DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Thăm Lục Tỉnh qua ca dao- Phần 1

19/5/2009

THĂM LỤC TỈNH QUA CA DAO

Phần 1. Mỹ Tho – Gò Công

 



Bờ sông Mỹ Tho
 

 

Chàng vốn dòng ăn học, hào hoa, sống chốn thị thành Sài Gòn Gia Định, với dòng máu phiêu bạt giang hồ:

 Chim buồn tình, chim bay về núi

            Cá buồn tình, cá lủi xuống sông

            Anh buồn tình, anh dạo chốn non bồng

            Dạo miền sơn nước, xuống chốn ruộng đồng mới gặp em.

 

Đó là típ người được các cô gái Miệt Vườn Lục Tỉnh ngưởng mộ và thầm mong được kết duyên:

Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ

Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu

Anh về học lấy chữ nhu (chữ nhu = chữ nho)

Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ

 

Đất Sài Gòn nam thanh, nữ tú
Cột cờ Thủ Ngữ cao rất là cao
Vì thương anh, em vàng võ má đào
Em đã tìm khắp chốn, nhưng nào thấy anh?

 

Chàng thuộc loại đa tình, đầu môi chót lưởi:

Sông Cửu Long chín cửa, hai dòng,
Người thương anh vô số, nhưng chỉ một lòng với em

Và chàng tán tỉnh nàng:

Nội trong lục tỉnh Nam Kỳ
Thấy em ăn nói nhu mì anh thương
Có mặt tui mình nói mình thương
Tui về chốn cũ mình vấn vương nơi nào?

hay:

Đồng Nai, Châu Đốc, Định Tường
Lòng anh sở mộ con gái vườn mà thôi

Nước chảy liu riu
Lục bình trôi líu ríu
Anh thấy em nhỏ xíu anh thương!

Tàu Nam Vang chạy ngang cồn cát,
Xuồng câu tôm đậu sát mé nga,
Thấy em cha yếu mẹ già
Muốn vô phụng dưỡng biết là đặng không?

Rồi chàng thề thốt:

Biển cạn, sông cạn, lòng qua không cạn

Núi lở non mòn, ngỡi bạn không quên

 

Dầu nói vậy, đã từ lâu chàng chưa về thăm người tình:

Cần Thơ là tỉnh

 

Cao Lảnh là quê

Anh đi lục tỉnh bốn bề,
Mải lo buôn bán không về thăm em

 

Vì vậy chàng chỉ hỏi thăm nàng qua thư từ:

Cách một khúc sông kêu rằng cách thủy
Sài gòn xa, chợ Mỹ không xa
Gởi thơ thăm hết mọi nhà
Trước thăm phụ mẫu sau là thăm em

 

Và nhắn nhủ với nàng:

Cúc mọc bờ sông kêu là cúc thủy,
Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa.
Chồng gần không lấy, em lấy chồng xa.
Mai sau cha yếu mẹ già
Chén cơm đôi đũa, bộ kỷ trà ai dâng

 

Tuy vậy, chàng hứa hẹn đẩy đưa, sẽ có một ngày về Lục Tỉnh (1) thăm nàng:

Chẻ tre bện sáo cho dày
Ngăn ngang sông Mỹ, có ngày gặp em

 

Còn nàng thì ngày ngày ra bến sông, ngóng đợi người tình:

Ghe ai đỏ mủi xanh lường

Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em?

 

Trước những lời thôi thúc của nàng, cuối cùng chàng quyết định về Lục Tỉnh thăm nàng. Ngày xưa, đường bộ đi Lục Tỉnh rất khó khăn, không có cầu bắt qua sông rạch, lại lắm truông nguy hiểm:

Ai về Giồng Dứa (2) qua truông 

Gió đưa bông sậy, dạ buồn nhớ ai

 

Kễ từ tháng 5 năm 1886, có thể đi Lục Tỉnh bằng xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho tại nhà ga xe lửa ở trước chợ Bến Thành:

Mười giờ xe lửa nhỏ bỏ chợ Bến Thành,
Xúp lê kia dạo thổi, bộ hành xôn xao.

 

Tuy nhiên, phương tiện thông thường và lý thú nhất vẫn là ghe thuyền trên hệ thống sông rạch Đồng Nai nối liền với Sông Tiền, sông Hậu. Chàng bắt đầu khởi hành bằng ghe ở Sông Sài Gòn:

            Sông Sài Gòn chạy dài Chợ Củ

Nước mênh mông nước lũ phù sa

 

Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định Đồng Nai thì về

 

Thất Sơn ai đắp mà cao
Sông Tiền, sông Hậu ai đào mà sâu

 

 

Suốt cuộc hành trinh, đâu đâu cũng:

Sông Tiền sông Hậu cùng nguồn
Thuyền bè tấp nập bán buôn dập dìu.

 

Không có gì lý thú bằng đi ghe thuyền trên sóng nước:

Gió lên rồi căng buồm cho sướng

Gác chèo lên ta nướng khô khoai

Nhậu cho tiêu hết mấy chai

Bỏ ghe nghiêng ngửa không ai chống chèo.

 

và:

Đường rừng có bốn cái vui

Lúc chống, lúc lạo, lúc bơi, lúc chèo

 

Ngoài ra, trên dòng sông thơ mộng, chàng còn có thể tán tỉnh bao cô gái miệt vườn:

Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi

Kẻo khúc sông này bờ bụi tối tăm.

 

Cô gái miệt vườn cũng không vừa:

Ghe anh mỏng ván, bóng láng nhẹ chèo
Xin anh bớt mái, nương lèo đợi em

Cơ hội tán tỉnh đã đến:

Gíó thổi lao xao khúc sông nào sóng nấy

            Thuyền em đi giữa dòng anh thấy anh thương

                                                           

            Khúc sông chật hẹp khôn tuỳ

            Lo cho thân bậu sá gì thân qua

 

Gặp nhiều cô gái miệt vườn xinh đẹp, chàng thoáng có ý nghĩ:

Sông Tiền cá lội huyên thiên

Lòng anh muốn bắt con cá lội riêng một mình

 

Cầm tay em như ăn bì nem gỏi cuốn

Dựa lưng em như uống chén rượu ngon

Thà rằng chẳng biết cho đừng

Biết ra dan díu nửa chừng lại thôi

Con sông bên lở bên bồi

Một con cá lội mấy người buông câu

 

Và chàng thả hồn mơ mộng đến cô gái Tiền Giang:

Gió lao xao thổi vào mái lá

Như ru tình cô gái Tiền Giang

 

Thời gian thơ mộng lửng lờ trôi như dòng nước chảy, ghe chàng đến vùng Bến Lức:

Thủ Thiêm, Thủ Đức, Bến Lức, Thủ Đoàn,

Anh phải lòng nàng tại Thủ Chiến Sai  (3)

 

Nơi Bến Lức có sông Vàm Cỏ nước xanh trong vắt, chàng chạnh lòng:

Sông Vàm Cỏ nước trong thấy đáy
Dòng Cửu Long xuôi chảy dịu dàng
Ai về Mỹ Thuận Tiền Giang
Có thương nhớ gã đánh đàn năm xưa.

 

Mặc dầu đầy thơ mộng, sông Vàm Cỏ rất nguy hiểm cho ghe thuyền ở đoạn Vàm Bao Ngược

Thứ nhất Vàm Nao, thứ nhì Bao Ngược.

 

Một là sang ngang Bao Ngược,

Hai là vượt sông Vàm Tuần (4)

Anh đi ghe lúa Gò Công,

Trở về Bao Ngược bị dông đứt buồm.

Đứt buồm nước chảy có cuồn,

Anh đi qua đó dựng buồm chạy luôn.

 

Sông Tra (5) thả ra Bao Ngược, sợ gặp sóng thần

Vịnh Xã Kiểng đến Vàm Tuần, sợ thần Hà Bá.

 

Bến Lức, Long An là quê hương của các giống lúa có gạo thơm ngon:

            Đi đâu cũng nhớ quê mình

            Nhớ cầu Bến Lức, nhớ chình gạo thơm

           

Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai

Ai về xin nhớ cho ai theo cùng

 

Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai

Hết củi đã có Tân Sài chở vô!

 

Cám ơn hạt lúa nàng co

Nợ nần trả hết, lại no tấm lòng

 

Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi

Gạo thơm Nàng Quốc em nuôi mẹ già

 

Ngoài lúa gạo còn có nhiều nông phẩm khác:

Xa nhìn sương bạc mờ mờ

Tân An làng nọ dân nhờ bắp khoai

 

Bây giờ ghe chàng đã gần tới Mỹ Tho:

Rạch Gầm Xoài Mút tăm tăm

Xê xuống chút nữa tới vàm Mỹ tho

 

“Mỹ Tho Đại Phố” là thành phố cổ nhất của miền Lục Tỉnh, được thành lập năm 1623 do Dương Ngạn Địch, một tướng Tàu tị nạn chạy trốn Mản Thanh và được chúa Nguyễn cho định cư ở Peam Mesar thuộc Thủy Chân Lạp. Mysar phát âm theo người Miên là M’Tho, và người Việt nói trại thành Mỹ Tho.  Mỹ Tho tuy không lớn đẹp bằng Sài Gòn “Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ, Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu”, nhưng cũng không thua kém lắm:

Đèn nào cao bằng đèn Chợ Mỹ
Lộ nào kỹ bằng lộ Cần Thơ
Anh thương em lững đững lờ đờ
Tỷ như Tôn Các ngồi chờ Bạch Viên.

 

Đúng vậy, chàng đã bị thôi miên bởi cô gái Mỹ Tho vừa đẹp vừa gan dạ:

Gái Mỹ Tho mày tằm mắt phượng
Giặc đến nhà chẳng vụng quơ đao

Cô gái Mỹ Tho cũng lắm đa tình:

            Khi nào anh thấy nhớ ai

Xin về chợ Mỹ, đường dài dễ đi

Vườn xoài vườn ổi xum xê

Mặc tình anh” hái”anh đòi… em cho

 

Mỹ Tho còn nổi tiếng với cam sành, vú sửa và nấm rơm:

            Vú sữa Sầm Giang căng dáng mộng

            Nấm rơm Long Định ủ ngàn sương

 

Cam sành vú sửa Trung Lương,

Dừa xanh, dừa nước, quít đường Ba Tri


Đến Mỹ Tho mà không đến Gò Công là một điều thiếu sót. Gò Công chỉ cách Mỹ Tho 30 km, có bờ biển đẹp, là quê hương của hoàng thái hậu Từ Dủ (vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức) và Nam Phương hoàng hậu (vợ vua Bảo Đại), cũng là quê hương của Võ Tánh và Trương Công Định:

Gò Công rạch Lá nhớ nhung

Quê xưa Võ Tánh, Trương công oai hùng

Lạc loài cách bến xa sông

Gió thu hiu hắt chạnh lòng cố hương.

 

Đến Gò Công, ai chẳng bùi ngùi nhớ lại trận bảo năm Thìn (ngày 16/3/1904), gây tổn thất nhiều cho Lục Tỉnh, từ vùng biển cho tới Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc. Riêng tại Gò Công hơn 5000 người chết:

Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc bằng gió Gò Công
Thổi ngọn đông phong lạc vợ xa chồng,
Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi.

 

Gió nào độc bằng gió Gò Công
Sông nào nông bằng sông Châu Đốc

 

Năm Thìn, trời bão thình lình,

Kẻ trôi, người nổi, hai đứa mình còn đây

 

            Gặp anh đây mới biết anh còn

Hồi năm Thìn bão lụt, em khóc mòn con ngươi!


Gò Công đẹp lắm, ai chẳng si tình:

Ước chi anh như đám dừa xanh cuối sông Vàm cỏ

Như rặng trâm bầu đón gió cửa Cửu Long

Để được sống bên em giữa muôn trùng sóng vỗ

Ơi người anh yêu, người con gái Gò Công

 

Gò Công là vùng biển, giàu tôm cá với nhiều đặc sản. Mắm còng rất nổi tiếng ở Gò Công:

Gió đưa gió đẩy... về rẫy ăn còng

Về sông ăn cá... về giồng ăn dưa...

 

Ở Gò Công, rẫy là tên gọi chung của những vùng đất thấp ven kinh rạch hàng năm bị nhiểm mặn một thời gian, ngày xưa chỉ trồng được một vụ lúa mùa. Đây là quê hương của các loại còng. Mùa mưa ở Gò Công đến trể hơn các tỉnh khác trong lục tỉnh, thông thường vào thượng tuần tháng 5 dương lịch, tức tháng tư âm lịch. Theo kinh nghiệm địa phương, năm nào mưa trể, tới ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch mà không có mưa thì coi như thất bát mùa lúa năm đó:

Chừng nầy đứng bóng giữa trưa, (đã trưa)
Bớ ông chủ ruộng sao chưa xuống đồng
Mồng tám tháng tư không mưa
Bỏ cả cày bừa mà lấp lúa đi

 

Nhớ ngày mồng tám tháng tư
Chín rồng lấy nước, gió mưa âm thầm

 

Mùa mưa bắt đầu, loài còng có nhiều thức ăn nên sinh sản và mau lớn:

Bà còng đi chợ trời mưa
Cái tôm cái tép tiễn đưa bà còng

Đến đầu tháng 5 âm lịch thì còng lột vỏ để trưởng thành. Đặc biệt, ngày tết Đoan Ngọ, mùng Năm tháng Năm âm lịch, tất cả loài còng đều thay vỏ đồng loạt ở dưới các chân rạ của mùa lúa năm trước. Đây là ngày nông dân đi bắt còng để làm mắm đúng cữ ăn, mở tươm thơm ngát, hương vị không thể lẫn với bất kỳ loại mắm khác. Ngoái mắm còng lột, Gò Công còn nổi danh với món “Mắm Tôm Chà Gò Công”:

Gò Công giáp biển, nổi tiếng mắm tôm chà
Mắm tôm chua ai ai cũng chắt lưỡi hít hà
Saigon, chợ Mỹ ai mà không hay

 

Chợ Gò Công có bán đủ thứ:

Chợ nào vui bằng chợ Gò (Công)
Tôm khô, cá trung, thịt bò, thịt heo
Thật nhiều bánh ướt, bánh xèo
Bánh khô bánh nổ bánh bèo liên lu.

 

Gò Công cảnh đẹp người xinh, thế mà có kẻ nói xấu Gò Công:

Có bún nào ngon hơn bún Chợ Gạo
Có đứa nào xạo bằng thằng Út Gò Công

 

Bỏ xứ Gò Công thẳng xông chợ Mỹ
Đến chốn Sài Gòn làm đĩ nuôi thân

 

Lòng chàng phân vân, xao xuyến, ngao ngán tình đời. Chàng tiếc nuối một mối tình dang dở ở vùng đất biển:

Phượng hoàng đậu nhánh vông nem
Phải dè năm ngoái cưới em cho rồi
Ngã tư Chợ Gạo nước hồi
Tui chồng mình vợ còn chờ đợi ai

 

Chàng từ giả Gò Công, Mỹ Tho, và tiếp tục cuộc hành trình về miền Lục Tỉnh.  

 

Anh Quốc, 5/2009

Nguyễn Thị Kim-Thu

 

Đọc tiếp: Phần 2 - Bến Tre

 

Cước chú:

(1) Nam Kỳ Lục Tỉnh: Năm 1834, Nam Kỳ được vua Minh Mạng chia làm 6 tỉnh, gồm: Gia Định hay Phiên An (lỵ sở là Sài Gòn), Biên Hòa (lỵ sở Thành Biên Hòa), Định Tường (lỵ sở thành Mỹ Tho, từ Đồng Tháp đến Gò Công), Vĩnh Long (lỵ sở thành Vĩnh Long, gồm Vĩnh Long, Sa Đéc, Bến Tre, Trà Vinh), An Giang (lỵ sở là thành Châu Đốc, gồm Châu Đốc, An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng) và Hà Tiên (lỵ sở là thành Hà Tiên, gồm Rạch Giá, Bạc Liêu, Cà Mau) (xem bản đồ).

 


Bản đồ Lục Tỉnh theo ranh giới năm 1836

 

(2): Giồng Dứa thuộc Tiền Giang

(3): Đồn canh ngày xưa trên sông Tiền

(4): Một nhánh sông ở Lý Nhơn, Cần Giờ,  nối Vàm Cỏ với Sài Gòn

(5): Một nhánh sông nối Gò Công với Vàm Cỏ