Ông Nội
15/3/2024ÔNG NỘI
TS Trần Đăng Hồng
Ông Nội – Trần-Đăng Quảng (1864-1949)
Ông Nội – Trần-Đăng Quảng (1864-1949)
Thú thật tôi không có một ký ức nào với ông nội khi ông bà nội ở Thanh Minh. Có lẻ rằng tôi chỉ ham chơi ở ngoài vườn, hay quấn quít với bà nội ở nhà sau, trong lúc cha, chú Mười và ông nội lúc nào cũng ở nhà trước chăng?
Ngược lại, tôi lại có rất nhiều kỷ niệm khi cha má đưa ông nội về Lạc Lợi báo hiếu trong những năm cuối cùng của ông. Cũng lạ lùng là trong thời gian thơ ấu đó, tôi lại không có thêm một kỷ niệm nào nữa với bà nội. Ký ức thời đó chỉ vỏn vẹn tôi, em Huê và ông nội. Tôi không thấy hình ảnh các anh tôi trong kỷ kiệm này. Sở dỉ em Huê hiện trong ký ức của tôi, vì lúc đó, ông nội rất già, muốn đi đâu, ngoài chiếc gậy mây, ông phải có một đứa cháu đi theo để lở ông có té có người tri hô. Em Huê và tôi làm nhiệm vụ đó. Chắc chắn là các anh tôi cũng làm nhiệm vụ đó, nhưng lật lại ký ức tôi không thấy hình ảnh các anh tôi trong những năm này. “Que, dẩn nội đi, Hồng dẩn nội đi”, đó là những mệnh lệnh từ ông. Ông kêu em Huê bằng Que, đáng lẻ phải là Quê theo như phát âm ở địa phương, bởi vì ông cử tên một bà tên Quê ở trong làng.
Ngoài việc dẩn ông nội đi trong nhà, ngoài vườn, tôi có một nhiệm vụ nữa. “Hồng, đi châm lửa điếu thuốc cho nội” là nhiệm vụ của tôi. Bên cạnh nội là một hộp thuốc rê và một cuộn giấy quyến. Xé một mảnh giấy quyến, để lên một tí thuốc rê, cuộn tròn, một đầu to, một đầu nhỏ, le lưởi liếm vào góc giấy quyến để làm keo gián điếu thuốc. Tôi nhớ điếu thuốc nội hút rất nhỏ, chỉ hít vài ba hơi là cháy hết. Vấn xong điếu thuốc, nội đưa cho tôi và tôi chạy te xuống bếp, châm lửa, rồi vừa mấp điếu thuốc để giử tàn lửa, vừa chạy lên nhà trên để cuối cùng đút điếu thuốc vào môi ông.
Kỷ niệm thứ ba với ông là thời kỳ chạy giặc. Ngày quân đội Pháp càn bố vùng quê tôi, bà nội và gia đình chú Mười chạy tản cư lên miệt Đồng Trăn, gia đình tôi cùng ông nội và cô Mười Lớn chạy vào Cây Xộp. Cha tôi phải thuê chú Bốn Gai và các trai tráng trong làng thay phiên khiêng vỏng ông nội. Tôi không nhớ kỷ cảnh khiêng vỏng nội, chỉ nghe kể lại sau đó là khi đến gần Suối Đăng, máy bay Pháp đến gần, các chú vội khiêng nội chạy vào đám mía, nhưng mía mọc chen chúc vỏng nội không chen vào đươc, các chú vội để vỏng và nội nằm ngoài rìa đám mía rồi mạnh ai chạy thoát thân. Có lẽ lúc đó nội đã lẩn, nên khi máy bay qua rồi, các chú lại tìm thì chỉ nghe nội nói là “tụi bay dẫn tao đi đâu vậy”.
Ông nội chết vào một đêm. Tôi nhớ là đang ngủ thì cha đánh thức rồi dẩn tôi lên nhà trên. Tôi thấy đèn đốt sáng và cô Mười đứng khóc. Ông nội nằm dài trên giường, mặt được che khăn điều. Đó là hình ảnh cuối cùng của ông nội tôi còn nhớ được. Tôi không nhớ tình cảm của tôi khi biết ông nội chết, nhưng trong những ngày sau đó, chuẩn bị đám ma cho nội, thì tôi nhớ là vui lắm. Nhà nhộn nhịp với khách đến phúng điếu, với dân làng đi chặt tre, đốn cau để làm nhà mả. Quan tài nội được quàng ở cửa Tây, sau một bàn thờ. Cha và chú Mười túc trực trước bàn thờ, anh Bốn, vì là cháu đích tôn, cũng phải ở đó. Cha tôi có một quyển sổ, cha ghi vào đó những số tiền phúng điếu để ghi nhớ. Tôi và anh Năm Lộc không có bổn phận gì hết, ngoài việc giúp anh Năm Thọ trong việc nấu nước pha trà. Anh Năm Thọ lúc đó được coi như đến làm rể vì cha má đã thuận gả chị Ba.
Trong số hàng mấy trăm người đến phúng điếu, tôi nhớ rỏ nhất là hình ảnh ông Chín Đờn. Ông Chín là em ông nội, cùng cha khác mẹ. Ông già, nghèo nàn và mù loà, nhưng là một nghệ sỉ, ông có tài thổi sáo, kéo đàn vì vậy được gọi là ông Chín Đờn. Ông Chín đến phúng điếu ông nội, tay cầm ống sáo. Ông Chín đến lạy trước quan tài ông nội, rồi ông khấn “em nghèo không có tiền cúng điếu anh, em chỉ có chiếc sáo này để thổi lên bản nhạc để đưa anh về cỏi Phật”. Thế rồi sau hai lạy, ông ngồi xuống, trịnh trọng nâng ống sáo và thổi lên khúc nhạc buồn nảo nuột.
Đám ma nội có lẻ là đám ma lớn nhất trong vùng, bời vì ông nội giàu có và danh giá nhất trong vùng. Tôi nhớ là có rất nhiều đội kèn trống đại diện cho mổi thôn ấp trong vùng, nhưng tôi ngưởng mộ nhất là ban nhạc của Bang người Tàu ở Thanh Minh với nhiều tùng la và xập xà. Anh Bốn tôi, cháu đích tôn, được ngồi trên giàng kiệu khiên bởi dân làng, tiếp theo là cờ lọng chiên trống của các đình miểu của nhiều làng và thôn ấp.
Trong lúc lấp đất chôn quan tài thì trời đổ mưa. Tôi nhớ kỷ như vậy bởi vì sau đó ai nấy cũng bàn tán là con cháu sau này sẽ phát lắm. Con cháu, dỉ nhiên, là có tôi trong đó. Tôi nhớ là mổi bảy ngày trong bảy tuần lể liên tiếp cha cúng thất tuần cho nội. Ông thầy Tám ở Chùa Phật Lớn đến làm lể. Anh em trai chúng tôi, mặc tang phục trắng, quì hàng giờ trước bàn thờ và hể nghe Thầy Tám gỏ chuông rồi nói “cung bái” là anh em chúng tôi lạy. Khi lớn lên, mổi khi nghe tiếng mỏ và chuông chùa tôi lúc nào cũng liên tưởng đến những ngày cúng thất tuần đó. Một lần đang cúng trang nghiêm như vậy thì nghe ở ngoài ruộng tiếng thằng Đùm, lớn hơn tôi chút ít, vừa chạy vừa la lớn “Nam mô A Di Đà Phật, cọp vật ông thầy chùa“. Đó là những kỷ niệm tôi không quên được.
Sau khi chôn nội, chiều nào cha cũng dẩn anh em trai chúng tôi đi đốt nhang ở mả nội. Vào một buổi chiều tôi nhớ cha chỉ tay về hướng núi Hòn Ngang rồi nói: “Các con có thấy khối đá lớn ở núi Hòn Ngang đó không? Địa huyệt này hướng về khối đá đó thì sau này con cháu phát tốt lắm. Ông nội các con còn nói tiếc là nước bầu ứ động, không được trong, chứ nếu nước chảy trong thì con cháu còn phát hơn nữa”.
Vào một buổi chiều khác, khi cùng cha đi đốt nhang mả nội, tôi nhìn về hướng tây giữa Hòn Bà và Hòn Dử, khi những tia nắng cuối cùng còn vương mắc giữa những cụm mây chập chùng trên Trường Sơn, tôi thấy có một cụm mây có hình dạng một người đang đứng chống gậy, tôi chọc tay vào lưng anh tôi rồi nói “Bốn, Bốn, kìa hình ông nội trên mây kìa”.
Tôi cũng không quên kể lại chuyện cha tôi thấy ông nội. Một trong ba đêm quàng quan tài tại nhà, cha và chú Mười thay phiên nhau ngồi bên quan tài suốt đêm. Khi tới phiên cha ngủ, cha mơ màng thấy một hình dạng một mặt dài lơ lửng bay đến gần cha, cha lấy tay vuốt từ đỉnh đầu cho tới cằm, rồi cha nói “Cha đừng nhác con”, thế là hình đó biến mất. Sáng ngày cha kể lại, cha bảo là ông nội hiện về để thử cha có sợ hay không.
Ông cố của tôi có tới 11 người con từ hai dòng vợ. Ông nội tôi là con út trong số bảy con của dòng vợ chánh. Ông Cố dẩn sáu con lớn về ở với bà vợ thứ. Bà cố ruột của tôi vì vậy sống ly thân tại ngôi vườn cha tôi ở hiện nay. Chỉ có ông nội tôi theo bà cố. Các anh chị của ông nội tôi và con cháu sau này đều nghèo và không được ăn học nhiều. Chỉ có ông nội được mẹ ruột nuôi nấng, cho ăn học và gầy nên sự nghiệp lớn cho nội và con cháu sau này. Ông được bà cố cho đi học chử (Hán) và học nghề thuốc đông y và được bổ nhiệm làm chức Y Sanh của tỉnh Khánh Hoà. Dân chúng trong vùng gọi ông là Giáo Tám, mặc dầu ông không làm nghề thầy giáo. Ông có một chiếc xe kéo, mỗi khi muốn đi đâu, ông thuê trai tráng trong làng kéo xe. Tôi còn nhớ chiếc xe kéo này, cha còn để sau nhà tôi rất nhiều năm sau khi nội đã mất. Tôi được mấy người trong làng kể lại chính ông nội xây nên chiếc Cầu Bè bằng gổ rất vững chắc để xe kéo của nội chạy qua dể dàng. Công đức của ông nội rất lớn và đã được con cháu ghi rỏ trong Gia Phả Trần-Đăng nên tôi không kể ở đây.
Ông nội rất linh thiêng. Cha kể lại một lần anh Bốn bệnh nặng. Cha tra cứu đủ sách thuốc để chửa trị cho Bốn, nhưng bịnh Bốn không hết. Cha lo lắng và vái ông nội. Đêm đó cha nằm chiêm bao thấy ông nội về bảo cha phải tra cứu quyển sách thuốc ở trang ông nội chỉ. Tỉnh dậy, cha vội tra cứu quyển sách thuốc đó, quả nhiên có đúng bài thuốc và nhờ vậy anh tôi hết bịnh.
Phần cá nhân tôi cũng được ông nội mách bảo. Năm 1960, tôi theo học Đại Học Khoa Học Sài Gòn với chừng chỉ PCB (Physique, Chimie, Biologie – Lý Hóa Sinh). Đêm trước ngày thi, tôi vái ông nội. Ngày thi đầu tiên với môn Biologie tôi làm bài khá, tuy nhiên tôi sợ nhất là Chimie Organique và Physique. Hai đêm liên tiếp trước ngày thi hai môn này, tôi đều chiêm bao thấy một ông già đến mách tôi là sáng phải dậy sớm để ôn bài ở số trang ông chỉ. Quả thật như vậy, tôi trúng tủ cả hai môn thi mà tôi sợ nhất. Năm đó tôi đổ hạng hai trong khoảng 100 sinh viên trúng tuyển PCB ở Đại học Khoa Học Sài Gòn.
Năm 1993, tôi về VN sau hơn 20 năm ở hải ngoại. Khi trở lại nước Anh, tôi không mang vật gì quí giá, ngoại trừ một khối đất quê hương. Đó là khối đất tôi lấy từ ngôi mộ bà Cố, ông Nội và bà Nội. Ngày nay, khối đất được đặt trang trọng trên bàn thờ tổ tiên.
Mả Bà Cố (Trần Thị Phước) ở trong vườn nhà (chụp ảnh năm 1993)
Mả Ông Bà Nội ở Gò Đình, Lạc Lợi (ảnh chụp năm 1993)
Đất lấy từ mả Bà Cố và Ông Bà Nội đựng trong bình, được đặt trên bàn thờ
Reading, ngày Quý Sửu, tháng Mậu Thìn, năm Kỷ Mảo (1 May 1999).
Trần-Đăng Hồng