từ nhân hình không có allele (0) ưu tính nào (ô 1/1), hay 1 trong 6 ô chứa 1 ưu tính, 25 ô chứa 2 ưu tính, 20 ô chứa 3 ưu tính, 15 ô chứa 4 ưu tính, 6 ô chứa 5 ưu tính và 1 ô chứa cả 6 allele ưu tính (ô 6/6, Hình 5).
Hình 5. Khả năng thể hiện màu da ở đứa con của cặp vợ chồng cùng có màu da hơi sậm với nhân hình AaBbCc, được phân phối theo 64 nhân hình.
Về thể hình, màu da tùy thuộc vào số lượng và vị trí allele ưu tính (vì gene A, B, C quy định màu khác nhau), từ không màu (màu nhạt nhất mà ta gọi “da trắng”, ô 1/1 với 6 liệt tính) (với xác suất 1,5%), cho tới màu thật sậm (da đen, với 6 ưu tính, ô 8/8 (với xác suất 1.5%). Như vậy, cặp vợ chồng này sanh đứa con có màu da gần giống mình với xác suất 30% (chứa 3 ưu 3 tính), và giống y hệt mình (3 ưu với vị trí y hệt mình) là 5%. Cặp vợ chồng lai này cũng có thể sanh con hoàn toàn trắng (6 liệt), hoặc hoàn đen với xác suất 1,5%.
Con gái giống cha giàu ba họ, con trai giống mẹ khổ ba đời. Đây là câu nói mang tính kỳ thị phái nữ. Nhưng đứng về mặt di truyền cũng có thể hữu lý. Khoa di truyền cho biết bản chất dịu hiền, chăm sóc người khác, chăm chỉ chuyện gia đình, dễ xiêu lòng (con năn nỉ xin xỏ mẹ chứ không dám xin cha) là bẩm sinh chứa trong gen của nhiễm thể X. Ngược lại bản tính đàn ông như can trường, thử thách, bẩm tính hướng ngoại, tháo vác chuyện xã hội, bảo vệ chống kình địch v.v. nằm trong gen ở nhiễm thể Y. Nếu đứa con trai có bản chất đàn bà thì có thể khó thành công trên đường đời, ngược lại với người đàn bà mà có bản chất đàn ông thì dễ thành công ở mọi lãnh vực. Đặc biệt dễ nhận thấy ở những “đàn bà sắt” – iron lady – lẫy lừng như Magaret Thatcher (Thủ Tướng Anh), Theresa May (Thủ Tướng Anh), Angela Merkel (Thủ tướng Đức), Park Geun-hye (Tổng Thống Đại Hàn), Yingluck Shiwanatra (nguyên Thủ tướng Thái Lan), Dilma Rousseff (Tổng Thống Brazil), Julia Gillard (Thủ tướng Úc), v.v.
Cha mẹ cú đẻ con tiên? Cha mẹ đẹp đôi sinh ra con đẹp – ai cũng cầu chúc cô dâu chú rể như vậy. Sắc đẹp tức ngoại hình minh định bởi văn hóa của mỗi dân tộc, và thay đổi theo thời gian – cái đẹp ngoại hình của người mẫu tùy theo quốc gia và thay đổi theo thời gian. Vì do rất nhiều yếu tố quy định (như chiều cao, eo bụng, ngực, trọng lượng, màu da, màu mắt, màu tóc, v.v.) vì vậy do rất nhiều gen (hàng vài chục) chi phối. Việc sanh ra con đẹp hơn hay xấu hơn là chuyện may rủi, giống như trò chơi bài bạc với bàn quay roulette khi tinh trùng chạy đến bám vào trứng theo cách ngẫu nhiên. Cũng như yếu tố màu da, việc cha mẹ (xấu như) cú vẫn có thể đẻ con (đẹp như) tiên, dĩ nhiên với xác suất thấp.
Cũng vậy, cha mẹ vốn không thông minh vẫn có cơ duyên sanh con có trí thông minh tuyệt vời hay thần đồng. Ngược lại, cha mẹ rất thông minh, bác học nhưng vẫn có trường hợp sanh ra con đần độn.
Tóm lại, ai ai cũng muốn có con cái giống mình và có sắc đẹp cùng thông minh hơn mình - “con hơn cha là nhà có phúc”. Tuy nhiên, chuyện đời không xảy ra theo như ước muốn – “cha mẹ sanh con, trời sanh tánh”. Mọi người tin tưởng là do “luật nhân quả”, do “phước đức của ông bà cha mẹ”. Bởi vì, đa số “cha mẹ hiền sanh con thảo”, “cha ăn mặn, con khát nước”. Phải chăng yếu tố đạo đức của bậc ông bà cha mẹ cũng góp phần tốt vào chọn lựa có tính “may rủi” để tạo đứa con tốt: chọn một tinh trùng chứa gen tốt nhất trong hàng vạn tinh trùng của người cha để bám vào một trứng có gen tốt nhất trong hàng ngàn trứng của người mẹ.
Ngoài yếu tố di truyền từ ông bà cha mẹ, bản chất của đứa con còn do môi trường quyết định. Đó là gia phong căn bản của gia đình, bao gồm việc tu thân tích đức của bậc ông bà cha mẹ, làm gương tốt cho con cái noi theo. Vì vậy, với môi trường giáo dục tốt của gia đình, đứa con có nhiều xác suất thành con người tốt, nhất là khi được tiếp tục nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục và xã hội tốt đẹp bên ngoài.
Trong một xã hội xuống cấp, khi giá trị văn hóa đạo đức suy đồi thì khó tạo được con người “tử tế”.
TÀI LIỆU TAM KHẢO CHÁNH
1. In what ratio does a child inherit their father's and mother's genetic traits? https://www.quora.com/In-what-ratio-does-a-child-inherit-their-fathers-and-mothers-genetic-traits
2. What are the differences between mitochondrial and nuclear DNA? https://www.quora.com/What-are-the-differences-between-mitochondrial-and-nuclear-DNA
3. Jennifer Delgado (2016). Science and Technology, 5 September 2016. Did you know that intelligence is inherited from mothers? https://www.sott.net/article/327790-Did-you-know-that-intelligence-is-inherited-from-mothers
4. Wikipedia. Human skin color. https://en.wikipedia.org/wiki/Human_skin_color
Reading, tháng 10/2016