Đặt tên con
Lên mạng ngày 16/2/2011
ĐẶT TÊN CON
Ai ai cũng có ít nhất một tên để mọi người biết mình. Theo luật lệ chung ở mọi đất nước, cha mẹ đặt một tên trong khai sanh cho con khi mới ra đời. Khi lớn lên, cũng có người đặt nhiều tên khác hay đổi họ với ẩn ý riêng của mình. Ngoài một tên chánh thức trên khai sanh, đứa con có thể có thêm một biệt danh (nick name) để gọi hàng ngày như “Cu Tý”, “Cu Tèo”, “Cái Hĩm”, “Bé Hai”, v.v. Ở gia đình đông con, cha mẹ mong không sinh thêm con nữa nên đặt tên “Út”, nhưng sau lại có thêm con nên phải “Út Bé”, “Út Nhỏ”, “Út Thêm”, “Út Ráng”, “Út Chót”, v.v. Khi lớn lên, cũng có người đặt thêm biệt danh cho mình, nhất là giới ca nhạc sỉ, văn sỉ, thi sỉ, v.v. Người theo Công giáo thêm tên thánh cho con khi mới sanh ra, còn người theo đạo Phật mang thêm Pháp danh khi quy y.
Ngày xưa, hay ở nhà quê bây giờ, vì tử số trẻ sơ sinh quá cao, cho là bị ma quỷ bắt, nên một số người đặt tên thật xấu xí cho con để ma quỷ chê không bắt. Vì vậy, khi tới tuổi hiểu biết, bị bạn bè chọc ghẹo với tên xấu của mình, nên phải tìm cách đổi lại cho đẹp hơn. Từ những tên “Cư”, “Cử”, “Cứ”, “Cự” ta có thể đoán đúng một phần là tên đầu tiên trong khai sanh không có dấu. Cũng với tên này không ai dám thêm dấu nặng, vì như vậy là xấc xược, chẳng lẻ để một người lớn tuổi gọi thằng nhóc con bằng “Cụ”. Thông thường, ở nhà quê cha mẹ đặt tên con với những từ nôm na, chất phát. Chỉ đọc tên ta cũng có thể đoán được một phần nguồn gốc, hay xuất xứ của người mang tên đó.
Cái tên rất quan trọng cho mỗi cá nhân. Ở các gia đình khá giả, có học thức, cha mẹ thường đặt theo ước mong tương lai tốt đẹp cho con, vì vậy chọn tên thật đẹp và có ý nghĩa. Con gái thường mang tên kép thật diễm kiều. Con trai thì có tên thật hùng dủng, mang đặc tính tốt, với tương lai sáng lạng v.v.
Mặc dầu không phải là quy luật, nhưng khi đặt tên con phải tránh một ít phiền hà gây nên.
Ngày xưa, không ai lấy tên ông bà tổ tiên bên vợ bên chồng, hay tên những vị có uy tín trong làng để đặt tên cho con mình. Lý do là khi chúng chửi lộn nhau, kêu tên nhau mà rũa, thì động đến ông bà hay hàng xóm. Xa xưa hơn nữa, nếu ai có tên của Vua, Chúa, Vợ con vua chúa là “phạm húy”, sẽ rắc rối trên đường công danh sự nghiệp. Việc chửi lộn kéo tên nhau mà rũa có lẻ cũng là nét đặc thù của văn hóa Việt. Ở phương Tây, không có chuyện “phạm húy”, cử tên, nên lấy tên ông bà đặc tên cho con, theo thứ tự gia phả như Henry I, II, III …, Louis I, II, III… Nử hoàng Elizabeth I, II, v.v. là chuyện thường tình.
Để chứng tỏ văn minh theo nếp sống tân thời, đặt tên con theo tên Tây tên Mỹ cũng phải coi chừng. Chẳng hạn với tên rất đẹp như Paul, Jacque, Marie, Henry, v.v. bạn bè có thể chọc phá khi thêm tên và nói lái hóa thành hết đẹp.
Cách nói lái, cũng là một đặc thù của ngôn ngữ Việt Nam mà các ngôn ngữ khác không có, có thể biến một tên kép, hay tên ghép với họ rất đẹp thành thô tục. Vì vậy phải tránh tên có thể nói lái, hay thêm chữ rồi nói lái thành tên xấu thô tục. Ngoài ra, cũng phải biết dung nhan của con mình thế nào để đặt tên, chẳng hạn biết con mình xấu xí, đen đúa mà đặt tên đẹp quá trái ngược với thực tế, cũng có thể là một đề tài chọc phá của bạn bè, nhất là ở tuổi “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”.
Vì vậy, khi đặt tên cho con chúng tôi rất cẩn thận, không những chọn tên đẹp có ý nghĩa cầu mong tốt đẹp, mà còn chọn tên không nói lái, không thêm chữ, v.v. để tránh cho con bị chọc phá sau này. Không ngờ tên đẹp của con hóa thành khó dễ cho việc đoàn tụ gia đình chúng tôi.
Tôi sanh cháu gái khoảng ba tháng trước biến cố tháng 4/1975. Lúc đó chiến sự đang cao điểm, mà chồng tôi đang du học ở Anh, tương đối khó liên lạc nhanh chóng. Để đặt tên cho đứa con gái sắp ra đời, tôi nhờ Ông Bà Nội cháu đặt tên. Là một nhà nho uyên thâm, ông Nội đề nghị tên Mỹ-Anh, nguyên tên là “Trần-Đăng Mỹ-Anh”. “Mỹ-Anh” có nghĩa là nước Anh tuyệt đẹp, để kỹ niệm chồng tôi đang học ở Anh khi sanh ra cháu. Vì vậy, tôi và cả bên ngoại đồng ý với tên này. Nhưng không ngờ.
Khi mọi thủ tục hành chánh hoàn tất, gồm cả việc giao nhà cửa tài sản cho chính quyền địa phương, chúng tôi được cấp giấy phép xuất ngoại theo chồng, theo cha. Thủ tục cuối cùng là lên Sài Gòn làm passport (hộ chiếu) và visa.
Cùng đi chung với tôi, cũng có một gia đình chị bạn thân, cũng ở Đại Học Cần Thơ có cùng chung hoàn cảnh y hệt chúng tôi, cũng làm Passport và Visa để đến Anh đoàn tụ cùng một chuyến máy bay.
Tại văn phòng làm thủ tục, đến lượt, tôi dắt hai con đi theo cùng với nhiều giấy tờ chứng minh và hình ảnh nhận dạng tôi và hai con thật rõ ràng. Tôi bắt đầu lo sợ vì là ải thủ tục hành chánh cuối cùng, ra đi được hay không là ở trạm này. Ông nhân viên, qua hình dạng khuôn mặt khắc khổ, với lưởng quyền cao, má hóp, miệng hô chu ra, giọng nói khó nghe, đứng gần tỏa mùi thuốc Lào nồng nặc, tôi càng thêm sợ. Ông chăm chú đọc từng hồ sơ, nhìn ảnh, rồi nhìn chúng tôi chòng chọc, rồi lật lại hồ sơ đọc một cách thong thả, như đang tìm một vết sơ hở nào trong hồ sơ.
Cuối cùng, ông ngẩng mặt nhìn tôi, rồi nhìn đứa con gái mới 4 tuổi đang đứng nép vào mình tôi vì cháu sợ người lạ. Ông nhìn vào mặt tôi rồi gằn giọng nói “Chị còn bản chất Ngụy nhiều quá. Bộ chị không biết Mỷ là thằng đế quốc xâm lược đầu sỏ, còn Anh là thằng đế quốc cướp biển, mà chị còn đặt ghép 2 tên đó cho con”. Thật là bất ngờ, tôi chưa bao giờ tiên đoán điều này sẽ xảy ra, tôi sửng sốt, vội vàng kéo mái tóc dài che dấu một phần mặt rồi nói “Thưa ông, ông Nội cháu đặt tên chứ không phải tôi”. Tôi chỉ nói được có thế, rồi cuối mặt dấu giọt nước mắt và nỗi ấm ức của mình. Cuối cùng ông xếp hồ sơ lại rồi nói thêm: “Nếu có sanh thêm con, nhớ cẩn thận lựa tên để đặt cho con nhé! Thôi được dzồi”. Thật hú vía.
Mỗi lần hai gia đình người bạn và chúng tôi gặp nhau đều nhắc lại kỹ niệm này rồi cùng cười đến tức bụng.
Reading, 2/2011
Nguyễn Thị Kim-Thu
|