Người Chăm cuối cùng ở quê tôi
15/2/2024NGƯỜI CHĂM CUỐI CÙNG Ở QUÊ TÔI
Trần-Đăng Hồng
Bởi vì quân Chăm – Chiêm Thành, Vương quốc Champa – thường vượt đèo đánh phá cho tới Đèo Cù Mông (ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên ngày nay), nên Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (18/7/1620 – 30/4/1687) sai con là Thái Tử Nguyễn Phúc Chu chỉnh đốn quân sự để chinh phạt quân Chiêm Thành.
Tháng 8 năm Nhâm Thân (1692), vua Chiêm Thành là Bà Tranh (Po Thot), hợp quân, đắp lũy, cướp giết cư dân người Việt đã đến định cư ở phủ Diên Ninh (Diên Khánh ngày nay) từ trước.
Thái tử Nguyễn Phúc Chu sai tướng Cai cơ Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống binh, cùng Tham mưu Nguyễn Đình Quang đem quân Chính Dinh cùng quân Quảng Nam và Bình Khang đi đánh. Tướng Nguyễn Hữu Cảnh dùng chính sách “Người Chăm diệt người Chăm”, nên cử một người Chăm trung thành với Chúa Nguyễn là Hùng Lộc cùng toán quân Chăm trung thành đi tiền phong, quân Việt của Nguyễn Hữu Cảnh đi hậu.
Vượt núi Đá Bia Đèo Cả, ranh giới giữa Phú Yên và Khánh Hòa, thế quân chúa Nguyễn mạnh như chẻ tre, kéo đến đâu quân Chăm chống cự không nỗi đều bỏ chạy rút lui.
Vua Chăm Bà Tranh bèn rút quân về Panduranga (Phan Rang bây giờ) củng cố phòng thủ, để đất Kauthara (tức Khánh Hòa bây giờ) cho con trai – một Thái tử Chăm – chống giữ.
Tiến quân như vũ bão, quân Chúa Nguyễn dọc theo Sông Cái đến thành lủy Chăm cuối cùng ở Phước Tuy, người Việt sau này gọi là Thành Hồ. Biết chống cự không nổi, Thái Tử cho rút quân về hướng núi Hòn Bà để về Panduranga, nhưng khi đến thôn Bình Khánh vùng Xuân Đài ngày nay, bị vây khốn tứ bề, không muốn bị bắt sống, Thái Tử leo lên một cây me, thắt cổ tự vẫn. Quân Chăm phần bị giết, phần phải chạy vào núi rừng sống cùng các sắc dân Raglan, Raglai, Êđê, Cờ Ho. Một cuộc diệt chủng người Chăm ngay trên vùng đất quê tôi, không một người Chăm nào còn tồn tại trên vùng đất Khánh Hòa. Ngọn đồi Bình Khánh thường thấy có ma, nên dân chúng còn đặt tên “Gò âm phủ”.
Chúa Nguyễn đem di dân vùng Bình Định, Phú Yên vào lập nghiệp ở đây. Trước nghĩa cử anh hùng, thà chết chứ không quy hàng của Thái Tử Chăm, và “Nghĩa Tử là Nghĩa Tận”, người Việt lập một đền thờ nhỏ dưới gốc cây me nơi Thái Tử Chăm tự vẫn. Đền thờ, đúng hơn là một cái am, để thờ Thái Tử, vẫn còn đến ngày nay. Bên trong am có một tượng bằng đất hình tượng của Thái tử, có cặp đèn và lư hương bằng sành.
Hình 1. Đền thờ Thái Tử Chăm
Hình 2. Vào ngày Rằm, Mồng Một dân Việt đến cúng bái
Đã hơn 330 năm từ ngày Thái Tử tự vẫn (1692), bị gió, mưa xói mòn, từ một ngọn đồi cao, nay biến thành một gò đất với đá nền lởm chởm. Một khối đá có hình dạng của một người bị mất đầu lộ lên, dân chúng cho là tượng Thái Tử Chăm, nên được đem thờ.
Ở thế kỷ 19, đền thờ Thái tử Chăm được vua Khải Định cho xây cất lớn hơn, nhưng vẫn giữ cái am nhỏ. Ngoài việc thờ Thái Tử Chăm, còn thờ Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần và Thái Tử Nguyễn Phúc Chu, thờ các Tiền Hiền lập nên Bình Khánh, và thờ Sơn Thần (Ông Cọp) (Cọp Khánh Hòa, Ma (người Chăm) Bình Thuận).
Vào năm Giáp Tuất 1994, Đền Thờ Thái Tử được dân chúng xây dựng mới, tại thôn Bình Khánh, Xã Diên Hòa, Diên Khánh, Khánh Hòa ngày nay.
Hình 3. Đền thờ Thái Tử còn có tên gọi Dinh Ông, hay Dinh Thái Tử, tọa lạc tại thôn Bình Khánh, xã Diên Hòa, huyện Diên Khánh.
Hình 4. Cổng vào Đền Thờ Thái Tử Chăm
Hình 5. Đền Thờ Thái Tử
Hình 6. Trong điện thờ, có thờ tượng đá không đầu
Trong đền thờ, các bàn thờ, cột gỗ đều sơn son thếp vàng. Có những câu đối:
Bình Khánh danh lam nguyện thần linh
Xuân Đài mỹ tục cầu thánh ứng
Dinh Ông truyền thế vạn sinh lưu
Thái tử hiễn danh y thiên tuế tại
Hàng năm, vào ngày 22 và 23 tháng 2 Âm Lịch, dân chúng làm lể cúng tế Thái Tử và lể Cầu an, có cả múa lân. Và vào lúc 12 giờ trưa ngày 23/2 AL, các vị bô lão làm lể tắm tượng thay yêm y, áo mão cho Thái Tử.
Reading, 15/2/2024
Cước chú. Xã Diên Hòa có 3 thôn: Thôn Lạc Lợi nơi tôi được sinh ra, thôn Quang Thạnh, và thôn Bình Khánh. Theo đường chim bay, thôn Lạc Lợi cách thôn Bình Khánh chỉ 2 km.
Cước chú. Xã Diên Hòa có 3 thôn: Thôn Lạc Lợi nơi tôi được sinh ra, thôn Quang Thạnh, và thôn Bình Khánh. Theo đường chim bay, thôn Lạc Lợi cách thôn Bình Khánh chỉ 2 km.