Tìm hiểu loài ong - Phần 3
28/6/2015
Phần 3. NGUY CƠ THẢM HỌA Ở LOÀI ONG
Kể từ sau 2006, các nhà nuôi ong ở Pennsylvania Hoa Kỳ nhận thấy hàng loạt ong thợ bỗng nhiên bị biến mất, các ổ ong trở nên vắng lặng, thiếu vắng ong bay ra bay vào chỉ trong vài ngày, mà cũng không thấy xác ong chết gần đó. Hiện tượng tan đàn bỏ ổ bất thường này được đặt tên CCD (Colony Collapse Disorder). Kể từ đó, hàng năm các nhà nuôi ong mật mất khoảng một nửa số ổ ong, có nơi mất tới 90%. Các nhà khoa học đang đi tìm lý do hiện tượng CCD ở loài ong. Sau đây là những nguyên nhân chánh.
Sự biến đổi đột ngột khí hậu có thể là một lý do, nhưng không là một yếu tố quyết định. Mặc dầu loài ong thích khí hậu ôn hòa tương tự như vùng Địa Trung Hải, nhưng ong có khả năng thích ứng rộng rải từ nhiệt độ lạnh của ôn đới đến nóng của sa mạc, từ đồng bằng đến núi cao 3200 m. Tại nước Anh, ong được nuôi ở miền nam ấm áp, tuy nhiên năm nào có mùa đông quá lạnh, ong có thể chết nhiều.
Thiếu nguồn phấn hoa. Việc phá rừng quy mô hiện nay gây nên sự nghèo nàn đa dạng sinh học, mà loài ong sống trên phấn hoa và mật nhụy của một số cây thích hợp. Việc biến đất rừng thành độc canh trồng ngủ cốc (như lúa, v.v.), cỏ hòa bảng là những loại thực vật mà loài ong không đến thăm viếng. Tàn khốc hơn, việc phá rừng ngập mặn, rừng tràm đễ lập ao nuôi tôm cá làm mất hoàn toàn nguồn thảo mộc có nhụy phấn và mật cho loài ong.
Chí ký sinh Varroa (Varroa destructor mite). Là một loài chí sống ký sinh trên thân ong mật Apis cerana và Apis mellifera. Bệnh do loài chí này gây ra mang tên varroosis. Loài chí Varroa destructor chỉ sinh sản trong tập đoàn ong, bám trên lưng ong và hút máu, rồi truyền các loại bịnh virus (như virus DWV làm biến dạng cánh – Deformed Wing Virus; virus IADV, v.v.) làm hư hại hệ thống miễn nhiễm và gây dịch chết hàng loạt đàn ong, là một yếu tố góp phần vào hội chứng tan đàn ong CCD ở Ontario (Canada) và Hawaii (Mỹ).
Năm 1987 chí Varroa truyền qua Hoa Kỳ, đến Anh quốc năm 1992, và New Zealand năm 2000. Tới hiện nay, chỉ còn Australia là chưa bị chí Varroa phá hại.
Hình 1. Chí Varroa destructor
Chí ký sinh đường thở (tracheal mite). Chí Acarapis woodi sống ký sinh bên trong đường hô hấp làm nghẹt thở, ong thiếu oxy, làm mất khả năng bay, chỉ bò loanh quanh ổ ong. Vì vậy, ổ ong thiếu ong thợ bay đi hút mật, làm giảm số lượng mật sản xuất. Chí ký sinh đường hô hấp thấy ở Texas, Louisiana, Florida, Dakota, New York năm 1984. Riêng Australia, New Zealand, Scandinavia, và Canada chưa bị nhiễm loại ký sinh này.
Hình 2. Chí Acarapis woodi sống bên trong ống hô hấp
Bọ ổ ong (Small hive beetle, Aethina tumida). Bọ Aethina tumida nguồn gốc vùng bán sa mạc Sahara Phi Châu, lan nhiễm đến Hoa Kỳ năm 1996, đến Australia năm 2002, Canada năm 2002, và Phi Luật Tân. Bọ sống bên trong ổ ong. Bọ cái đẻ vô số trứng, nở ra ấu trùng. Ấu trùng ăn hạt phấn và mật, tranh dành thức ăn của ấu trùng ong, phá kiến trúc của ổ ong. Nếu ổ ong bị nhiễm bọ nặng, đàn ong bỏ ổ và tan đàn CCD.
Hình 3. Bọ Aethina tumida
Bịnh virus ở ong. Có khoảng 22 loại virus gây bịnh cho loài ong mật. Quan trọng nhất gây triệu chứng tan đàn ong CCD là:
- Israel acute paralysis virus (IAPV) có thể là một yếu tố gây ổ ong tan đàn CCD.
- Kashmir bee virus (KBV) gây bịnh cho nhiều loài ong, nhất là ong mật Âu châu Apis mellifera, trên ong trưởng thành cũng như ấu trùng. Ong trưởng thành chết trong vòng vài ngày sau khi nhiễm bịnh. KBV kết hợp với chí ký sinh Varroa destructor là nguyên nhân của việc tan đàn ong CCD.
- Virus gây cánh biến dạng (Deformed wing virus, DWV). Virus này sống tiềm ẩn trong loài chí ký sinh Varroa destructor, ấu trùng nhiễm bịnh phát triển không có cánh hay cánh biến dạng.
ình 4. Ong có cánh biến dạng do virus DWV
European foulbrood (EFB) là bịnh do vi trùng Melissococcus plutonius gây bệnh trên ấu trùng ong, vi trùng ăn chất bổ dưỡng bên trong thân ấu trùng, làm ấu trùng ốm yếu và chết. Bệnh EFB thường xảy ra khi nguồn mật nhụy của hoa trở nên hiếm hoi và rời rạc, hay trong ổ có ít số ong chăm sóc mang mật nuôi ấu trùng.
Bịnh kiết lỵ (Disentery). Bình thường ong bài tiết trong lúc bay đi tìm nguồn phấn hoa và mật. Vì một lý do gì đó, chẳng hạn như ăn phải thực phẩm chứa nhiều chất khó tiêu, hay thời tiết lạnh dưới 10 °C trong 2-3 tuần cả đàn ong không bay ra ngoài để bài tiết được, chúng bài tiết ngay trong ổ ong, làm cả ổ ong bị ô nhiễm, mất vệ sinh, sinh bệnh, ong chết và tan đàn.
Thuốc diệt sâu bọ bảo vệ mùa màng (Pesticides, insecticides) là nguyên do quan trọng nhất trong việc hủy hoại đàn ong. Hầu hết các loại thuốc hóa học giết côn trùng tác hại mùa màng cũng giết luôn các loài côn trùng hữu ích, ong mật cũng như loài ong khác, chim và động vật có vú. Ong có thể bay xa 5 km, đến vùng vừa mới phun thuốc diệt côn trùng, hay mang về ổ phấn và mật đã nhiễm thuốc độc, và vì vậy cả đàn ong bị đầu độc.
Một loại thuốc diệt sâu bọ mới, mang tên neonics - viết tắt chữ neonicotinoids, ra đời trong cuối thập niên 1980s bởi Shell và đầu 1990s bởi hảng Bayer. Đây là một loại thuốc mới, có công thức hóa học tương tự chất nicotine trích từ thuốc lá. Thuốc tấn công vào hệ thần kinh, làm côn trùng bất động rồi chết. Nhóm neonics gồm rất nhiều loại thuốc, quan trọng là imidacloprid, acetamiprid, clothianidin, dinotefuran, nithiazine, thiacloprid và thiamethoxam. Imidacloprid là loại thuốc diệt sâu bảo vệ mùa màng được xử dụng nhiều nhất thế giới. So với các loại thuốc organophosphate (như parathion, malathion, diazinon, v.v.) và carbamate thì neonicotinoids ít độc cho chim và động vật có vú. Là loại thuốc lưu dẫn, độc tố tồn trữ lâu dài trong mạch nhựa nên rất hữu hiệu giết côn trùng chích hút nhựa cây (như rầy, bọ xít), sống trong thân cây (như sâu đục ống stem borer), côn trùng trong đất. Imidacloprid có thể pha với nước để tưới vào gốc cây, hay phun lên lá.
Thông thường các loại hóa chất diệt côn trùng thường được phun thẳng lên cây để bảo vệ mùa màng, giết côn trùng tác hại đồng thời cũng tiêu diệt các côn trùng hữu ích khác. Để tránh tác hại này, thuốc neonics bao bọc chung quanh hạt trước khi gieo, thuốc lưu dẫn trong mạch nhựa sau khi cây mọc, và giết côn trùng nào sống trong cây (sâu đục thân, đục trái) và côn trùng ăn lá (các loại sâu) hay chích vào lá (rầy), nên ít độc hại cho các côn trùng hữu ích khác. Tuy nhiên, phấn hoa và mật nhụy, nguồn thức ăn của ong, cũng chứa chất độc của thuốc.
Vào năm 2013, Hoa kỳ xử dụng neonics khoảng 95% cho bắp, cải dầu canola, bông vải, sorghum, cải đường và khoảng 50% đậu nành. Cũng xử dụng rộng rải trên rau cải và cây ăn trái.
Chỉ một năm sau khi xử dụng neonics, các nhà nuôi ong ở Pháp nhận thấy số lượng ong bị giảm, các cuộc nghiên cứu khoa học bắt tay điều tra, và báo chí khơi động hâm nóng sự liên hệ giữa triệu chứng tan đàn bỏ ổ CCD ở ong với thuốc neonics.
Từ năm 2008, xử dụng thuốc neonics được kiểm soát chặt chẽ ở Đức vì nhiều nghiên cứu cho biết có sự liên hệ giữa neonics và hiện tượng tan đàn CCD, cũng như giảm số chim vì thiếu côn trùng làm thực phẩm. Năm 2013, cộng đồng Âu châu cấm xử dụng một số thuốc neonics như imidacloprid, thiamethoxam và clothianidin trên các hoa màu là nguồn phấn hoa của ong kể cả cải dầu và bắp.
Tranh luận chung quanh vấn đề neonics và hiện tượng tan đàn CCD.
Nhóm chống đối thuốc neonics đa số là các nhà bảo vệ môi trường và báo chí cho rằng xử dụng thuốc diệt sâu bọ neonics vẫn là nguyên nhân của sụt giảm các loài ong và tan đàn của các ổ ong mật trên khắp thế giới. Ngược lại, các nhà khoa học làm nghiên cứu cho rằng neonics tác hại rất ít lên môi sinh và sinh vật so với các loại thuốc như DDT hay organophosphate hay carbamate, nếu biết cách xử dụng cùng với các biện pháp ngăn ngừa.
Hình 5. Biểu tình chống xử dụng thuốc diệt sâu neonics trước nhà Quốc Hội Anh tháng 4/2013
Các nghiên cứu ở Đại học Sussex ở Brighton (UK) của TS Francis Ratnieks, một chuyên gia về ong, cho thấy không có bằng chứng rõ ràng giữa sự liên hệ xử dụng neonics và suy giảm số lượng ong. Chẳng hạng, theo Hình 6 thuốc neonicotinoids xử dụng gia tăng đáng kể trong thời gian 2006 – 2011, nhưng sự giảm sút số lượng ong hàng năm không đáng kể. Cũng trong hình này, yếu tố khí hậu quan trọng hơn vì ong chết trong mùa đông giá lạnh xảy ra rất nhiều, nhưng sau đó gia tăng trở lại vào mùa hè. Ngoài ra chưa kể đến các yếu tố khác như bịnh và ký sinh cũng ảnh hưởng tới.
Hình 6. Chưa có bằng chứng rõ rệt giữa neonics và số đàn ong bị sút giảm
Tuy nhiên, có 2 nghiên cứu khoa học chứng tỏ sự tác hại của neonics vào sinh lý con ong. Trước lập luận của phe ủng hộ neonics cho rằng dầu neonics có thể giết ong khi tiếp xúc trực tiếp với thuốc, nhưng với biện pháp bao bọc thuốc quanh hạt giống, chỉ có côn trùng nào chích vào thân lá cây trong vòng 1-2 tuần sau khi cây mọc mới chết. Ngược lại, ong đến lấy phấn hoa lúc cây có hoa rộ, tức khoảng 40 ngày sau khi gieo hạt, thì nồng độ thuốc trong nhựa lá đã bị phân hủy cả rồi nên không còn độc cho ong hay côn trùng chích khác. Tuy nhiên, phân tích hạt phấn và mật nhụy cho thấy độc tố vẫn còn tích tụ trong các bộ phận này với nồng độ rất thấp, không đủ lượng để giết con ong, nhưng có thể còn ảnh hưởng đến sức khỏe con ong, nhất là hệ thần kinh.
Năm 2012, TS Mickaël Henry, chuyên gia về Ong ở Học Viện Quốc Gia Nghiên Cứu Nông Nghiệp tại Avignon (Pháp), và cộng sự làm một thí nghiệm với 653 con ong. Nhóm ông mang các con ong này đến 1 vị trí cách xa ổ ong 1 km. Các con ong đều được gắn bộ phận điện tử cực nhỏ để theo dõi đường bay về ổ. Chia ong làm 2 nhóm, một nhóm cho ăn phấn hoa và nước đường bình thường làm nhóm dẫn chứng, nhóm ong kia cho ăn phần hoa và nước đường có nhiễm thuốc thiamethoxam với nồng độ thấp dưới nồng độ làm ong chết. Kết quả cho thấy nhóm ong dẫn chứng bay về ổ bình thường, còn nhóm cho ăn nước đường với thiamethoxam thì không biết hướng bay về ổ, và cuối cùng chết ở nơi khác ví lạc đường. Nhóm ông kết luận là thuốc neonics, dầu rất loảng, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh định vị việc bay, và giết con ong một cách gián tiếp.
Một thứ nghiệm thứ hai do TS Dave Goulson thuộc University of Sterling (UK) thực hiện trên ong bầu Bombus terrestris vào năm 2012. Khác với ong chúa của ong mật sống được nhiều năm (từ vài năm đến 8 năm), ong chúa của ổ ong bầu chỉ sống trong một năm, vì vậy ong chúa phải thay thế hàng năm. Ông dùng 75 ổ ong bầu để nghiên cứu. Trong 2 tuần, ông cho một nhóm ong bầu ăn phấn hoa và nước đường bình thường, một nhóm cho ăn y như vậy nhưng có pha thuốc imidacloprid. Sáu tuần sau, ong nhận thấy nhóm ổ ong dẫn chứng phát triển bình thường, còn nhóm ổ ong ăn thuốc thì số ong chúa sinh ra giảm 85% và ong kém khả năng đi lấy phấn và mật. Lý do là ong ăn phải imidacloprid làm giảm mất khả năng thâu hoạch phấn và mật mang về ổ nên ong chúa thiếu thực phẩm để sinh đẻ bình thường.
Nhóm nghiên cứu thuộc University of Lund ở Thụy Điển cũng cho thấy tác hại của thuốc neonics. Nghiên cứu cho thấy ong bầu lấy phấn hoa từ đám cải dầu (oil seed rape) mọc từ hạt bọc thuốc clothianidin thì sự tăng trưởng của ong thợ và ong chúa bị ngưng trệ, còn loài ong cô đơn Osmia bicornis mất khả năng làm ổ.
Tuy nhiên các nhà khoa học khác như TS Francis Ratnieks và TS Norman Carreck thuộc Đại học Sussex (UK) nghi ngờ nghiên cứu của TS Mickaël Henry (Pháp) và TS Goulson (UK) nói trên, vì cho rằng nồng độ thuốc xử dụng trong nghiên cứu không phù hợp với thực tế ngoài đồng, và phản biện rằng con ong thợ hàng ngày bay đi bay về nhiều lần để thâu hoạch một ít phấn hoa, và trong lúc bay đường xa đó con ong có khả năng làm phân hủy chất độc thành vô hại, tương tự như chuyện “bạn uống một lần cả nguyên chai whiskey, hay mỗi ngày bạn chỉ uống một hai cốc nhỏ cho tới khi hết chai rượu”.
Vì vậy, các nghiên cứu tác động của thuốc neonics thực hiện ở ngoài đồng trong các điều kiện canh tác thông thường mới cho kết quả chính xác đáng tin cậy hơn.
Trong chiều hướng đó, TS Peter Campbell, Chánh Chuyên Gia Môi Trường của công ty Syngenta của Thụy Sỉ có trụ sở tại Bracknell (UK) làm một loạt nghiên cứu ngoài đồng và chứng minh rằng thuốc neonicotinoid thiamethoxam không có ảnh hưởng tác hại tới ong bầu.
Một bài khoa học xuất bản năm 2013 do nhóm chuyên gia thuộc Syngenta tại Basel làm một nghiên cứu ngoài đồng tại Pháp kéo dài 4 năm dùng các chỉ số đo sức khỏe của ong mật, so sánh giữa nhóm ong lấy phấn hoa trên cánh đồng dẫn chứng (không có thuốc) và nhóm ong lấy phấn hoa ở cánh đồng canh tác từ hạt giống xử lý với thuốc thì thấy không có khác biệt.
Một nghiên cứu thứ hai thực hiện ngoài đồng tại Canada cũng dùng chỉ số sức khỏe để theo dõi đàn ong của 40 ổ ong, công bố kết quả năm 2014 cũng cho kết quả tương tự là không có sự khác biệt nào về sức khỏe giữa nhóm ong lấy phấn trên cánh đồng dẫn chứng và trên cánh đồng có xử lý hạt giống với clothianidin.
Tuy nhiên hai nghiên cứu này cũng bị chỉ trích vì nguồn tài trợ là từ hai công ty sản xuất thuốc Syngenta và Bayer, chứ không phải từ chánh phủ hay một cơ quan độc lập. Ngoài ra, hai nghiên cứu này cũng bị chỉ trích vì xử dụng lô nghiên cứu quá nhỏ (2 ha), vì con ong có thể bay xa tới 5 km tức ở ngoài tầm lô nghiên cứu có thuốc, để lấy phấn ở cánh đồng không có thuốc.
Một nghiên cứu lớn hơn với diện tích lô là 9 ha và tài trợ bởi chính phủ Thụy Điển và bởi vài nguồn tài trợ độc lập được thực hiện bởi Đại Học Lund (Thụy Điển) với chỉ số sức khỏe đo trên mọi loại ong bầu, ong sống đơn độc và ong mật. Kết quả cho thấy là quả thật có tác hại trên ong bầu và ong đơn độc, nhưng không có tác hại trên ong mật.
Đã 20 năm trôi qua, kể từ các cuộc tranh cải khởi xướng đầu tiên cho tới nay, vẫn chưa có một kết quả rõ ràng, và hiện vẫn tiếp tục nghiên cứu, thí nghiệm và tranh cải. Tuy nhiên, các nhà làm chánh trị, vì sức ép của dư luận và báo chí, đưa ra các biện pháp cấm xử dụng vài ba loại thuốc neonics.
Thế giới có khoảng 25 ngàn loài ong, riêng Âu châu có khoảng 2 ngàn loài, và được nghiên cứu nhiều. Hàng năm, các nhà khoa học Âu Chấu khám phá và mô tả thêm khoảng 120 loài ong mới, trong lúc hàng năm khoảng 100 đến 200 loài ong bị biến mất. Ong mật tiếp tục tan đàn và ong hoang dại cũng dần biến mất trên khắp thế giới mà vẫn chưa biết nguyên do chánh từ đâu. Thuốc diệt sâu bọ, dĩ nhiên giữ vai trò quan trọng trong sự sống còn không những loài ong mà còn vô số động vật khác như chim, động vật nhỏ sống trong đồng ruộng, v.v.
Việc tìm biện pháp cung cấp thực phẩm cho 9 tỷ dân thế giới vào năm 2050, đồng thời công tác bảo tồn sinh động thực vật toàn thế giới là hai nhiệm vụ rất đối nghịch nhau, nên đầy khó khăn và thách đố cho các nhà khoa học.
Reading, UK, tháng 6/2015
Trần Đăng Hồng, PhD