Chó tiến hóa thành bạn thân của người
7/2/2018
CHÓ TIẾN HÓA THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH BẠN THÂN CỦA NGƯỜI
Trần-Đăng Hồng, PhD
Trong các loài thú nuôi, chó là bạn thân thiết nhất của người. Chó trung thành với chủ, không phản chủ, không bỏ chủ nghèo hèn để theo kẻ giàu sang phú quý hơn. Ngoài ra, có nhiều con chó chết theo chủ hay hy sinh chết vì chủ. Tại sao vậy?
Chó được chuyển 2 gen của người trong quá trình kết bạn
Ngoài nhiều điều đáng kinh ngạc về tình yêu thân thiết giữa người và chó, một điều thích thú khác là chó và người cùng có chung 2 gen GTF2I và GTF2IRD1 trong bộ di truyền. Ở chó, đó là tính thân thiện, đồng cảm, và đây là điểm chính mà tổ tiên chúng là chó sói không có 2 gen này, mà chỉ thấy phát triển ở chó trong quá trình thuần hóa bởi con người trong thời gian ít nhất cũng 15.000 năm.
Ở người bình thường, hai gen này ít biểu hiện rõ rệt ngoại trừ tính thân thiện với mọi người trong xã hội và tính đồng cảm. Tuy nhiên, hai gen này biểu hiện rỏ khi bị biến dạng do đột biến lúc mang thai, nhất là do di truyền như ở người bị hội chứng bệnh Williams-Beuren (Syndrome). Người mắc bệnh này có mặt bị biến dạng, trí óc đần độn, tâm lý bất thường, không thân thiện với ai và xa lánh mọi người.
Để tìm sự đồng cảm, chó nhìn chòng chọc vào mắt người chủ vì “mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Khám phá mới về di truyền này cho thấy chó có động lực tìm sự đồng cảm ở người chủ mà loài chó sói không có. Sự biến đổi hai gen này không giống nhau ở người và chó. Ở chó, qua hiện tượng di truyền thay đổi vị trí (transposons) của đoạn nhiễm-thể để chèn hai gen của người vào bộ di truyền của chó làm chúng có khuynh hướng mạnh tìm cách tiếp cận với người. Chèn hai gen này chỉ thấy ở bộ di truyền của chó mà không thấy ở chó sói. Nhóm nghiên cứu ở Đại Học Princeton Hoa Kỳ cho biết là không tìm thấy được “gen thân thiện” nào, mà chỉ thấy thành phần di truyền đã hình thành nên bản tính của chó trong giai đoạn thuần hóa chó sói hoang dại để thành chó nuôi.
Hình 1. Chó nhìn chòng chọc vào mắt chủ như thôi miên để tìm hiểu ý chủ
Lãm sao chó sói tiến hóa biến thành chó nuôi
Cách đây 11-15 ngàn năm, con người bắt đầu biết thuần hóa động vật hoang dã (domestication) thành thú nhà, gieo trồng giống cây thực phẩm thu lượm từ đồng hoang để trồng nơi cư trú, để giảm công đi săn bắn hay lượm nhặt lương thực. Nông nghiệp sơ khởi bắt đầu từ đó.
Một nghiên cứu mới nhất đăng trên tạp chí Nature Communications cho biết loài chó tách ra khỏi loài chó sói cách đây khoảng 40.000 năm. Nghiên cứu này cho rằng con người không thuần hóa trực tiếp loài chó sói hoang, mà gián tiếp từ vài con chó sói dạn dĩ tiến gần đến các trại của người săn bắn thú để tìm thực phẩm.
Động vật đầu tiên được con người nuôi là chó do thuần hóa từ loài chó sói (wolf). Chó sói và người tiền sử sống cộng sinh, chó sói không có đủ tầm vóc và sức mạnh như cọp hay sư tử, nên phải xa lánh hai con vật này. Chúng cũng chưa có đủ sức mạnh và trí khôn để tấn công người, vì người tiền sử đi săn bắn thành đoàn và có khí giới giết thú, nên chó sói thường quanh quẩn theo người để ăn xương, da dư thừa. Đối với người, chó sói được xem hữu ích vì chúng báo động khi có thú dữ như cọp sư tử đến gần.
Hình 2. Tranh minh họa tại một địa điểm săn bắn thời tiền sử, chó sói gặm xương do người quăng cho chúng
Khi con người tạo được lửa để sưởi ấm ban đêm và nướng thịt, cọp sư tử không dám bén mảng đến nơi có lửa, chỉ có chó sói đến gần để ăn chực xương da. Trong số này, vài chó sói con dạn dĩ mon men đến gần, và người đưa trực tiếp thịt, xương, da cho chúng ăn. Với thời gian, sói không còn sợ người nữa mà quấn quit bên người. Đó là cầu nối thân thiện giữa người và sói. Con người thuần hóa sói từ đó.
Thuần hóa chó sói cũng giúp con người đi săn. Qua chung sống cộng sinh, con người tuyển chọn từ chó sói những đặc tính tốt để biến thành chó nhà, hiền, dễ dạy, thông minh, v.v.
Để chứng minh sự thuần hóa thú hoang thành thú nhà, một thí nghiệm kéo dài rất nhiều năm do Dmitri K. Belyaev (Nga) thực hiện trong thập niên 1950s với loài chồn Silver Fox (Vulpes vulpes). Loài chồn này rất nhát, chạy lẫn trốn khi gặp người. Nhóm nghiên cứu tuyển chọn trong số chồn con những con ít sợ người nhất, rồi nuôi và gầy giống. Tiếp tục tuyển chọn với các con thân thiện và dễ dạy. Cuối cùng, nhóm ông tạo được giống chồn màu xám với tánh nết hoàn toàn thay đổi: không còn sợ mà lại thân thiện với người, biết vẫy đuôi quấn quít mừng rỡ, biết liếm vào tay chủ để tỏ sự thương yêu.
Vào thời điểm nào chó là bạn thân của người
Ai có nuôi chó đều biết là chó nhìn chòng chọc vào mắt chủ để thăm dò chủ vì “mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Cái nhìn chòng chọc như thôi miên của chó phản ảnh diễn trình tiến hóa trong vài ngàn năm ở loài chó, và được trình tự hóa qua sản xuất các kích thích tố trong cơ thể. Các nhà khoa học Nhật Bản cho biết cả người lẫn chó khi nhìn nhau thắm thiết đều sản xuất kích thích tố oxytocin, giống y như cảnh người mẹ nhìn đứa con đang bú vú vừa nhìn vào mắt mẹ, cũng sản xuất oxytocin ở cả mẹ lẫn con. Oxytocin là kích thích tố tạo cảm giác hạnh phúc, nó cũng ngăn chận sản xuất chất cortisol là chất kích thích tố tạo căng thẳng tinh thần (stress). Vì vậy, người biết thương yêu chó thường có sức khỏe tốt.
Hình 3. Cái nhìn thân thiện vào mắt nhau giữa chủ và chó
Nhà nhân chủng học Robert Losey của Đại Học Alberta (Canada) nghiên cứu sự thân cận giữa người và chó qua nhiều thời đại lịch sử.
Một nghiên cứu nổi tiếng của ông là khai quật thi thể của chó bị chôn vùi tại Hồ Baikal ở Tây Bá Lợi Á (Siberia), tại tầng băng nước ngọt có niên đại từ 5.000 đến 8.000 tuổi, là nơi có hồ sâu nhất thế giới. Điều làm mọi người kinh ngạc là thấy chó được chôn cùng với chủ trong nghĩa địa, chứng tỏ chó được thuần hóa rất sớm và cũng cho thấy chó có một vị trí cao như con người. Chẳng hạn, vài thi thể chó được trang trí với dây mang cổ rất đẹp, chôn theo cùng nhiều vật dụng cho chó ăn, người tiền sử xem chó có linh hồn giống như người. Có nơi thấy người chủ chết được chôn cùng với 2 con chó, mỗi bên một con. Phân tích DNA, cho biết con người cách đây 8.000 năm cũng chăm sóc chó như ngày nay, và người xưa cũng đã biết huấn luyện chó thành chó săn, chó kéo xe trượt tuyết (như nai tuần lộc ở Bắc Cực). Một điều kinh ngạc nữa, cũng qua phân tích DNA, cho thấy con người cũng ăn thịt chó qua vài thời kỳ trong lịch sử xa xưa.
Chó nhà được tuyển chọn thành bạn thân ở 2 địa điểm độc lập và ở 2 thời kỳ khác nhau
Các di tích khảo cổ cho biết thi thể chó được chôn chung với người cách đây 14.000 năm, thấy ở hai địa điểm cách xa ở Bắc Mỹ và Nhật Bản.
Trước đây, các nhà khoa học nghĩ rằng chó được thuần hóa chỉ một lần tại vùng thuộc Châu Âu hay Trung Á hay Trung Hoa.
Ngày nay, với phương pháp phân tích DNA, các nhà khoa học ở Đại Học Oxford, Anh Quốc chứng minh rằng người tiền sử thuần hóa chó thành bạn thân không phải do một lần mà tới 2 lần, ở hai vị trí cách xa nhau là Âu Châu và Á Châu.
Các di vật cho thấy con người và cho săn sống chung với nhau cách đây 15.000 năm, tức 5.000 năm trước khi thuần hóa bò, cừu và heo.
Nhóm nghiên cứu Đại Học Oxford dùng xương hàm kế mang tai của chó có niên đại 4.800 năm đào được ở Ái Nhĩ Lan, và họ nghiên cứu bộ di truyền để so sánh với chó hiện đại và DNA của 59 chó thời tiền sử ở nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới.
Sau khi thiết lập gia phả của chó dựa vào hệ di truyền, các nhà khoa học kết luận là chó được thuần hóa ở cả 2 vùng, gồm Đông và Tây của Eurasia, chứ không phải ở giữa. Theo các khảo cứu, chó ngày nay có tổ tiên chung là chó sói lông xám ở Mỹ Châu.
Trong suốt lịch sử lâu dài từ thời cổ đại, chó Á Châu như ở vùng A Phú Hãn theo di dân đến vùng Âu Châu và dần dần thay thế, nên đa số chó vùng Âu Châu hiện nay đều có nguồn gốc chó Á Châu.
Một điều chưa giải thích được là từ chó sói lông xám ở Mỹ Châu sao được di chuyển qua nhiều thời đại không gian và thời gian, để cuối cùng trăm hoa đua nở với hang vạn giống chó, từ chó săn lớn con ở A Phú Hãn cho tới chó nhỏ thó Yorkie săn chuột (Yorkshire terriers) ở Anh.
Hình 4. Gia phả loài chó trên thế giới
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. India Times (21/7/2017). Why Are Dogs Man’s Best Friend? Apparently, They’re Genetically Predisposed To Be That Way. https://www.indiatimes.com/health/healthyliving/why-are-dogs-man-s-best-friend-apparently-they-re-genetically-predisposed-to-be-that-way-326301.html
2. Geoff Mcmaster (2/3/2016). Researcher explores close prehistoric relationship between humans and dogs. https://phys.org/news/2016-03-explores-prehistoric-relationship-humans-dogs.html
3. Wikipedia (online February 2017). Origin of the domestic dog. https://en.wikipedia.org/wiki/Origin_of_the_domestic_dog
4. Ben Hirschler (2/6/2016). How dogs became man’s best friend – twice over. https://www.reuters.com/article/us-science-dogs/how-dogs-became-mans-best-friend-twice-over-idUSKCN0YO2FG