DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Cực đoan và di truyền

̣9/11/2017

TÍNH CỰC ĐOAN VÀ ĐỘC ÁC ĐƯỢC DI TRUYỀN ?
Trần-Đăng Hồng, PhD
 
Nhân chi sơ tính bổn thiện?  
Kể từ biến cố khủng bố 11/9/2001 do nhóm Hồi Giáo cực đoan al-Qaeda tổ chức tại New York (Hoa Kỳ), và tiếp theo là nhiều cuộc khủng bố do nhóm Nhà Nước Hồi Giáo (IS, ISIS) thực hiện trên khắp thế giới với mức độ tàn ác và khát máu ngoài sức tưởng tượng, các cơ quan tình báo, như CIA, và các nhà khoa học tâm lý cũng như di truyền bắt tay vào cuộc nghiên cứu về hành vi tàn ác (cruelty) do cực đoan (extremist) để tìm cách chửa trị hay ngăn ngừa (11).
Không phải chỉ riêng Hồi Giáo mới có một thiểu số cực đoan, mà bất cứ tôn giáo nào khác cũng có những thành phần quá khích. Ngay cả Đạo Phật, vốn chủ trương hỷ xả, khoan dung và cấm sát sanh, vẫn có những nhà sư uy tín và tín đồ Phật giáo cực đoan, như tình trạng vừa xảy ra ở Miến Điện (Myanmar) cho người Hồi Giáo Rohyngya. Tương tự như vậy, tuy ít trầm trọng hơn, đang xảy ra ở vài nơi tại Thái Lan.
Không những chỉ ở tôn giáo, mà cực đoan còn hiện diện ở mọi hình thức trong xã hội như chủ nghĩa dân tộc, phân biệt chủng tộc, phân biệt vùng miền, phân biệt giới tính, phân biệt màu da (Quyền của người Da Trắng - White power; Quyền cùa của người Da Đen -  Black power), đảng phái cực hữu hay cực tả, hội đoàn như Quyền của thú vật - animal rights; Hòa bình xanh - Green Peace; chống phá thai -  anti abortion, v.v. Lịch sử đã trải qua những thời kỳ đen tối do hành vi chống nhân loại, như Hitler đối với người Do Thái, Stalin ở Liên Xô, Mao Trạch Đông ở Trung quốc, hay Polpot của Khmer Rouge ở Campuchia, v.v. Tương tự như vậy, cũng có những cá nhân dùng súng giết người hàng loạt nơi công cộng một cách vô cớ như ông Stephen Paddock tại Las Vegas cuối tháng 7/2017 vừa qua. Vậy tất cả các tính cực đoan và tàn ác này là do di truyền hay do môi trường tạo nên?
Trong bài này, tác giả lần lượt phân tích sự liên hệ giữa yếu tố di truyền với bản chất của con người, kể cả tính cực đoan khủng bố và độc ác.
Ngày nay, các nhà khoa học chứng minh qua ngành di truyền học rằng cá tính (tư cách hay nhân cách, personality), hành vi chống báng xã hội (anti-social behaviour), hành vi tội ác (criminal behaviour), và lòng trắc ẩn từ tâm đều được di truyền (1). Một đặc điểm chung là gen di truyền những đặc tính này chỉ phát triển sau tuổi 12 khi bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành, nhưng chỉ đóng góp 1% - 40%, phần còn lại là do môi trường bên ngoài chi phối (1) Môi trường ở đây là giáo dục, văn hóa, tôn giáo, chính trị, v.v. Điều này có nghĩa rằng, sau khi được sinh ra, nếu đứa bé được tiếp cận nhiều với điều kiện giáo dục văn hóa tốt thì có nhiều khả năng đứa bé thành con người tốt. Ngược lại, nếu đứa bé được nuôi dưỡng trong một xã hội xấu, tham lam và gian ác, thì đứa bé có tiềm năng gian ác tham lam khi lớn lên. Cũng vậy, lúc bé mà được “nhồi sọ” bởi một ý thức hệ nào đó, thì khi lớn lên rất khó “tẩy não”.
Gen tư duy
Nhiều nhà khoa học tâm lý và di truyền cho rằng tư duy con người là do gen VMAT2 chi phối (2). Tư duy là cách suy nghĩ riêng biệt của mỗi người, và nó quyết định thành thái độ (attitude), niềm tin (belief), đức tin tôn giáo (faith), lòng trung thành (loyalty), v.v. Tùy theo môi trường nuôi dưỡng mà tư duy biến đổi theo nhiều dạng khác nhau. Cha mẹ làm chánh trị, con cái thường có chính kiến giống như cha mẹ. Cha mẹ tôn sùng mộ đạo thì con cái cũng có đức tin tôn giáo cao v.v. Gen VMAT2 giữ vai trò vận chuyển túi monoamine điều hành sản xuất hóa chất trong bộ não là serotonin, dopamine và norepinephrine. Các hóa chất này giữ vai trò điều khiển hoạt động của phần bộ não chi phối vào thái độ, xúc động tâm lý và lương tâm, và đức tin vào sự kiện huyền bí. Đối với tôn giáo, gen VMAT2 chi phối đức tin nên còn được đặt tên là God Gene (2).
Gen đạo đức
Mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc Đại Học Wayne State University (Hoa Kỳ) tường trình trong tạp chí Plos One rằng phán xét hành vi đạo đức (morality) được chi phối bởi một gen đa hình (genetic polymorphism) có tên SLC6A4, nghĩa là gen chi phối đạo đức, được biểu hiện qua nhiều hình thức (3). Đây là gen quy định hoạt động sản xuất chất serotonin, là chất quan trọng nhất trong nghiên cứu ngành tâm lý học và khoa thần kinh học vì nó giữ vai trò trong lý luận đạo đức và hành vi cư xử trong xã hội. Việc phán xét một hành vi có đạo đức hay không còn tùy theo cá tính (yếu tố di truyền), và văn hóa, tôn giáo v.v. (yếu tố môi trường).
Gen tử tế
Các nghiên cứu mới đây ở Đại học Buffalo và Đại học California, Irvine (8, 9) cho biết bản tính tử tế (niceness) và cao thượng (generosity) được di truyền do một hay nhiều gen. Những “gen tử tế” này sản xuất hai kích thích tố là oxytocin và vasopressin trong bộ não và tạo con người có bản tính thân thiện, vị tha trong cách đối xử, nhất là tôn trọng luật pháp và có lòng từ thiện. Gen AVPR1A và gen CNR1 liên hệ tới biểu hiện tính cảm xúc (7, 9).
Trong một nghiên cứu với 348 người tham gia để tìm sự tương quan giữa oxytocin (OXTR của gen rs53576) và vasopressin (AVPR1a của gen rs1rs3) với bản tính từ tâm thì thấy có sự liên quan chặt chẽ. Những ai có gen OXTR rs53576, sản xuất nhiều oxytoxin, thì có khuynh hướng làm chuyện từ thiện và tuân thủ luật pháp, còn ai có một hay hai alleles AVPR1a rs1 thì ít quan tâm chuyện làm từ thiện (8).
Gen đồng cảm
Các genCYP11B1, NTRK1GABRB3 có liên hệ với tính đồng cảm (empathy). Thiếu hay các gen này bị đột biến không hoạt động được, con người thiếu tính cảm thông với người khác và thường đưa đến bạo hành, tàn ác với kẻ khác (7, 9).
Gen chiến binh và hành vi tội ác
Tính háo chiến thích gây hấn và sử dụng sức mạnh để tấn công áp chế người khác cũng được di truyền và được đặt tên “gen chiến binh” (warrior gene).
Trước đây, câu hỏi được đặt ra là hành vi tội ác (criminal behaviour) là do yếu tố di truyền hay do môi trường xã hội gây nên? Ngày nay, các nghiên cứu cho biết là cả hai yếu tố di truyền và môi trường xã hội quy định hành vi tội ác của con người. Nhiều nghiên cứu đã thực hiện với anh chị em sinh đôi (giống nhau về yếu tố di truyền), liên hệ gia đình và con nuôi, nhà nuôi trẻ mồ côi, cũng như các nghiên cứu ở phòng thí nghiệm, chứng minh ảnh hưởng của cả hai yếu tố này. Ngoài ra, hai yếu tố di truyền và môi trường còn có ảnh hưởng tương tác với nhau, nên có thể tiên đoán hành vi tội ác của một người qua hành vi tội ác của cha mẹ và môi trường của đứa con được nuôi dưỡng.
Các nghiên cứu tại Karolinska Institute ở Sweden khám phá hai gen đột biến  có liên quan đến bản chất bạo hành tội ác như giết người. Thứ nhất là gen sản xuất chất monoamine oxidase A (MAOA), liên kết với kích thích tố dopamine trong bộ não liên quan đến tình cảm hạnh phúc và cuộc sống chuẩn mực. Gen thứ hai là Cadherin 13 (CDH13) kiểm soát tính bốc đồng (11).
Đặc tính di truyền của hành vi bạo hành và tội ác đượcxác định bởi gen đột biến MAOA (monoamine oxidase A) trong bộ não (9). Gen này nằm trong nhiễm thể phái tính X truyền từ người mẹ. Phái nam chỉ chứa một X (đàn ông XY), phái nữ chứa 2X (đàn bà XX). Gen MAOA sản xuất enzyme monoamine oxidase A. tương tác với các kích thích tố dẫn truyền qua hệ thần kinh như serotonin, epinephrine,  dopamine và norephredinetạo thành nhiều vấn nạn trong việc truyền thông giữa các phần trong bộ não. Các nhà di truyền học cho rằng có ít nhất 4 alleles của gen này làm ảnh hưởng đến số lượng enzyme monoamine oxidase A (10). Khi bị đột biến, gen này gây giảm sút nồng độ chất 5-HIAA (5-Hydroxyindoleacetic acid) trong não thùy. Chất 5-HIAA là chất tạo sinh ra serotonin, có nhiệm vụ kiểm soát thăng bằng hành vi bình thường của con người. Việc giảm nồng độ chất này làm mất thăng bằng hành vi và làm tăng bản chất hung dữ bốc đồng đưa tới hành vi tội ác (10).
Trong bộ di truyền ai cũng có gen 5-HT với chỉ 1 hay cả 2 alleles, sản xuất chất truyền dẫn thân kinh 5-hydroxytryptamine. Gen 5-HT mã hóa việc chuyên chở protein serotonin tác động hệ thần kinh bằng cách kiểm soát trạng thái tinh thần, cảm xúc, bạo lực, giấc ngủ và sự lo âu. Có ít nhất 13 chất tiếp nhận chất 5-hydrotrypttamine, và cùng nhiều phân tử khác nữa, tương tác với nhau, và điều khiển gen 5-HT trong bộ não sản xuất ra nhiều nồng độ serotonin khác nhau, tạo tính bạo hành và hành vi chống báng xã hội với cường độ khác nhau.Nếu gen 5-HT này bị khuyết điểm, đột biến, không sản xuất được serotonin, nhất là khi cả hai alelles bị hỏng, thì tạo nên tính bạo hành, gia tăng hành vi chống báng xã hội. Hể serotonin càng ít thì tính bạo hành càng mạnh (10).
 Các nghiên cứu còn cho biết vai trò của gen 5-HT trong bịnh tự kỷ (autism), tính lơ đảng, tính bạo lực, khủng hoảng tinh thần, trẻ thơ đột tử, thính giác có vấn đề, dễ nghiện ngập nha phiến, và dễ có ý tưởng tự tử.
Ngoài ra, nghiên cứu ở Đại học King’s College London cũng xác định gen kiểm soát hoạt động của enzyme MAOA (monoamine oxidase A) là gen chính của bạo hành và chống báng xã hội. Các nghiên cứu cho biết những đứa bé có mang gen chống báng xã hội này có thể sẽ trở nên tội phạm, nhất là khi chúng bị ngược đãi, bị đánh đập ở thời thơ ấu. Công cuộc nghiên cứu một nhóm thanh niên, trong số này có 33 em bị ngược đãi trầm trọng trong số 154 đứa bị bạc đãi. Kết quả cho thấy người nào có chứa gen liên kết với sản xuất ít chất enzyme MAOA thì thuộc loại chống báng xã hội nặng nề như tội phạm bạo lực. Ngược lại nhóm thanh niên có gen sản xuất nhiều chất MAOA thì hiếm khi có hành vi chống báng xã hội. Khi bị ngược đãi trong thời thơ ấu, gen này bị kiềm chế nên tạo ít chất MAOA làm con người trở nên bạo ngược và bạo động. Trong bộ não, hễ thiếu MAOA thì ảnh hưởng đến hệ thần kinh tạo các hành vi chống phá, hiếu chiến và thích bạo động (4, 10).
Kết quả nghiên cứu cho thấy chứng hành vi chống báng xã hội được di truyền rất mạnh ở nhóm trẻ bị rối loạn tâm thần (Psychopaths). Chứng rối loạn tâm thần ở đây là do thiếu đồng cảm (empathy), thiếu cảm thông với người khác và không có lương tâm, không biết ăn năn hối hận khi làm điều xấu. Nhóm trẻ có hành vi chống báng xã hội do tính di truyền, coi như là một tật bẩm sinh, thì không thể chữa trị được và chứng hành vi chống báng xã hội duy trì suốt đời (5).
Một trường hợp nổi tiếng đặc biệt được nghiên cứu nhiều là trong một gia đình người Hòa Lan mà gen MAOA không sản xuất được serotonin, thì cả 3 anh em trai đều rất hiếu chiến và chống báng xã hội (10).
Vì vậy, một khi cha hay mẹ hay cả hai có gen bạo động này thì con cái có nhiều cơ hội tạo hành vi tội ác, nhất là được nuôi dưỡng trong môi trường nhiều bạo lực.
 
Ảnh hưởng tương tác giữa các kích thích tố dẫn truyền thần kinh.
Tóm lại, tới ngày nay chưa tìm thấy một hay vài gen đích xác nào chi phối tính bạo hành và độc ác, mà chỉ tìm thấy gián tiếp một số gen ảnh hưởng tới tạo sinh chất kích thích tố dẫn truyền thần kinh làm ảnh tưởng tới hành vi bạo lực và gây tội ác.
Oxytocin (love hormone) là một kích thích tố dẫn truyền trong kỳ trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, tạo tính đồng cảm, tin cẩn, tính thân thiện và tình dục. Kích thích tố này gia tăng khi âu yếm, dục tình, hạnh phúc, mất sự âu lo, vì vậy được đặt tên là “love hormone” – kích thích tố tình thương. Oxytocin được sản xuất ở phần hypothalamus trong bộ não. Bú sữa mẹ tạo đứa con nhiều tiềm năng có những đức tính tốt này.
Vasopressin là kích thích tố được sản xuất bởi tế bào thần kinh ở trong hypothalamus rồi được dẫn truyền theo hệ thần kinh. Nó làm co thắt mạch máu nên làm gia tăng áp huyết. Vasopressin giúp điều hòa việc ngũ thức theo chu kỳ đêm ngày, và điều hòa thân nhiệt. Vasopressin giữ vai trò quan trọng điều khiển hành vi cư xử trong xã hội, tạo nhịp cầu gắn bó thân thiện, tình thương, dục tính và căng thẳng tinh thần. Vasopressin có đời sống ngắn ngủi, chỉ khoảng 15-24 phút.
Serotonin là chất 5-hydroxytryptamine (5-HT), một monoamine dẫn truyền trong hệ thần kinh. Serotonin thấy ở trong bộ tiêu hóa, tế bào máu và trong trung khu thần kinh bộ não. Được sản xuất bởi tế bào máu và bởi tế bào trung khu thần kinh ở não, serotonin được cho là có nhiệm vụ chính trong việc điều hòa cảm quan hạnh phúc như sảng khoái, ăn ngon, giấc ngủ. Nó cũng có phận sự trong nhận thức, trí nhớ và kinh nghiệm học tập (12).
Hoạt động của serotonin truyền dẫn thần kinh giữ vai trò quan trọng trong việc phán xét đạo đức và các hành vi ứng xử trong xã hội, ngăn cản việc bộc phát tính bốc đồng hiếu chiến. Serotonin được ghi nhận chi phối tư cách và cách cảm ứng tình cảm của con người. Một khi nồng độ serotonin thấp tạo con người có chứng trầm cảm (depression), âu lo, có ý nghĩ tự tử, và tính tình hung dữ bốc đồng. Ngược lại, lượng serotonin càng cao thì con người càng cảm thấy sảng khoái và hạnh phúc (9, 12). Khi thực hành lễ nghi tôn giáo, tinh thần người mộ đạo trở nên thanh thản hạnh phúc vì lượng serotonin dẫn truyền thần kinh tăng cao.
Trong cơ thể, serotonin được gan biến thành chất 5-HIAA (5-Hydroxyindoleacetic acid). Vì một nguyên nhân nào đó, như gen bị đột biến, không sản xuất hay sản xuất ít serotonin,  lượng 5-HIAA suy giảm làm mất thăng bằng hành vi và làm gia tăng bản chất hung dữ bốc đồng có thể đưa tới hành vi tội ác như giết người (9). Nghiên cứu cho biết có sự liên kết chặt chẽ giữa gen 5-HT2A-1438 GG làm giảm lượng serotonin với hành vi tội ác (12).
Serotonin là chất dẫn truyền tín hiệu từ nơi này đến nơi khác trong bộ não. Vì dẫn truyền được đến mọi nơi, nên ảnh hưởng đến tâm thần và các chức năng của cơ thể. Bộ não có khoảng 40 triệu tế bào, tất cả đều bị trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng bởi serotonin: kiểm soát trạng thái tinh thần, ham muốn tình dục, ăn ngon, giấc ngủ, trí nhớ, khả năng học tập, kiểm soát thân nhiệt, và hành vi đối xử.
Ngoài ra, serotonin có liên hệ với chất dẫn truyền qua hệ thần kinh là 5-hydroxytryptamine (viết tắt 5-HT) là chất tạo tính bạo hành. Các nghiên cứu cho biết có khoảng 13 loại tiếp thụ 5-HT (receptor) và vô số phân tử khác, tương tác với 5-HT ở trong bộ não.
Một cách tổng quát, nếu số lượng 5-HT thấp thì làm gia tăng tính bạo lực và mất khả năng kiềm chế tính bốc đồng. Ngược lại, nếu lượng 5-HT cao thì tính bạo lực suy giảm. Người có mang alleles sản xuất ít enzyme MAOA, đặc biệt khi còn nhỏ bị hành hạ thể xác thì khi lớn là những kẻ bạo hành, chống phá xã hội. Tuy nhiên, không phải ai sản xuất ít enzyme MAOA cũng đều bạo hành và chống báng xã hội, ngoài trừ thời thơ ấu bị bạc đãi.
Ngoài các chất nói trên, còn vài enzymes khác trong hệ thần kinh cũng ảnh hưởng tới hành vi tội ác. Đó là epinephrine, norepinephrine và dopamine. Các chất epinephrine, norepinephrine và dopamine quy định cá tính của bệnh thần kinh.
Dopamine là chất 3,4-dihydroxyphenethylamine từ chất L-Dopa được tổng hợp trong bộ não và thận. Dopamine cũng hiện diện trong thảo mộc (dùng làm thuốc tăng cường lượng dopamine). Trong bộ não, dopamine là chất lưu truyền qua hệ thần kinh mang tín hiệu đến mọi tế bào thần kinh trong cơ thể. Cơ thể cần chất dopamine cho sự thăng bằng và vận động bình thường. Thiếu dopamine thì cơ thể mất thăng bằng khi đi đứng, tay chân run rẩy như người bịnh Parkinson. Ngược lại, nếu lượng dopamine quá cao tạo con người trở nên ghiền nghiện, mất sự chú ý, thích khoái lạc, hệ miễn nhiễm suy nhược, tụy tạng (pancreas) sản xuất ít insulin và tính tình trở nên hung hăng ưa bạo động, sống vô đạo đức (11, 13). Tính bốc đồng hiếu chiến cũng gia tăng khi lượng dopamine quá cao (13).
Epinephrine (hay Adrenaline) là một kích tố dẫn truyền thần kinh, được sản xuất bởi tuyến adrenal và bởi một số tế bào thần kinh. Nhiệm vụ làm tăng vận tốc dòng máu, tăng nhịp tim, tăng độ đường trong máu, làm con ngươi mắt mở rộng. Epinephrine ảnh hưởng đến hệ thần kinh giao cảm, gia tăng cảm xúc sợ sệt, căng thẳng (stress), làm chấn thương tinh thần (14).
Norephredine (hay noradrenalin) là một kích tố dẫn truyền thần kinh. Trong bộ não, norepinephrine được sản xuất trong nhân tế bào, tuy số lượng nhỏ nhưng làm ảnh hưởng đến tất cả các phần khác trong bộ não. Nhiệm vụ tổng quát của norephredine là động viên bộ óc và cơ thể hành động. Khi ngủ, lượng norepinephrine thấp nhất, gia tăng lúc thức dậy, và cực cao điểm khi tinh thần căng thẳng hay gặp lúc nguy khốn. Trong bộ não norepinephrine làm gia tăng tính báo động, cảnh giác, tính chú ý, cũng như làm gia tăng lo sợ (15).
Trong cơ thể của người có tánh tình ôn hòa, có sự thăng bằng hài hòa giữa serotonin và dopamine (12). Hệ thần kinh kiểm soát chức năng của những gen sản xuất chất 5-HT tạo sự thăng bằng hài hòa giữa dopamine5-hydroxytryptamin và serotonin. Chẳng hạn, gen 5-HT2 kiềm chế dopamine hoạt động nhờ vậy serotonin có lượng cao làm con người sảng khoái. Trong trường hợp gen bị đột biến lượng serotonin thấp thì lượng dopamine gia tăng, làm gia tăng tính bốc đồng hiếu chiến (12).
Serotonin và norepinephrine là 2 chất dẫn truyền thần kinh kiểm soát trạng thái tinh thần và được xem là có liên hệ với chứng bệnh trầm cảm (depression). Thiếu một trong hai chất này có thể gây trầm cảm, nên cả hai chất này dùng để chữa trị trầm cảm.
Sự tương tác giữa enzyme MAOA với serotonin, dopamine và norephredine rất phức tạp tạo ra một giãi cường độ biến thiên từ cực hữu đến cực tả. Vì phái nam chỉ chứa một nhiễm thể giới tính X nên dễ nghiên cứu tính bạo hành và hành vi chống báng xã hội ở đàn ông, trong lúc phái nữ chứa 2X, tức chứa gấp đôi số lượng gen MAOA nên sự tương tác khó được hiểu tường tận tính bạo hành ở đàn bà (10).
Ngoài ra, có thuyết cho rằng kích thích tố testerone cũng làm gia tăng tính bạo lực, đặc biệt ở đàn ông, nhưng thuyết này được chứng minh là không đủ để thuyết phục. Cần biết rằng testerone cũng hiện diện ở đàn bà, lại có số lượng cao nhiều hơn ở đàn ông (10).
 
Cách vận hành của các kích thích tố truyền dẫn thần kinh
Với khoa học thần kinh, bộ não con người có 2 phần là vỏ não thùy trán (prefrontal cortex) và phần điều hợp thần kinh vỏ não thùy trán (ACC, anterior cingulate cortex) là nơi các sợi tế bào thần kinh tụ họp ở phần trán tại nơi gọi là corpus callosum, là trung tâm điều hành nhân tính kể cả tính bạo hành (10).
Chuổi nhân (raphe nuclei) trong não có nhiệm vụ tiết serotonin và chất này theo hệ thần kinh dẫn truyền đến mọi nơi trong bộ não.
Vỏ thùy trán trước có liên hệ tới những cấu trúc chi phối hành vi đối xử là amygdala (hạch hạnh nhân) và hypothalamus (hạch đồi dưới). Một cách tổng quát, những bộ phận này nhận thông tin từ những vùng khác trong bộ não (như thị giác, khứu giác, xúc giác, đau đớn, thính giác, trí nhớ, ngôn ngữ, v.v.) và chúng tương tác với nhau tạo thành một loại tín hiệu phản hồi làm kích thích các hệ thống của cơ thể như kích thích tố, kích thích tố dẫn truyền thần kinh và các cơ thịt hoạt động (10).
 


Hình 1
. Sơ đồ bộ não với các vùng chức năng
 
Vỏ thùy trán trước cũng thực hiện một số phận sự khác như giữ vai trò chính của nội tâm, nhận thức cảm xúc, điều hòa cảm xúc, nhận diện trường hợp xung đột, và tạo một số phản ứng thần kinh tương ứng với các tương tác giao tế. Phần điều hợp thần kinh vỏ não thùy trán (ACC, anterior cingulate cortex) có chức năng tự trị như điều hòa áp xuất máu, nhịp tim, cũng là nơi quyết định thái độ, phân biệt sai trái, đạo đức và kiểm soát tính bốc đồng. ACC hình như cũng điều hòa phản ứng với sự giận dữ, đau đớn và giao tế (10).
 


Hinh 2
. Sơ đồ bộ não với các vùng chức năng (tiêt diện ngang)
 
Kết quả nghiên cứu các hình chụp thần kinh bộ não của các người có tính hiếu chiến ưa gây hấn thì thấy hoạt động của tế bào thần kinh yếu, sự biến dưỡng đường glucose giảm, suy giảm chất xám trong vỏ thùy trán so với người có bản tính ôn hòa. Nghiên cứu những người bị chấn thương vỏ thùy trán và hạch amygdata cho thấy những người này rất hiếu chiến ưa gây hấn  và ít có khả năng tự kiềm chế tính bạo động.
Cũng có một số phân tử sản xuất bởi cơ thể và được di chuyển qua dây thần kinh đến phần não rồi chúng tương tác với nhau tạo sinh tính bạo động. Đó là chất tiếp nhận 5-HT (5-hydroxytryptamine receptor) tiền thân sinh ra serotonin, chất truyền dẫn thần kinh dopamine, chất enzyme monoamine oxidase A (MAOA), và một số kích thích tố steroid như testerone, androgen và estrogen. Một số trong các chất này có vai trò đặc biệt trong biểu hiện tính bạo hành (10).
 
 
 


Hình 3. Đường dẫn truyền thần kinh chất Dopamine (màu lục) và Serotonin (màu đỏ). VTA là vùng tế bào sản xuất Dopamine. Raphe nucleus (chuổi nhân) sản xuất Serotonin. Striatum là vùng chi phối vận động và động lực ý chí là nơi nhận tín hiệu của Dopamine trước khi được dẫn truyền đến mọi nơi trong não. Substantia nigra là một hạch nằm trong trung khu não bộ, có chức năng chi phối cử động và động lực ý chí. Nucleus accumbens có nhiệm vụ chính trong chi phối động lực ý chí, dựa vào hai chất dẫn truyền thần kinh Dopamine và Serotonin.
 
Cho tới hiện nay, chưa có một bằng chứng nào chứng tỏ có một hay vài gen duy nhất chi phối bản tính cực đoan và khủng bố tàn ác của chiến binh IS. Các nhà khoa học đồng ý đó là sản phẩm tương tác giữa di truyền và môi trường. Môi trường chính là bị “nhồi sọ” với ý thức hệ hận thù, cộng với thất nghiệp, nghiện ngập và bị bạc đãi (11).
Tóm lại, phối hợp giữa phương pháp chụp hình bộ não, phân tích DNA Serotonin và enzyme MAOA phối hợp với tiền sử bạo động cùng với môi trường nuôi dưỡng chi phối niềm tin và thái độ, có thể là những chỉ dấu tiềm ẩn khả năng cực đoan của người này trước khi gây tội ác (7).
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Tori DeAngelis (2004). Are beliefs inherited?
http://www.apa.org/monitor/apr04/beliefs.aspx
2. Bill Broadway (2004). Is the Capacity for Spirituality Determined by Brain Chemistry?
http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/articles/A46793-2004Nov12.html
3. Abigail A. Marsh , Samantha L. Crowe, Henry H. Yu, Elena K. Gorodetsky, David Goldman, R. J. R. Blair (2011). Serotonin Transporter Genotype (5-HTTLPR) Predicts Utilitarian Moral Judgments. PloS One, 5/10/2011. http://dx.doi.org/10.1371/journal.pone.0025148
4.BBC (2002). Bad behaviour linked to gene.
http://news.bbc.co.uk/1/hi/health/2165715.stm).
5.Daily mail (2005) . Psycopathic behaviour is iherited.
http://www.dailymail.co.uk/health/article-349932/Psycopathic-behaviour-inherited.html
6. Julian Baggini (11/5/2017). Do your genes determine your entire life?   https://www.theguardian.com/science/2015/mar/19/do-your-genes-determine-your-entire-life
7. A genetic component to extremism and cruelty?
https://ktwop.com/2014/12/17/a-genetic-component-to-extremism-and-cruelty/
8. Michael J. Poulin, E. Alison Holman, Anneke Buffone (2012). The Neurogenetics of Nice. Receptor Genes for Oxytocin and Vasopressin Interact With Threat to Predict Prosocial Behavior. Psychological Science, 23, 5. https://doi.org/10.1177/0956797611428471
9. Matt Ridley (2011). Do Our Genes Decide if We're Kind or Cruel? https://www.wsj.com/news/articles/SB10001424052748703730804576313083073123352?mg=reno64-wsj
10. Agustin Fuentes (2012). Is aggression genetic?
 http://www.salon.com/2012/05/28/is_aggression_genetic/
11. David Ewin Duncan (2012). Age of fusion. The Neuroscience of ISIS. http://www.thedailybeast.com/the-neuroscience-of-isis
12. Wikipedia. Serotonin. https://en.wikipedia.org/wiki/Serotonin
13. Wikipedia. Dopamine. https://en.wikipedia.org/wiki/Dopamine
14. Wikipedia. Epinephrine. https://en.wikipedia.org/wiki/Epinephrine
15. Wikipedia. Norepinephrine.
https://en.wikipedia.org/wiki/Norepinephrine