DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Đồng bằng Cửu Long và tôi

1/7/2013


 

Khi đi nhận nhiệm sở đầu đời, tôi giả từ Sài Gòn vào một buổi sáng sớm cuối tháng 8 năm 1964, trên chiếc xe của Nha Học Vụ Sài Gòn đưa tôi đến trường NLS Cần Thơ. Chỉ một đoạn đường khoảng 170 cây số mà phải mất gần 8 giờ. Đây là chuyến đi Miền Tây đầu tiên của tôi. Tôi chán ngán vì mấy giờ lo sợ chờ đợi tại Cai Lậy để quốc lộ 4 được khai thông do mô và mìn gài đêm trước, rồi thêm mấy giờ nữa xe mới qua được hai cái Bắc Mỹ Thuận và Cần Thơ, trong cái nóng bức oi ả và ẩm thấp của mùa hè. Bao nhiêu niềm háo hức trước lúc khởi hành đã tiêu tan, tôi không còn thích thú gì để  ngắm cảnh, mặc dầu vùng này rất xa lạ với tôi. Đêm đầu tiên, ngũ tạm trong phòng vãng lai tiếp khách của trường, mệt nhọc và đói khát vì đến Cần Thơ trời đã tối, chưa biết quán tiệm nơi đâu ở chốn xa lạ này. Rồi phải mất mấy ngày tạm trú ở trường mới tìm được chỗ trú ngụ không mấy tiện nghi thoải mái và phải đi ăn cơm tiệm ở ngoài.

            Những ngày đầu tiên ở Cần Thơ là những ngày buồn, cô đơn và kham khổ. Chiếc xe Velo solex tôi mang theo coi bộ không thích hợp với đường lộ lắm sình trơn trợt khi mưa. Tôi chưa quen với môi trường sinh sống mới. Tôi vốn sinh ở Miền Trung khô hạn, nhiều nắng, gió với núi cao của Trường Sơn hùng vĩ, chập chùng, và biển xanh thẳm bao la. Tôi vốn quen uống nước giếng trong lành. Ở đây, mọi thứ đều khác lạ. Toàn sông rạch, đồng ruộng và vườn cây. Tôi ngài ngại khi uống nước lấy từ sông rạch. Có những buổi chiều tôi lang thang ngoài phố, dọc bến Ninh Kiều, ngồi trong quán nước, nghe văng vẳng bản nhạc “Đêm Đông” buồn não nuột, nỗi buồn của kẻ cô đơn sống xa nhà. Tôi nhớ Sài Gòn da diết.

            Trong mấy tuần đầu, tôi khá chán nản vì chưa tìm được chỗ ở có tiện nghi, phải đi ăn tiệm, và chưa quen biết ai. Nhưng rồi với thời gian, tôi quen dần với cuộc sống mới. Ở trường tôi có các đồng nghiệp mới rất chân tình như Lê Quan Hồng, Lê Hiền Lương, Nguyễn Văn Thước, Nguyễn Tấn Phúc, v.v. sẵn sàng giúp đỡ tôi sớm thích nghi trong môi trường mới.

            Lớp tôi dạy nhiều giờ nhất là Lớp Đệ Tam Canh Nông (khóa 1) và lớp Huấn Sự Nông Chính vì tôi là thầy dạy chính của hai lớp này. Phải nói là các học sinh NLS rất dễ thương và thân thiện. Nhờ các em, tôi dần dần thích nghi với cuộc sống mới, từ từ khám phá những cái đáng yêu của miềnTây Đô đầy xa lạ. Cũng phải nói thêm là nhờ chương trinh Chí Nguyện Nông Lâm Súc mà tôi càng ngày càng gắn bó thêm với Cần Thơ, không còn thấy lạc lỏng chán nản như tuần lễ đầu tiên. Các em trong Đoàn Chí Nguyện đã giúp tôi biết thêm về đời sống ở nông thôn. Tôi theo các em đến các địa điểm sinh hoạt nông thôn vào ngày cuối tuần, khi thì ở Cồn Khương, khi ở Bình Lạc Bình Thủy, khi Cái Vồn Bình Minh bên kia sông, hay các khu trồng rau đậu của người Tiều ở Đầu Sấu, hay Rạch Ngỗng. Chương trình rất thành công. Chương trình Hương Quê của Đài Phát Thanh Sài Gòn mấy lần về Cần Thơ theo thầy trò chúng tôi vào nông thôn để phỏng vấn. Rồi những năm sau, chương trình phát triển công tác đến các tỉnh xa hơn, như tới Long Xuyên, Châu Đốc hay Cao Lãnh.

            Rồi với thời gian, từ một thầy giáo của trường NLS Cần Thơ, tôi được chuyển qua giảng dạy và nghiên cứu ở Đại Học Cần Thơ, rồi sau đó kiêm nhiệm chức vụ thanh tra theo dõi chương trình lúa Thần Nông ở 16 tỉnh Miền Tây của Bộ Canh Nông. Nhờ vậy, tôi có nhiều dịp đi công tác ở khắp mọi miền ở Đồng Bằng Cửu Long. Có những ngày, ngồi trên trực thăng bay là đà thấp để quan sát những cánh đồng lúa bạt ngàn ở khu Tứ Giác Long Xuyên, hay dùng xe hơi chạy vào vùng phèn nỗi Đồng Tháp Mười còn hoang vu, hay vùng Bạc Liêu Cà Mau nhiễm mặn. Tôi cũng từng lái xe đến ven U Minh đầy nguy hiểm, lội vào vùng sâu ở Tắc Cậu để nghiên cứu canh tác khóm. Có lúc phải lội nước sâu tới đầu gối để quan sát những đám lúa bị sâu rầy, v.v. Bây giờ nghĩ lại sao lúc ấy tôi bạo gan như vậy, tôi dám vào các vùng “xôi đậu” không mấy an ninh.

Tôi có rất nhiều bạn nông dân rất chân tình ở mọi tỉnh. Tôi đã từng ngủ đêm ở nhà các bạn nông dân này. Họ thương mến tôi vì tôi cũng chân tình như họ. Nhờ những tiếp xúc đó, tôi cảm thông được những bất hạnh của người dân, hiểu được tâm tư và nguyện vọng của họ. Cuối cùng, tôi trở thành con rễ của Cần Thơ và chọn nơi này làm quê hương. Đó là những kỹ niệm đẹp nhất trong 10 năm sống và làm việc tại Cần Thơ của thời thanh niên đầy nhiệt huyết.

Xa đất nước đúng 40 năm, giờ đây tôi ao ước được về thăm lại những cảnh cũ người xưa, những người bạn nông dân, những em học trò thân thiết một thời, không biết bây giờ còn sống hay đã chết. Đất nước đã đổi thay, nhưng tình người chắc hẳn ngàn đời không thay đổi, ít ra trong tim tôi.

 

Reading, 6/2013

Trần-Đăng Hồng