DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Nguồn gốc nông nghiệp Miồn Nam

21/6/2009

NGUỒN GỐC NÔNG NGHIỆP MIỀN NAM

Trần Đăng Hồng, Ph.D

 

Việc mở rộng lảnh thổ, hoàn cảnh lịch sử chia đôi đất nước nhiều lần kễ từ ngày lập quốc, cùng sự khác biệt địa lý giữa nhiều vùng đã tạo cho Việt Nam có 2 nguồn gốc nông nghiệp riêng biệt: nông nghiệp Miền Bắc và nông nghiệp Miền Nam.

 

Sơ lược lịch sử nam tiến và tây tiến

 
 

Bản đồ các quốc gia vào thế kỷ 11 (17)

 

Trong suốt lịch sử từ ngày lập quốc, rồi qua thời kỳ Bắc Thuộc kéo dài hàng ngàn năm, cho tới khi dành được độc lập vĩnh viễn năm 939 (Ngô Quyền), lảnh thổ Việt Nam bấy giờ gồm Bắc Việt và một phần của Bắc Trung Việt ngày nay, có ranh giới phía nam là Đèo Ngang với Chiêm Thành (xem bản đồ) (13).

Cuộc nam tiến vào đất Chiêm Thành kéo dài 710 năm, bắt đầu từ năm 982 do vua Lê Đại Hành thực hiện, và việc chiếm lảnh thổ Chiêm Thành hoàn tất vào năm 1692 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Lảnh thổ Việt Nam bấy giờ gồm Bắc Việt và Trung Việt ngày nay (13).

Di dân Việt vào đất Chiêm Thành đầu tiên là năm 982, gồm dân của Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh, là nơi đất hẹp người đông, có nền nông nghiệp nghèo nàn so với đồng bằng sông Hồng phì nhiêu. Cuộc di dân vượt qua biên giới Việt Chiêm được vua Lê Đại Hành khuyến khích. Dân Việt tiến làm ăn đến đâu, dân Chăm tránh lùi dần vào nam. Rồi từ đó, nhóm di dân này từ từ tiến vào phương nam, như vết dầu loan, khi lảnh thổ được nới rộng thêm (13).

Năm 1600, Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa (Huế) bắt đầu thiết lập cơ nghiệp độc lập với chúa Trịnh ở phương Bắc. Lảnh thổ của các Chúa Nguyễn bấy giờ gồm giải đất từ Sông Giang (Linh Giang) đến Đèo Cù Mông (nam Bình Định). Năm 1611, sau khi chiếm Phú Yên, chúa Nguyễn đưa di dân từ Quảng Nam, Bình Định và hơn 30000 tù binh Đàng Ngoài vào định cư ở Phú yên. Sau khi chiếm Khánh Hòa năm 1652, Hiền vương Nguyễn Phúc Tần đưa di dân từ Quảng Nam, Bình Định vào Khánh Hoà, rồi sau đó chúa Nguyễn lần lượt chiếm Phan Rang, Phan Thiết (1692) với di dân Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên (13).

Vì Miền Trung chật hẹp, đất nghèo, bảo lụt, mất mùa thường xuyên, đói khổ và chinh chiến liên miên trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh, nên nhiều di dân từ Miền Trung dùng thuyền vào vùng Mô Xoài (Bà Rịa) và Đồng Nai (Biên Hòa) còn hoang vu của Cao Miên khẩn đất hoang làm ruộng.

Công cuộc tây tiến chính thức bắt đầu năm 1620, nhờ ảnh hưởng của công chúa Ngọc Vạn, bấy giờ là hoàng hậu ở Cao Miên, vua Chey Chetta II cho chúa Nguyễn đặc quyền thu thuế ở vùng Đồng Nai, Mô Xoài. Di dân Việt từ miền Trung ồ ạt dùng đường biển (vì bấy giờ Chiêm Thành còn giữ Phan Rang và Phan Thiết) vào Mô Xoài (Bà Rịa) và Đồng Nai lập nghiệp. Sau khi Chiêm Thành mất (1692), di dân Việt vào nam vừa bằng đường biển vừa đường bộ. Cuộc tây tiến của Việt Nam rất ôn hòa, không đổ máu với người Miên. Lợi dụng các vua Cao Miên tranh dành quyền lực, và bảo vệ Cao Miên khỏi nanh vuốt xâm lược của Thái Lan, các vua Miên lần lượt hiến cho chúa Nguyễn một số lảnh thổ của đồng bằng Cửu Long (11, 12).

Năm 1698, lảnh thổ Việt Nam thêm vùng Miền Đông cho tới Sài Gòn, Biên Hòa. Để kiểm soát một lảnh thổ còn hoang vu quá rộng lớn, các chúa Nguyễn áp dụng một chính sách cư dân triệt để: bắt tất cả những người vô gia cư, không có tên trong sổ bộ làng xả ở miền Trung phải di cư vào đồng bằng Nam Bộ mới chiếm hay vẫn còn thuộc Cao Miên (12).

Biến cố nhà Thanh diệt nhà Minh xảy ra ở Trung Hoa (1644) lại có ảnh hưởng tốt đến việc nới rộng lảnh thổ của chúa Nguyễn. Vào năm 1679, một số cựu thần nhà Minh không chịu đầu hàng nhà Thanh, tìm cách trốn Trung hoa. Dương Ngạn Địch (Quảng Tây) và Trần Thượng Xuyên (hay Trần Tấn Tài) (Quảng Đông) dẫn 3.000 lính thuộc hạ gốc Quảng Đông và Phúc Kiến chạy tị nạn vào Đàng Trong. Vì e ngại vấn đề an ninh quốc gia, Chúa Nguyễn cho họ vào miền Đồng Nai cư trú, lúc bấy giờ còn thuộc Cao Miên. Nhóm Trần Thượng Xuyên vào lập nghiệp ở vùng Cù Lao Phố (Biên hòa), còn nhóm Dương Ngạn Địch vào vùng Mỹ Tho, bấy giờ còn thuộc Cao Miên nhưng hoang vu. Vùng Biên Hòa và Mỹ Tho trở nên trung tâm buôn bán phồn thịnh, lôi cuốn thêm người di tản Trung Hoa đến lập nghiếp thành lập nhóm Minh Hương (12).

Cũng thời đó, năm 1671 Mạc Cửu, một thương buôn người Quảng Đông, cùng với mấy trăm tùy tùng, phần đông là người Triều Châu đến định cư ở vùng Hà Tiên. Năm 1708 Mạc Cửu thần phục chúa Nguyễn Phúc Chu. Từ đó đất Hà Tiên (gồm Châu Đốc, Rạch Giá, Bạc Liêu, Cà Mau) thuộc Việt Nam (6).

Cuối cùng, vào năm 1755, vua Cao Miên Nặc Nguyên dâng Gò Công và Tân An, năm 1757 vua Nặc Thuận hiến 2 tỉnh Trà Vinh và Ba Thắc, vua Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long (An Giang) và 2 quận Tầm Đôn và Xuy Lạp (Vĩnh Long) năm 1758 (13).

Như vậy trong 138 năm tây tiến (1620 đến 1758), VN làm chủ cả vùng DBCL hiện nay (11).

 

Yếu tố lịch sử ảnh hưởng vào sự khác biệt của hai nền nông nghiệp Bắc và Nam

Việt Nam có nhiều lần nội chiến và phân chia lảnh thổ. Trong suốt 375 năm lịch sử cận đại (1600 – 1975) thì đã có ít nhất 290 năm Bắc Nam phân cách: Trịnh Nguyễn phân tranh kéo dài 170 năm (1608 – 1788), anh em Tây Sơn sau khi thống nhất cũng lại phân chia lảnh thổ kình chống nhau, kéo dài 14 năm, rồi 86 năm Pháp đô hộ (1859-1945) phân chia 3 kỳ với 3 nền cai trị khác nhau (13), rồi 20 năm phân chia nam bắc (1955-1975). Hậu quả của cuộc phân chia đất nước, nhất là trong thời gian 170 năm Trịnh Nguyễn phân tranh, hai miền phát triển theo hai chiều hướng khác nhau, từ văn hóa, phong tục, tập quán, y phục, ngôn ngữ, cho đến nông nghiệp. Trong khuôn khổ bài này, tác giả chỉ đề cập đến các ảnh hưởng vào nền nông nghiệp ở miền Nam trong thời gian kể từ Trịnh Nguyễn phân tranh (1600) đến 1975..

 

1. Ảnh hưởng của Trung Hoa

Từ thời cổ đại, cách đây trên 7.000 năm, nền nông nghiệp Trung Hoa được thành hình trong đồng bằng sông Hoàng Hà với canh tác kê (millet), chăn nuôi gia súc. Theo truyền thuyết, cách đây 5.000 năm Thần Nông hay Viêm Đế là một trong các vị vua Trung Hoa đầu tiên đã dạy dân nghề làm ruộng lúa, phát minh cái bừa, và dùng ngủ cốc để trị bịnh. Vào đời nhà Chu thì biết nuôi tằm dệt lụa. Nhờ “Con Đường Tơ Lụa” nối Đông Á với Trung Á vào thế kỷ 1 trước Công Nguyên, và hàng hải giao thương giữa Trung Đông, qua Ấn Độ, Óc Eo đến Trung Hoa, các giống ngủ cốc, nho, cỏ đinh lăng và ngựa, cũng như kỹ thuật đào kinh dẩn thủy của vùng Lưởng Hà (Mesopotamia) của Trung Đông được du nhập vào Trung Hoa. Nhờ học kỹ thuật này, Trung Hoa đào kinh Grand Canal và dẩn thủy nhập điền. Dưới đời nhà Đường  (618-907), bông vải, mía, indigo được du nhập từ Ấn Độ (1, 2).  Dưới đời nhà Tống (960-1279), giống lúa sớm Champa (lúa Chiêm) được du nhập từ Chiêm Thành, và giống đậu lentil từ Ấn Độ. Nhà vua Cheng-Tsung (Zhengzong) (988-1022) rất ngưởng mộ giống lúa Chiêm và lentil vì khả năng kháng hạn. Ông làm bài thơ ca ngợi 2 giống hoa màu du nhập này. Trước đây, người Trung Hoa chỉ biết làm ruộng nước, một mùa một năm, nay với giống lúa Chiêm, họ trồng 2 mùa/năm, và sau đó giống này được phát triển lên vùng núi cao canh tác trong ruộng bậc thang (2).

            Với hàng ngàn năm đô hộ, Việt Nam hoàn toàn nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Hoa. Sử Tàu cho biết Tích Diên làm Thái Thú quận Cửu Chân (thế kỷ thứ 1 sau Công Nguyên) dạy dân Việt cày bừa khai khẩn ruộng đất (13).

            Nông nghiệp Đồng Bằng Sông Hồng phát triển nhờ hệ thống đê sông bắt đầu thiết lập từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, có lẻ bắt chước từ hệ thống đê trong lưu vực sông Hoàng Hà của Trung Hoa. Sử Việt cũng có ghi: “Sử chép rằng Cao Biền (giữa thế kỷ thứ 9) đào sông, khơi ngòi, mở đường lộ, lập quán trọ cho khách đi đường trên khắp An Nam. Nhiều đoạn đê, nhất là đoạn đê trên vùng gần Hà Nội hiện nay được đắp để chống lụt lội” (5).

            Như vậy, trong suốt dòng lịch sử, đồng bằng sông Hồng nằm trong vòng ảnh hưởng trực tiếp của văn minh và kỹ thuật Trung Hoa, và cũng không có cơ hội tiếp xúc với các nền văn minh khác trên thế giới cho tới thời Pháp thuộc (1873, Hà Nội thất thủ lần 1). Cũng cần nhắc thêm rằng, tuy nằm trong ảnh hưởng của văn hóa và văn minh của Trung Hoa, dân Lạc Việt đã biết canh tác lúa nước trước Trung Hoa, và đã tạo nên một nền nông nghiệp riêng biệt đặc thù của Miền Bắc.  Ngược lại, miền Nam, đặc biệt Đồng Bằng Cửu Long, nằm ngoài vùng ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa và đã tiếp nhận được nhiều nền văn minh, và khoa học kỹ thuật nông nghiệp khác.

 

2. Ảnh hưởng của Chiêm Thành

Cũng có một thời Chiêm Thành nằm trong vòng đô hộ của Trung Hoa, nhưng người Chăm đã dành được độc lập từ năm 192. Chiêm Thành có một hải đội hùng mạnh trong chiến tranh dùng đánh phá Việt Nam, Trung Hoa, Indonesia, Mả Lai và đô hộ Cao Miên. Chiêm Thành vào thời đó cũng rất hùng mạnh trong ngành đánh cá biển và giao thương hàng hải. Hải tặc trên Biển Đông do người Chăm cũng là vấn đề lớn ở thế kỷ 12. Giao thương hàng hải được mở rộng tới Ấn Độ, Trung Đông và Trung Hoa (7).

Trước thế kỷ thứ 2, Bắc Chiêm (từ Đèo Ngang đến Đèo Cù Mông, Bình Định) ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa và Phật giáo Đại thừa, trong lúc Nam Chiêm (từ đèo Cù Mông đến mũi Kê Gà, Phan Thiết) theo Phật giáo Tiểu thừa. Kể từ sau thế kỷ thứ 2, các đạo sỉ Bà La Môn và thương gia Ấn Độ đến Nam Chiêm qua các hải cảng Kauthara (Khánh Hòa), Kamran (Cam Ranh) truyền bá văn minh, văn hoá, tổ chức xả hội, kỷ thuật hàng hải, buôn bán, nông nghiệp của Ấn Độ. Vào thế kỷ thứ 7 trở về sau, nhiều thuyền buôn từ Trung Đông (Iraq, Oman) có chở các nhà truyền giáo Đạo Hồi (Islam) đến Nam Chiêm nhưng mải đến thế kỷ 10, các giáo sỉ đạo Hồi từ Java vào truyền đạo thì thành công, vì đồng sắc tộc và có văn hoá tương tự (7). Nhờ việc giao lưu với Trung Đông và Ấn Độ, người Chăm đã học hỏi những kỹ thuật nông nghiệp tân tiến thời bấy giờ của Trung Đông và Ấn độ, đặc biệt du nhập các loại giống cây hoa màu của Ấn độ.

Năm 757, một tiểu vương của Nam Chiêm lật đổ vương triều Bắc Chiêm, và thống nhất đất nước. Kinh đô được dời từ Trà Kiệu (Quảng Nam) về Phan Rang. Kể từ đó, văn minh và văn hoá Ân Độ lấn sang Bắc Chiêm và đánh bật ảnh hưởng của văn minh và văn hoá Trung Hoa (7).  Như vậy, người Việt khi tiến vào đất Chiêm Thành (kể từ năm 982) thì tiếp thụ gián tiếp thêm văn minh và văn Hóa Ấn Độ và Trung Đông.

Cần nhắc lại, cách đây hơn 7.300 năm, vùng Lưởng Hà (Mesopotamia), tức đồng bằng sông Tigris và Euphrates (Iraq và Syria) của Trung Đông, là cái nôi của văn minh nông nghiệp thế giới, nông dân đã biết thâm canh, có đủ loại giống ngủ cốc đặc biệt là lúa mạch (barley), hành, tỏi, nho, củ cải, và trái bom (apple) (20). Nông dân trồng trọt hoa màu quanh năm, mặc dầu là xứ khô cằn với sa mạc bao quanh, nhờ phát minh cày gổ (wooden plow), đấp đập trên sông, đào kinh dẩn nước, và ống máng dẩn nước (aqueduct) vào đồng (20). Đập và hệ thống kinh nổi tiếng nhất là Marib Dam ở Arab Felix được thiết lập cách đây 2.700 năm. Nhờ “con đuờng tơ lụa” nối vùng Cận Đông với Á Châu (chánh là Ấn Độ và Trung Hoa), và giao thương hàng hải ở các thế kỹ đầu giữa Trung Đông tới Ấn Độ, Phù Nam, Chiêm Thành, các kỹ thuật nông nghiệp của vùng Lưởng Hà được truyền bá đến các nuớc này. Nhờ vậy, Ấn Độ đã biết đào kinh, lập hồ chứa nước có nền móng giữ nước (tank) khổng lồ để chứa nước mưa, nước tuyết tan từ Hy Mả Lạp Sơn, v.v. và có một nền nông nghiệp tân tiến cách đây trên 2.500 năm.

Canh tác lúa của Chiêm Thành rất tiến bộ, với các giống lúa ngắn ngày, không quang cảm (non-photosensitive), ít nhiệt cảm (less thermosensitive) nên có thể trồng ở xứ lạnh (như Trung quốc du nhập giống lúa Chiêm) và trồng nhiều mùa trong năm. Tài liệu Trung Hoa vào thế kỹ thứ 5 cho biết ở vùng Tam Kỳ Quãng Nam, người Chăm canh tác 2 mùa lúa/năm, gặt vào tháng 5 và tháng mười (10). Ở vùng Quãng Nam và Quãng Ngải, người Chăm thiết lập hệ thống dẩn thủy rất tinh vi với xe nước (norias) để canh tác lúa (10).

Như vậy, người Việt khi nam tiến được thừa hưởng một nền nông nghiệp và kỹ thuật nông nghiệp sẳn có và thích hợp với địa phương. Những kỹ thuật nông nghiệp hay giống hoa màu của đồng bằng sông Hồng mà họ đã có kinh nghiệm lại không thích hợp cho môi trường khô hạn, thiếu nước, lụt ngắn hạn (vài ba ngày) và đất đai không được màu mở của Miền Trung.

Một trong những thừa hưởng lớn lao nhất là những đập nước trên sông cùng với hệ thống mương đem nước vào ruộng lúa. Dọc trên các sông miền Trung, đâu đâu người Chăm cũng đắp đập mang nước vào ruộng, có những công trình lớn như đập Gio Linh ở Quảng Trị, đập Đồng Cam ở Phú Yên, đập Nha Trinh ở Phan Rang. Sử Chăm viết rằng Vua Jaya Indravarman IV  (1151-1205) ra lịnh xây nhiều đập nước, như đập Chaklin (Nha Trinh) ở Panduranga (Ninh Thuận) (7), và một đập nước ở Kauthara, tức đập nước Suối Cam mà dân Diên Khánh (Khánh hòa) xử dụng tới nay. Ngày nay còn có nhiều vết tích hệ thống mương chằng chịt do người Chăm làm trong suốt lảnh thổ vốn thuộc Chiêm Thành (10).

Cũng vấn đề đem nước sông vào ruộng, người Việt cững thừa hưởng kỹ thuật làm “Xe Nước” (Noria) của người Chăm. Xe nước cũng bắt nguồn từ Trung Đông cách đây 2.200 năm, và sau đó được truyền đến Âu Châu và Á Châu, vào Trung Hoa vào đời nhà Tống (970-1279) qua ngỏ giao thương với Ấn Độ (22).

 

 

 

Miền Trung còn sử dụng xe nước trên sông Trà Khúc (Quãng Ngải)

 

Trên sông ở vùng Quảng Nam và Quãng Ngải người Chăm đã thiết lập nhiều xe nước để dẩn thủy (10).  Nhiều mương nước từ thời Chiêm Thành được dân Việt sử dụng cho tới ngày nay (10).

Mặc dầu ở Miền Bắc cũng đã có giếng từ hơn hai ngàn năm nay (chẳng hạn giếng thành Cổ Loa ở Nghệ An nơi Trọng Thỉ nhảy xuống tự tử cách đây khoảng 2.200 năm), người Việt cũng thừa hưởng kỹ thuật đào giếng tinh vi cuả người Chăm khi nam tiến. Đó là những giếng vuông và giếng miệng tròn với đáy vuông, đáy có khung gổ lim vuông, vách là đá ong hay gạch chất lên nhau (không có trét vôi) (15). Kỹ thuật này được du nhập vào Miền Bắc ở thế kỹ 15 (16), tức là sau khi Hồ Quý Ly chiếm đất Chiêm Thành tới Quảng Ngải (năm 1404). Từ Miền Trung cho tới vùng đất cao Biên Hòa Gia Định hiện nay, người Việt còn sử dụng giếng nước với cần giuộc (hay còn gọi cần giọt). Đây là loại giếng của người Á Rập gọi là “shadouf”.
 


Shadouf và cảnh cày đất ở Ai Cập thời cổ đại với 2 con bò, giống như ở Miền Trung



 

Thừa hưởng quan trọng thứ ba là các giống lúa Chiêm (Champa rice), rất sớm (từ gieo đến gặt 100-120 ngày), không quang cảm (photo-insensitive) và ít nhiệt cảm (less thermosensitive), lại rất kháng hạn (drought tolerant) nên có thể làm 2-3 vụ lúa một năm. Giống lúa này được du nhập vào Trung Hoa (nói ở trên), và vào đồng bằng sông Hồng từ lâu đời, dùng canh tác vụ lúa Chiêm ở Miền Bắc. Hiện nay các giống lúa Chiêm còn trồng ở Quảng Nam (14). Ngoài các giống lúa, còn nhiều loại cây hoa màu khác.

Ghe bầu, chỉ có ở Miền Trung nhất là vùng Quãng Ngãi Bình Định, là thuyền đi biển rất lớn, có thể chở tới 100 tấn, cũng là di sản của người Chăm. Cái lưởi cày của Miền Trung cũng bắt nguồn từ Chiêm Thành (Đỗ Hải Minh Dohamide, liên lạc cá nhân).

 

3. Ảnh hưởng của Phù Nam và Cao Miên

Cách đây 9.000 năm, đồng bằng Cửu Long VN (ĐBCLVN) chưa được thành lập, còn là vùng biển cạn với rừng ngập mặn, mực nước biển cao hơn hiện nay 3-4 m, và bờ biển còn ở chân núi Vùng Thất Sơn (18).

Cách đây 8.000 năm, mực nước biển hạ thấp dần, phù sa từ từ lắng động trong suốt hơn 2.000 năm, rồi sau đó nước biển lại dâng cao trong suốt 1.000 năm, rừng ngập mặn bị chôn vùi bởi phù sa, đồng thời các giồng duyên hải được thành lập dọc bờ biển. Đó là những giồng duyên hải cổ từ Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, cho tới Sài Gòn hiện nay.

Cách đây 4.500 năm, nước biển lại hạ thấp, đặc biệt là trong thời gian khoảng 4.000 đến 2.700 năm trước đây, phù sa bồi đấp nhiều thêm và đồng bằng Cửu Long có hình dạng tương tự ngày nay. Hiện nay, nước biển lại dâng cao. Có lẻ cách đây 3.000 năm, chưa có con người sống ở đồng bằng Cửu Long thuộc Việt Nam vì còn là vùng nê địa gồm rừng tràm và rừng ngập mặn, thỉnh thoảng mới nổi lên vài giồng đất cao ở gần biển (giồng duyên hải).

Cách đây 2.500 năm người Nam Á Hải Đảo (Melanesien) đến định cư ở Đồng bằng Cửu Long (19), trên các giồng duyên hải ở Bến Tre. Các di chỉ khai quật cho biết người Nam Á Hải Đảo định cư ở Vĩnh Long khoảng 2.000 năm nay.

Quốc gia đầu tiên ở ĐBCL được lịch sử ghi chép là Phù Nam, tồn tại từ thế kỷ thứ 1 đến thứ 7. Sau thế kỷ này, người Cao Miên chiến thắng và tiêu diệt nước Phù Nam.

 

  

 

 




Bản đồ Phù Nam ở thế kỹ thứ 3 (19)

 

Thủ đô của Phù Nam là hải cảng trù phú Óc-eo, nay là vùng đất liền thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn (An Giang). Không ảnh chụp năm 1942, cho thấy Óc Eo có hình chử nhật, 3 km x 1.5 km, có 5 đê cao, và 4 hào rộng ở 4 cạnh, với diện tích bên trong là 450 ha (3). Như vậy, Óc Eo chính là một polder như của Hòa Lan. Văn hóa văn minh của Phù Nam, cũng như Cao Miên, thuộc văn hóa Ấn độ. Nhờ nguồn gốc hải đảo của Thái Bình Dương, người Phù Nam rành về hàng hải và có óc mạo hiểm. Ghe thuyền Phù Nam đi buôn tới Ấn Độ và Trung Hoa. Hải cảng Óc Eo nằm trên trục hàng hải quốc tế thời bấy giờ, nên ngay từ những thế kỷ đầu đã có ghe buôn từ Trung Đông, Ấn độ đến buôn bán. Những khai quật ở đây tìm thấy đồng tiền cổ của La Mả, Hy Lạp, Trung Đông, Ấn Độ và Trung Hoa. Chính nhờ giao lưu này, người Phù Nam đã học được những kỹ thuật nông nghiệp và trị thủy của Ấn Độ, của vùng Lưởng Hà, Ai Cập ở Trung Đông, để áp dụng cho vùng Cửu Long, vốn nê địa và lụt lội.

Người Phù Nam sống trên nhà sàn (19), vì là vùng đất nê địa và lủ lụt. Họ canh tác lúa, và lúa gạo là nguồn xuất cảng ra nước ngoài (19). Với nền kinh tế rất thịnh vượng nhờ lúa gạo, cá, và giao thương, người Phù Nam thiết lập nhiều hồ chứa nước nhân tạo có nền móng bằng gạch và hệ thống kinh trong vùng đồng bằng Cửu Long theo lối kiến trúc Ấn Độ (19).


 

Công trình kinh dài nhất là kinh nối hải cảng với Óc Eo chạy tới Angkor Borei dài 70 km (Bản đồ). Ngay tại Oc Eo cũng có 4 con kinh chạy chéo. Ngoài ra còn dấu vết của một số kinh khác (như thấy trong bản đồ trên).

Người Phù Nam canh tác lúa là chính. Theo sứ bộ Trung Hoa đến kinh đô Phù Nam vào thế kỷ thứ 4 thì ở Óc Eo dân canh tác 3 vụ lúa một năm (4). Muốn được vậy, Phù Nam phải có giống lúa sớm, phải có hệ thống kinh dẩn nước trong mùa khô, và hệ thống đê ngăn lụt trong mùa lủ, tức là phải có nhiều “polders” như Óc Eo.

Cao Miên tiêu diệt quốc gia Phù Nam ở thế kỷ 7 và thừa hưởng di sản kỹ thuật này. Ở vùng đồng bằng Cửu Long Việt Nam, người Miên đào nhiều kinh, chẳng hạn  hố Cái Bác từ ngọn Cái Cái tới ngọn Vàm Cỏ Tây là vết tích một con kinh do người Miên đào từ lâu (8), và hồ trử nước theo kiểu Ấn Độ. Các hồ chứa nước ngọt này tồn tại tới ngày nay như Ao Bà Om ở Trà Vinh hình vuông rộng 10 ha, Hồ Tịnh Tâm ở Sóc Trăng, để chứa nước ngọt. Có lẻ hồ nước ở thành phố Mỹ Tho cũng có nguồn gốc Miên. Vào thế kỷ 13, người Miên  đã tìm ra giống lúa và dẫn thủy nhập điền thích ứng giúp họ thâu hoạch 3 hoặc 4 vụ trong  một năm (9).

Như vậy, khi vào đất Đồng Nai và vùng Cửu Long, người Việt thừa hưởng được cái vốn nông nghiệp của Phù Nam, cọng thêm kỷ thuật nông nghiệp của người Miên, tạo nên một nền nông nghiệp đặc thù của vùng Cửu Long.

Trước nhất là kỹ thuật khai hoang ở vùng nê địa, cỏ (phần đông là lát) cao ngập đầu người. Dụng cụ thích hợp là cái phảng (có tới 5 loại phảng) với cù nèo (để gom cỏ) của người Miên, rồi sạ lúa (chứ không cày và cấy). Sau vài ba năm khi đất đã thuần thục mới cấy lúa. Vì là vùng đầm lầy lắm phèn nên phải đào mương. Ông Trịnh Hoài Đức, nhà viết sử cho triều Nguyễn, gọi việc phát cỏ này là “trảm thảo”, và cho hay là vào thời khai hoang đó, đất cày với lúa cấy thì một hộc giống chỉ cho 100 hộc lúa, trong khi đất “trảm thảo” thu về đến 300 hộc. Ngoài ra, trên loại đất giồng, cao, thiếu nước (sơn điền) thì “sạ khô”. Kỹ thuật lúa nổi, lúa sạ ở vùng ngập lụt ở Đồng Tháp, An Giang là kỹ thuật của Bangladesh được du nhập vào Cao Miên rồi Việt Nam.

Người Việt cũng thừa hưởng vô số giống lúa, giống hoa màu, và cây trái của người Miên. Giống lúa “Đồng Nai” được di dân mang về quê củ ở Miền Trung cho năng xuất cao nhất với phẩm chất ngon.

Sau khi đất đã thuần, áp dụng kỷ thuật đào mương, lên liếp lập vườn, đào một ao lớn giữ nước và nuôi cá, chung quanh khu đất làm đê bao, và ở mương nước chánh dẩn vào ao và mương có ống bộng dừa, có cửa đóng mở (bằng tay, hay nắp tự động) để điều chỉnh nước trong vườn khi thủy triều lên xuống trong sông. Đây là một loại “polder” nhỏ của mỗi gia đình, thấy khắp vùng từ Ấn Độ, Bangladesh cho tới vùng Đồng Nai, Cửu Long Việt Nam. “Polder” lớn hơn một tí là đấp đê bao ngạn quanh cù lao trên sông với cống bộng dừa điều chỉnh mực nước bên trong. Cù Lao Phố (Biên Hòa), và hầu hết các cù lao trên sông Tiền và sông Hậu thời xưa đã có đê bao này.

 

4. Ảnh hưởng của người hoa kiều Quảng Đông, Phước Kiến và Triều Châu:

Vào thế kỷ 17, biến cố di tản của các cựu tướng nhà Minh (Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên) hay thương gia (Mạc Cửu) dẫn hàng mấy ngàn tùy tùng gốc Quảng Đông, Phúc Kiến và Triều Châu, được chúa Nguyễn cho tị nạn ở Biên Hòa, Mỹ Tho, và Hà Tiên, đã có ảnh hưởng rất lớn vào sự thành hình của nông nghiệp Nam Bộ. Cù Lao Phố, rồi sau đó Chợ Lớn là trung tâm xuất cảng lúa gạo và nông phẩm khác làm khích động việc phát triển nông nghiệp. Như các ngân hàng, các thương gia Hoa kiều cho nông dân vay tiền làm mùa để bán lúa cho họ sau khi gặt. Nhóm Hoa kiều ở Mỹ Tho, và Hà Tiên, vừa làm thương mại vừa nông nghiệp. Đặc biệt là nhóm Triều Châu (người Tiều) chuyên trồng rau cải (người miền Nam gọi là “làm rẩy”, khác với từ “làm rẩy” ở miền Trung).  Người Tiều mang theo các giống rau như tỏi, hành, hẹ, cải tùa sại, cải cúc (tàng ô), đậu que (haricot vert), v.v. và họ lập nghiệp quanh các nơi thị tứ ở đồng bằng Cửu Long để cung cấp rau đậu cho các chợ. Kỹ thuật un nóng đất (để diệt tuyến trùng), bón phân tôm, xác mắm của người Tiều được phổ biến rộng rải. Người Miên thì làm ổ cho dơi ngủ để lấy phân dơi cung cấp.

 

5. Ảnh hưởng của người Pháp

Nam Bộ là thuộc địa của Pháp trong gần 90 năm, là nơi nông nghiệp được khai thác triệt để, cung cấp tài nguyên và tài chánh cho mẩu quốc. Canh tác lúa là chánh ở đồng bằng Cửu Long. Phải nói rằng, nền nông nghiệp Nam Bộ khởi sắc kể từ khi Ông Paul Doumer làm Toàn Quyền năm 1897. Ông Doumer xác định “Đông Dương sẽ mở nhiều đường tiêu thụ cho kỹ nghệ và thương nghiệp Pháp, sẽ đón chờ những tài năng trí tuệ của tư bản Pháp. Đông Dưong sẽ nuôi được quân đội và hải quân Pháp, do đó Đông Dương sẽ mang lại cho nước Pháp một căn cứ kinh tế và chính trị vững mạnh ở Viễn Đông” (5). Vì vậy, người Pháp xây dựng và phát triển hạ tầng cơ sở trước tiên gồm bến cảng, giao thông đường bộ (làm quốc lộ, tỉnh lộ, xây cầu..), giao thông đường thủy (đào kinh, vét nạo lòng sông..) và đường xe lửa  khắp Việt Nam. Đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho hoàn tất năm 1886, và dự trù tới Nam Vang, để phát triển kinh tế Nam Bộ, chính yếu là lúa gạo.

Cái di sản hữu ích nhất mà Paul Doumer để lại ở Nam Bộ trong tất cả kế hoạch xây dựng của ông là những công trình về thủy lợi nông nghiệp, chủ yếu là việc đào kênh, khơi ngòi và đắp đê (5).

Đào kinh: Đến năm 1929, tổng số chiều dài kinh đào được 1.664 km (9).

Gia tăng diện tich canh tác gấp 4 lần trong vòng 60 năm: từ 600.000 ha ruộng và 90.000 ha vườn tược và hoa màu  phụ (dừa, cau, thuốc, mía, bắp...) năm 1873, tăng lên 2.440.000 ha ruộng, 170.000 ha trồng bắp, mía, dừa, thuốc, đậu... (trong số này kể luôn 87.000 ha trồng cây cao su), và 12.000 đến 15.000 ha vườn cây ăn  trái năm 1929 (9).

Sản xuất lúa qua diện tích lớn của đồn điền (ví dụ đồn điền Cờ Đỏ Thới Lai ở Cần Thơ).

Cơ giới hóa một số khâu như cày đất, bơm nước.

Bắt đầu sử dụng phân bón hóa học.

Ảnh hưởng quan trọng khác là thành lập Cục Túc Mể để nghiên cứu lúa gạo, đồng thời đào tạo chuyên viên nông nghiệp qua việc thiết lập trường dạy nông nghiệp ở Nam Bộ, như Trường Nông Chính Lai Khê (cho cao su) và Trường Nông Chính Xà No, Cần Thơ (tiền thân của trường Nông Lâm Súc Cần Thơ).

 

6. Ảnh hưởng của Hoa Kỳ, đồng minh và nhiều cơ quan quốc tế

Kể từ 1954, Miền Nam gia nhập các cơ quan nông nghiệp quốc tế như Lương Nông Quốc Tế (FAO), IRRI (lúa gạo), CIMMYT (lúa mì, bắp), CIAT (nông nghiệp nhiệt đới), ICRISAT (bán khô hạn), v.v., đồng thời nhận được nhiều viện trợ của USAID (Hoa Kỳ), Pháp, Úc, Nhật, Đài Loan nên có ảnh hưởng rất lớn trong nông nghiệp Miền Nam. Sau đây là một vài ảnh hưởng điển hình:

            Cơ giới hóa nông nghiệp từ sửa soạn đất (máy cày lớn, cày tay), dẩn thủy (máy bơm), thâu hoạch (máy đập lúa) và sau thâu hoạch (mấy sấy). Chẳng hạn, riêng một xả nhỏ Phú Tâm ở Sóc Trăng có tới 30 máy cày John Deer vào năm 1972, chưa kể các máy xới nhỏ như Kubota.

            Thâm canh qua sử dụng phân hóa học, thuốc diệt côn trùng.

            Gia tăng số vụ canh tác lúa từ 1 vụ/năm trước kia thành 2-3 vụ lúa/năm nhờ du nhập giống lúa sớm cao năng (như Thần Nông , nhờ hệ thống thủy nông tốt, nên năng xuất gia tăng trên 10-12 tấn lúa/ha/năm, thay vì 3 tấn lúa/ha/năm trước kia. Ngoài ra, còn du nhập nhiều giống hoa màu khác như bắp (Guatemala golden, bắp ngọt, v.v), sorghum, đậu nành, dưa hấu (như sugar baby), rau cải, v.v.

            Về chăn nuôi thì áp dụng nông trại chăn nuôi sản xuất lớn, máy ấp trứng lớn với vài ngàn trứng, du nhập nhiều dòng heo tốt (như Yorkshire, Duroc, v.v.) và vô số dòng gà lai, v.v.

 

Kết luận:

Sự phát triển nông nghiệp ở Miền Nam, nhất là vùng Nam Bộ, hoàn toàn độc lập với nền nông nghiệp Miền Bắc. Ngoài lý do khác biệt địa lý và khí hậu, chính lịch sử phân chia Nam Bắc gần 300 năm đã tạo 2 nền nông nghiệp phát triển độc lập với nhau. Miền Bắc chịu ảnh hưởng của văn minh và kỹ thuật Trung Hoa, và sau này thêm khối xã hội chủ nghĩa, trong lúc Miền Nam thừa hưởng được nền nông nghiệp tiến bộ của Chiêm Thành, Phù Nam, Cao Miên, mà các quốc gia này chịu ảnh hưởng của văn minh, văn hóa và kỹ thuật Ấn Độ, bắt nguồn từ các nền văn minh cổ đại của vùng Lưởng Hà. Đồng thời Miền Nam cũng du nhập sớm hơn các tiến bộ về khoa học nông nghiệp hiện đại của các nước Âu Mỹ.

 

Anh Quốc, 6/2009

Trần Đăng Hồng, Ph.D.



Cảm tạ: Tác giả cám ơn GS Tôn Thất Trình (USA) và GS Thái Công Tụng (Canada) đã xem trước bản thảo và cho các ý kiến quý báu. Tác giả cũng cám ơn Ông Dohamide Đỗ Hải Minh (USA), dân tộc Chăm, tác giả “Bangsa Champa” đã giúp một số tài liệu liên quan.

 

Tài liệu tham khảo

 

  1. Ainslee Thomas Embree, Carol Gluck. Asia in Western and World history, page 839): http://books.google.co.uk/books?id=VZ1UHX-L8jgC&pg=PA839&lpg=PA839&dq=Agriculture+of+Champa&source=bl&ots=DRx8bx5Ybl&sig=Pmy9lEARZjm-_ThtnhWXTvj7q6g&hl=en&ei=nqATSvaXNZTEsAaCutT-CA&sa=X&oi=book_result&ct=result&resnum=1
  2. Arnold Pacey. Technology in World Civilization. http://books.google.co.uk/books?id=X7e8rHL1lf4C&pg=PA5&lpg=PA5&dq=Agriculture+of+Champa&source=bl&ots=240JO8a8DB&sig=e17TNjTQQJh9ykVtrSoALwZVi2w&hl=en&ei=nqATSvaXNZTEsAaCutT-CA&sa=X&oi=book_result&ct=result&resnum=10#PPA7,M
  3. Charles Higham. The archaeology of Mainland Southeast Asia. Page: 249-250. http://books.google.co.uk/books?id=J1a09jmF_28C&pg=PA249&lpg=PA249&dq=Oc+Eo&source=bl&ots=p4HJK0LuR-&sig=FBdQUAAG3e0GpdN0JbvsXuj00SM&hl=en&ei=isUSSvqSKpXVjAfL4OGTCQ&sa=X&oi=book_result&ct=result&resnum=10#PPA249,M1
  4. Dougald J. W. O'Reilly. Early civilizations of South East Asia. Page 95. http://books.google.co.uk/books?id=eyHTschgg50C&pg=PA97&lpg=PA97&dq=Oc+Eo&source=bl&ots=PtyFnyFySS&sig=Ic44qmxE6xnInjW1rH2P0zQFd60&hl=en&ei=JMISSrzINZXVjAfL4OGTCQ&sa=X&oi=book_result&ct=result&resnum=5#PPA95,M1
  5. Lê Mạnh Hùng. Nhìn lại Sử Việt (quyển 1 đã xuất bản, phần sau chưa xuất bản). Tổ hợp xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2007.
  6. Nguyễn Hửu Phước. Mạc Cửu và chúa Nguyễn, Dòng Việt số 22.
  7. Nguyễn Văn Huy (2005). Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam. www.thongluan.org
  8. Nguyễn Hiến Lê (1954). Bảy ngày trong đồng Tháp Mười. http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn0n4nqntn31n343tq83a3q3m3237n1n
  9. Sơn Nam. Lịch sử khẩn hoang Miền Nam.
  10. Tâm Quách-Langlet (1987). The Geographical Setting of Ancient Champa. In: Proceedings of the seminar on Champa : held at the University of Copenhagen on May 23, 1987.
  11. Tôn Thất Trình. Tiến trào quan niệm di dân, dinh điền Nam tiến Việt Nam và tổ chức nông xã tập thể quốc phòng Israel (Do Thái). Dòng Việt số 17.
  12. Trần Gia Phụng. Đường về phương Nam. Dòng Việt số 17.
  13. Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược.
  14. Trần Văn Đạt (2004). Tiến trình phát triển sản xuất lúa gạo tại Việt Nam từ thời nguyên thủy đến hiện tại. Nhà xuất bản Nông Nghiệp.
  15. Vô danh. Bí mật về 80 giếng cổ khung gổ lim ở Hội An. http://dantri.com.vn/c20/s20-326496/bi-mat-ve-80-gieng-co-khung-go-lim-o-hoi-an.htm
  16. Vô danh. Giếng quê gột mái tóc xanh. http://www.thiennhien.net/news/179/ARTICLE/8633/2009-05-16.html
  17. Wikipedia. Champa. http://en.wikipedia.org/wiki/Champa
  18. Wikipedia. Đồng bằng Cửu Long. http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%93ng_b%E1%BA%B1ng_s%C3%B4ng_C%E1%BB%ADu_Long
  19. Wikipedia. Funan. http://en.wikipedia.org/wiki/Funan
  20. Wikipedia. Mesopotamia.  http://en.wikipedia.org/wiki/Mesopotamia#Agriculture
  21. Wikipedia. Oc Eo. http://en.wikipedia.org/wiki/Oc_Eo
  22. Wikipedia. Noria. http://en.wikipedia.org/wiki/Noria