DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Ảnh hưởng của biến đổi lên ĐBCL Việt Nam

8/11/2008

Nội dung bài nói chuyện tại Sydney (Australia) ngày 8/11/2008 với cựu nhân viên & sinh viên Đại Học Cần Thơ và cựu học sinh liên trường Cần Thơ.

 

ẢNH HƯỞNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TOÀN CẦU TRÊN VÙNG CHÂU THỔ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VIỆT NAM

 

Trần Đăng Hồng, PhD

 

 

Theo Hiệp Hội Bảo Tồn Thế Giới (World Conservation Union, IUCN), Đông Dương (Việt Nam, Lào và Cao Miên) là vùng bị ảnh hưởng nhất ở vùng Đông Nam Á bởi hiện tượng hâm nóng toàn cầu (3, 5), cọng hưởng với sự biến đổi thuỷ tính dòng sông Cửu Long gây nên bởi hiện tượng này và bởi con người.

          Mặc dầu Việt nam đóng góp rất ít khí thải nhà kiếng vào khí quyển, chỉ khoảng 0.93 tấn CO2 /đầu người Việt so với 19.80 tấn CO2 /đầu người Mỷ, hay 57.48 triệu tấn CO2 /VN so với 5,912 triệu tấn CO2 /Hoa Kỳ (7), Việt nam cũng cùng chịu chung số phận đồng đều với toàn cầu về hậu quả biến đổi khí hậu: gia tăng nhiệt độ, gia tăng bảo tố và lủ lụt, nước biển dâng cao, v.v. với những hậu quả vào kinh tế và đời sống con người.

Trong vòng 30 năm qua, đồng bằng Cửu Long (ĐBCL) cũng đãhiện đang trải qua những biến đổi khí hậu.

 

Gia tăng nhiệt độ. Trong 100 năm của thế kỷ 20, nhiệt độ trung bình của thế giới tăng khoảng 0.6°C (5), riêng Việt nam nói chung (hình trái) (3) và Cần Thơ  (hình phải) (13) nói riêng đã tăng khoảng 0.5°C trong thời gian 30 năm (1975-2005). Các nước khác trong khu vực Đông Nam Á cũng cùng chung biên độ biến đổi này. 

 

 


Gia tăng nhiệt độ của thế giới (đường trên) và Việt Nam (đường dưới) (hình trái)(5) và Cần Thơ (hình phải) (13).

 

          Nhiệt độ mùa đông gia tăng nhiều ở Miền Bắc, nhưng gia tăng ít ở ĐBCL nhờ ảnh hưởng của Biển Đông và Vịnh Thái Lan. Chẳng hạn, trong vòng 30 năm (1961-1990), nhiệt độ tối thiểu trung bình trong mùa đông gia tăng 3°C ở Điện Biên, Mộc Châu; tăng 1.2°C ở Ban Mê Thuột, 0.8°C ở Sài Gòn, 0.5°C ở Nha Trang. Tại ĐBCL, nhiệt độ mùa đông gia tăng khoảng 0.5°C, ngoại trừ Rạch Giá gia tăng nhiều nhất, tới 1.2°C (9). Riêng về nhiệt độ tối đa của mùa hè thì vẫn không thay đổi mấy ở ĐBCL (3). Tại Cà Mau nhiệt độ trung bình hàng năm gia tăng 0.5°C trong thời gian 1976-2000, mặc dầu nhiệt độ tối thiểu ở mùa đông có khi lạnh hơn (-0.75°C), và nhiệt độ tối đa mùa hè nóng hơn chút đỉnh (+0.31°C) (10).

 

Giảm số giờ nắng/năm. Trong 30 năm qua, ở ĐBCL cũng như đồng bằng sông Hồng số giờ nắng/năm giảm vì trời nhiều mây mù, nhưng số giờ nắng gia tăng ở Miền Trung. Chẳng hạn, số giờ nắng trung bình hàng năm giảm 20 giờ ở Bắc Giang, Hà Nội và Hải Dương, giảm 20 giờ nắng ở Cần Thơ và Bạc Liêu, trong lúc gia tăng 20 giờ nắng ở Nha Trang, tăng 18 giờ nắng ở Pleiku, và tăng 10 giờ nắng ở Ban Mê Thuột (9).

 

Biến đổi vũ lượng và tháng mưa. Nếu nói chung cho cả nước, trong vòng 100 năm qua, vủ lượng hàng năm có khuynh hướng giảm (10).

 


Khuynh hướng giảm vũ lượng ở VN trong 30 năm qua (10)

 

Tuy nhiên, nếu tính từng vùng, trong 30 năm qua (1961-1990) vũ lượng gia tăng ở đồng bằng sông Hồng và Miền Trung do nhiều mưa bảo mang tới, trong lúc giảm ở ĐBCL. Chẳng hạn, mưa ở Đà Nẳng và Ban Mê Thuột tăng 200 mm/năm, ở Bắc Giang tăng 150 mm/năm, nhưng giảm 100 mm/năm ở Bạc Liêu. Ở ĐBCL, mặc dầu có mưa nhiều hơn vào tháng 7, nhưng lại thiếu mưa vào tháng 1, mùa khô hạn kéo dài, nên tổng số nước mưa/năm có khuynh hướng giảm (10). 




Phân phối vũ lượng tại ĐBCL

 

Ở ĐBCL, vùng Gò Công nhận ít mưa nhất (khoảng 1,200 mm/năm), và mưa tăng dần khi tiến về hướng Cà Mau (2,200 mm/năm) hay hướng  Sài Gòn (1,600 mm/năm).

Tiên đoán cho biết, vào năm 2070, tổng số nước mưa trên vùng hạ lưu Mekong (ĐBCL Việt nam và một phần Cao Miên) vẫn không thay đổi, nhưng mưa tập trung nhiều hơn ngày nay vào tháng 6, 9 và 10, sẽ gây nhiều khó khăn cho gặt lúa, và gây lụt lớn, ngược lại mùa khô kéo dài thêm 2 tháng, gây hạn hán trầm trọng (11, 12, 16).
 


Phân phối nước mưa hàng tháng tại vùng hạ lưu  châu thổ Cửu Long trong hiện tại (màu xanh) và trong tương lai (màu đỏ) (11, 17)

 

 

 


Thêm vào đó, trong tương lai ẩm độ không khí sẽ thấp hơn hiện nay, gây nhiều bốc hơi nước, làm gia tăng tác hại của hạn hán vào năng xuất hoa màu (12).

 

Biến đổi lưu lượng Hậu Giang và Tiền Giang. Sông Mekong phát nguyên từ Tây Tạng, dài 4,200 km, hạng 12 trên thế giới nếu xếp hạng theo chiều dài, hạng thứ 8 về lưu lượng, có lưu lượng trung bình hàng năm khoảng 475 tỷ m3 nước, vào địa phận Việt nam với lưu lượng 53 tỷ m3 nước (8). Vận tốc chảy trung bình trong lảnh thổ VN là 15,000 m3/giây (tại Tân Châu là 14,200 m3 nước /giây), tối thiểu 2,500 m3/giây trong mùa hạn, tối đa là 40,000 m3/giây trong mùa lủ. Lưu vực sông Cửu Long chiếm 795,000 km2, trong số này VN chiếm 64,300 km², đứng hạng 21 lưu vực lớn trên thế giới, xuyên qua sáu quốc gia là Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cao Miên và Việt Nam, nuôi sống 80 triệu dân trong lưu vực, trong số đó là 18 triệu dân Việt ở đồng bằng Cửu Long Việt Nam, cung cấp lương thực cho khoảng 300 triệu dân trên thế giới. Sông Mekong là nơi sinh sống của 1,300 loài cá, cung cấp khoảng 1.6-1.8 triệu tấn cá /năm cho toàn khu vực.

Nước mưa trên phần đất Lào cung cấp 35% lưu lượng nước sông Mekong. Trong vòng 20 năm qua, vì nạn phá rừng, tuy lượng nước mưa giảm nhưng vì không có lực cản và giữ nước của rừng, bao nhiêu nước mưa hứng được trên vùng này chảy dồn tạo lưu lượng lớn trong thời gian ngắn, gây nên lụt lội trong mùa lủ, và thiếu nước trong mùa hạn ở hạ lưu (Việt Nam). Đồng thời việc phá rừng gây nhiều soi mòn đất đai ở thượng nguồn, và lắng đọng nhiều trầm tích ở Biển Hồ và hạ lưu, gây nên biến đổi dòng chảy..

Vì những lý do trên, khi vào địa phận Việt Nam, dòng chảy sông Cửu Long bắt đầu biến đổi; khuynh hướng nước chảy vào Hậu Giang nhiều hơn Tiền Giang so với trước đây. Chẳng hạn, trong mùa lủ, trong vòng 7 năm qua (2000-2007) mực nước ở Tân Châu (trên Tiền Giang) xuống thấp 0.8 m, trong lúc mực nước ở Cần Thơ (trên Hậu Giang) dâng cao hơn 0.3 m (13). 
 




 

Khuynh hướng mực nước xuống thấp ở Tân Châu, nhưng gia tăng ở Cần Thơ trong mùa lủ (13)



 


Ngược lại, trong mùa khô 2006, lưu lượng trên Tiền Giang và Hậu Giang chỉ còn 1,600 m3/giây, thay vì 2,500 m3/giây 30 năm trước (13).

 

 

Lụt lớn xảy thường xuyên. Hàng năm, ĐBCL đều có lụt xảy ra định kỳ. Các cơn lũ bắt đầu khi nước sông Cửu Long dâng cao làm ngập vùng Savannakhet và Pakse ở Nam Lào, rồi đến vùng Kratie ở miền Đông Kampuchea. Nước lũ từ thượng lưu theo sông Tiền và sông Hậu chảy vào VN. Mùa lũ thường kéo dài từ cuối tháng 6 cho đến cuối tháng 12 và được chia ra ba giai đoạn (6).

Trong giai đoạn 1, từ tháng 7 đến tháng 8, nước lũ chảy vào các kinh và các mương rạch thiên nhiên vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên.

Cao điểm lũ lụt xảy ra trong giai đoạn 2 khi mực nước sông Tiền ở Tân Châu cao hơn 4.2 m, và mực nước sông Hậu ở Châu Đốc cao hơn 3.5 m. Mức độ trầm trọng lụt ở ĐBCL dựa vào mực nước đo tại Tân Châu. Nếu mực nước quá 5.0 m là lụt “chết người” (dreadful flood); 4.5 – 5.0 m là “lụt trầm trọng” (serious flood); 3.5 – 4.5 m là lụt; và <3.5 m là lụt nhỏ. Vào mùa lủ lụt lớn, nước lủ tràn qua biên giới Việt Miên chảy vào Đồng Tháp Mười và khu Tứ Giác Long Xuyên. Lưu lượng nước lủ tràn qua biên giới Việt Miên có khuynh hướng gia tăng, từ 2,930 m3/s trong trận lủ 1961, lên 6,300 m3/s trong trận lụt 1991, 8,286 m3/s năm 1996, và 16,414 m3/s trong trận lủ năm 2000.

Giai đoạn 3 bắt đầu từ tháng 10 khi mực nước hạ thấp dần cho đến cuối tháng 12.

Vào mùa lủ, ở những năm bình thường, 1/3 diện tích đồng bằng bị ngập – khoảng 1.5 triệu ha - có nơi sâu 3-4 m.  Tại Mộc Hoá mùa lủ hiện nay đến sớm hơn 12-15 ngày so với thập niên 1970s, lúc vụ lúa hè thu chưa kịp chín để thâu hoạch. Năm nào lủ đến sớm trước 15/8 coi như mất trắng thâu hoạch.

Tại ĐBCL, trong thời gian 60 năm từ 1900 đến 1960, chỉ có 4 trận lụt lớn là trận bảo lụt năm Giáp Thìn (ngày 16/3/1904) do mưa bảo cọng hưởng với thủy triều cao, có nhiều đợt sóng cao 10m ở vùng duyên hải giết trên 5,000 người tại Gò Công; lụt năm Giáp Tí (1924), lụt năm Canh Thìn (1940), và lụt năm Nhâm Thìn (1952). Tuy nhiên, ở hậu bán thế kỷ 20, lụt lớn xảy ra thường xuyên, trung bình 5-10 năm là có một trận lụt khủng khiếp: 1961, 1964, 1966, 1978, 1984, 1991, 1994, 1995, 1996, 2000, 2001, 2002, 2005. 

 

Vùng ngập lụt trong năm bình thường (trái), và lụt lớn nhất thế kỷ năm 2000 (phải)
 

 

Trận lụt 1961 coi như là trận lụt lớn nhất ở ĐBCL kể từ 1940, với mực nước ghi trên cọc ghi trên sông Hậu ở Châu Đốc là 4.94 m và trên sông Tiền tại Tân Châu là 5.28 m.

Trận lụt 1966 gây thiệt hại ở ĐBCL khoảng 20.1 triệu USD.

Trận lụt tháng 10 năm 2000, coi như cơn lụt của thế kỷ ở vùng này, giết gần 1,000 người ở địa phận VN và Cao Miên, tổn thất tổng cộng khoảng 500 triệu USD.

Trận lụt tháng 10 năm 2001, giết 80 người ở vùng biên giới VN và Cao Miên.

 

Hạn hán thường xuyên. Trong thời gian từ 1962-1992, Châu Á bị hạn hán trầm trọng, gây thiệt hại đứng hạng ba, sau lụt và bảo tố. Tương tự, hạn hán cũng trầm trọng và kéo dài hơn trước kia trên nhiều vùng lảnh thổ Việt Nam. So với Miền Trung và Miền Bắc, trong 30 năm qua, hạn hán tương đối ít xảy ra và ít trầm trọng ở ĐBCL. Tuy nhiên nếu so với các thập niên trước 1960, ĐBCL xảy ra hạn hán thường xuyên hơn và trầm trọng hơn trước kia (1).

Trận hạn hán 1982 tàn phá 180,000 ha cây màu ở ĐBCL.

Năm 1988, hạn hán xảy ra trên toàn quốc từ đồng bằng Cửu Long, cao nguyên, duyên hải Miền Trung và đồng bằng sông Hồng.

Vụ Đông Xuân 1992-1993, việc sản xuất ở đồng bằng Cửu Long giảm 559,000 tấn lúa vì hạn hán.

Đặc biệt, hạn hán năm 1998 xảy trên toàn lảnh thổ VN, cực kỳ trầm trọng ở Tây Nguyên, Miền Trung và Nam Phần. Hạn hán này là do ảnh hưởng El Nino: Mưa ít hơn trong vụ Đông-Xuân 1997-1998, vủ lượng giảm từ 10 đến 50% trong mùa hè 1998. Cuối năm 1998, vủ lượng tiếp tục giảm 30-50% trên toàn quốc. Tổng số diện tích bị hạn hán trên toàn quốc năm 1998 là 734,284 ha, trong số đó 276,656 ha ở đồng bằng Cửu Long.

Năm 2004 và 2005, hạn hán cũng trầm trọng ở đồng bằng Cửu Long và cao nguỵên Đắc Lắc, ngay cả nước sinh hoạt hàng ngày cũng phải hạn chế. Riêng năm 2005, hạn hán xảy ra tại Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Cao Miên và Lào trầm trọng nhất trong nhiều thập niên qua, gây thiệt hại khoảng 193 triệu US dollars cho riêng Thái Lan (www.greenpeace.org, 5/1/2005).

Mỗi khi có hạn hán là đều có cháy rừng. Năm 1998, hạn hán tiếp tục xảy ra trên toàn quốc, gây nhiều vụ cháy rừng. Riêng trong 6 tháng đầu 1998 có 60 cháy rừng ở Đồng Nai và Đắc Lắc, phá huỷ tổng cộng 1,516 ha, từ tháng 3 đến 5/1998 khoảng 11,370 ha rừng bị cháy. Hạn hán tháng 3-4/2002 ở đồng bằng Cửu Long khoảng 5,000 ha rừng U Minh Thượng bị cháy rụi.

Tiên đoán cho biết ẩm độ không khí có khuynh hướng giảm, và vủ lượng giảm trong mùa khô ở đồng bằng Cửu Long, nên hạn hán sẽ trầm trọng hơn và kéo dài hơn ở các tỉnh Miền Nam trong tương lai.

  


Khuynh hướng gia tăng hạn hán ở châu thổ hạ lưu sông Cửu Long (1, 2)

 

 

Nước biển dâng cao. Tại Việt Nam, mực nước biển được theo dỏi lâu đời và khá chính xác là Hòn Dâu ở Miền Bắc. Kết quả cho thấy mực nước biển dâng cao khoảng 0.19 cm/năm trong khoảng thời gian 1955-1990 (3). Một cách cụ thể, mực nước biển tại VN đã dâng cao 5 cm trong vòng 30 năm qua. Tương tự như vậy, tại Thừa Thiên, Sở Quan trắc tường trình mực nước biển tại đây đã dâng cao hơn 5 cm, khiến xói lở thêm trầm trọng (Vnnews, 12/5/2005). Với mức độ dâng cao hiện nay (0.19 cm/năm ở Hòn Dâu), nước biển sẽ dâng cao thêm 20 cm vào năm 2100, và nếu với vận tốc dâng như IPPC tiên đoán thì nước biển sẽ dâng cao thêm 64 cm vào năm 2100. Nếu mực nước biển dâng cao hơn hiện nay 100 cm, sẽ có khoảng 40,000 km2 đất trên toàn lảnh thổ VN, chiếm 21.1% diên tích toàn quốc, bị chìm ngập nước biển (10).

Đồng bằng Cửu Long có độ cao 0-4 m trên mực nước biển, riêng vùng Cà Mau chỉ cao hơn mực biển 0-0.5 m, trong lúc thuỷ triều cao 4m, nên khả năng chìm dưới mặt biển khá lớn, nhất là vùng rừng ngập mặn hiện nay, và coi như một phần lớn đồng bằng bị đe doạ bởi triều cường từ phía biển hay nước lủ phía thượng lưu sông Cửu Long. Nếu nước biển dâng cao thêm 0.2 m, khoảng 706 km2 đất bị chìm ngập, và nếu dâng cao 0.6 m sẽ có khoảng 994 km2 đất bị chìm ngập (13). Theo Bộ Nông Nghiệp VN, nếu mực nước biển dâng cao 1m, ĐBCL sẽ mất từ 15,000 đến 20,000 km2 đất (Việt báo, 12/1/2008). Tuy nhiên, nhờ số lượng phù sa do sông Cửu Long mang vào địa phận Việt Nam hàng năm khoảng 240 triệu tấn (14), một phần lắng tụ trên đồng bằng làm phì nhiêu đất đai, một phần bồi đắp lấn ra biển dọc duyên hải, nhờ rừng ngập mặn. Trước đây, hàng năm đất lấn ra biển từ 6 m đến 80 m, nhất là ở Mủi Cà Mau, và lập nhiều cồn, đảo phù sa nhỏ ở ngoài khơi từ Bến Tre cho tới Sóc Trăng..

Đồng bằng phù sa Cửu Long VN được bồi đắp trong vòng 6,000 năm qua (15). Cách đây 9,000 năm, nước biển cao hơn hiện nay 3-4 m, bờ biển lúc đó ở chân núi Vùng Thất Sơn. Cách đây 8,000 năm, mực nước biển hạ thấp dần, phù sa từ từ lắng động trong suốt hơn 2,000 năm và đồng bằng được thành lập, tiến dần ra Biển Đông và Biển Tây (Vịnh Thái Lan). Cách đây 6,000 năm, nước biển lại dâng cao trong suốt 1,000 năm, nhờ vậy các giồng duyên hải được thành lập dọc bờ biển, che chắn vùng bên trong là các vùng trủng đầm lầy, rừng tràm U Minh, Đồng Tháp Mười và vùng Tứ Giác Long Xuyên. Đó là những giồng đất cao và các gò cao chạy song song với biển, từ Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, cho tới Sài Gòn hiện nay. Cách đây 4,500 năm, nước biển lại hạ thấp, phù sa lại bồi đấp thêm và đồng bằng tiến thêm ra Biển Đông và Biển Tây, như có hình dạng ngày nay.

Hiện tại, nước biển đang dâng cao.  Nếu rừng ngập mặn không bị hủy diệt, và sự can thiệp của con người, các giồng cát thiên nhiên sẽ được thành hình thêm, chạy dọc theo bờ biển, bảo vệ vùng đất trủng bên trong. Nhờ các loạt giồng duyên hải cao hơn mực biển 3-4 m đã tạo thành trong 6,000 năm qua, chạy song song với bờ biển, che chắn phần đất trủng bên trong, nên diện tích mất đất vì nước biển dâng cao sẽ không nhiều ở ĐBCL như đã dự đoán.

 

 




Vùng đất bị biển ngập nếu nước biển dâng cao 0.5m hay 1.0 m (Bản đồ do tác giả  tổng hợp từ  các tài liệu 4 và 13)

 

Nước mặn xâm nhập. Vì mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng của triều cường, và lưu lượng dòng sông xuống thấp trong mùa khô hạn, nên nước biển xâm nhập sâu vào nội địa. Riêng năm hạn hán 1993 và 1998, nước ngọt sông Cửu Long xuống rất thấp ở vùng Cà Mau, nên khoảng 1/3 diện tích Cà Mau bị nhiểm mặn 0.4% muối, không canh tác được. Năm 1999, riêng tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiển Giang và Cà Mau khoảng 100,000 ha đất canh tác bị nhiểm mặn. Ngay cả đầu năm 2001, khi bắt đầu mùa mưa vào tháng 5, một số tỉnh đồng bằng Cửu Long vẫn bị nước mặn xâm nhập trầm trọng. Độ nhiểm mặn có khuynh hương gia tăng hàng năm. Chẳng hạn, độ nhiểm mặn đo cùng một địa diểm ở vùng Long An gia tăng từ 300 mg muối/lít vào tháng 3/2002 lên 1800 mg/l vào tháng 3/2004. Tại cống Cái Xe (ranh Mỷ Xuyên và thị xả Sóc Trăng) ngày 20/2/2005 độ mặn trong nước là 5,900 mg/lít.

Tại các tỉnh duyên hải từ Bà Rịa cho tới Cà Mau và Hà Tiên, vào mùa nắng hạn nước mặn xâm nhập vào nội địa từ vài km đến 120 km, tuỳ năm và tuỳ địa phương. Chẳng hạn trước 1970, vào tháng 2 và 3, trên Hậu Giang nước mặn xâm nhập gần tới vùng Trà Ôn thuộc Vỉnh Long. Ngày nay, vào mùa hạn nước mặn trên sông Hậu Giang đã vượt quá Trà Ôn và mổi năm tiến dần về Cần Thơ, hiện cách Bến Ninh Kiều 15 km (13).

Tại ĐBCL, vào năm bình thường, khoảng 320 ngàn ha đất nhiểm mặn, nhưng vào năm hạn hán khoảng 744 ngàn ha đất nhiểm mặn (18.9% diện tích ĐBCL) (9).

 

 


 

Ranh giới nước biển xâm nhập vào nội địa đồng bằng Cửu Long với nồng độ muối 10 g/l, 3g/l và 1g/l.

 

Ngoài vùng duyên hải, các vùng canh tác lúa sâu trong nội địa cũng đang bị hâm doạ xâm nhập nước biển 0.4% muối trong mùa khô hạn hiện nay như Vĩnh Gia, Tri Tôn (An Giang), Vũng Liêm, Trà Ôn (Vỉnh Long), Long Vỉ, Vị Thanh (Cần Thơ), v.v.

 

Gia tăng sạt lở đất. Vì gia tăng lưu lượng dòng chảy trên sông Hậu và sôngTiền, và kinh rạch trong mùa lủ, cọng thêm sóng do ghe tàu, nạn sạt lở bờ sông và bờ đê gia tăng trong hai thập niên qua. Vì nạn phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, nên nạn sạt lở đất dọc biển do sóng biển và thủy triều cũng gia tăng. Hơn 600 ha bờ biển vùng Cà Mau đã sạt lở trong thập niên qua ở cửa sông Bồ Đề (3).

 

Ảnh hưởng vào cảnh quang ĐBCL.

Việc thay đổi thuỷ văn dòng sông Cửu Long, nước biển dâng cao, và nước mặn xâm nhập nhiều trong tương lai sẽ ảnh hưởng lên động thực vật của vùng duyên hải ĐBCL Viêt Nam. Mặc dầu Nam Phần không bị mất đất nhiều do nước biển dâng cao, nhờ sông Cửu Long mang nhiều phù sa hơn trước (do xoi mòn nhiều ở thượng du, Lào và Cao Miên), nhưng cảnh quan rừng-ngập-mặn sẽ biến đổi. Rừng Đước (Rhizophora), Mấm (Avicennia marina), Bần (Sonneratia alba) và các loài cây-chịu-nước-mặn giỏi như Bruguiera, CeriopsKandelia sẽ tươi tốt hơn (nhóm C3), và rừng lấn ra biển và vào nội địa. Ngược lại rừng Tràm (Melaleuca) hiện tại, vì không đủ 5-6 tháng ngập nước ngọt dưới 1.5 m để phát triển và sinh tồn, sẽ bị tiêu diệt, nếu mùa khô hạn kéo dài thêm 2 tháng và nhiểm mặn gia tăng, và rừng tràm có khuynh hướng phát triển vào phía nội địa (nhưng sẽ bị con người can thiệp để giữ đất canh tác), chứ không lấn ra phía biển như xưa nay. Cây Bần nước ngọt (Sonneratia caseolaris) và Dừa Nước (Nypa fruticans) cũng sẽ bị chận đứng, vì cần sống trong nước ngọt một thời gian, sẽ phát triển ngược dòng sông, và như vậy bờ sông vùng gần biển sẽ bị xói lở nhiều hơn trong tương lai.

Cá nước ngọt trên địa phận ĐBCL Việt Nam sẽ suy giảm, vì diện tích đồng bằng và dòng sông nhiểm mặn gia tăng. Ngược lại, cá sống ở nước-nhiểm-mặn (nước lợ) sẽ gia tăng. Chẳng hạn cá Cháy trước đây chỉ thấy xuất hiện trong một hai tuần sau Tết âm lịch ở Vùng Trà Ôn (Vĩnh Long), là biên giới của nước lợ, trong tương lai có thể khai thác nhiều tuần lể hơn ở vùng gần Cần Thơ. Diện tích nuôi tôm, sò, và hải sản khác sẽ gia tăng trong tương lai, ngược lại diện tích nuôi-cá-bè trên Cửu Long sẽ bị hạn chế.

Các vùng sinh môi đầm lầy (wetlands) sẽ được thành lập, thay thế các vùng sinh môi đầm lầy hiện có. Vì vậy, chim thiên di ở các vườn chim vẫn tiếp tục hiện diện. Con người mới là yếu tố chính phá hủy môi sinh hiện nay.

 

Ảnh hưởng vào sản xuất nông nghiệp. Việc gia tăng 1°C và gấp đôi số lượng CO2 do hiệu ứng khí nhà kiếng trong tương lai, một cách tổng quát, có ảnh hưởng rất trầm trọng vào nông nghiệp vùng Ôn đới, nhưng không có ảnh hưởng mấy quan trọng vào sản xuất hoa màu ở vùng nhiệt đới như VN, vì cơ chế tạo hoa, kết trái ở 2 vùng địa lý này khác nhau. Ở vùng Ôn đới, ngủ cốc (như lúa mì), cây ăn trái (như bom táo) cần có nhiệt độ lạnh, hay tổng số nhiệt độ lạnh (chilling temperature), cây mới ra hoa kết trái (hiện tượng đông hàn hay xuân hóa, vernalization). Việc gia tăng nhiệt độ trong mùa đông ở vùng ôn đới sẽ làm giảm hay ngăn chận việc ra hoa ở ngủ cốc và cây ăn trái, và làm giảm phẩm chất trái cây. Ngược lại, việc ra hoa ở ngủ cốc vùng nhiệt đới chi phối nhiều bởi ngày ngắn. Ở cây ăn trái vùng nhiệt đới, yếu tố khô hạn giúp khởi động hiện tượng ra hoa, chứ không phải yếu tố nhiệt độ lạnh.

          Nếu năng xuất hạt các loại thực vật nhóm C3 (như lúa) có cơ giảm sút, nhưng nhóm thực vật C4 (như mía, bắp, sorgho, v.v.), và nhóm thực vật CAM (Crassulacean Acid Metabolism) (như thơm khóm, thanh long, v.v) ở vùng ĐBCL lại có cơ hội gia tăng năng xuất. Các loại thực vật có củ (như khoai lang, khoai mì, v.v.) cũng hưởng lợi trong việc hâm nóng toàn cầu. Cây ăn trái ở ĐBCL cũng sẽ trù phú hơn hiện nay vì lục hóa gia tăng (qua gia tăng 1°C và gấp đôi lượng CO2), kết hoa tượng nhiều trái hơn vì nhờ nắng hạn gia tăng và mưa trể đầu mùa.

          Tuy nhiên, việc gia tăng nhiệt độ và CO2 cũng làm gia tăng côn trùng, bệnh tật và cỏ dại ở ĐBCL. Ngoài ra, việc gia tăng nhiệt độ bất thường, lụt lội, hạn hán thường xuyên, nước mặn xâm nhập sẽ làm giảm năng xuất lúa, cũng như làm giảm diện tích canh tác lúa trên toàn vùng. Nghiên cứu ở Viện Lúa Gạo Quốc Tế (IRRI, Philippimes) trong thời gian 1979-2003, cho biết năng xuất lúa giảm 10% nếu nhiệt độ tối thiểu gia tăng thêm 1°C trong mùa trồng (2). Nghiên cứu tại Đại Học Reading (Anh quốc) cho biết gia tăng nhiệt độ chỉ vài độ trên bình thường trong vài ba ngày (khi có sóng nhiệt bất thường) ở thời kỳ ra hoa, thụ phấn ở lúa, lúa mì, đậu phộng và đậu nành làm giảm năng xuất rất trầm trọng. Vì vậy, việc canh tác lúa sẽ không có lợi, mà cần phải chuyển hướng đến các loại hoa màu khác, hay nhóm cây khác, hay chăn nuôi thủy sản có lợi hơn.

Trong 400 ngàn năm qua, địa cầu chúng ta cũng đã trải qua ít nhất 4 thời kỳ “hâm nóng toàn cầu” (Science số 312, trang 1485, năm 2006). Đồng Bằng Cửu Long cũng đã trải qua 2 lần “thương hải tang điền” trong 9 ngàn năm qua, và sau mỗi lần nước biển dâng cao rồi hạ thấp, ĐBCL Việt Nam nới rộng thêm lảnh thổ ra Biển Đông và Biển Tây mà không cần sử dụng đến chiến tranh xâm lược.

Như vậy, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay (qua gia tăng nhiệt độ, và nước biển dâng cao) lên vùng ĐBCL cũng chưa ảnh hưởng trầm trọng lắm, vì có thể sửa đổi qua các kỹ thuật nông học (thay đổi giống thích hợp, thay đổi chiến lược sản xuất nông nghiệp thích nghi), hay công chánh (đắp đê, trị thủy), v.v. Sự sống còn và thịnh vượng của ĐBCL Việt Nam tùy thuộc chánh vào sông Mekong. Việc con người xây dựng nhiều đập thủy điện và nhiều hồ chứa nước ở thượng nguồn, thành lập nhiều thành phố kỹ nghệ dọc dòng sông từ thượng nguồn đến biển (mà không chú trọng bảo vệ môi sinh), việc phá rừng rất trầm trọng trong lưu vực, v.v. sẽ làm biến đổi lưu lượng sông Mekong, gia tăng lụt lớn trong mùa mưa, nhưng thiếu nước canh tác và sinh hoạt trong mùa hạn kéo dài, chưa kể dòng sông bị ô nhiểm. Đó là những điều mới đáng quan ngại cho tương lai của ĐBCL.

 

 

Tài liệu tham khảo chánh

 

1.     ADB (2008). GMS Core Environment Program (ADB TA 6289) GMS Development Dialogue II: Climate Change in the GMS – 21 May 2008

2.     ADB (2008). ADB’s adaptation program: poverty implications and emerging responses. June 2008. Regional and Sustainable Development Department.

3.     Anonymous (2005). Global warming and Vietnam.

3. http://www.tiempocyberclimate.org/portal/archive/vietnam/preface.htm

4.     GMS Core Environment Program (ADB TA 6289) GMS Development Dialogue II: Climate Change in the GMS – 21 May 2008.

5.     IPCC (1996): Climate change 1995: The Science of Climate Change. Contribution of Working Group I to the Second Assessment Report of the Intergovernmental Panel on Climate Change [J.T. Houghton, L.G. Meira Filho, B.A. Callander, N. Harris, A. Kattenberg and K Maskell (eds.)], Cambridge University Press, Cambridge, 572 pp.

6.     Khanh, Trần Tiển (2001). Nguyên nhân lủ lụt lớn tại Đồng Bằng Cửu Long. http://www.vnbaolut.com/lulut_uni.htm

7.     List of countries by carbon dioxide emissions per capita: http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_carbon_dioxide_emissions_per_capita

8.     Mekong River Commission (1997).

9.     Ministry of Agriculture and Rural Development of Vietnam (2002). United Nations Convention to combat desertification. Vietnam Action Programme to combat desertification.

10.  Schaefer, Dirk (2003). Recent climate changes and possible impacts on agriculture in Vietnam with regard to the RRD. German Vietnam Seminar. Hanoi, October 27-30,  2003.

11.  Snidvongs A, Choowaew S, Chinvanno S. (2003). Impact of Climate Change on Water and Wetland Resources in Mekong River Basin: Directions for Preparedness and Action. Southeast Asia START Regional Center Report No 12, 54pp.

12.  Whetton, P. (1994). Constructing climate scenarios: the practice. In: Climate Impact Assessment Methods for Asia and the Pacific [Jakeman AT and AB Pittock (eds)]. Proceedings of a regional symposium, Australian International Development Assistance Bureau, 10-12 March 1993, Canberra, Australia, pp 21-27.

13.  Vinh, Kỳ Quang (2008). Lower Mekong Delta and climate change: site and areas vulnerable to climate change. PPS. www.eepsea.cc-sea.org/pages/ppt/C02_KyQuangVinh.pdf

14.  Vô danh (2008). An Giang http://www.angiang.gov.vn/lietkemuc.asp?idtd=6472320045625956

15.  Vô danh. Đồng bằng Cửu Long. http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%93ng_b%E1%BA%B1ng_s%C3%B4ng_C%E1%BB%ADu_Long

16.  White, I. (2002). Water Management in the Mekong Delta: Changes, Conflicts and Opportunities. Technical Documents in Hydrology, No. 61, UNESCO, Paris

17.  Workshop on impact of climate change on water and wetland resources in Mekong River Basin. IUCN, held in Bangkok on 25-26 November 2002.

 

 

Reading, UK, 11/2008