Ông Ba Mài
14/2/2024Ông Ba Mài
Trần-Đăng Hồng
Hồi nhỏ, khoảng 4-5 tuổi gì đó, Má thường nói với cha, khi cha má ngồi uống trà trên nhà dù, còn tôi thì đi lửng thững chơi dưới sân “Thằng Hồng sao giống Ông Ba Mài quá, nhất là tướng đi”. Má nói nhiều lần như thế, và mỗi lần như vậy tôi tức lắm, mặc dầu tôi không biết ông Ba Mài là ai. Có nhiều khi tôi nghĩ tôi là con của ông Ba Mài, mà cha má xin về nuôi.
Má tôi là người đàn bà rất quán xuyến, một tay má làm giàu, vì cha thời đó, còn trai trẻ, nghề thầy thuốc chưa có nhiều bệnh nhân. Khi Ông Bà Nội dời nhà ra Thanh Minh, giao nhà Từ Đường, tức ngôi nhà Lẫm cho cha má cùng một số ruộng để cúng giỗ. Lúc đó Cha Má chưa xây cất ngôi nhà Từ Đường như thấy hiện nay. Má đi thu mua lúa vào mùa gặt, có khi mua lúa non, tức ruộng lúa mới trổ của nhà nông bán trước cho má vì họ cần tiền xoay xở. Mua về, phơi khô cho vào vựa cất trên sàn nhà lẫm, và sẽ bán sau này khi nào giá lúa ngoài chợ cao. Vào mùa mía đường, má đi thu mua hết đường ở các lò đường, chứa vào hàng chục khạp đường to bằng 2 người ôm và cao cả thước tây, và chờ vào lúc đường khan hiếm, má mới đem bán. Vì vậy, nhờ tiền lời giữa lúc mua và bán, má lần lượt mua hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác ở trong làng. Và cuối cùng, cha má mua thửa ruộng khoảng 30 mẫu ta (khoảng trên 10 Ha) ở Đồng Hộ, thuộc Suối Tiên của ông Ba Mài, cách nhà tôi khoảng 10 cây số. Hình như cha má mua sở ruộng Đồng Hộ này khoảng năm 1934 hay 1935 gì đó.
Khu ruộng Đồng Hộ nằm sát khu rừng dưới chân núi Hòn Bà. Núi Hòn Bà cao 1.578 m, lúc nào cũng có mây phủ quanh năm, trung bình có 252 ngày mưa trong một năm, thường xảy ra vào khoảng tháng 10 đến tháng 11 dương lịch. Vì vậy, Hòn Bà là nguồn nước dồi dào quanh năm cho đồng bằng Đồng Hộ bên dưới, qua các Suối Tiên, Suối Cát, Suối Chì, Suối Dầu v.v. Nhờ vậy ruộng đất Đồng Hộ rất phì nhiêu. Một năm chỉ canh tác một vụ lúa mùa, với giống lúa Đồng Nai, thường thâu hoạch vào giữa tháng Chạp âm lịch, trước Tết. Lúa lúc nào cũng trúng mùa, tôi nhớ là vào dịp gần Tết gần 20 xe bò chứa hàng ngàn giạ lúa chở về nhà tôi.
Bây giờ tôi mới biết ông Ba Mài, mặc dầu tôi chưa gặp ông lần nào. Ông là một đại điền chủ, có tới vài trăm mẩu đất ở Đồng Hộ.
Ở vùng Suối Tiên vào thời 1930 có 2 người giàu có nhất là Ông Ba Mài và Ông Hai Thái.
Ông Hai Thái, nguyên tên Nguyễn Đình Thái, người gốc xã Vĩnh Trung (Nha Trang) lên Suối Tiên để khẩn hoang lập ấp và có công khai phá, dẫn nước từ Suối Tiên về tưới cho đồng ruộng ở khu vực này.
Nhưng ông Hai Thái trội hơn ông Ba Mài nhờ có một ngôi nhà đồ sộ, theo kiến trúc Tây. Ngồi nhà tọa lạc trên khuôn viên rộng 18.000 m2 và được xây dựng vào năm 1925 theo kiểu kiến trúc Gô-tích của Pháp. Khu nhà gồm ngôi nhà chính được chia làm 5 gian, với kiểu nền nhà xây cao, hành lang rộng, mái ngói vảy cá, đòn tay, rui mè và trần đều được làm bằng gỗ gáo rất chắc chắn.
Trong khuôn viên ngôi nhà còn có một giếng nước xây bằng gạch thẻ và hồ chứa nước mưa để sử dụng quanh năm. Ngoài ra còn có vườn dừa cây cao trên 20m người dân ở đây gọi là “Sở dừa ông Hai Thái”.
Hình 1. Ngôi nhà Ông Hai Thái (2010)
Ngôi nhà này có một thời được sở du lịch tỉnh Khánh Hòa, qua công ty Yasaka-Saigon-Nhatrang, cải biến thành trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng (resort). Khai trương vào tháng 9/2009 chỉ tồn tại một thời gian vài năm thì hoàn toàn đóng cửa năm 2016, vì không có khách. Bị bảo tố phá hoại, bị dân chúng xâm nhập ăn cắp vật dụng, gở cả cửa sổ, căn nhà trở nên hoang tàn, đầy ma mị.
Cha tôi đã từng đến thăm ngôi nhà Ông Hai Thái, cha nghiên cứu kỷ lưỡng. Vào năm 1939, cha tự vẻ kiểu, mô phỏng chút ít kiến trúc nào thấy đẹp của nhà ông Hai Thái, và cha sai thợ xây cất thành nhà Từ Đường hiện nay, nhỏ, gọn nhưng đẹp hơn nhiều nhà Ông Hai Thái. Nhà xây xong thì má đẻ tôi, tôi được đầy tháng thì dọn về nhà mới.
Hình 2. Nhà Cha Má tôi, chụp năm 1993
Đồng Hộ ngày nay ra sao?
Tôi thường theo dỏi YouTube của “Nhân Gà vlog”. Ông Nhân này người gốc Diên Khánh, không biết ở xã nào, có làm một loạt phóng sự về người Thượng, sắc dân Raglay. Theo Nhân Gà vlog, trong vòng mươi năm nay, chính quyền bắt dân Raglay trước đây sống du mục trong vùng rừng núi, hay lưng chừng Núi Hòn Bà về định cư ở vùng đồng bằng Suối Tiên, Suối Cát. Nhà cửa cất san sát nhau, mặt tiền khoảng 20 m, đằng sau là mảnh vườn chạy dài, để trồng lúa bắp, v.v. Rừng xa xa thấy bị phá hủy, chỉ còn lùm bụi. Vào mùa mưa, không có rừng bảo vệ, nước mưa tạo ngập lụt xoi mòn đất đai. Vào mùa khô hạn thì không có nước. Dân Raglay sống rất nghèo nàn, không quen với lề lối canh tác định canh của người Việt, vì đất ruộng nay đã cằn cỗi, con nít lê thê, lết thết, dơ dáy, thật đáng thương. Đồng Hộ màu mỡ ngày xưa, nay không còn nữa!
Reading, 10/2/2024