Ung thư ở Việt Nam - Phần 3
2/3/2024BỊNH UNG THƯ Ở VIỆT NAM
Trần-Đăng Hồng, PhD
Phần 3. Ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt
Nước sinh hoạt lấy từ 3 nguồn: nước sông rạch, nước mưa, nước giếng, và nước ngầm chứa sâu trong lòng đất. Ngày xưa, khi chưa có nhà máy nước, người dân uống nước giếng, nước mưa, nước sông rạch (khi đó chưa bị ô nhiễm).
Tại Sài Gòn, nhà máy nước đầu tiên được người Pháp xây dựng năm 1879, tại Hồ Con Rùa ngày nay, nước được bơm từ một giếng sâu 20 m (Hình 1)
Hình 1. Sơ đồ trạm máy nước đầu tiên ở Sài Gòn, tại Hồ Con Rùa
Với quy mô nhỏ, nhà máy này chỉ cung cấp nước cho người Pháp gồm cả quân lính tại Sài Gòn.
Nhu cầu nước của mỗi người dân thời đó là 240 lít/ngày, dân càng ngày càng đông, nên nhà máy nước ở Hồ Con Rùa không đủ cung cấp. Bởi vì không thể lấy nước từ sông Sài Gòn hay rạch Thị Nghè ở ngay bên cạnh vì nước ở đây có nhiều bùn và mặn khi thủy triều lên cao.
Vì vậy, Thủy Cục Sài Gòn phải xây dựng thêm các nhà máy nước bơm từ nước giếng, như nhà máy nước Tân Sơn Nhất, nhà máy nước nơi Nhà Thờ Đức Bà, v.v.
Có rất nhiều nghiên cứu đề nghị đưa nước từ nơi xa về Sài Gòn, như lấy nước từ Hồ Trị An, nhưng quá tốn kém, không thể thực hiện được.
Cuối cùng, phải 80 năm sau, 1966, dự án đưa nước từ Sông Đồng Nai ở Thủ Đức về Sài Gòn mới đủ nước sạch cho Sài Gòn với dân số trên đà gia tăng.
Từ đó, các nhà máy nước của thành phố lớn đều lấy nước từ sông để biến chế mới đủ lượng nước cung cấp cho thành phố đông đúc dân cư.
Năm 1966, khi đó Sài Gòn chưa đông người như ngày nay, nhà máy nước Thủ Đức được hình thành cung cấp nguồn nước sạch cho người dân Sài Gòn, được xem như là nhà máy nước lớn nhất Đông Nam Á. Nhà máy nước Thủ Đức ban đầu là Sở sản xuất nước sông Đồng Nai (12-12-1966) với công suất tối đa là 450.000m3/ngày. Đường ống dẫn nước từ nhà máy đến Sài Gòn dài khoảng 26 km, đường kính ống 6 m.
Đến nay (2023), sau 50 năm với nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao thì quy mô sản xuất nhà máy nước cũng tăng dần và hiện đã chạm ngưỡng 750.000m³/ngày, cung cấp nước cho 10 triệu dân Sài Gòn.
Những năm gần đây, Sông Đồng Nai đã ô nhiễm trầm trọng vì rác thải và nước thoát từ các khu công nghiệp đã làm cho chất lượng nước sông ngày càng suy giảm và dần mất đi tính ổn định.
Ngày nay, các sông lớn, sông nhỏ và rạch trong nội thành hay ngoại ô đều bị ô nhiễm nặng nề.
Sài Gòn chẳng hạn. Với dân số 10 triệu, sở Vệ Sinh của thành phố chỉ giải quyết một phần rác bằng cách gom rác, chuyên chở đến địa điểm để chôn hay thiêu hủy. Đa số dân sống bên sông rạch nội thành đều quăng rác xuống sông, xả thải vào sông nước từ hồ xí, nước thải sinh hoạt, v.v.
Thêm vào đó, các cơ sở công nghiệp cũng thải vào sông rạch nước thải chưa xử lý hay xử lý thô sơ.
Ô nhiễm trên Sông Sài Gòn, bến Bạch Đằng
Rác thải sinh hoạt, rác thải từ các nhà máy và khu dân cư theo các dòng suối tuồn trực tiếp ra sông Đồng Nai (Đoạn Biên Hòa).
Riêng ở Đồng Bằng Cửu Long gồm phần đất của 12 tỉnh và thành phố, hàng năm có tổng số chất thải khoảng 3,7 triệu tấn, 90% số đó gồm rác sinh hoạt, phân súc vật gia cầm, xác gia súc gia cầm chết, rác công nghiệp, rác của bệnh viện, v.v. được thải vào sông.
Số chất thải rắn do chăn nuôi (phân gia súc) đưa thẳng vào sông rạch khoảng 22.500 tấn/ngày, chất thải lỏng (kể cả nước rửa chuồng trại) chừng 40.000 m3/ngày đêm.
Ngoài ra, nguồn gây ô nhiễm trực tiếp, đáng kể là các bè cá nuôi trên sông. Theo thống kê chưa đầy đủ thì lượng thải do các bè cá gây ra khoảng trên 3 triệu tấn/năm. Tập quán sinh hoạt nhất là việc thải trực tiếp các chất thải (từ người, gia súc và gia cầm) vào nguồn nước của cư dân trong vùng làm cho nước mặt ở ĐBSCL có độ nhiễm vi sinh cao, nồng độ Coliform trung bình khoảng 300.000 - 1.500.000 con/100ml. Thêm vào đó thói quen lạm dụng phân bón, nhất là phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, đã gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng nước mặt.
Trên Sông Tiền, riêng thành phố Mỹ Tho mỗi ngày/đêm xả ra sông Tiền không dưới 50.000m3 nước thải sinh hoạt.
Ngoài ra, người dân Đồng Tháp phải sống chung với nguồn nước ô nhiễm do nước thải từ việc nuôi cá không qua xử lý.
Dòng nước trên sông vùng Cao Lãnh còn có cả mở cá trôi lềnh bềnh, mở thải từ các cơ sở chế biến cá xuất khẩu.
Nguồn nước sông Tiền còn bị ô nhiễm bởi nước thải của các doanh nghiệp, các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn nằm ngoài các khu-cụm công nghiệp. Ngoài ra, nước sông ô nhiễm còn do người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, kể cả thuốc cấm nằm ngoài danh mục.
Tình trạng vứt xác heo chó chết trên sông
Tình trạng ô nhiễm cũng tương tự như vậy trên sông Hậu.
NƯỚC MÁY CÓ THẬT SỰ VỆ SINH KHÔNG?
Tại các quốc gia phát triển, nước được xử lý bởi những công nghệ tiên tiến, hiện đại và được dẫn chuyền bằng hệ thống đường ống dẫn nước chất lượng, bền bỉ. Nhờ đó, nước máy tại những quốc gia này được đánh giá là sạch, thậm chí là có thể uống trực tiếp tại vòi. Ví dụ điển hình cho những quốc gia mà nước máy có thể uống trực tiếp được chính là Hoa Kỳ, Tây Âu, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, v.v.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, hệ thống xử lý nước và đường ống chưa thực sự tốt: đường ống không được thay thế sau nhiều năm còn có nguy cơ bị gỉ sét, rò rỉ khiến nước máy bị nhiễm khuẩn, nhiễm kim loại nặng từ lòng đất xâm nhập vào …
Những chất độc này nếu không được loại bỏ khỏi nguồn nước máy trước khi uống sẽ âm thầm tích tụ trong cơ thể và gây bệnh cho người dùng.
Những chất độc này nếu không được loại bỏ khỏi nguồn nước máy trước khi uống sẽ âm thầm tích tụ trong cơ thể và gây bệnh cho người dùng.
Nói tóm lại, nước máy tại Việt Nam tương đối sạch, có thể dùng để tắm giặt, rửa bát, nhưng nếu muốn uống trực tiếp thì nguồn nước này chưa thực sự an toàn.
Đó là lý do tại sao ở Việt Nam ngày nay, từ thành thị đến thôn quê hẻo lánh, ai ai cũng uống “nước đóng chai” như nước uống La Vie, Aquafina, Satori, i-on tràn ngập trên thị trường Việt Nam.
Một câu hỏi nữa là nước uống đóng chai có hoàn toàn vệ sinh không?
Chưa chắc! (nếu xét trong môi trường xả hội ngày nay).
Reading, 2/3/2024