DR TRẦN-ĐĂNG HỒNG & KIM-THU
Reading, UK

Chuyện con cú mèo

 
Lên mạng ngày 18/7/2010

CHUYỆN CON CÚ MÈO
 
Nguyễn Thị Kim-Thu
 
 

 
 
Hàng năm, chúng tôi thường nhận nhiều thiệp chúc Giáng sinh và Tết Tây từ đồng nghiệp. Trong số này, thỉnh thoảng nhận vài thiệp chúc gởi đến chồng tôi, mà vừa mới mở phong bì là tôi dành lấy và quăng ngay vào xọt rác, mặc dầu đó là thiệp từ các vị giáo sư khả kính của chồng tôi. Ở phương tây phải được quý trọng thương mến lắm mới nhận được loại thiệp này: đó là hình ảnh con chim cú mèo. Tới mùa thi, người ta thường gởi nhau thiệp có in hình con cú mèo để chúc tụng. Công ty kính mắt Dollond & Aitchison, một công ty cỗ kính có lịch sử trên 260 năm, hiện diện ở mọi thành phố lớn nhỏ ở Anh, lấy hình ảnh con cú mèo có cặp mắt với hình dạng đôi kính làm bảng hiệu. Một lần khác, trong dịp mừng sinh nhật của con tôi có một món quà đẹp khá đắt tiền, trên đó in hình con cú mèo. Mặc dầu tiếc rẽ, và các con tôi phản đối, tôi vội mang cho cơ quan từ thiện. Ở phương tây, chim cú mèo là biểu tượng của sự thông minh, thông thái. Còn tôi thì khác. Nó là hình ảnh đau thương tang tóc của gia đình ba má tôi, và đã ám ảnh tôi suốt cuộc đời. Mỗi khi nghĩ đến, tôi đều lạnh xương sống với bao kỹ niệm lo sợ và đau thương.
 
Tôi là chị cả trong gia đình với tổng cộng tám anh chị em. Ba tôi là một công chức không giàu có, má tôi thì phải bận rộn với 8 đứa con mà tuổi tác chỉ cách nhau 2 hay 3 tuổi. Vì vậy, ngay từ 5 - 6 tuổi tôi đã ý thức vai trò làm chị cả của mình là phải giúp ba má tôi mọi việc trong nhà, như phụ bếp, làm sạch nhà cửa và chăm sóc các em. Tuổi càng lớn, tôi được giao nhiệm vụ quan trọng hơn, đến tuổi 12 -13 là ba má giao quyền cho tôi trong việc chăm sóc và dạy dỗ đàn em. Vì vậy, các em tôi, nhất là bốn đứa em gái, thường nghe lời tôi, thương tôi, và hễ chúng muốn cái gì từ ba má, các em thường thỏ thẻ xin tôi trước và bao giờ các em cũng được toại nguyện. Tình chị em rất khắn khít, và cho tới bây giờ, các em đã có cháu nội cháu ngoại, vẫn thương yêu, vâng lời và kính trọng tôi y như đối với ba má tôi vậy.
 
          Năm tôi 7 tuổi thí má sanh em Ngọc Dung, rồi 2 năm sau sanh em Ngọc Trầm. Ở cái tuổi này tôi đã biết bồng em đi chơi hay đút cơm đút cháo. Tôi thương các em lắm. Hễ đi học về là tôi vội vã chạy đến nựng em, rồi bồng đi chơi để má có thì giờ làm việc nhà. Lớn hơn một tí, tôi biết tắm rữa các em, dẫn các em đi chơi, tối đến thì kềm dạy học cho các em. Khi tôi đi chợ, các em thường thỏ thẻ xin tôi mua thứ này thứ nọ. Tới tuổi biết ăn mặc đẹp các em thường đến nũng nịu, xin tôi may cái áo hay cái quần. Mặc dầu rất bận việc học hành, tôi cũng thường dành thì giờ để làm em toại nguyện. Chính vì vậy mà các em rất thương yêu tôi, và tới bây giờ, khi đoàn tụ với đám con cháu, các em tôi đều nhắc đến những kỹ niệm này.
 
          Phải nói rằng em Ngọc Dung đẹp nhất trong 5 chị em gái của tôi. Làn da em trắng mịn, mủi dọc dừa, đôi mắt to và đen huyền, lông mi dài, dáng vóc cao. với mớ tóc dày và đen mướt. Hai em Ngọc Dung và Ngọc Trầm từ ngày còn nhỏ quấn quít theo tôi suốt ngày, vòi vĩnh thứ này thứ nọ. Hai đứa đều rất thông minh và học giỏi. Tôi thương các em lắm, lúc nào cũng chăm sóc các em từ ăn mặc, dẫn đi chơi, đến việc học hành.
 
          Một trưa nọ, má tôi nằm võng ru đứa em trai út mới một tuổi, má ngũ thiếp và chiêm bao thấy một bà già tóc bạc trắng xỏa tới lưng, từ ngoài đường đi xồng xộc vào nhà rồi nói với má là muốn xin một đứa con gái làm con nuôi. Má tôi trả lời là má thương các con lắm, không thể cho bà đứa nào cả. Bà già giận dữ nói nếu không cho thì bả cũng bắt đi một đứa. Thức dậy, má toát mồ hôi, kễ lại giấc chiêm bao. Ba tôi vội nạt là chuyện tào lao, đừng để tâm vào chuyện đó. Nhưng chuyện chiêm bao đã ám ảnh má tôi, nên má kễ lại với bà ngoại. Bà ngoại không nói gì cả, cũng chỉ an ủi bảo đừng nghĩ tới.
 
          Năm đó tôi 16 tuổi, em Ngọc Dung 9 tuổi. Vào buổi sáng, tôi cho em mặc bộ quần áo đẹp nhất, chiếc quần đen và cái áo trắng có thêu mà tôi đã tốn nhiều thì giờ may cho em, bởi vì ngày hôm nay em đến trường nhận phần thưởng hạng nhất của lớp Ba em học. Trưa đó em hí hững chạy tung tăng về nhà mang theo phần thưởng, khoe với ba má và chị em tôi. Ai ai cũng mừng rỡ. Tôi hứa sẽ may cho em một bộ đồ đẹp khác coi như phần thưởng của người chị cả. Em mừng lắm, khuôn mặt rạng rỡ, má ững hồng với đôi môi tươi thắm. Em quấn quít theo tôi. Tối đó, em lên cơn sốt. Nghĩ rằng em bị cảm sốt bởi dầm mưa phơi nắng, nên Ba đến tiệm thuốc bắc Thời An Hòa ở Cái Răng mua thuốc về sắc cho em uống, như thông thường từ trước đến nay. Sau gần một tuần mà bệnh em không thuyên giảm. Ám ảnh bởi giấc chiêm bao, má hối thúc ba dẫn em vào nhà thương đa khoa Cần Thơ, và em được nhập viện tức khắc. Bác sỉ cho biết là em bị thương hàn. Trong suốt 3 tuần lễ, bệnh em gia tăng, mỗi khi lên cơn sốt, em thường nói nhảm, khi thì “bà đừng có bắt con”, khi thì đếm mấy ngón tay, hoặc mân mê đếm các nang quạt giấy, ba vội dấu quạt thì em mân mê lằn chiếu, rồi nói “ba ơi, năm ngày nữa con đi xa nghe ba”, khi thì “Ba ơi, Ba nhớ mang cho con cái khăn mới mua khi con đi nghe Ba”. Ba tôi đau lòng dỗ dành, bảo là không có đi đâu hết, phải ở nhà với ba má. Mặc dầu được bác sĩ tận tình cứu chữa, cuối cùng bác sĩ nói nhỏ với ba là vô phương chữa trị vì không có thuốc gì mới mạnh hơn để trị bệnh này. Còn nước còn tát, ba ẩm em về nhà, một mặt bà ngoại lên nhang đèn cầu khẫn suốt ngày đêm, một mặt chữa trị bằng thuốc đông y. Vừa bồng em về nhà, nửa đêm hôm đó tự nhiên có một con cú mèo bay đến đậu ngay trên nóc nhà kêu lên 3 tiếng dài lanh lãnh. Ba hoảng hồn vội mở cửa đuổi bay đi. Má tôi bật khóc, Ba an ủi nói là chim cú mèo bay đến bắt chuột ở chuồng heo nhà bên cạnh chứ chẳng có gì mà lo sợ.
          Sáng hôm sau, bà ngoại bắt tất cả chị em tôi về ở nhà ngoại, không cho đứa nào bén mảng về nhà. Chỉ có tôi là đứa lớn nhất thỉnh thoảng được phép về nhà trong chốc lát rồi phải về nhà ngoại ngay. Bây giờ em Ngọc Dung thật thảm thương, ốm chỉ còn da, khi tỉnh khi mê, lúc tỉnh thì gọi Ba, Má, gọi Chị Hai, chị Ba, tên từng đứa chị em tôi. Ba ngày sau em Ngọc Dung mất. Bà ngoại cấm tuyệt không cho đứa nào về nhà, vì ngoại tin dị đoan rằng có thể Bà Già trong giấc chiêm bao sẽ bắt thêm đứa nữa. Mặc dầu bị cấm không được phép về nhà kể từ khi em hấp hối, nhưng vì quá thương em tôi trốn về nhà, đứng ngoài hiên nhìn qua cửa sổ chỉ thấy em nằm nhắm mắt xuôi tay. Đó là hình ảnh cuối cùng của em Ngọc Dung, vẫn còn ám ảnh tôi cho tới ngày nay. Cũng từ ngày Ngọc Dung mất, bà ngoại bắt phải đổi tên em Ngọc Trầm thành Ngọc Oanh, bởi vì theo ngoại hai đứa em này suýt soát tuổi nhau, mà lại chơi thân với nhau, nên sợ hồn Ngọc Dung linh thiêng sẽ nhờ Bà Già trong mộng bắt cả Ngọc Trầm đi theo cho có cặp. Vì vậy, Ngọc Trầm chỉ là tên trong khai sanh, nhưng trong gia đình đều gọi là Ngọc Oanh.
 
          Cái chết của Ngọc Dung làm cả gia đình tôi buồn khóc cả năm trời. Tối nào cũng nghe ba má khóc rấm rứt. Buồn nhất là trong buổi ăn, không ai dám nói chuyện, chỉ nhìn chiếc ghế trống, nghẹn ngào, không nuốt nỗi chén cơm.
 
          Vì vậy, mỗi khi tôi thấy hình ảnh con cú mèo là tôi rỡn óc và rất đau buồn.
 
Reading, 7/2010
Nguyễn Thị Kim Thu