DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Thăm Lục Tỉnh qua ca dao - Phần 3

3/6/2009

THĂM LỤC TỈNH QUA CA DAO

Phần 3: Đồng Tháp

Tháp Mười – Cao Lãnh – Châu Thành – Sa Đéc – Nha Mân

 


Cô gái bán hoa trên sông Sa Đéc

 

 

Theo dòng nước ngược khi thủy triều lên, ghe chàng bềnh bồng trên sông nước Tiền Giang thơ mộng, rồi ghe chàng rẻ vào các kinh rạch để hướng về miệt Đồng Tháp Mười. Hai bên rạch toàn cây xanh với hoa ô môi đỏ rực, thỉnh thoảng chen với hoa vàng của cây tra, xa xa bên trong thấp thoáng cây mù u cao vút làm phong cảnh thêm nên thơ. Trên dòng rạch nước trong xanh biếc dập dìu các cô thôn n yêu kiều chèo ghe xuôi ngược. Vốn lảng mạn, chàng cất tiếng hò dọ dm:

Cá về chợ Vĩnh hết mong
Em về Ðồng Tháp bỏ chồng cho ai ?

Rồi tiếp theo:

Cô kia chèo lái một mình
Cho anh chèo với cho mình có đôi

 

Cô thôn n e lệ che mặt trong chiếc nón lá, vừa chèo vừa hò đáp:

Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi

Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê

 

và tự giới thiệu để chàng biết gia cảnh của mình:

Nước rong nước chảy tràn đồng

Tơ duyên sẵn có, chỉ hồng chưa se

 

Biết nàng đã có chỗ và sắp lập gia đình, chàng xoay câu chuyện để hỏi thăm về đời sống ở nơi này ra sao, vì đây là lần đầu tiên chàng đến vùng Đồng Tháp Mười.. Nàng chân thật trả lời qua câu hò:

Tháp Mười sinh nghiệp phèn chua

Hổ mây, cá sấu thi đua vẫy vùng  (hổ mây là tên một loài rắn)

 

Tháp Mười nước mặn, đồng chua     

Nửa mùa nắng cháy nửa mùa nước dâng

 

Vì vậy người phụ nữ ở đây lắm cơ cực, mùa màng luôn luôn thất bát vì phèn nổi và nắng hạn:

Cực lòng thiếp lắm chàng ôi
Kiếm nơi khuyết tịch thiếp ngồi thiếp than
Than vì cây lúa lá vàng
Nước đâu mà tưới nó hoàn như xưa
Trông trời chẳng thấy trời mưa
Lan khô huệ héo, thảm chưa hỡi trời

 

Vì làm ăn lam lũ như vậy, làm sao con gái Đồng Tháp Mười có được làn da trắng đẹp của cô gái Miệt Vườn:

Trắng da vì bởi má cưng
Đen da vì bởi lội bưng, tát bàu.

 

Còn đàn ông vùng Đồng Tháp cũng nhọc nhằn không kém:

Chiều chiều ông Lữ đi cày

Trâu tha gãy ách khoanh tay ngồi bờ.

 

ngay cả công việc nhẹ nhàng như đi câu cá cũng lắm hiểm nguy:

Chiều chiều ông Ngữ thả câu

Sấu lôi ông Ngữ cắm đầu xuống sông

 

Chiều chiều ông Lữ đi câu

Sấu cắn ông Lữ biết đâu mà tìm

          

Chiều chiều ông Lữ đi câu

Bỏ ve, bỏ chén, bỏ bầu ai mang (ông Lữ hay Ngữ là tên chung chỉ người Đồng Tháp)

 

Nàng cho chàng biết về 4 cái cực nhất ờ Đồng Tháp Mười là bùn, đỉa, nắng và muỗi mòng: “Trên trời muỗi vo như sáo thổi, dưới nước đỉa lội như bánh canh”. Thử tưởng tượng lội trong đám sình lầy toàn phèn, dưới cái ánh nắng chói chan, không có một bóng cây, không thấy một mái nhà, cả cánh đồng toàn cỏ và lác, mà dưới đó toàn rắn rít và đỉa chen chúc.

 

Nàng cho biết thêm tuy hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt trong công việc đồng áng như vậy, Đồng Tháp Mười là nơi rất phong phú cá tôm, và lúa trời mọc hoang chỉ cần đưa ghe xuồng vào thu lượm. “Lúa trời” hay “lúa ma” là giống lúa hoang dại, hạt sống hưu miên trong đất sình lầy, chờ khi có mưa mới nẩy mầm, cây lúa lớn dần theo con nước lũ dâng cao, rồi ra bông, kết hạt và chín khi nước lũ rút xuống, hạt rụng vào bùn rồi ngủ cho tới mùa mưa năm sau. Vào mùa lúa trời chín, chỉ cần đưa xuồng vào cánh đồng, dùng sào quơ lúa vào xuồng, rung hay đập nhẹ ít cái là hạt lúa rơi vào lòng xuồng. Mỗi mùa người dân chỉ thu được vài ba giạ lúa. Hạt lúa rất ngon, và thơm, nên chỉ dùng khi cúng giỗ hay thết đãi khách, làm quà đặc sản khi ra thăm bà con ở Miệt Vườn.

Ai ơi về miệt Tháp Mười

Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn

 

Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh
Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm

 

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng,
Về sông ăn cá, về giồng ăn dưa
.

 

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng,
Về bưng ăn cá, về đồng ăn cua.
Bắt cua làm mắm cho chua
Gửi về quê nội khỏi mua tốn tiền!

Rồi nàng mô tả cho người khách lạ mới quen những món ăn đặc sản của vùng Đồng Tháp như món “mắm kho” và món “cá kho”:

Muốn ăn bông súng mắm kho
Thì vô Đồng Tháp ăn no đã thèm.

 

 Muốn ăn bông súng cá kho

Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm

 

Muốn ăn bông súng mắm kho
Lén cha, lén mẹ xuống đò thăm anh

Món “cá trê nướng chấm mắm gừng” và rất nhiều món khác nữa thì ngon tuyệt vời trong bửa ăn hàng ngày của dân Đồng Tháp:

Cá trê nướng, nước mắm gừng

Canh rau tập tàng, cá bống kho tiêu

Cơm khuya, cơm sáng, cơm chiều

Cơm bao nhiêu hạt, bấy nhiêu nồng nàn

 

Biết anh thích mắm cá trèn
Nên em chịu khó bẻ thêm đọt xoài

Kèo nèo mà lại làm chua
Ăn với cá nướng chẳng thua món nào.

 

Điên điển mà đem muối chua,
Ăn cặp cá nướng đến vua cũng thèm!

 

Ngoài cá tôm ê chề, đến Đồng Tháp mà không nhậu thịt chuột, thịt rắn thì coi như chưa đến:

Cần chi cá lóc, cá trê
Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều.

 

Người Đồng Tháp, cũng như dân Lục Tỉnh khác, rất hiếu khách, khách đến nhà phải có “nhậu”:

Bắt con cá lóc nướng trui
Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa

 

Và ăn uống phải có nhiều người mới vui mới ngon:

Canh chua điên điển cá linh
Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon

 

Đồng Tháp thì lắm ao, đầm lầy, nên là nơi trú ẩn của chim. Đồng Tháp Mười nổi danh với những “láng cò”, và bông sen, bông súng có quanh năm, và cũng là nơi chim le le sinh sống. Cò thì không có thịt mà lại tanh nên không ai ăn, nhưng thịt le le thì tuyệt vời. Vì vậy, món chim le le và chè hột sen không thể thiếu trong bản thực đơn:

Thương chồng nấu cháo le le
Nấu canh bông bí, nấu chè hạt sen

 


Đồng Tháp Mười là xứ sở của sen

 

Nhờ những câu hò của nàng, chàng biết được nếp sống của người dân Đồng Tháp. Trước khi từ giả nàng, chàng không quên khen nàng có giọng hò ngọt ngào và đầy duyên dáng:

Sông sâu sóng bủa láng cò
Thương em vì bởi câu hò có duyên.

 

Và chàng bùi ngùi từ biệt, không biết còn gặp lại trên bến sông nào nữa không:

Gặp nhau còn biết trên sông bến nào?

Quang cảnh trên đường vào Tháp Mười thật hoang vắng, trời nước mênh mông, thỉnh thoảng có đàn chim kêu xao xác làm cảnh thêm buồn:

Mênh mông trời nước một màu

Nhóc nhen kêu rộ bắt xàu ruột gan.

 

Trời xanh kinh đỏ đất xanh

Đỉa bu, muỗi cắn làm anh nhớ nàng.

Bao giờ cho lúa chín vàng,
Cắt rồi anh trở về làng thăm em.

 

Và cuối cùng thì chàng đến được Tháp Mười. Đây là một gò cao dài chừng nửa cây số, hẹp chiều ngang, có nhiều cây cổ thụ hàng trăm tuổi, khác hẳn với đầm lầy lau sậy chung quanh. Gò Tháp Mười có 5 di tích: Tháp Mười, tháp Cổ Tự, mộ và đền thờ cụ Đốc Binh Kiều, gò Minh Sư, và miếu Bà Chúa Xứ.

 

Huyền thoại cho rằng hồi xưa cánh đồng này là một xứ thịnh vượng, sau bị nước dâng lên cuốn hết. Trước sau có mười ông vua trị vì, mỗi ông xây một cái tháp làm nơi an nghĩ cuối cùng; tháp ở đây của ông vua thứ mười, nên gọi là Tháp Mười.

 


Tháp Mười

 

 

Năm 1932, nhà khảo cổ Pháp Parmentier đã đi vào Đồng Tháp để tìm hiểu, đọc được những chữ Phạn khắc trên bia đá và phát giác ra ngôi tháp. Lần mò theo sử sách, người ta cho rằng Tháp Mười là một trong những ngôi tháp bằng đá do vua Jayavarman VII xây cất khắp lãnh thổ Miên để thờ thần Bà La Môn Lockecvera, là vị thần chuyên trị bệnh cho nhân loại. Bên cạnh tháp có những căn nhà sàn gỗ lợp bằng đá mỏng, bằng ngói hay bằng lá thốt lốt để người bệnh nằm dưỡng bệnh do nhân viên y tế hoàng triều coi sóc. Những ngôi tháp được xây dọc theo các con đường lớn trong nước mà ngôi nằm trong Đồng Tháp Mười, tính từ điểm xuất phát, đứng vào hàng thứ mười. Thời gian trôi qua, tất cả công trình kiến trúc của cổ nhân bị tàn phá, dãy nhà tiêu tan, chỉ còn một tượng sư tử đá và một linh phù (linga) cũng bằng đá, dưới bệ có khắc chữ Bắc Phạn ghi tên Tháp thứ mười.

 

Chàng đến viếng miếu thờ và nghiêng mình trứơc hai vị anh hùng chống Pháp Thiên Hộ Dương, tức Võ Duy Dương (1827-1866) và Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều. Hai ông lấy Đồng Tháp Mười làm căn cứ chống Tây. Thiên hộ Dương vốn người Bình Định, vào lập nghiệp ở Đồng Tháp Mười, là một nhà hào phú, bỏ cả sự nghiệp mộ được 1000 nghĩa dõng nên được chức thiên hộ. Tương truyền ông là một võ sĩ tuyệt luân, cử nổi 5 trái linh (hai tay cầm 2 trái, 2 nách kẹp 2 trái, miệng cắm một trái, mỗi trái độ 60 cân) nên được gọi là “Ngũ Linh Thiên hộ”.

 

Chàng từ giả Tháp Mười, hướng về miệt Cao Lãnh. Chàng muốn xem giống “gà đá Cao Lãnh” trong số đó có giống gà nòi “Ô Mắt Diết” mà chàng ưa thích và thưởng thức xoài Cao Lãnh nổi tiếng ở Nam Kỳ.

Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân

Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh
Vú sữa nào ngọt bằng vú sữa Cần Thơ

 

Cao Lãnh vào thời vua Gia Long mang tên “Chợ Vườn Quít”, vì nơi đây kế bên vườn quít của ông bà Đỗ Công Tường, có tục danh là Lãnh.   Ông bà là người rất hiền đức, tu hành, công minh, chính trực nên được cử làm chức “Câu đương”, giữ nhiệm vụ phân xử tố tụng trong làng. Năm 1820, dịch tả hoành hành tại làng ông, vô số người chết. Ông bà lập hương án giữa trời, cầu nguyện chết thay để dân làng khỏe mạnh. Ba ngày sau, ông bà đều chết. Dân làng bèn lập đền thờ tại vườn quít nhà Ông. Chợ mang tên “Câu Lãnh”, ghép chức vụ “Câu” với tên “Lãnh” của ông. Lâu ngày đọc thành Cao Lãnh.

 

Chàng từ giả Cao Lãnh hướng về Châu Thành. Ghe chàng ghé Chợ Gảy. Gọi là chợ, sự thật trong thập niên 1940 chỉ có mươi căn nhà dọc theo kinh. Từ trong một quán ăn, chàng thoáng nghe tiếng hò rất trong trẽo của một cô gái chèo đò:

Hò ơ Dõi dõi theo anh
Về nơi Châu thành
Coi nam thanh nữ tú
Ở chi đất này... (ờ)
Hò ơ... ở chi đất này vượn hú chim kêu

 

Đất Châu Thành anh ở
Xứ Cần Thơ nọ em về
Bấy lâu sông cận biển kề
Phân tay mai trúc dầm dề hột châu

 

Có tiếng hò đáp lại từ một cậu trai trên sông:

Bước cẳng xuống tàu, tàu khua rn rn
Tàu Nhựt Bổn lấy nước Châu Thành
Anh với em phải nói cho rành
Để anh lên xuống nhọc nhằn thân anh.

 

Chuồn chuồn bay thấp

Mưa ngập ruộng vườn

Nghe lời nói lại càng thương

Thương em, anh muốn lập vườn cưới em.

 

Một trăm con gái Thủ
Một lũ con gái chợ
Anh cũng không màng
Anh chỉ thương con gái ruộng cơ hàn nắng mưa

 

Tiếp theo là giọng hò của cô gái:

Chiếc tàu xanh đề chữ đỏ
Chiếc tàu nhỏ đề chữ Châu Thành
Gặp mặt anh đây mần lẻ không đành
(mần lẻ tức làm vợ bé)
Sợi chỉ tơ thắt ruột, sợi chỉ mành thắt gan.

Chàng buột miệng khen giọng hò của đôi thanh nam n tú vùng Đồng Tháp. Chàng đã từng đi khắp vùng Lục Tỉnh, nhưng chưa hề nghe những câu hò hay và giọng hò thanh tao lanh lãnh như vậy trong buổi chiều chạng vạng trên sông. Ông chủ quán cho chàng biết thêm là vùng Đồng Tháp rất nổi tiếng về hò của vùng Lục Tỉnh. Và ông kể một chuyện tình bi thảm cũng do tiếng hò:

 

Trong thập niên 1930, vùng này rất vắng vẻ, chỉ khoảng hơn mươi căn nhà dọc mé rạch. Một ngày đầu năm, một cặp vợ chồng trẻ chèo một chiếc xuồng tới, lên bờ tìm một miếng đất cất chòi. Họ chưa có con cái, ít giao du với ai. Hai người quen nhau rồi yêu thương đậm đà qua tiếng hò trên sông rạch. Người vợ không có sắc mà có duyên, người chồng lầm lì, ít nói và rất siêng năng. Sau 7 ngày làm việc xa nhà trong Đồng Tháp, chàng vừa về tới xóm vào lúc chạng vạng thì nghe giọng hò của đôi nam nữ trên rạch. Hai giọng hò rất thanh làm dân trong xóm chạy ra bờ rạch lắng nghe:

Hò o o ớ ớ Em đừng ham chỗ giàu sang,
ơ ơ ơ… Tuổi cao tác lớn mà trao thân vàng ơ ơ ơ…

Bên nam tiếp tục, lời có chút gay gắt quyết liệt gắn bó:
 Hò ơ ơ ớ ớ… Mù u bông trắng lá thắm nhụy vàng,
ơ ơ ơ… Anh đi khắp xứ, tơi đây mới được gặp nàng, ơ ơ ơ… thật là dễ thương ơ ơ…
Hò ơ ơ ớ ớ… Nghe giọng nàng, anh những vơ vẩn vấn vương…
Sống cùng nhau chẳng được, cho anh phải mơ màng chiêm bao…
 
Anh chồng vội vàng chạy đến xem thì thấy vợ mình đang ngồi trên sàn nhà mé rạch hò đối đáp. Chàng hồi hộp đợi … Sau ít phút đắn đo, người vợ cất tiếng:

Hò ơ ơ ớ ớ… … Lửng da trời, bay lượn con chim hồng,
Gặp nhau sao quá trễ cho tấm lòng này xót xa.
Đêm nằm em luống những thở ra,
Đôi
ta chẳng…

 
Tới tiếng “đôi ta” mắt nàng sáng lên, đắm đuối trong ánh trăng và giọng nàng hơi lơi lả… Đám đông bỗng vẹt ra, có cái gì loang loáng vút trong không, đầu thiếu phụ đã lăn trên đất, một dòng máu vọt lên. Ai nấy chạy tán loạn. Đêm hôm ấy một chòi lá cháy rực trong xóm mà không ai dám lại cứu. Sáng hôm sau, một ngôi mộ mới đắp hiện lên ngay chỗ thiếu phụ chết. Còn người chồng từ đó biệt tăm, không ai biết là đi đâu.

 

Nghe xong câu chuyện buồn, chàng thẩn thờ xuống ghe. Ghe chàng hướng về Sa Đéc, Nha Mân. Sa Đéc là một thị trấn sầm uất nhất của tỉnh Đồng Tháp, nhất là vào đêm. Gái Nha Mân nổi tiếng đẹp, có làn da trắng của gái Miệt Vườn, lại tài giỏi trong nữ công gia chánh:

Đèn nào sáng bằng đèn Sa Đéc
Gái nào đẹp bằng gái Nha Mân
Anh thả ghe câu lên xuống mấy lần
Thương em đứt ruột, nhưng tới gần lại run.

Xưa kia, Sa Đéc là đất của Cao Miên mang tên Psar-dek (nghĩa là chợ Sắt). Tên Psar-dek bắt nguồn từ một chuyện tình buồn. Chuyện rằng ngày xưa có nàng tên Psar-dek, con gái của một lãnh chúa, phải lòng một chàng trai nghèo. Phản đối mối tình này, cha nàng đã sai người trói chàng trai và thả trôi sông. Nàng Psar-dek buồn tình nên đi tu. Về sau, khi cha mất, nàng dùng tài sản của gia đình để làm việc từ thiện, tu bổ đường xá, xây cất chợ búa. Từ đó người ta gọi chợ và vùng này là Psar-dek.

 

Chàng cảm thấy không được vui trong chuyến đi thăm Đồng Tháp, vì hai cuộc tình bi thảm mà chàng nghe kể lại. Chàng nhìn dòng sông hiu quạnh, nhìn trời chập chùng mây trắng, lòng chàng nặng trĩu mối ưu tư:

Ngó lên mây bạc chín tầng,

Thấy bầy chim lạ, nửa mừng nửa lo.

 

Theo cánh chim phiêu bạc, ghe chàng bập bềnh trôi theo dòng nước hướng về miệt Vĩnh Long.

 

 

Anh Quốc, 6/2009

Nguyễn Thị Kim Thu

 

Đọc tiếp Phần 4 - Vĩnh Long, Trà Vinh.