DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Bài Viết của Hạp Đinh

5/4/2024

HÔM NAY TƯỞNG NHỚ 2 NGƯỜI:
HẠP ĐINH VÀ NHƠN TRẦN.
December 2007
Anh Nhơn mến .
Đang ngồi trong phòng làm việc nhưng không có việc gì làm, ngòai trời tuyết đang rơi, bầu trời xám xịt ảm đạm, buồn buồn mở mail ra xem thấy nhắc đến tôi nên viết vài hàng góp ý cho vui.
Ba tôi không có làm việc ở Khánh Hoà mà chỉ làm việc ở Phan Rang khi ấy chưa phải là tỉnh mà chỉ là ĐẠO gọi là ĐẠO NINH THUẬN. Hồi đó ở miền Trung có 2 ĐẠO là Đạo Ninh Thuận và Đạo Đồng Nai Thượng ( sau đổi tên là Đạo Lâm Viên tức Đàlạt ) .Ba tôi được bổ nhiệm vào Ninh Thuận năm 1929 giử chức Kinh Lịch phụ tá cho Ông Ngô Đình Diệm làm Quảng Đạo . Khi tôi đi học cours enfantin ( lớp một bây giờ ) thì Ninh Thuận đã thành Tỉnh. Tuy Không ở Nhatrang lúc nhỏ nhưng hàng năm có về thăm Ông Ngoại ở Thành gần dinh Tỉnh nên tôi cũng còn nhớ mường tượng quang cảnh giống như anh mô tả vì thỉnh thoảng theo Ông Ngoại vào dinh tỉnh gặp mấy người trong đó .Trung Kỳ và Bắc Kỳ là đất Bảo hộ ( protectorat ) nên hệ thống công quyền vẫn theo chế độ Nam Triều .Nhưng người làm công chức cho Pháp thì theo ngạch trật theo quy định cuả Pháp . Một người làm quan cho Nam Triều có 3 thứ : PHẨM , HÀM và CHỨC . Ví dụ như Ba tôi về Phẩm là Chính Ngũ ; về Hàm là Thị Đốc và Chức là Kinh Lịch . PHẨM thì chia làm 2 hạng : Chính và Tùng ( Chánh , Tòng theo cách đọc Miền Trung ) . Một ngươi được gọi bằng Phẩm + Tên chỉ ở mức Bát Phẩm và Cửu Phẩm , ví dụ như Ông Cữu Hai , Ông Bát Ba … Từ Thất phẩm trở lên không gọi bằng Phẩn + Tên mà chỉ gọi bằng Chức + Tên như người ta gọi Ba tôi là Ông Kinh Hoè . Ông Nội cuả Chị Trương Thị Long Ái , Trương Thị Mỹ Nam là Ông Kinh Trương ( họ Trương tên Kỳ ) . Bát phẩm , Thất phẩm thường được ban phát cho các Chánh tổng , Lý trưởng . Ngoài ra một số phú hào có tiền bạc có thể mua Bát hay Cữu phẩm tùy theo khả năng tài chánh để mở mày mở mặt với thiên hạ . Một công chức làm cho Pháp như Ông Tham , Ông Phán cũng được Nam Triều ( Triều Nguyễn ) phong Hàm . Một số bạn cuả Ba Tôi làm trong ngành công chánh , bưu điện , toà sứ được phong hàm Thị Giản , Thị Đốc và họ thích được người dân gọi bằng Ông Thị thay vì gọi bằng có lẽ vì muốn tỏ ra còn gắn bó với dân tộc chứ không làm tay sai cho Thực dân . Một điều lạ lùng là bà con ở quê tôi bây giờ muốn truy xưng một cách hãnh diện phẩm hàm cuả tổ tiên trong chế độ phong kiến mà dân ta tốn bao xương máu đã xoá bỏ .
Tôi không bao giờ thấy Ba tôi mặc phẩm phục ( có lẽ Ba tôi tính tình đơn giản và khiêm nhường ) nhưng tôi có thấy bộ phẩm phục gồm áo ,mão , cân , đai cuả vua Tự Đức ban cho Ông Cố tôi khi nhận chức Ngụ Sử thay cụ Phan Đình Phùng khi Cụ đi kháng chiến chống Pháp . Về sau Ông Cố tôi cũng từ quan theo phong trào kháng chiến cuả Ông Nghè Nguyễn Xuân Ơn . Ba tôi rất trân trọng bộ phẩm phục đó nhưng rất tiếc bị trôi mất trong vụ lụt năm Thìn 1964 ở Phan rang .
Về trận oanh tạc ở Phan rang là do máy bay Mỹ chứ không phải máy bay Nhật và tôi có chứng kiến trận bom đó. Hồi đó chính phủ Trần Trọng Kim vừa thành lập và chỉ thị các tỉnh tổ chức lễ mừng Độc lập . Ba tôi cho tôi biết sẽ có Mét-Tinh ( cách đọc chữ Meeting ) mừng Độc lập . Lần Đầu tiên trong đới tôi được nghe 2 chữ đó mà không hiểu là gì . Ông Tuần Vũ Phan Văn Phúc giao cho Ba tôi lo phần tổ chức . Thành phố Phan Rang treo nhiều cờ Nhật và cờ Quẽ Ly . Cuộc lễ dự trù tổ chức lúc 9:00 AM tại bải đất trong cạnh chuà Ông ( kế bên chợ PhanRang ) . Hồi ấy phương tiện thông tin nghèo nàn nên dân chúng các làng tập trung thưa thớt . Ba tôi đề nghị cho giải tán và sẽ tập hợp vao lúc 3:00 PM . Khoảng hơn 9 giờ sáng máy bay Mỹ đến ném bom và bắn vào những nhà có treo cờ Nhật . Văn phòng Ba tôi bị rất nhiều vết đạn từ máy bay bắn xuống nhưng rất may Ba tôi không hề hấn gì . Khi máy bay biến mất , tôi chạy vào chỗ Ba tôi thấy ông vẫn ngồi làm việc , chỉ thị cho nhân viên lo cứu những nạn nhân còn sống sót . Nhờ dân đã giải tán nên thiệt hại nhân mạng cũng bớt đi .
Tôi không nhớ ngày tháng dương lịch nhưng hôm ấy nhằm rằm tháng hai âm lịch . Vì vậy ngày nay dân Phan Rang có tập tục cúng cô hồn vào ngày ấy để tưởng niệm những nạn nhân . Đó là một tục lệ rất đáng khuyến khích nhưng không biết bây giờ có còn tiếp tục nữa khong ?
Là cờ anh nhắc ở trên là cờ LONG TINH ( vàng , đỏ , vàng ) . Thế hệ mình chào cờ Long Tinh và cờ Tam Tài cuả Pháp ( xanh , trắng , đỏ ) . Khi chào có hát bài “ La Marseillaise” ( quốc ca Pháp ) và Bài Đăng Đàn Cung ( có lời : Kià nuí vàng , bể bạc …) . Đến thời Chính phủ Trần Trọng Kim chào cờ Quẽ Ly ( càn , khảm , can , chấn , tôn , LY , khôn , đoài .
Thời bọn mình bắt đầu đi học thì giáo dục và y tế hoàn toàn do Pháp nên không biết chức Y Sinh khớp với chức gì thời đó . Theo tôi nghĩ trong chế độ phong kiến không có tổ chức y tế công cộng . Thầy thuốc , nếu được phong chức là chỉ làm việc cho Hoàng gia và các cơ quan công quyền . Đối với dân chúng , chỉ có các thầy thuốc hành nghề tư , hoạc các vị sư ở cac chuà thường kiêm luôn nghề y ,Dân gọi Ông Nội là Ông Giáo , tôi nghĩ lúc sinh thời có dạy nghề y cho một số môn đệ . Đã dạy y thì phải dạy luôn chữ Hán để đọc sách thuốc . Có lẽ vì vậy mà họ gọi Ông Nội là Ông Giao Tám .
Đã tới giờ phải ra đưa Huê đi khám bệnh nên chấm dứt ở đây vậy . Vài hàng góp ý cho vui .
 
Đinh Viết Hạp