DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Trùn đất - bạn hữu ích của nhà vườn

4/2/2024

TRÙN ĐẤT – BẠN HỮU ÍCH CỦA NHÀ VƯỜN
Trần Đăng Hồng, PhD.
 
 
Hình 1. Con trùn đất
 
Có khoảng 7.000 loài (species) trùn đất trên thế giới, nhưng chỉ 150 loài có thể thấy ở khắp thế giới trong các điều kiện khí hậu khác nhau, từ khô hạn đến mưa nhiều, từ nhiệt đới đến hàn đới lạnh lẽo quanh năm.

Có thể nói không ngoa rằng tổng số trọng lượng loài trùn đất sống trên địa cầu này lớn hơn trọng lượng của bất cứ một loài động vật nào khác trên đất liền. Kích thước con trùn từ 10 mm cho đến trên 2 m chiều dài

Loài trùn đất khổng lồ Phi châu (Microchaetus rappi) dài trung bình 1,4 m.

Loài trùn đất khổng lồ nhất trên địa cầu là loài Giant Gippsland Earthworm (Megascolides australis), dài 2 m, thấy ở Gippsland (Victoria, Australia).

Giống như loài người, nơi nào có đất, có nước, là có trùn, dầu ở mọi khí hậu nào.
 
TẠI SAO TRÙN LÀM LỢI CHO NHÀ VƯỜN

Trùn sống trong hang, và nó có thể đào sâu tới 6 tấc trong lòng đất.
 
 
Hình 2. Hang trùn
 
Nhờ vậy, nó cải thiện kiến trúc của đất, làm thoáng khí, giúp nước mưa thấm sâu vào lòng đất, tránh bớt nước chảy tràn làm xoi mòn đất. Đất vì vậy giữ ẩm độ, giúp cung cấp nước cho cây cối.

Qua quá trình đào hang, trùn đưa chất hữu cơ như chất khô thực vật ở trên mặt (như cỏ, rơm mục, v.v.) vào lòng đất, đồng thời đùn phân (casting, chất bài tiết) của chúng lên mặt đất.
 
 
Hình 3. Phân trùn đùn lên mặt đất
 
Phân trùn có khả năng hấp thụ hơi nước trong không khí nên lúc nào cũng giữ ẩm độ đủ cung cấp nước cho thực vật chung quanh nó.

Nghiên cứu ở Anh quốc cho thấy trong 1 ha đất phì nhiêu có khoảng 26.000 con trùn, và hàng ngày đùn lên mặt đất khoảng 99 tấn phân thải/ha. Nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho biết mỗi năm, mỗi Ha đất được trùn đùn lên mặt 49 tấn phân thải.
Một con trùn ăn vào bụng tổng cộng khoảng 36 tấn đất/năm, theo nghiên cứu ở Hoa Kỳ.

Trong bao tử của trùn chứa nhiều loại vi khuẩn và vi trùng có khả năng phá hủy các hợp chất hóa học khó phá vỡ như HCH (hexachlorocyclohexane) nên có khả năng làm hủy hoại các phế thải kỹ nghệ thành phân bón, trùn có khả năng tiêu hóa các phân tử hữu cơ phức tạp như cellulose và lignin và bài tiết thành đống phân trùn.

Nếu có thức ăn và ẩm độ đầy đủ, ở Hoa Kỳ, cứ 1 m vuông có khoảng 120 con trùn.

Ở Việt Nam, nơi đất vườn có độ màu mỡ cao có khoảng 200-300 con trùn/m2, nếu tính trung bình mỗi con nặng  2 g, thì 1 ha có khoảng từ 2 triệu đến 3 triệu con trùn.

Phân thải của trùn chưa nhiều chất dinh dưỡng cho thảo mộc.
Trung bình, 1 tấn trùn cung cấp 100 tấn phân thải, và như vậy cung cấp: 5.3 kg Nitrate/ha; 33.6 kg Phosphorus (phân lân)/ha; 80 kg Potassiun/ha; 100 kg Magnesium/ha; và 560 kg calcium (vôi)/ha. Có nghiên cứu cho biết trùn có khả năng thải phân đạm qua đống phân tới 100 kg N/ha.

Ngoài ra, trùn làm gia tăng số lượng vi sinh vật hữu ích, các vi khuẩn định đạm rhizobium thường thấy nhiều chung quanh hang trùn hay đống phân trùn. Một nghiên cứu cho thấy số lượng vi khuẩn và nấm lên men actinomycetes có mật độ từ 10 đến 1.000 lần nhiều hơn nơi gần đống phân trùn hay hang trùn.  Đống phân trùn cũng chứa nhiều chất kích thích tố auxin giúp cây mọc rễ nhanh và ăn sâu vào đất hơn. Một nghiên cứu cho thấy hoa màu canh tác trên đất có nhiều đống phân trùn gia tăng năng xuất từ 25% tới 400% hơn đất không có phân trùn (theo K.P. Barley, Advances in Agronomy, vol. 13, 1961, p. 262-264).

Theo các nghiên cứu của Viện Earthworm Ecology and Biogeography ở North America năm 1995 thì trùn có thể làm gia tăng năng xuất lúa kiều mạch (barley) 78-98%, lúa mì mùa xuân (Spring wheat) tới 400%, cỏ alfalfa 1000%, đậu pea và lúa oat tới 70%. Nghiên cứu ở New Zealand cho biết thả nhiều trùn vào đất canh tác thì lúc nào cũng gia tăng năng xuất, và phương pháp này rất phổ biến hiện nay ở New Zealand.

Ngoài các thực vật chết là thức ăn chính, trùn còn ăn các sinh vật nhỏ như tuyến trùng, trứng các sinh vật ăn hại cây cối hoa màu (như mối, kiến), các loài nấm và vi trùng gây bệnh cho hoa màu, trùn ăn cả hột cỏ dại, nên hoa màu được bảo vệ không bị các tác nhân nói trên phá hại mùa màng. Nơi nào có trùn đào hang thì không có cỏ dại.
 
Reading, 04/2/2024