DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Vui buồn đời dạy học

11/3/2012

VUI BUỒN ĐỜI DẠY HỌC
Trần-Đăng Hồng

Tôi có tổng cộng 40 năm dạy học, gồm 10 năm ở Cần Thơ và 30 năm ở Anh. Bốn năm (1964-1968) dạy chính thức (cộng với 2 năm mời giảng dạy tới 1970) ở Trung Học NLS Cần Thơ là thời gian tôi có nhiều kỹ niệm nhất.
          Sau hơn 40 năm, trở lại quê nhà, gặp lại một số cựu học sinh nay cũng trên dưới 60, mừng vui tâm sự. Khi còn dạy ở Cần Thơ, tôi vốn biết tôi là một thầy thuộc loại “khó”, học sinh đều sợ. Nhưng nay, sau hơn 40 năm, tôi mới biết là tôi còn “khó” hơn tôi đã nghĩ. Anh LVT tâm sự “Thưỡ đó, em sợ Thầy như sợ cọp”. Chị TTT nói: “Hôm nào không thuộc bài, thấy Thầy cười thì đỡ lo, còn thấy Thầy nghiêm trang thì em lo sợ quá trời”. Tôi còn nghe kể lại là có chị bình luận “Thầy khó như vậy ai dám lấy làm chồng”. Và, một bạn thân của Kim-Thu hỏi “Sau khi cưới mày, Thầy còn khó như hồi đi dạy không?”. Dĩ nhiên còn nhiều bình luận khác nữa mà tôi chưa được biết. Có một điều là học sinh thích tôi giảng dạy, dễ hiểu, biết thêm nhiều điều thích thú, mặc dầu tôi khó tánh.
          Trong đời học sinh, ai cũng trải qua vài chục thầy cô giáo. Có thầy dạy giỏi, có thầy dạy chán ngấy, học hoài không thuộc. Ở thời trung học, tôi có một ông thầy dạy môn địa lý rất hay. Vào lớp, ông chỉ vào quyển sách, bảo học bài này, rồi ông bảo tất cả cất sách, và bắt đầu giảng bài. Thế là ông nói thao thao bất tuyệt, chung quanh đề tài học hôm đó, nhưng toàn chuyện như du lịch, khoa học, tại sao như vậy, v.v. rất thích thú. Thế là đã thuộc bài. Lên Đại học, dạy bằng tiếng Pháp, một giáo sư bắt chúng tôi lật quyển sách Biology Animale dày cả ngàn trang, thế là ông đọc từng chữ, chúng tôi dò theo từng chữ, cho hết giờ. Thật là chán ngấy, không có thêm một kiến thức nào. Ngược lại, GS Tôn Thất Trình, khi dạy chúng tôi môn Nông Học, thì Thầy nói thêm những vấn đề thực tế của VN, của Châu Phi, của thế giới, có liên hệ đến bài lý thuyết đang học, nên chúng tôi rất thích thú, lắng nghe và ghi chép.
          Rút kinh nghiệm của đời học sinh, tôi phải có phương pháp giảng dạy thế nào để lôi cuốn học sinh học mà không thấy nhàm chán. Những môn tôi dạy đều là môn học nhàm chán: Nông học, Vạn Vật, Di truyền học, Khí Tượng, Lúa. Ngoài môn Vạn Vật là có sách giáo khoa, các môn kia đều là môn chưa có sách giáo khoa, tôi phải tự biên soạn lấy, theo đề tài do Nha Học Vụ đề xuất.
          Rất may cho tôi, khi đổi tên từ Trường Canh Nông Thực Hành thành Trung Học NLS Cần Thơ, Hoa Kỳ đã viện trợ cho trường Cần Thơ khá nhiều sách chuyên môn mới cập nhật, rất giá trị, và nhiều phương tiện giảng dạy như hàng 20 kính hiển vi, máy rọi hình (projector), rọi slides, máy in roneo, v.v. Các sách vở và dụng cụ này nằm im lìm trong tủ sách, bởi vì không có ai rành tiếng Anh để xử dụng. Lợi dụng các sách vở mới và dụng cụ tân tiến này, tôi xử dụng vào việc soạn bài và giảng dạy.
          Cho mỗi đề tài, tôi soạn một khung chính thành dàn bài, viết lên bảng hay in thành roneo, với các từ ngữ chuyên môn. Dựa theo dàn bài, tôi bắt đầu giảng, chậm rải, để học sinh có đủ thời gian ghi chép. Thỉnh thoảng, tôi nói thêm những kiến thức mới, hoặc chiếu rọi thêm hình ảnh để làm sáng tỏ bài học, và tôi thường đặt nhiều câu hỏi có liên quan với đề tài, để các em trả lời và cuối cùng tôi giảng. Chẳng hạn, khi học về thổ nhưỡng, tôi hỏi tại sao đất ở Cao nguyên Vn thì đỏ, mà ở các tỉnh miền Đông thì xám, mà đất ở Cần Thơ thì nhiều sét, trong khi đất bồi ven sông thì thành phần cát nhiều hơn. Tại sao đất ở Cao nguyên có trắc diện ABC, mà đất ở đồng ruộng Cần Thơ chỉ có trắc diện AC. Về Vạn vật, tôi hỏi tại sao trái non thì chát mà trái chín thì ngọt, lá non thì xanh mà là già rụng thì vàng, tại sao mùa Thu thường lá rụng?
Trong lúc tôi giảng bài, mắt tôi quét nhìn hết lớp học, xem học sinh có hiểu hay không, có chăm chú theo dõi hay không. Thấy em nào lơ đảng, tôi để bụng, không la rầy gì cả. Đến một lúc nào đó, tôi ngưng giảng, để mọi người thư giản, và tôi bắt đầu hỏi lại để xem học sinh có hiểu không. Và các em nào tôi để ý không chăm chú theo dõi bài trước đây là tôi hỏi trước tiên. Vì vậy mà các em sợ và cho tôi là “khó”.
          Về môn Vạn Vật, đã có sách giáo khoa, nên tôi giảng thêm ngoài đề tài. Xử dung máy rọi Slides và hình, tôi trình bày những hình ảnh minh họa trong các sách tiếng Anh. Để cụ thể và quan sát, tôi bắt thực hành, quan sát qua kính hiển vi, tế bào, mô, tiểu noãn, nhu mô, lục lạp, v.v.  như một sinh viên đại học. Chính nhờ vậy mà các em thích thú.
Về môn Khí Tượng là môn khó và khô khan nhất, tôi cũng cố gắng cụ thể hóa vấn đề, cho môn học thêm sống động. Về các loại mây (Cumulus, Cirrus, Cirrocumulus, v.v.) tôi dùng máy phóng ảnh lên màng ảnh những loại mây, giải thích sự liên quan giữa các loại mây và mưa bảo, rồi tôi dẫn ra sân quan sát mây trên trời. Tôi nhớ là sau bài học đó, anh Hồ Văn Diên có làm một bài thơ mô tả các loại mây. Lâu quá, tôi không còn nhớ bài thơ. Đồng bằng Cửu Long sống nhờ những con nước, nước ròng nước rong hàng ngày, mùa nước cạn, mùa nước nỗi hàng năm. Tôi cố gắng đưa môn Khí Tượng khô khan để giải thích các chu kỳ này và ứng dụng trong vấn đề dẫn thủy. Đó là những điều mới lạ mà ít ai đề cập tới thời đó.
Môn lúa gạo là môn ruột của tôi. Thời gian tôi giảng dạy Lớp Kiểm Sự Túc Mễ (Lúa Gạo) là lúc tôi đã có kinh nghiệm về cây lúa khá nhiều. Vào thời gian này, quyển sách Lúa của GS Tôn Thất Trình chưa xuất bản, nhưng GS đã cho tôi một bản thảo để giảng dạy. Ngoài việc dạy căn bản trong quyển sách bản thảo của GS Trình, tôi còn chỉ dẫn các học viên những bí quyết nghề nghiệp để nông dân kính nể, tin tưởng mình. Chẳng hạn, nhìn đám mạ biết mạ có bao nhiêu ngày tuổi, sau khi cấy được mấy ngày, ngày nào đám lúa trổ đòng, nhìn đám lúa trổ sẽ cho năng xuất bao nhiêu. Nhìn lá lúa, biết trước đây bao lâu đám ruộng thiếu nước bị khô, nhìn lá bị sâu ăn có thể đoán đó là loại sâu gì. Đó là những bí quyết mà một chuyên viên lúa gạo phải biết.
Nhờ thời gian dạy học ở Cần Thơ, tôi đã tự học rất nhiều. Tôi học từ sách vở, từ kinh nghiệm nông dân, từ quan sát tại chỗ.
Đó là thời gian làm việc đầu đời đẹp nhất của tôi, và là lý do tại sao tôi gắn bó với học sinh NLS Cần Thơ hơn các sinh viên Đại Học, mặc dầu tôi chỉ có 4 năm ở trường này.
 
Reading, 11/3/2012
Trần Đăng Hồng