DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Bông lục bình oan nghiệt

 
24/3/2012

BÔNG LỤC BÌNH OAN NGHIỆT
Nguyễn Thị Kim-Thu
 
 
Năm tôi 7 tuổi, tôi học với cô giáo Thủy-Tiên. Cô khoảng 20 tuổi, có làn da trắng mịn của cô gái miệt vườn, với suối tóc dài đen bóng mượt. Cô rất dịu hiền, ít nói, với cặp mắt u buồn. Cô có giọng hát hay, và biết đờn mandolin. Nhà cô ở khoảng giữa trên đường từ nhà tôi đến nhà nội, nhưng ở phía mé sông. Tại vùng tôi ở, những nhà nào bên này con lộ thuộc loại khá giả hay giàu có, vì có mảnh vườn cây trái khá lớn và đã định cư ở đây từ lâu đời. Ngược lại, nhà bên phía mé sông không có đất vườn. Đó là những gia đình mới tản cư đến vì chiến sự ở vùng quê. Tôi nghe lóm từ ông nội nói với Ba tôi là ba cô giáo Thủy Tiên là một điền chủ khá giả trong vườn miệt Sua Đủa. Vì chiến tranh, cả gia đình gồm hai vợ chồng và cô gái Thủy Tiên chạy đến đây lánh nạn. Ông cất một căn nhà gạch, nửa trên bờ bằng gạch, nửa dưới sông bằng cây theo lối nhà sàn. Vì sinh kế, ông làm nghề hớt tóc dạo. Ông mua một chiếc xe đạp, baggage sau xe là một hộp chứa đồ nghề hớt tóc. Từ sáng sớm, ông đạp xe hết xóm này sang xóm khác để hớt tóc. Ba tôi thường nói chuyện với ông, khi ông đến hớt tóc cho các em trai tôi. Chỉ sau vài năm đến định cư, vợ ông bệnh chết. Ông sống với con gái và cho ăn học. Khi tôi bắt đầu đi học thì cô Thủy-Tiên cũng bắt đầu làm cô giáo của trường tiểu học trong xóm tôi.
          Lớp tôi chỉ có khoảng 30 học sinh, trong đó có khoảng 10 học sinh gái, ngồi hai bàn đầu. Cô giáo ra lệnh các học trò gái thay phiên nhau đem bông đến cặm trong bình bông trên bàn cô giáo. Còn các học sinh trai thay phiên giữ vệ sinh gồm quét lớp học và chùi bảng. Nhà tôi có bụi bông trang có bông quanh năm, nên tới phiên thì tôi cặm bông trang. Đôi khi để thay đổi, tới ngày phiên, tôi chạy đến nhà nội, có nhiều thứ bông đẹp hơn, để hái cặm trang trí bàn cô. Thường trên đường về lại trường là tôi gặp cô trên đường đi dạy. Cô thường xoa đầu tôi và rất thân thiện với tôi. Thỉnh thoảng tôi thấy cô cầm vài bông lục bình, khi đến lớp cô cắm vào bình bông, và nhìn bông một cách triều mến, đôi khi tôi thấy cô lấy khăn tay vội vàng chặm che dấu nước mắt của cô. Một lần tôi hỏi cô là chắc cô thích bông lục bình lắm. Cô nhìn tôi, hơi ngượng ngùng và nói bông lục bình là tên của cô, vì người Anh nói đó là Thủy Tiên, rồi cô nói mấy chữ tiếng Anh tôi không hiểu gì cả. Sau này khi lớn lên, tôi mới biết đó là Water Hyacinth - Thủy Tiên nước - theo tiếng Anh gán cho bông lục bình.
          Sống nơi sông rạch, tôi đã quen nhìn lục bình trôi bềnh bồng trên sông. Cánh bông tím điểm vàng tuy đẹp thật nhưng đã quen mắt. Tôi chỉ thích thú nhìn những dề lục bình đầy bông trong mùa nước nỗi trôi trên sông. Có những dề to hơn chiếc chiếu quếnh cùng dây tâm bức, nỗi bềnh bồng như cái bè, trẻ con xóm tôi thường leo lên ngồi trên đó 2-3 đứa mà không chìm. Khi trôi xa, chúng nhảy ùm xuống sông rồi lội vào bờ. Ba má tôi cấm tuyệt chị em tôi trò chơi này. Ba má nói là trên các dề lục bình lớn đó thường có rắn cắn chết người, và khi nhảy xuống sông có thể bị dây tâm bức quấn chân tay, không bơi lội được mà chết đuối.
Vì vậy, khi nghe cô Thủy Tiên nói, tôi chỉ biết vậy, rồi quên lảng qua thời gian. Bắt đầu dạy được bốn tháng, thì cô trở nên ốm yếu, xanh xao, nước mắt ràng rụa trên đôi mắt thâm quần mỗi khi cắm bông lục bình vào lọ. Có những buổi cô không dạy được gì, gục xuống bàn khóc tức tưỡi. Sau đó một tháng, một cô giáo khác đến dạy lớp tôi, và từ đó không còn thấy cô đến trường. Tôi hỏi ba tôi, ba chỉ nói là cô bị bệnh nghỉ một thời gian, rồi ba nói lảng qua chuyện khác. Vì còn nhỏ tôi chẳng thắc mắc làm gì.
Tôi thỉnh thoảng gặp cô ở trong nhà, mỗi khi tôi đi ngang nhà cô trên đường đến nhà nội. Thấy tôi, cô thường vẫy tay khi tôi chào cô. Cô bây giờ ốm yếu, xanh xao. Nhưng những lần sau, cô không còn vẫy tay khi thấy tôi, mắt cô đờ đẫn thẫn thờ. Dầu bệnh nặng như vậy, trên mái tóc cô bao giờ cũng có một bông lục bình, có khi héo rũ.
Rồi bẵng một thời gian, tôi thấy cô mặc áo bà ba trắng, quần đen, cũng có một bông lục bình trên mái tóc. Cô đi lang thang, tay ôm cây đàn mandolin, miệng cô nói lẩm bẩm không ai nghe rõ được, cô dừng chân trước cổng trường, nhìn vào các lớp học, rồi sau đó cô lặng lẽ lang thang trên đường hướng về thành phố Cần Thơ. Cũng một điều lạ, là khi đến ngả ba lộ tẻ ra bờ sông, kế trường Trinh Vương, thì cô dừng lại, nhìn về hướng bờ sông, cô khóc tức tưỡi, rồi quay về. Ngày nào cũng một lộ trình như vậy.
Một buổi chiều mọi người trong xóm sững sờ khi nghe Chị Sáu Đưa Đò (nhân vật trong truyện Ông Lái Đò) cho biết là cô Thủy Tiên vừa chết trưa nay. Theo Chị Sáu kể lại, thì trưa nay Ba cô đi hớt tóc dạo, cảm thấy bồn chồn trong lòng, nên ghé về nhà. Nhà vắng vẻ, cửa mở toang. Hàng xóm cho biết là cô lội xuống mé sông. Thế là cả xóm chạy đi tìm cô, không thấy cô trên lộ trình cô đi hàng ngày, mọi người nhảy xuống sông để tìm. Mùa nước nỗi, không ai dám lặn xa. Tuy nhiên, có người ở xóm dưới chạy lên thông báo là tìm thấy xác cô, không phải dưới nước, mà trên dề lục bình đang trôi lềnh bềnh giữa sông. Một điều lạ, là cô chết ở tư thế nằm úp trên dề lục bình quấn với dây tim bức, tay đang vươn tới một chùm bông.
Vào thời đó, không có chuyện khám nghiệm tử thi người chết bất đắc kỳ tử, nên không ai biết lý do nào cô chết. Có người cho rằng cô tự tử vì bị tình phụ, có người cho rằng cô bị rắn trên dề lục bình cắn chết, v.v.
Cái chết của cô làm xúc động nhiều người, trong đó có tôi, nhưng rồi cũng vào quên lảng. Mãi nhiều năm sau, khi tôi lên trung học, ba tôi mới cho tôi biết là cô bị tình phụ. Hai người yêu thương nhau, chàng là một thanh niên con nhà giàu ở Cần Thơ. Trong xóm thường thấy hai người hẹn hò tình tự ở ven sông. Cuộc tình tan vỡ, vì gia đình chàng chê nhà nàng nghèo, và bắt chàng lấy con một nhà giàu. Cô buồn rầu và phát điên từ đó.
Có một điều tôi vẫn còn thắc mắc cho tới ngày nay. Bông lục bình có dính dáng gì đến mối tình và cái chết của cô ? Phải chăng bông lục bình bềnh bồng trên dòng sông đã được dùng làm chứng cứ cho hai người khi thề non hẹn biển?
Dòng sông kết thúc đời nàng
Hận tình tan vở suối vàng mang theo
 
Reading, 2011
Nguyễn Thị Kim-Thu