Chuyện vui có thật
22/2/2024CHUYỆN VUI CÓ THẬT
Trần-Đăng Hồng
Năm 1945, tôi được 5 tuổi và đã có trí nhớ nhiều. Sau khi Nhật đầu hàng, quân đội Pháp trở lại Nha Trang (ngày 23/10/1945), hành quân lùng bắt các phong trào chống Pháp. Gia đình tôi vì vậy phải chạy giặc, vào trú ngụ nhà Ông Từ Hai ở Cây Xộp, cách nhà tôi chừng 4 cây số. Chúng tôi và cô Mười Lớn ở nhà ông Từ Hai, Chị Hai và Chị Ba ở nhà Hai Vốn, còn Cha và Ông Nội ở nhà Ông Trùm Ba. Hai Vốn là con của ông Từ Hai của đời vợ trước, bà Từ Hai là vợ sau của ông, nghĩa là mẹ ghẻ của Hai Vốn.
Cha má tôi mang ơn ông bà Từ Hai lắm. Vì nhà tuy nghèo, nhưng hai ông bà rất tử tế, chia sẻ những gì tốt nhất của họ cho chúng tôi, như giường, bộ ván cho chúng tôi ngủ. Sau này, Ông Bà Từ Hai đến thăm gia đình tôi thì cha má thết đải tử tế lắm, cơm nước, rượu, v.v. đầy đủ, như tôi đã có một lần kể chuyện ông Từ Hai ăn trái ô ma đến nổi ông ói mửa trên sân gạch.
Trong thời gian chạy giặc, Cô Mười Lớn cũng thường dẫn tôi và Huê đến nhà Hai Vốn, nơi Chị Hai và Chị Ba ở, chỉ xa độ chừng 10 – 15 mét. Lúc đó tôi không để ý Hai Vốn thế nào, vì còn quá nhỏ.
Sau này, khoảng lúc 10 tuổi, tôi có gặp Hai Vốn nhiều lần ở Ngả Ba nơi Miểu, khi Hai Vốn đi chợ Thanh Minh. Từ Khu nhà ông Từ Hai và Hai Vốn, muốn đi chợ Thanh Minh bắt buộc phải qua ngả này, chứ đi ngỏ qua thôn Quang Thạnh, đoạn đường dài gấp đôi.
Sở dỉ tôi chỉ nói trỏng Hai Vốn, bởi vì tôi không biết Hai Vốn là đàn ông hay đàn bà. Hai Vốn có thân hình cao lớn của một đàn ông, nhưng dáng điệu ẻo lả như đàn bà. Hai Vốn, búi tóc như dàn bà, giọng nói của đàn bà, khi đi hai tay đánh xa như đàn bà. Tuy chỉ có quần áo thì không phân biệt được, vì thời đó đàn ông hay đàn bà nhà quê đều ăn mặc bộ đồ đen như nhau, và đều đi chân không.
Phải một thời gian sau, vấn đề phái nam hay nữ của Hai Vốn mới được sáng tỏ.
Cũng khoảng tôi 10 tuổi, bà Từ Hai đến thăm má tôi. Theo thông lệ, khi có khách tôi phải đứng hầu bên cha hay bên má, để cha hay má sai vặt, như đi nấu nước chăm bình trà, hái trầu, cau cho má, v.v. Chính vì vậy tôi nghe được hết những câu chuyện giữa bà Từ Hai và má.
Má hỏi thăm về mọi người trong gia đình bà Từ Hai. Dĩ nhiên, má thắc mắc về Hai Vốn.
Bà Từ Hai cười sặc sụa, chảy nước bả trầu quanh mép, bà lấy cái khăn quệt miệng lau khô. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ khuôn mặt nhăn nheo, già nua của người già trước tuổi vì nghèo khổ. Bà kể cho má.
Một ngày nọ Hai Vốn nói với ông bà Từ Hai là xin cưới vợ, một người con gái mà Hai Vốn đã thầm yêu trộm nhớ. Vì là mẹ ghẻ, bà Từ Hai cũng không biết Hai Vốn là trai hay gái.
Bà Từ Hai mới bàn với ông Từ Hai, là không biết Hai Vốn có “cái đó“ hay không mà đòi cưới vợ, lở không có thì tội cho con gái nhà người ta. Ông Từ Hai nói:
- Tui biết nó có “cái đó”, khi sinh ra tui chăm sóc nó mà.
Bà Từ Hai, nói thêm:
-Đã đành là hồi nhỏ nó mới sanh nó là con trai, nhưng bây giờ nó lớn, nó phát mả thành con gái, “cái đó” có thể tiêu đi rồi, ông có bảo đảm được không?
Ông Từ Hai, tiêu nghiểu, không biết nói sao, có thể Bà Từ Hai nói đúng.
-Được rồi, để tui tính. Bà Từ Hai nói với ông.
Một ngày nọ, sau mùa gặt lúa, Bà Từ Hai gọi Hai Vốn giúp bà giê lúa sau khi phơi khô. Giê lúa là động tác nhờ gió thổi hạt lép bay xa, chỉ còn hạt lúa chắc rơi xuống sân.
Bà nói với Hai Vốn: Hôm nay gió yếu quá, mày phải đứng trên ghế đẩu cao. Thế là, Hai Vốn đứng trên cái ghế đẩu cao, hai tay nâng thúng lúa nặng, nghiêng thúng để lúa rơi xuống cho gió thổi lú lép bay xa.
Nhanh như chớp, bà Từ Hai tuột quần Hai Vốn. Hai Vốn lính quính không biết phải làm gì, đành chết đứng như trời tròng. Thời gian đủ để bà Từ Hai quan sát xem Hai Vốn có “cái đó” không.
Má khen bà Từ Hai có mưu cao thâm. Cả hai cùng cười lớn, má cười đến nổi sặc cà bả trầu.
Thế là Hai Vốn có vợ, và có con như mọi đàn ông khác.
Reading, 22/2/2024.