DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Kỷ niệm thời thơ ấu

22/4/2024

 
*Kính dâng hương linh cha má và chị Hai
*Thương tặng tất cả anh chị em


Trần thị Lệ Son
KỸ NIỆM THỜI THƠ ẤU
[viết sau chuyến về thăm Memento-tháng 5-năm 2007]


Nếu bây giờ có ai cho tôi một điều ước, thì tôi sẽ không ngần ngại xin ước một điều duy nhất là cho tôi trở lại tuổi thơ: cho tôi sống lại thời thơ ấu, có cha má, có đầy đủ anh chị em quây quần sống dưới một mái nhà. Điều này khó thực hiện vì cha má tôi đã qua đời, anh chị em nay đã già, mỗi người có một đại gia đình riêng, mỗi người ở một nơi xa cách nhau.
Trở về Memento lần này, cũng như bao lần khác, tôi vẫn mang tâm trạng bùi ngùi xúc động và nuối tiếc quá khứ đã qua. Ngày nay cảnh vật và ngôi nhà đã đổi khác, không những khang trang hơn, ngăn nắp hơn mà còn thơ mộng và lãng mạn. Memento ví như một cô gái quê mộc mạc, giãn dị nhưng không kém phần mỹ miều, quyến rũ.
Đứng trên sân bàng, tay vịn lan can tôi nhìn xuống cái sân gạch :chỗ này lúc tôi còn nhỏ cha má tôi hay ngồi hàn huyên sau khi ăn cơm chiều. Tôi và Sương thì đứng lắng nghe những câu chuyện thời sự trong ngày, hoặc hai đứa đuổi bắt nhau. Cái sân đó đối với hai chị em tôi sao mà rộng lớn. Cha lấy tàu lá dừa hay tàu lá cau bó thành những cái chổi nhỏ để hai chị em tôi quét sân. Cái sân được chia làm hai, mỗi đứa một nửa để thi đua đứa nào quét xong trước. Quét mỏi cả tay mà vẫn chưa hết nửa cái sân và thật là bực mình khi có cơn gió mạnh thổi qua làm lá bay tứ tung. Tôi vẫn còn nhớ cũng trên cái sân này, khi đến mùa gặt, lúa chở về đầy sân, cả nhà tôi cha má và các anh chị em đều ra sân bưng lúa, sau khi đã phơi xong để chuyễn lên cất trên lẫm. Tôi còn thấy má tôi đang khom lưng, bưng gịa lúa đổ vào thúng. Tôi nghe tiếng guốc lệt kệt kéo dài trên gạch của má từ sau vườn đi vào, trên tay khi thì trái mít chín, khi thì buồng chuối. Má tôi thích ăn chuối luộc khi vừa chín tới, nên bà hay bị nặng bụng vì khó tiêu.
Tôi thấy cha tôi đứng bên tủ thuốc, bên cạnh bộ ván gỗ hai tấm to dày và nặng vẫn đặt ở vị trí mà ngày xưa cha tôi ngồi bắt mạch, hốt thuốc. Cha đeo kính trắng gọng đen, tay bốc những vị thuốc bỏ vào cái cân nhỏ xíu, rồi đặt vào tờ giấy báo gói thuốc được trãi sẵn trên bộ ván. Những cử động của cha thật nhịp nhàng, chậm rãi và cẩn thận.
Đây là chiếc bàn nhỏ ba chân, có chạm trổ mà má tôi thường ngồi ăn trầu và uống trà, cà phê vào những buổi sáng. Cha tôi cũng có ăn trầu, rất dễ phân biệt bã trầu nào của cha hay của má. Bã trầu của cha nhai rất kỹ chỉ còn trơ cái xơ nhỏ xíu, của má thì to hơn vì chỉ nhai sơ sơ do răng má rụng nhiều.
Tôi xa cha má khi mới năm tuổi để xuống Nha trang học. Chỉ vào những ngày thứ bảy, chủ nhật, nghĩ hè hoặc Tết thì gia đình tôi mới được sum họp đông đủ. Vào những ngàyđó má cho ăn đủ thứ tôi thích: canh cá liệt nấu ngọt, gỏi sứa và mắm cá ngừ do má làm thì ăn hoài không thấy chán. Buổi trưa xế, má dặn cô ba Thiu gánh đậu hủ đến nhà cho ăn thỏa thích. Tôi ăn nhiều đến nổi xịt ra lổ mũi, cành cả hông và đau bụng. Má bảo chạy quanh cái sân bảy vòng thì sẽ hết. Những ngày nghĩ hè tôi được theo má ra chợ Thanh Minh. Chợ chỉ có một hàng thịt heo, hai ba hàng cá, vài rổ rau cải trồng ở nhà bưng đi bán.
Tôi rất thích ghé quán cô ba Chấn vì cô có hàng vải rất đẹp. Tôi thường đứng ngắm những cây vải với những bông hoa đủ màu sắc một cách thèm thuồng. Má thường mua vải của cô để đưa cho thợ may áo quần cho chị em chúng tôi. Thật buồn cười khi nhớ lại những màu sắc má chọn cho chị Huê : xanh chàm, xanh chuối, xanh lục, thật chỏi với nước da của chị lúc đó, bỡi vì chị tắm nước phèn, bị ăn nắng nên da ngâm ngâm đen. Tôi và Sương thì má chọn theo thẫm mỹ của má,. tôi còn nhớ rất rõ chiếc áo có những bông hoa thật to, màu tím trên nền vải màu hoa cà.
Tôi thả tầm mắt qua khỏi hàng rào, những cánh đồng lúa mượt mà tiếp nối nhau rập rờn sau những cơn gió như một tấm thãm khổng lồ. Cái bờ ruộng của đám ruộng Điên Điển, cách đây sáu mươi năm khi chân cha tôi bước đến đó, sau khi được thã ra từ trại giam thì tôi cất tiếng khóc chào đời lúc hai giờ chiều năm Đinh Hợi. Thật hạnh phúc cho má, cha về kịp lúc để ủng hộ má, tiếp sức má trong thời kỳ vượt cạn một mình. Tôi cũng đã từng đi rất nhiều trên bờ ruộng đó, đã từng hít mùi mạ non, mùi lúa chín, đã từng thọc ngâm chân vào ruộng nước trong để rữa đất bùn. Những ngày giỗ, sau khi ăn uống xong, trong lúc ngườ lớn lo dọn dẹpthì bọn trẻ con được đi chơi. Tôi và Sương dẫn các cháu Ngọc Oanh, Ngọc em, Ngọc Trang, Tân, Dũng, Huệ đi dạo trên những bờ ruộng mà chúng tôi gọi là "đi đồng". Vừa đi vừa đùa giởn, không khí thật trong lành, gió mát rời rợi thật khoan khoái nhẹ nhàng, lâng lâng một cảm giác êm ái nhưng man mác buồn. Trên nền trời trong xanh vô tận những đàn chim bay về tỏ. Trên đường làng đàn trâu bò được đưa về chuồng. Khói tõa ra từ những mái nhà tranh, bữa cơm chiều và nồi cháo heo, khói lam lan tõa và tan biến trong không gian.
Những buổi trưa hè vắng lặng, im ả có thể nghe tiếng lá dừa xào xạc chạm vào nhau, tiếng kẽo kẹt ma quái của bụi tre sau vườn, tôi thấy thời gian như ngừng lại. Tôi rất ít khi dám ra gần những bụi tre vì sợ ma dấu. Tôi và Sương chỉ chơi loanh quanh trước nhà: cây nhãn, cái ao có trồng dừa chung quanh và cây chùm quân. Chúng tôi lấy bẹ chuối chơi bán cá, bông bụt bông trang chơi nấu cơm hoặc bán hàng xén. Leo lên cây nhãn là đi Nha Trang, leo lên cây chùm quân là đi Saigòn, hoặc lấy tàu cau một đứa ngồi trong cái mo, đứa kia kéo gọi là đi xe hơi. Thấy vậy cha tôi đã lấy gỗ đóng một chiếc xe thùng có bốn bánh bằng gỗ, nhưng bánh xe không được tròn láng nên khi đẫy nó không êm ái chút nào, đau ê cả đít và có khi bị té trầy cả chân.
Khi tôi khoảng mười tuổi, thì tôi bị thương hàn rất nặng, tưởng đã chết, cha hốt thuốc cả tháng không thấy bớt. Sau đó cha mời ông Y tá Bình ở dưới Thành lên chích thuốc rất lâu tôi mới bình phục. Trong thời gian tôi bệnh cha má rất vất vả vì tôi bị tiêu chảy, không ăn uống gì được và lại sốt mê man, cha má thay phiên nhau quạt cã ngày đêm. Sau trận bệnh đó tóc tai tôi rụng tơi tả trông thật là xấu xí. Tôi không được đi ra ngoài, nằm hoài quá mệt mỏi và chán nên tôi giết thời giờ bằng cách đi bắt rệp. Rệp mẹ, rệp con nằm trong những kẽ đều bị tôi dùng cọng nhang kéo đầu ra giết hết. Tôi khỏi bệnh, có lẽ nhờ cha má cho uống thuốc bổ nên tôi trỗ mã lớn rất nhanh và dậy thì sớm hơn chị Huê và Sương. Cha má chưa nghĩ ngơi được bao lâu thì tiếp đến em Sương bị bệnh dời leo [zona]. Những mụn nước nhức nhối mọc qua bụng làm em khóc la cả ngày, thoa đủ các thứ lá, trông em thật đáng thương và tội nghiệp. Tôi không nhớ nhờ thuốc gì mà em Sương lành bệnh và vết sẹo vẫn còn.
Cha tôi tận tụy trong việc nuôi nấng vợ con và cũng rất galant với má. Khi má tôi đi chợ, ở nhà cha bắt cơm, nấu nước sôi chế bình thủy. Cha còn lấy soong chảo, rổ thau ra rửa sạch, múc nước để sẵn để khi má về là nấu nướng ngay. Ăn cơm xong là cha đi rửa chén.
Kỹ niệm nhiều nhất của tôi có lẽ là cái nhà lẫm. Tôi được sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà cũ kỹ này. Nhà ít cửa sổ, lại nhỏ nữa, nên tối om, có hai buồng, tôi ít dám vô đó vì sợ. Cái buồng lớn má chứa rất nhiều mái đường thật to. Tới mùa mía, tôi theo các anh ra gò Đình xem trâu kéo che mía, lấy nước nấu đường và vác mía về ăn. Khi đường nấu xong thì gánh về đem đổ vào những cái mái này. Đường nóng hổi lấy ngón tay quẹt liếm rất ngon. Đường này cha thường thắng kẹo đem xuống Nha Trang cho chúng tôi để dành ăn. Có lẽ vì vậy mà tôi sớm bị sâu răng cả hàm. Nhức nhối, Bốn thường xuyên dẵn đi y tế trám và nhổ. Ở đầu mái hiên trước, cha đặt cái lu nước uống, tối nào cũng phải mở cửa để đi tiểu, cái cửa mỗi lần mở là hàng xóm đều nghe. Tiểu xong, đến lu uống nước rồi mới vào ngủ. Chẳng hiểu sao con bò cạp nó cứ chọn anh Hồng mà cắn đến mấy lần khi ảnh đến lấy gáo uống nước ở đây. Tôi cũng thích cái nhà bếp có vách bằng đất. Mỗi lần tôi chảy máu cam là má tạt nước vào vách, bảo tôi hít. Căn nhà bếp có cái cối xay lúa đan bằng tre, có cái cần cối đạp thật dài để giả vào cái cối đẽo bằng đá rất lớn. Tôi rất thích xem người lớn giả gạo, tiếng chày thình thịch, nhịp nhàng ăn khớp với đôi chân. Ngoài ra còn một cái cối đá xay bột nữa, từ cái cối này chúng tôi có đủ thứ bánh ăn: bánh xèo, bánh bèo, bánh gói, bánh ướt, bánh ít.
Đi học xa tôi rất mong đến thứ bảy để về quê, nhưng lại sợ đi qua cái cầu Bè Khi trời mưa, nước lớn hay lụt lội là nổi ám ảnh của tôi. Cái cầu chênh vênh, cây lồi cây lõm, cây trồi cây sụt, bước đi gập ghềnh lắc lư như chỉ chực rơi xuống nước. Mãi cho đến bây giờ trong những giấc mơ tôi vẫn thường thấy mình đi trên chiếc cầu đó. Có khi mơ thấy cầu bị trôi hết, chỉ còn bèo và nước, muốn về nhà phải đi trên bèo, tôi đứng bên nay cầu khóc mà không dám qua.
Cây Giáng Hương là nổi ám ảnh thứ hai sau cầu Bè. Mỗi lần đi ngang qua, dù có đủ ba chị em chúng tôi cũung không dám đi bình thường. Đi thật nhanh hoặc chạy, miệng thì niệm Phật, nếu tay không có xách gì thì bắt ấn" Án ma ni bát di hồng". Đi ngang qua đó không ai dám tiếp tục câu chuyện vì sợ ma hớp hồn. Vì vậy nhiều khi trong giấc ngủ tôi thây ma nạp chạy và la khóc quá trời.
Có phải vì tên lót của tôi la Lệ nên tôi hay khóc. Sống với các anh chị nên tôi thường cãm thấy cô đơn, hay buồn tủi và hay khóc. Anh Bốn thay cha má dạy dỗ đàn em nên anh rất nghiêm khắc và kỹ luật Tôi không nhớ vì sao tôi thường bị anh Bốn đánh đòn. Mỗi lần bị đòn là anh Bốn bắt tôi tự lấy roi đặt lên đít nằm chờ Bốn đến đánh. Tôi vừa lấy roi vừa khóc và khóc rất lâu sau khi bị đòn vì tủi thân. Có một lần anh Lịch và anh Diễn đến chơi với các anh, tôi đang ngồi cạnh đó, thì bỗng nghe Bốn gọi Son. Tôi hết hồn phản xạ như một cái máy, vừa khóc vừa lấy roi nằm chờ. Bửa đó ai cũng ôm bụng cười. Tôi rất ghét hai anh này vì họ cứ cắp đôi tôi với thằng Khiễn em anh Lịch, tôi đã phản ứng sao đó và Bốn đánh tôi làm tôi càng ghét thằng Khiễn va hai anh này thậm tệ. Tôi rất sợ Bốn nên không dám lân la gần gủi. Anh Năm thì hiền hòa, trầm tĩnh, khôi hài và dí dỏm. Ảnh tỉnh tỉnh không mất lòng ai, có khi ảnh cõng tôi qua chơi ở cái sông phía sau nhà, khi nước rút chỉ còn một bãỉ rất rộng, các anh trong xóm qua đó tắm và đá banh. Anh Năm hay đàn bài bến xuân, nghe thật não nề, tôi nghe hoài mà không thấy chán. Anh Hồng thì rất gần gủi với tôi hay đùa giởn nghịch ngợm. Anh Hồng kể chuyện rất hay vì những câu chuyện anh kễ rất hấp dẫn như chuyện "tiếng ai hát giữa rừng khuya" làm chấn động tâm trí tôi cả một thời thơ ấu. Người gần gủi tôi nhất là chị Huê nhưng chị lại cách tôi đến sáu tuổi, chị đã là thiếu nữ, các chàng trai trong xóm đã để ý chị và nhờ tôi đưa thư. Tôi thường thui thủi một mình, đêm ngủ nhớ má khóc ướt gối. Ngủ mê đái dầm ướt quần áo, tự dậy thay rồi ngủ tiếp. Tôi và chị Huê ngủ trên bộ ván ngựa, nên tôi bị té liên miên, chị thường xuyên bồng tôi lên. Chị Huê hay bị mộng du, có đêm đang ngủ chị mở cửa ra sông, Bốn hay anh Năm phát hiện gọi Huê thì chị ú ớ rồi vào ngủ lại. Tôi hay bị nổi mề đay vào ban đêm, đang ngủ thì thấy ngứa ngáy tòan thân và nổi đỏ dày như cơm cháy. Các anh và chị Huê nhai gạo sống phun đầy người tôi, khi thì gỉa đậu xanh trét đầy người. May sao trong xóm có nhà ông Ngọng bán cá cho một miếng lưới lau máu cá để lâu năm, đốt xông có một lần mà hết bệnh.
Thật là có lỗi và sai sót lớn nếu không nhắc đến chị Hai và chị Ba cuả tôi. hai chị đều có chồng ra ở riêng khi tôi còn quá nhỏ, chưa có đủ trí khôn để nhớ một cách sâu sắc về các chị. Tôi chỉ nhớ chị Hai lúc đó ở đường Sinh Trung, nhà của bác Sáu, chị bán gạo. Thỉnh thoảng chị Huê dẫn tôi đi thăm và chị Hai hay cho tôi bánh hoặc cho tiền. Lúc đó chị mới có cháu Tân và cháu Dũng. Còn chị Ba cũng vậy, chị mướn nhà ra riêng ở xóm Lao. Tôi thường đến chơi với Ngọc Oanh ăn cơm và ngủ luôn ở nhà chị. Tôi còn nhớ tấm hình chụp anh chị Ba dẫn mấy anh chị em tôi đi chơi Hòn Chồng.
Thỉnh thỏang cha má xuống Nha Trang thăm chúng tôi, đó là những ngày hạnh phúc với tôi. Tôi được ngủ với má và được ăn đồ ngon, nhưng khi má về là tôi buồn khóc. Lần nào cũng vậy, tôi theo má lên bến xe ngựa ở dốc chợ Đầm, má mua cho tôi cây mía rồi bảo"về đi con", tức thì nước mắt tôi trào ra, miệng mếu máo ôm bó mía lủi thủi, vừa đi vừa khóc. Khi ăn mía, cầm khúc mía trên tay tôi cũng vừa ăn vừa khóc. Tôi ăn cái vị vừa ngọt vừa mặn của nước mía nước mắt và cả nước mũi nữa.. .
Cơn mưa kéo dài từ sáng đến chiều vẫn chưa dứt. Cái mát lạnh thật dễ chịu, cây cối được tưới tẩm cây xanh mơn mởn. Nhìn ngôi nhà khang trang, khu vườn hữu tình thơ mộng. Cám ơn cháu Liêm đã làm nên Memento, hồi sinh lại ngôi nhà kỷ niệm. Kể từ nay không còn ai phải lo sợ cảnh hoang phế, tiêu điều mà sẽ thấy ấm lòng, tự hào vì còn có một nơi để trở về. Dù dưới hình thức nào, việc làm của cháu Liêm vẫn có ý nghĩa. Tôi giận mình vì không có được trí nhớ tuyệt vời của anh Hồng để tôi nhớ nhiều hơn và viết hay hơn, nhưng tôi đã ở tuổi lục tuần rồi. Ý nghĩa rất hay của bài tập đọc "cuộn chỉ thần" trong sách Quốc văn giáo khoa, mà ngày xưa ai cũng có đọc qua, cho thấy ai cũng muốn với tới tương lai mà ít ai bằng lòng với hiện tại mình đang có. Ai cũng có một cuộn chỉ thần, ai cũng muốn kéo nó, có khi còn muốn kéo thật nhanh. Cuộn chỉ thần ngày một ngắn lại và sẽ biến mất. Tất cả anh em chúng ta còn rất ngắn ở cuộn chỉ thần. Lúc này không ai muốn kéo nó nữa mà chỉ muốn quấn ngược nó lại thôi, nhưng cái gì đã qua không tìm lại được. Tất cả là quá khứ, cuộn chỉ thần rồi cũng sẽ biến mất, cũng như cha má đã kết thúc một kiếp người !!!