Tại sao động vật chọn sắc đẹp làm tiêu chuẩn chọn bạn tình
17/10/2015
TẠI SAO ĐỘNG VẬT CHỌN SẮC ĐẸP LÀM TIÊU CHUẨN ĐỂ CHỌN BẠN TÌNH
Trần Đăng Hồng, PhD
|
Trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt để sinh tồn, mạnh được yếu thua, chỉ có cá nhân nào khỏe mạnh nhất mới tồn tại. “Sắc đẹp” (beauty) có phải là một yếu tố duy nhất con thú lấy làm tiêu chuẩn để chọn đối ngẫu làm tình để sinh con cái, nòi giống sinh tồn?
Darwin khi quan sát giới động vật trong lúc nghiên cứu thuyết tiến hóa đã ngạc nhiên thấy giống đực thường được thiên nhiên trang điểm rất đẹp, với nhiều màu sắc rực rỡ, trong lúc giống cái không có trang điểm gì xuất sắc. Hãy nhìn giữa con gà trống với gà mái, con công đực với công mái, con nhái đực với nhái cái, con cá cảnh đực với cá mái, ở loài bướm, ong v.v. thì thấy thiên nhiên thật bất công và kỳ thị với giống cái.
Công đực và công cái, bướm đực (trên) bướm cái (dưới)
Con vật được trang điểm với màu sắc lộng lẩy là một yếu tố bất lợi: thân thể tốn nhiều năng lượng để sản xuất màu sắc và duy trì sắc đẹp, và một bất lợi lớn nhất khác là dễ bị làm con mồi cho thú khác ăn thịt vì dễ dàng bị thấy từ xa. Vậy thiên nhiên trang điểm cho con đực để làm gì? Dỉ nhiên, con đực đẹp với màu sắc rực rỡ là để lôi cuốn giống cái đến làm tình. Con cái có cái nhìn thẩm mỹ để chọn lựa con đực làm tình. Như vậy “sắc đẹp” (beauty) của con vật hàm ý gì, và bên trong “sắc đẹp” chứa đựng điều gì để phái nữ trao thân gởi phận mình?
Cách đây hơn 150 năm, Charles Darwin đã bối rối trước vẽ đẹp lộng lẫy của con vật, các giống ếch nhái với màu sắc sặc sở ở mọi lục địa, chim chóc, bướm ong, v.v. Chính nhờ “sắc đẹp” mà con vật chọn con này hơn con khác để làm tình, và vì vậy ông đưa ra “thuyết chọn lựa tình dục” (sexual-selection theory), một trong thuyết tiến hóa sinh vật của ông. Tuy nhiên ông không giải thích được tại sao thiên nhiên chọn “sắc đẹp” làm tiêu chuẩn để con vật chọn nhau làm tình, bởi vì sắc đẹp là điểm bất lợi cho sự sinh tồn, trong khi sinh tồn mới là yếu tố chính. Vì không giải thích được, Charles Darwin cho rằng “sắc đẹp” là một sản phẩm phụ. Ông viết: “Không có màu gì đẹp tinh tế hơn máu ở tỉnh mạch, tuy nhiên không có lý do gì cho rằng màu máu là yếu tố ưu thế, mặc dầu nó làm vẽ đẹp của má phái nữ, nhưng không ai giả bộ đạt cái vẽ đẹp này cho mục đích lôi cuốn đối ngẫu vì sự tồn vong”.
Điều làm Darwin bối rối mãi tới nay mới được giải đáp, nhờ những công trình nghiên cứu trong thập niên qua. Sở dỉ như vậy, vì con người không thể thấy được nhiều đặc điểm tiềm tàng chứa bên trong “sắc đẹp”, mà nay chỉ khám phá được bằng cách mổ xẻ hệ thống giác quan của con vật xinh đẹp đó. Các nhà sinh học phân tử chứng minh sự lựa chọn qua nhản quan như vậy có thể đưa đến việc tạo ra giống loài mới, và “sắc đẹp” có ý nghĩa thầm kín gì đó chứ không thuần chỉ là màu sắc.
Mặc dầu Darwin đã nhờ rất nhiều nhà khoa học thực vật và động vật làm cố vấn, nhưng kiến thức về khoa học vào thời đó có giới hạn, không ai biết nhiều về thị giác, khứu giác, xúc giác, thính giác và vị giác biến thiên muôn hình vạn trạng của muôn loài động vật. Chẳng hạn, tế bào thị giác của con người chỉ nhận thấy trong giới hạn làn sóng ánh sáng của ban ngày, gồm từ tím đến đỏ, trong lúc nhản quan của loài côn trùng thấy vượt quá làn sóng cực tím, nghĩa là con người không thấy vào lúc trời tối đen lúc ban đêm, trong lúc côn trùng thấy mọi vật rõ ràng như lúc ban ngày. Mặc dầu thị giác của côn trùng cũng tương tự như ở con người, nhưng côn trùng nhận hình ảnh nhanh và chính xác hơn, nghĩa là côn trùng nhận thấy được những chuyển động rất nhỏ, những biến đổi rất nhỏ của vật mà mắt người không nhìn thấy. Con vật đực xử dụng khả năng ưu thế này để ve vãn và thông báo đến con vật cái.
Đã từ lâu các nhà sinh học cho rằng cánh bướm đực được trang trí đẹp để lôi cuốn bướm cái. Thật vậy, một thí nghiệm từ hồi thập niên 1950s cho biết bướm cái loài Hypolimnas misippus thích con bướm đực có chấm màu xanh tròn trên cánh hơn con đực có chấm sơn nhân tạo màu đen. Ngoài ra, ít khi thấy con bướm lúc đậu có cánh đứng im, hầu hết hai cánh đều đập. Điều này gây nhà sinh học Darell Kemp của Đại học Macquary University ở Sydney Úc chú ý.
Ông và nhóm nghiên cứu của ông phân tích qua video cặp bướm đực và cái loài Hypolimnas bolina nuôi trong lồng. Ông nhận xét lúc con bướm đực vỗ cánh khi bay bên dưới con cái lúc tán tỉnh, ánh sáng phản chiếu lên các điểm tròn trên cánh con đực, thì với một góc độ nhản quan của bướm cái thấy nhoáng lên một chớp ánh sáng của tia cực tím. Ngoài ra, con bướm đực lúc bay ve vãn vỗ cánh với một góc hẹp hơn nhưng nhanh hơn lúc bay đi ăn, làm nhản quan của con bướm cái khi bay hay đậu trên cao thấy có chớp tắt ánh sáng màu rạng rỡ 11 lần trong một giây. Đây là tín hiệu của con bướm đực gởi con bướm cái rằng “Anh đang ở đây, em hãy đến với anh”.
Loài cá cũng bị mê hồn bởi sắc đẹp. Mắt con cá có một lớp kính phản chiếu ánh sáng qua con ngươi, làm thị giác có cơ hội nhận diện luồn ánh sáng hai lần. Hậu quả là một lóe sáng được phát ra từ mắt đủ làm con cá phối ngẫu chú ý, nhất là ở trong môi trường nước sâu lờ mờ ánh sáng.
Nhà sinh học Molly Cummings của University of Texas tại Austin nghiên cứu loài cá Xiphophorus nigrensis. Cá này có khả năng làm phản chiếu ánh sáng từ vảy cá óng ánh như bạc để tán tỉnh cá khác phái, tương tự như ánh sáng phân cực của mặt trời lên mặt nước hồ. TS Cummings quay phim cảnh cá đực lội bên cá mái trong một bể nuôi cá. Bằng cách biến đổi loại ánh sáng và cường độ ánh sáng trong bể nuôi như ở đáy hồ, có thể kiểm soát được con cá đực phát quang ánh sáng phân cực qua các vảy. Không có phát quang này, con cá mái không biết có sự hiện diện của cá đực ở trong bể nuôi.
Cá đực Xiphophorus nigrensis màu óng ánh trái với cá mái màu xám
TS Cummings cũng từng lặn sâu trong rừng tảo nâu dưới biển vùng California, nơi có ánh sáng lờ mờ, nhưng có muôn vàn ánh sáng chớp tắt của tín hiệu loài cá gởi cho đồng loại khác phái. Khi nghiên cứu mắt của loài cá Hypsurus caryi, thường bơi lội trong mọi loại ánh sáng trong rừng tảo nâu thì thấy mắt cá có rất nhiều protein opsin. Các dải quang phổ của ánh sáng mà mỗi opsin hấp thu hầu như không chồng chéo lên quang phổ của opsin khác. Như vậy, con cá nhận thức được một loạt lớn biến thiên của màu sắc. Con cá đực có màu sắc tương ứng với nhản quan đã định kiến này: màu da có vạch xanh lục và vàng cam nỗi bật lên trong nước xanh của vùng tảo nâu.
Ngược lại, ở loài cá Embiotoca lateralis sống nơi thiếu ánh sáng nhất trong rừng rậm của tảo nâu thì có cấu tạo của mắt khác hẳn. Opsin cấu tạo mắt chồng chéo lên nhau, nên chỉ thấy sự tương phản của vật giữa đen và sáng. Vì vậy con cá mái chỉ nhận thấy cá đực khi cá đực có phát quang.
Các nghiên cứu không giải thích tại sao cá mái thích màu xanh lục, còn con bướm cái bị mê hoặc bởi những tín hiệu chớp tắt của tia sáng phát ra từ các đốm sặc sở trên cánh?
Sở thích của sinh vật được quyết định bởi giác quan đã được tập trình sẵn trong bộ não theo khiếu thẩm mỹ riêng của con vật cho là có đủ tiêu chuẩn “sắc đẹp” để quyến rũ mình.. Nhưng “sắc đẹp” đó có ý nghĩa gì trong việc chọn lựa bạn tình để bảo tồn nòi giống?
Dĩ nhiên, “sắc đẹp” là cái biểu hiện bên ngoài. Sự trang điểm lộng lẫy của “sắc đẹp” phải có tiềm ẩn những lợi ích. Trước nhất, "sắc đẹp" là biểu hiện một sức khỏe dồi dào trong cơ thể, chứng tỏ con vật có được một di sản của bộ di truyền hoàn hảo, không có gì khiếm khuyết, yếu tố quan trọng của sự tồn vong nòi giống. Ngoài ra, còn tiềm ẩn nhiều đặc tính tốt cần thiết khác. Chẳng hạn, con thiên nga mái chú ý làm bạn tình với con thiên nga đực có cái đuôi cao vót uốn cong, vì con thiên nga đực này là chúa tể có một lãnh thổ màu mỡ bảo đảm thiên nga cái được sinh sống và sinh con nối dõi giống nòi.
Nghiên cứu ở Đại học Tromso Na Uy cho biết con ruồi cái Drosophila melanogaster chỉ chọn con ruồi đực mà cánh óng ánh màu đỏ sậm làm tình chứ ít khi chọn con có cánh vàng hay xanh, bởi vì cánh có màu đỏ sậm thì dày, khỏe hơn, cho phép bay nhanh và xa.
Tại sao con công mái chọn con công đực có lông dài với màu sắc sặc sở. Cái sắc đẹp này là một yếu điểm cho sự tồn vong, vì khó chạy nhảy, dễ bị thú khác ăn thịt vì không thể ẩn nấu, giả trang. Con công mái sở dỉ chọn người tình đẹp không phải vì cái mả bề ngoài mà chính cái lông màu sắc sặc sở phản ảnh sức khỏe của công đực “cái răng cái tóc là gốc con người”: công đực không có bệnh, không bị ký sinh, chứng tỏ có gen tốt để truyền giống .
Các nghiên cứu cho biết cái màu rực rỡ trên cánh bướm đực là chỉ dấu của gen di truyền giúp con bướm chịu đựng giỏi gió mạnh, chịu đựng nhiệt độ cao hay giá lạnh, sống được trong điều kiện thiếu thức ăn, tức là những đặc tính tốt cho nòi giống sinh tồn.
Chính vì sự liên hệ giữa “sắc đẹp” và gen biểu hiện những đặc tính tốt cho sinh tồn nòi giống, ngày nay có thuyết mới về chọn lọc gen tốt qua sắc diện bề ngoài. Chẳng hạn ở loài chim chích chòe có cổ khoan vàng Geothlypis trichas, tại vùng New York chim mái thích chọn con đực có lông ở ngực màu vàng rực rỡ, nhưng cũng giống chim này ở vùng Wisconsin cách xa New York 1500 km thì chim mái thích con chim đực có vòng lông đen quanh mắt. Mặc dầu sở thích khác nhau của cùng loài chim sống ở hai nơi cách xa, nhưng cả hai đặc tính trên của loài chim chích chòe đều do một gen miễn nhiễm quy định, giúp con chim thế hệ sau miễn nhiễm được nhiều loại bệnh.
Tóm lại, “sắc đẹp” (beauty) là sự biểu hiện cái đẹp bên ngoài dễ nhận thấy, và biến thiên theo khiếu thẩm mỹ riêng biệt của mỗi loài động vật, đều chứa đựng bên trong những đặc tính tốt của di truyền cần thiết cho sự sinh tồn của nòi giống.
Con người, cũng là một động vật, thì quan niệm “sắc đẹp” ra sao? Vì con người quá tiến bộ trong tiến trình tiến hóa, nên mất hầu hết những tiêu chuẩn lựa chọn có tính bản năng như loài động vật sơ khai. Tuy nhiên một ít bản năng lựa chọn bạn tình còn lưu giũ. Chẳng hạn, giới nữ tìm ở giới nam “nhà giàu, học giỏi, đẹp trai”, việc sắc đẹp ở phía nam không cần thiết bằng việc bảo đảm cho phái nữ có cuộc sống sung túc và con cháu thông minh. Ngược lại, phái nam chú ý phái nữ nhiều nhất ở sắc đẹp, “Trai tài, gái sắc” là hình mẫu của cặp uyên ương, cả hai yếu tố này đều do gen di truyền. Cái “sắc đẹp” đập vào mắt đàn ông trước nhất là "nhất da, nhì dáng", là sắc diện của mặt với màu má ửng hồng phản ảnh màu máu trong tỉnh mạch da mặt. Da mặt đỏ hồng ở người là do một trong 6 gen nằm ở tế bào da chi phối tính miễn nhiễm bệnh tật. Đặc tính da hồng hào ở phụ nữ cũng linh kết (linkage) với bộ ngực nỡ nang và mông rộng bảo đảm việc đẻ nhiều con và nuôi con giỏi (nhiều sữa), ít bệnh tật. Chính vì cái bản năng còn tồn tại đó, mà các các nhà sản xuất mỹ phẩm chọn màu hồng, chứ không màu khác, làm son phấn trang điểm cho phụ nữ để gây sự chú ý ở phái nam.
TÀI LIỆU CHÁNH
Amy Maxmen (8/10/2015). Animal behaviour: Come mate with me. Nature, 526. http://www.nature.com/nature/journal/v526/n7572_supp/full/526S8a.html
Reading, 17/10/2015