Người hiến máu
NGƯỜI HIẾN MÁU
Hải-Đường thỉnh thoảng nhìn đồng hồ. Đã 8 giờ tối mà Khải, chồng nàng, vẫn chưa về tới nhà. Thông thường tan sở lúc 5 giờ chiều thì về tới nhà 5:30, trễ lắm là 6 giờ. Nàng bắt đầu lo lắng, lòng bồn chồn, nóng ruột. Đôi khi nàng nghĩ đến chuyện xấu có thể xảy ra, thời buổi này tai nạn xe cộ là chuyện thường ngày. Mọi bửa, nàng và các con chờ chàng về mới cùng ăn cơm, vì cũng là giờ sum họp của gia đình, cha mẹ con cái có dịp nói chuyện cùng nhau. Đây cũng là lúc khuyên dạy các con. Sau bửa ăn, các con phải lo chuyện học hành, bài vở cho ngày mai. Hôm nay Hải-Đường cho các con ăn trước, vì không biết Khải lúc nào mới về. Còn nàng thì chờ chồng về mới cùng ăn chung. Mải tới 8:30, Khải mới về tới nhà. Vẻ mặt mệt mỏi, xanh xao. Chàng xin lỗi vợ vì hôm nay về trể. Nàng vội vàng lấy khăn tẩm nước nóng cho chàng lau mặt, và lấy quần áo sạch cho chàng thay trước khi ăn cơm. Trong bửa ăn, Hải-Đường tế nhị không hỏi lý do về trể, vì nàng biết thế nào chàng cũng sẽ nói. Thật vậy, chờ cho các con về phòng riêng Khải mới bắt đầu nói chuyện. Dầu rất mệt, mặt chàng vẫn hớn hở, vui vẻ. Chiều nay, vừa tan sở, Khải vội vàng cởi chiếc xe Honda về nhà như thường ngày. Khi đi ngang qua bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa, chàng thấy một đám đông người lớn và trẻ nít bu quanh một người đàn ông đang khóc lóc, chấp tay van lạy. Tò mò, chàng dừng xe xem chuyện gì. Đó là một ông nhà quê, tuổi cỡ 30-35, có vẻ nghèo khổ, lam lũ. Ông ta khóc, chấp tay xin bà con đứng xung quanh tìm cách cứu vợ sắp mổ ở trong nhà thương. Khải tiến lại gần để hỏi cớ sự rõ ràng. Theo lời ông, vợ đang nằm trong phòng cấp cứu chờ có người hiến máu. Bác sỉ phải mổ gấp để cứu bà mẹ, vì bà mang thai ngoài tử cung được 4-5 tuần gì đó. Tối qua, bà vợ la khóc vì đau bụng và ra máu nhiều. Ông chèo ghe đưa bà đến nhà thương ở quận. Ở đây, bác sỉ bảo là không có phương tiện để mổ, phải chở ra nhà thương tỉnh là bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa Cần Thơ mới có đủ máy móc và bác sỉ chuyên môn. Thế là nhà thương quận cho xe chở bà và ông ra Cần Thơ khẩn cấp. Vì đường xa, bà mất máu rất nhiều. Sau khi khám xét, bác sỉ nói với ông là phải mổ tức khắc mới có thể cứu được bà. Bác sỉ cũng nói rủi cho bà là kho máu của nhà thương đã hết loại máu A của bà, vì hôm qua, chiến trận bùng nổ ở đâu đó, nhà thương quân y bên cạnh sang mượn hết máu của nhà thương dân sự để cung ứng chiến trường, mà hiện tại chưa có ai hiến máu. Bác sỉ bảo ông ráng chạy tìm người hiến máu loại A hay O thì mới cứu bà được. Vì vậy, trong lúc cùng quẩn, không quen biết ai ở chốn thành thị, ông chạy ra đường lạy lục người qua lại để xin mua máu cứu vợ. Ông kể lể là nếu vợ ông chết thì 3 đứa con ở nhà sẽ nheo nhóc. Ông cũng xin nói là cho ông nợ tiền mua máu, vì hiện giờ ông quá nghèo không có tiền, nhưng ông hứa sẽ trả. Sau khi nghe thảm cảnh đau lòng này, Khải đem gởi chiếc xe Honda, rồi cùng ông nhà quê vào nhà thương liền. Máu của Khải thuộc loại O, khá hiếm, nhưng có thể chuyền được cho người có máu A hay B hay AB. Vì vậy, sau khi làm thủ tục hành chánh và thử nghiệm bảo đảm máu của Khải có phù hợp với máu của người nhận, bác sỉ lấy máu của Khải để chuyền cho vợ ông nhà quê. Ông nhà quê vội quỳ xụp lạy chàng, và xin địa chỉ để khi về nhà sẽ tìm cách trả tiền. Khải ôn tồn kéo ông nhà quê đứng dậy, bảo là đừng quan tâm, dành tiền nuôi vợ con. Chàng cho ông số máu đó. Sau khi ngồi tịnh dưỡng, lấy lại sức chàng mới ra lấy xe về nhà. Đó là lý do tại sao Khải về nhà trể. Hơn bao giờ hết, Hải-Đường thương yêu và kính trọng chồng như bây giờ. Chỉ có mình nàng hiểu Khải. Theo nàng biết, so với bạn bè, không có một người đàn ông nào như Khải, biết thương vợ và thông cảm khi vợ sanh đẻ hay đau ốm. Chàng chăm sóc nàng rất kỷ lưỡng, từ chuyện ăn uống, đến thuốc men đầy đủ, và chọn nhà thương danh tiếng dầu tốn kém bao nhiêu. Đặc biệt hơn người khác, chàng không nề hà làm những chuyện cho vợ mà những người khác cho là dơ nhớp, như giặt quần áo lót khi có kinh, hay lúc sanh đẻ. Chính tay chàng thực hiện, không bắt người giúp việc làm. Vào thời này, chưa có máy giặt, nên mọi chuyện vệ sinh cho vợ con khi sanh đẻ, chàng làm hết. Hải-Đường thương yêu Khải nhiều ở đặc tính này. Tối nay, nàng khuyên Khải đi ngủ sớm vì mệt và mất sức, Hải-Đường nhẹ nhàng vuốt tóc chồng, ru chàng vào giấc ngủ thật say. Triền miên trong hạnh phúc và hãnh diện về chồng, nàng tưởng nhớ đến kỹ niệm ngày xưa, từ lúc hai người mới quen nhau. Vào thời mới quen biết nhau, Hải-Đường đã nhiều lần ngạc nhiên. Chẳng hạn, trong lúc hai người đang vui vẻ chuyện trò khi dạo phố, nàng bất chợt bắt gặp cặp mắt chàng ứa lệ mỗi khi chàng gặp người bụng mang dạ chửa nặng nề, tay dắt đứa con còn nhỏ đi bên mẹ. Trong những trường hợp này, chàng nín lặng, nhìn theo hai mẹ con người xa lạ cho tới khi khuất dạng. Vẽ mặt chàng tự nhiên buồn rũ rượi, khóe mắt đỏ hoe. Và khi nghe tin ai sanh đẻ, nàng thường nghe chàng thở dài rồi nhắc tới câu ca dao: Đàn ông đi biển có đôi Đàn bà đi biển mồ côi một mình
Hình như Khải có một tâm sự u uẩn gì đây. Một lần, nàng hỏi chàng duyên cớ về tình cảm này, chàng đáp “Anh sẽ cho em biết vào một ngày thuận tiện”. Ngày đó đến. Đó là một buổi trưa gần Tết âm lịch, Khải rũ Hải-Đường về nhà ngoại của chàng ở Phong Điền. Ngoại có một vườn khá lớn trồng đủ mọi thứ cây trái. Chàng dẫn nàng tới góc vườn, nơi có một ngôi mộ rất đẹp và trang nghiêm, được chăm sóc kỹ lưỡng. Khải giới thiệu đây là ngôi mộ của mẹ. Bây giờ nàng mới biết là chàng không còn mẹ. Sau khi đốt nhang trên mộ, Khải dẫn nàng đến gốc cây măng cụt cổ thụ có tàn xum xuê. Hai người ngồi trên một mo cau mới rụng sạch sẻ. Chàng kể cho nàng nghe về đời mình. Khải mồ côi từ lúc sơ sinh, vì mẹ bị băng huyết khi đẻ chàng. Trên đường chở ra nhà thương tỉnh thì mẹ đã chết do mất máu quá nhiều. Ba không thể nuôi con còn quá nhỏ, vì vậy Khải được gởi về cho ông bà ngoại nuôi dùm ở ngôi nhà này. Ba đi làm, còn phải nuôi 3 anh chị của Khải, nên 2-3 ngày, hay có khi cả tuần, ba mới về thăm, mang theo một số sửa hộp mua ngoài tỉnh. Bà ngoại, lúc đó tuổi trên 50, ngày đêm khổ cực nuôi nấng chăm sóc chàng, cho bú sửa bò và nước cơm. Khi Khải được 4 tuổi, Ba mới xin ngoại đem về nuôi, cho đi học cùng các anh chị. Vì vậy, Khải không biết mẹ, thiếu tình mẹ. Chàng chỉ biết vì đẻ mình mà mẹ phải chết. Khải lấy làm tiếc rằng vào thời đó nếu mẹ có được phương tiện chuyền máu sớm thì chàng đâu phải mồ côi. Vì vậy, Khải lúc nào cũng quí trọng những bà mẹ đang bụng mang dạ chửa. Nhìn thấy cảnh này, chàng vụt nhớ đến mẹ, và tự cảm thấy xót xa cho thân phận của mình không có Mẹ. Hôm nay Hải-Đường biết rằng Khải rất sung sướng vì đã cứu được một bà mẹ đang lúc hiểm nguy. Trong giấc ngủ say, gương mặt chàng ánh lên nét sáng ngời của lòng nhân ái. Nàng hôn lên trán chồng rồi chìm vào giấc ngủ.
Reading, tháng 5/2012 Nguyễn Thị Kim-Thu |