Cần sa
30/9/2015CẦN SA
Trần-Đăng Hồng, PhD
Người Việt ở hải ngoại mang tiếng xấu vì một thiểu số người Việt trồng cần sa (cannabis, marijuana) lậu trên khắp thế giới, từ Âu châu, cho tới Mỹ Châu và Úc châu. Mới đây, cảnh sát Anh khám phá một cánh đồng trồng cần sa trong một khu rừng ngoại ô London. Trong những năm qua, cảnh sát Anh cũng bắt nhiều người Việt trồng cần sa trong nhà với kỷ thuật canh tác khá tân tiến bằng điện ăn cắp. Trồng cần sa mau làm giàu, nhưng là loại cây bị luật pháp ngăn cấm canh tác và xử dụng vì là chất ma túy gây nghiện ngập, làm hư hệ thống thần kinh. Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện nay đang chú ý nghiên cứu về cần sa, nhưng về khía cạnh y học.
Cần sa trồng lậu trong rừng gần London
Cần sa đã được con người trồng từ hàng ngàn năm nay trên khắp thế giới, nơi nào có khí hậu thích hợp, với hàng ngàn giống khác nhau. Trồng để sản xuất sợi (fibre), trích dầu (oil) và chất ma túy. Cây sản xuất làm sợi và dầu được gọi là hemp, chứa rất ít chất ma túy. Còn cây giàu chất ma túy thì gọi là marijuana (Cần sa). Chất ma túy chính trong cần sa là tetrahydrocannabinol (viết tắt THC) gây nghiện ngập. Cây hemp được phép canh tác để sản xuất sợi và trích dầu, còn cây cần sa marijuana không được phép canh tác, ngoại trừ phải được Bộ Nội Vụ cấp giấy phép rất hạn chế để nghiên cứu vì mục tiêu khoa học.
Cái khó khăn là làm sao phân biệt giữa hemp và marijuana vì cả hai đều là loài Cannabis gồm Cannabis sativa, Cannabis indica và Cannabis ruderalis, nguồn gốc Trung Á và lục địa Ấn Độ. Không có chỉ dấu nào trên phân loại thực vật để phân biệt giữa hai loại cây có mục tiêu xử dụng khác biệt này. Cuộc tranh cải về định danh loài Cannabis tiếp tục tới ngày nay, vì có người dựa trên nguồn gốc địa lý, có người dựa trên thành phần hóa học, về cấu tạo trong hệ di truyền, v.v. Về mặt thực tế, ngày nay chấp nhận là cây hemp (cho sợi và dầu) có thành phần THC <0,3%, còn giống nào chứa nhiều hơn 0,3% THC là marijuana.
Cây cần sa bắt nguồn từ cây houblon làm rượu bia (Humulus) cách đây 27,8 triệu năm, và con người đã biết trồng cách đây trên 10 ngàn năm để lấy sợi hay hút như hút thuốc lá.
Cây cần sa bị cấm canh tác và bị cấm nghiên cứu bởi hầu hết các chính phủ trên thế giới. Chỉ có Do Thái là quốc gia tương đối rộng mở để nghiên cứu cho mục tiêu y học. Các kết quả sơ khởi ở Do Thái cho biết cây cần sa còn chứa rất nhiều chất khác có khả năng làm dược liệu.
Nghiên cứu về dược liệu trong cây cần sa tiên phong là Do Thái từ thập niên 1960s. Trên thế giới chỉ có Do Thái dành cho các nhà khoa học tự do nghiên cứu về cây cần sa. Khoa học gia Do Thái đầu tiên quan tâm về cây cần sa là GS Mechoulam khi làm việc ở Institute of Science ở Rehovot, Bulgaria. Ông tự hỏi tại sao các nhà khoa học đã biết nhiều về thành phần hoạt chất trong lá cây coca (Erythroxylum coca, cho chất cocaine) và cây thuốc phiện (Papaver somniferum, cho thuốc phiện), nhưng kiến thức về cần sa thì chưa có gì.
Khi trở về Do Thái, phải khó khăn lắm Ông mới có được mẩu cần sa cung cấp bởi cảnh sát tịch thu từ người nghiện để dùng vào nghiên cứu. Kể từ đó, nhiều tiến bộ đã đạt được. Năm 1963, nhóm nghiên cứu của ông xác định được kiến trúc của chất cannabidiol (CBD). Năm sau, nhóm ông trích được chất tetrahydrocannabinol (THC), là chất làm nghiện ngập của cần sa. Nhóm ông cũng khám phá hoạt chất anandamide là chất ở trong bộ não liên kết với chất receptor như THC, đây là một khám phá quan trọng về hệ thống “endocannabinoid”.
Hiện tại, Do Thái có khoảng 10 nhóm nghiên cứu xủ dụng cần sa để chửa trị một số bệnh như bệnh lo lắng căng thẳng (post-traumatic stress disorder, PTSD), kinh phong (epilepsy), đau nhức kinh niên, phong thấp khớp hay mắc toi (rheumatoid arthritis), chứng cơ xơ (fibromyalgia), bệnh Crohn’s disease (đau hệ thống tiêu hóa), và ung thư não (brain cancer).
Còn các công ty y dược Do Thái nghiên cứu cần sa để biến chế thành thuốc viên, hay thuốc dạng hơi terpenes để ngửi. Nhiều công ty y dược của Hoa Kỳ cũng đến Do Thái làm nghiên cứu bào chế và thử nghiệm thuốc từ hoạt chất của cần sa.
Vấn đề khó khăn nghiên cứu y học thuốc y dược từ cần sa là thiếu sự ủng hộ tài trợ của mọi chính phủ. Lý do là mọi chính phủ e ngại sản phẩm cần sa sẽ bị lạm dụng bởi người nghiện, thứ hai bởi sự chống đối của các công ty y dược chính thống. Vì những lẻ đó, nhiều đại học không muốn dính líu vào việc nghiên cứu phiêu lưu này vì sợ dư luận quần chúng, sợ bị cắt ngân sách nghiên cứu. Có nhiều nhà khoa học đã bị đại học của họ sa thải vì tiếp tục làm nghiên cứu với cần sa. Chính vì những lẻ đó, tuy nhiều nghiên cứu ở Do Thái cho thấy cần sa có khả năng chửa nhiều bệnh, nhưng không được kiềm nghiệm bởi các đại học nỗi danh ở Hoa Kỳ, Anh hay Pháp. Chẳng hạn, một em bé 5 tuổi bị kinh phong (epilepsy), lên kinh 300 lần một tuần, sau một thời gian chửa trị hàng ngày với dầu cannabis chứa cannabidiol (CBD) xuống còn 1 lần/tuần. Khoa học không thể chấp nhận kết quả với một thử nghiệm, và của một phòng thí nghiệm. Những kết quả về những bịnh khác cũng rời rạc chưa đủ bằng chứng để các nhà khoa học khác tiếp tục, nhất là trong môi trường nghiên cứu kỳ thị với cần sa.
Sự kỳ thị phát sinh bắt nguồn từ sự kiện là các hoạt chất cần sa như THC khi uống, thoa hay ngửi, hấp thụ vào hệ thần kinh rồi đến lên não quá nhanh trước khi nó đến nơi tế bào cần chửa trị. Kết quả, bịnh nhân bị ghiền cần sa nặng trong lúc chửa trị, vấn đề còn nguy hiểm và gây rắc rối hơn so với thuốc y dược chính thống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Michelle Grayson. Cannabis. Nature, 525, ngày 24/9/2015.
Reading, 9/2015